Nỗ lực kéo giảm tội phạm truy nã
Để thực hiện mục tiêu trên, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Kế hoạch tổng truy bắt, vận động, thanh loại đối tượng truy nã, thời gian thực hiện từ ngày 20/6/2024 đến ngày 20/12/2024. Sau hơn 2 tháng ra quân, các đơn vị Công an trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã bắt giữ 19 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đã lẩn trốn lâu năm.
Thượng tá Lê Xuân Tố - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang còn 118 đối tượng truy nã, trong đó có 79 đối tượng truy nã đang lẩn trốn trong nước và 39 đối tượng đã làm thủ tục đề nghị ra quyết định truy nã quốc tế. Đáng chú ý, số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm chiếm hơn 40%, với nhiều tội danh như cố ý gây thương tích, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, đánh bạc... Đa số các đối tượng truy nã tồn đọng từ nhiều năm trước dồn lại, có những đối tượng đã trốn nã hơn 40 năm.
Sau khi gây án, đối tượng truy nã thường nhanh chóng tìm cách bỏ trốn đến vùng sâu, vùng xa, kể cả ra nước ngoài, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, che giấu tung tích, nhằm đối phó với sự phát hiện, truy bắt của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Điển hình nhất là thủ đoạn thay tên, đổi họ, thay đổi nơi ở, thay đổi cách thức liên lạc với người thân, với đồng bọn, nhằm đánh lạc hướng xác minh, truy bắt của lực lượng Công an. Từ đó, việc phát hiện, truy tìm, vận động ra đầu thú, bắt giữ đối tượng truy nã, nhất là đối tượng truy nã nguy hiểm, bỏ trốn lâu năm, gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Với phương châm hành động “không để tội phạm truy nã ở ngoài vòng pháp luật”, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp vận động, truy bắt các đối tượng truy nã, qua đó đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch cao điểm (triển khai từ ngày 20/6/2024 đến ngày 20/12/2024), chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, phối hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn lẩn trốn, đặc điểm nhận dạng của tội phạm truy nã để nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác; vận động các đối tượng ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật... Công an tỉnh Thanh Hoá cũng thành lập 2 Tiểu ban chỉ đạo tổng xác minh, truy bắt, vận động, thanh loại đối tượng truy nã gồm 66 cán bộ, chiến sĩ là những trinh sát có kinh nghiệm từ các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh do Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT và Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh làm Trưởng Tiểu ban.
Ngay sau khi thành lập, các tiểu ban đã nhanh chóng họp bàn, phân công nhiệm vụ và tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiến hành rà soát, nghiên cứu hồ sơ, phối hợp với tuyên truyền, vận động thuyết phục các đối tượng truy nã. Đặc biệt là tranh thủ mối quan hệ người thân, người có uy tín trong gia đình, dòng họ của đối tượng bị truy nã kêu gọi đối tượng ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Đến nay, sau hơn 2 tháng ra quân thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về tổng truy bắt, vận động, thanh loại đối tượng truy nã, lực lượng Công an tỉnh Thanh Hoá đã bắt giữ 19 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm đã lẩn trốn nhiều năm.
Điển hình, ngày 8/8/2024, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Đỗ Hiền Lương (SN 1958), trú tại xã Thiệu Hợp, Thiệu Hoá, Thanh Hoá là đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về hành vi “Giết người". Theo hồ sơ vụ án, năm 1989, xuất phát từ mâu thuẫn với người quản lý cầu phao Vồm, xã Thiệu Khánh (nay là phường Thiệu Khánh, thành phố Thanh Hóa), đối tượng Đỗ Hiền Lương đã cùng với nhiều đối tượng khác kéo sang đập phá, gây thương tích cho 10 người tại khu vực cầu phao, dẫn đến nhóm của Lương bị nhân dân xung quanh đuổi đánh. Ngay lúc này, Lương đã dùng lựu đạn ném khiến 3 người chết và 3 người bị trọng thương. Sau khi gây án, Đỗ Hiền Lương bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 13/7/1989, Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra lệnh truy nã đối với Đỗ Hiền Lương. Quá trình lẩn trốn khỏi sự truy bắt của lực lượng Công an, Đỗ Hiền Lương đã dùng nhiều thủ đoạn che giấu thân phận, thay đổi thông tin cá nhân, tạo “vỏ bọc” dưới một thân phận khác, không sử dụng giấy tờ tùy thân.
Trong thời gian này, Lương đã lập gia đình lấy vợ sinh con, làm việc ở đồng tôm, nơi vắng người qua lại, luôn cảnh giác và lẩn trốn ngay khi thấy lực lượng chức năng truy tìm. Tuy nhiên, với sự kiên trì, quyết tâm bắt giữ đối tượng truy nã về quy án, lực lượng trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa tiến hành rà soát các đối tượng truy nã trên địa bàn, cùng với áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện, đối chiếu nhân thân, lai lịch lần ra dấu vết của Đỗ Hiền Lương và bắt giữ khi Lương đang trốn tại ấp Thạnh Quới 2, xã Thanh Lộc, huyện Vĩnh Thành, TP Cần Thơ.
Là một trong những trinh sát chủ công của tiểu ban truy bắt đối tượng truy nã, Thiếu tá Nguyễn Văn Tới - Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thanh Hoá nhớ như in quá trình truy bắt đối tượng Trịnh Thị Huyền Trang (SN 1986), trú tại TP Thanh Hoá. Đây là đối tượng mang trong mình 2 lệnh truy nã (29 năm tù) của Công an tỉnh Thanh Hoá và Công an tỉnh An Giang. Cụ thể, trong thời gian hoãn chấp hành án tại Thanh Hoá do đang thời kỳ nuôi con nhỏ, Trang đã bỏ trốn vào tỉnh An Giang tiếp tục phạm thêm tội mới. Sau khi bị truy nã lần 2, Trang bỏ trốn lên TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ trú ẩn.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan Công an, hàng ngày Trang không ra khỏi nhà, cắt đứt mọi liên hệ với người thân, bạn bè, ngay cả hàng xóm cũng không ai biết mặt Trang, mọi việc đều do gã người yêu của Trang tiếp tế. Để che đậy thân phận cho Trang, gã người yêu của Trang cũng rất ma mãnh, tìm mọi cách “cắt đuôi”, khi có nghi ngờ người theo dõi.
Thiếu tá Nguyễn Văn Tới kể rằng, có những lần, gã người yêu Trang đi từ tỉnh An Giang lên TP Hồ Chí Minh nhưng 6 lần thay đổi các phương tiện di chuyển, khi về gần nơi Trang trú ngụ, hắn đi bộ từ xa, tắt các phương tiện liên lạc. Hay như lần hắn về TP Thanh Hoá nhưng đi lên đến huyện Đông Sơn, sau mới vòng lại để tránh bị theo dõi. Công an tỉnh Thanh Hoá phải cử một tổ công tác 7 đồng chí đi vào TP Hồ Chí Minh 3 lần mới bắt được đối tượng, Thiếu tá Tới cho biết thêm.
Thượng tá Lê Xuân Tố nói rằng: “Sau khi bị bắt, hầu hết các đối tượng đều hợp tác, thành khẩn khai báo với cơ quan Công an. Qua tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy, sau khi bị bắt, nhiều đối tượng cảm thấy như được giải thoát về tư tưởng, bởi bao năm dù sống ẩn dật nơi hàng cùng, ngỏ hẻm, che giấu thân phận nhưng họ luôn thấy bất an. Đối với người thân của các đối tượng truy nã, dường như họ cũng luôn mang khao khát được đoàn tụ gia đình...”. Do vậy, Cơ quan Công an đề nghị, các gia đình còn có người thân bị truy nã, nếu có manh mối, thông tin hãy mạnh dạn tuyên truyền, vận động con, em sớm đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.