Nơi tôi luyện những chiến sĩ “mình đồng, da sắt”
“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.
1.Lễ kỷ niệm gồm 2 phần: Phần lễ và Phần báo cáo kết quả huấn luyện vớicác nội dung: Duyệt đội ngũ 27 khối diễu binh, diễu hành; 10 khối diễu hành phương tiện; 1.000 CBCS thực hiện xếp hình, xếp chữ; đồng diễn, biểu diễn võ thuật (đồng diễn bài quyền dùi cui, lá chắn, bài quyền dao găm, quyền dây lưng và tay không, biểu diễn võ thuật tổng hợp kết hợp khí công, công phá). Ấn tượng nhất trong phần đồng diễn, biểu diễn, phải kể đến các nội dung võ thuật, khí công, công phá do lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) đảm nhiệm.
Đại tá Nguyễn Đức Khanh, Trưởng đoàn Đoàn CSĐN số 1 cho biết, tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ, Đoàn CSĐN số 1 được giao nhiệm vụ chủ trì, huy động 120 CBCS phối hợp 122 đồng chí thuộc Đoàn CSĐN số 2 và Đoàn CSĐN số 3 tổ chức nghiên cứu, tham mưu kịch bản biểu diễn, tổ chức nội dung huấn luyện, chuẩn bị các điều kiện cơ sở, vật chất, thao trường... đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Bộ Tư lệnh là có sự đổi mới, liên hoàn các nội dung, thể hiện rõ nét về sức mạnh, sự hiệp đồng giữa các lực lượng một cách trực quan nhất.
Theo Thiếu tá Vũ Đình Lập, Đoàn CSĐN số 1, Khối trưởng phụ trách nội dung biểu diễn võ thuật, khí công, nhiều nội dung mới so với các màn biểu diễn trước đây, như: bài tập kéo thanh lửa, kỹ thuật bật santô, bay người trên không dùng tay, chân liên tiếp công phá các mục tiêu như gỗ, ngói; các kỹ thuật cường công, đánh đối kháng dùng chân đá cong ống tuýp sắt; đập lốp xe lên bụng; nằm trên bàn chông, công phá gạch ngói, kéo xe đặc chủng S5... với mục đích rèn luyện cho CBCS sự nhanh nhẹn, lòng dũng cảm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.
Là cán bộ thuộc Đoàn CSĐN số 2 đơn vị đóng quân phía Nam được cử đi huấn luyện nội dung khí công, Thiếu tá Phạm Văn Út cho biết, đây là những nội dung mà CBCS như anh thường xuyên luyện tập mỗi ngày. "Trong không khí thi đua của toàn lực lượng hướng đến Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2, chúng tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn để phấn khởi rèn luyện tốt các nội dung mà lãnh đạo Bộ Tư lệnh và các đơn vị giao", anh bộc bạch bằng giọng miền Nam đặc trưng.
Công tác huấn luyện trải qua 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 từ tháng 1/2024 đang quen thời tiết nắng nóng, lúc ra Thủ đô trở lạnh đột ngột khiến nhiều CBCS cảm sốt. Tuy nhiên, những người lính đặc nhiệm "mình đồng da sắt" như anh nhanh chóng thích nghi, tham gia huấn luyện các nội dung vận công, điều khí, các động tác chịu lực để nâng cao sức dẻo dai của cơ thể như: đập vỡ đá trên bụng, nằm trên giá đao công phá gạch, bật cầu lửa...
Cạnh bên, Trung sỹ A Đát H' Thuỷ, người Ê Đê ở Khánh Hoà, một trong hai nữ cán bộ Đoàn CSĐN số 3, đơn vị đóng quân ở miền Trung, toát lên vẻ rắn rỏi, dạn dày sương gió khi tham gia tập luyện nội dung ngự thiết công: dùng yết hầu đẩy cong cây thương sắc nhọn; dùng yết hầu và huyệt mặt trời đẩy cong thanh sắt phi 12, sau đó đặt gạch trên lưng dùng búa công phá và vụt gậy gỗ. "Nội dung này khá mới với tôi, đòi hỏi sức chịu đựng cao khi lực tác động lên cơ thể. Thời gian đầu rất là khó khăn, bởi nếu không đúng phương pháp có thể da sẽ bị tổn thương...", A Đát H’Thuỷ tâm sự. Bởi vậy, để có được kết quả báo cáo tại Lễ kỷ niệm là sự dày công khổ luyện, kết hợp vận công, điều khí hợp lý của những người lính "mũi nhọn của mũi nhọn" để các bộ phận trọng yếu chịu được lực tác động lớn từ bên ngoài mà không gây nguy hiểm.
2.Vinh dự, tự hào góp phần làm nên thành công của Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng CSCĐ, nhiều CBCS CSĐN sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư, cuộc sống đời thường, tạm hoãn nghỉ phép để thực hiện nhiệm vụ. Đó là Thượng uý Ma Thu Trang, cán bộ Đoàn CSĐN số 1, nhà ở Ninh Bình, mặc dù có con nhỏ mới 2 tuổi nhưng chị vẫn thường trực bảo đảm quân số tại đơn vị để tập luyện theo yêu cầu.
"Hằng ngày nhớ con lắm, thương con còn nhỏ phải xa mẹ, tranh thủ ngoài giờ là mình lại gọi Facetime cho chồng để gặp con, chủ nhật hằng tuần nghỉ tập cho giãn cơ mới tranh thủ trở về Ninh Bình để gia đình đoàn tụ", nữ cán bộ chia sẻ. Tham gia nội dung cường công, công phá gậy gỗ, gạch, ngói ban đầu từng gặp chấn thương, thâm tím tay, chân, nhưng những "bông hồng thép" CSĐN không bao giờ bỏ cuộc, họ chọn khí công để nâng cao sức khoẻ, rèn luyện cơ thể thêm dẻo dai và góp sức cho ngày vui chung của toàn lực lượng CSCĐ.
Đó còn là Đại uý Mai Khắc Hiếu, quê Nghệ An, cán bộ Đoàn CSĐN số 3, vợ lâm bồn từ 28 Tết Nguyên đán Giáp Thìn nhưng anh liên tiếp làm nhiệm vụ, đến nay vẫn chưa được về thăm hai mẹ con. "Từ 20 Tết, vợ mình đã từ Đà Nẵng về Nghệ An nghỉ chờ sinh. Sau đó nhờ hai bên ông bà đưa vợ đi sinh và lo cho hai mẹ con, chứ bản thân mình trực Tết, rồi từ 23 Tết đến nay đã được trưng tập phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập. Việc tập luyện kín lịch từ thứ 2 đến thứ 7, ngày chủ nhật được nghỉ thì còn nhiều nhiệm vụ khác, cũng như tự tập luyện cho màn biểu diễn của bản thân, nên mặc dù có lịch nghỉ phép nhưng mình chưa nghỉ", anh trải lòng.
Được biết, Đại uý Mai Khắc Hiếu là một trong 3 cán bộ huấn luyện của đội võ thuật và khí công phục vụ Lễ kỷ niệm, đồng thời tham gia phục vụ đập búa công phá tất cả các nội dung và quấn dây vào người kéo xe S5. Có thâm niên 13 năm với môn khí công, gần như các kỳ cuộc lớn đều tham gia, biểu diễn ở các hội thi điều lệnh, quân sự, võ thuật... nên anh không gặp khó ở bất kỳ nội dung nào. Tuy nhiên, tiết mục kéo xe đặc chủng S5 mà anh cùng với 2 đồng đội thực hiện là bài tập rất khó, đòi hỏi CBCS phải trải qua quá trình khổ luyện với phương pháp đặc biệt để có bản lĩnh và ý chí kiên cường, nền tảng thể lực tốt, kết hợp giữa vận công điều khí, tập trung sức mạnh vào các vị trí xung yếu trên cơ thể để thực hiện màn biểu diễn công phu.
"Ít người làm được việc này vì người tập phải thường xuyên tập luyện với cường độ cao nhất, nếu không cẩn thận dễ đứt dây chằng hay chấn thương. Đặc biệt, độ ma sát của bánh xe với mặt đường rất cao, việc kéo xe cần có sự phối hợp nhịp nhàng của cả 3 người, nên chúng tôi thường phải dùng 200% công lực, người lúc nào cũng trong tình trạng ê ẩm", anh nói. Nhưng vất vả thể lực không là gì với nỗi nhớ vợ con. "Khi biết có tên trong danh sách tham gia phục vụ Lễ kỷ niệm, có đồng đội khuyên tôi nên xin nghỉ để có thời gian chăm sóc vợ con. Với đam mê khí công và xác định trong đời binh nghiệp không phải ai cũng có cơ hội được tham gia biểu diễn tại buổi lễ trọng thể, tôi đã động viên vợ thông cảm để ra Thủ đô thực hiện nhiệm vụ. Tôi tự hào vì mình được góp phần nhỏ tô thắm thêm truyền thống của lực lượng CSCĐ Anh hùng", Đại uý Mai Khắc Hiếu hồ hởi chia sẻ.