Phòng ngừa tội phạm lợi dụng chuyển phát và bưu chính hoạt động buôn bán, vận chuyển ma tuý
Ngày 22/5, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chủ trì Hội nghị đánh giá công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lợi dụng dịch vụ chuyển phát và bưu điện để hoạt động tội phạm về ma túy và sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch số 422/KH-CAHN -PC04 ngày 2/11/2020 của Công an TP (Kế hoạch 422) của Công an TP về phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm lợi dụng dịch vụ chuyển phát và bưu chính hoạt động phạm tội về ma túy trên địa bàn TP Hà Nội.
Cùng dự có Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an; ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội; đại diện Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel, Tổng công ty chuyển phát nhanh bưu điện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: Tình hình tội phạm ma túy có diễn biến phức tạp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa, quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến hàng không để ngụy trang, cất giấu ma túy từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.
Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này, Công an TP đã ban hành Kế hoạch số 422 để chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an cấp huyện, cấp xã chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ, xử lý hiệu quả các vụ việc vi phạm pháp luật về ma túy liên quan đến dịch vụ chuyển phát, bưu chính, vận tải hàng hóa theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được phân công.
Với tinh thần chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công, từ khi triển khai thực hiện Kế hoạch đến nay, Công an TP đã phối hợp với Cục Hải quan TP và các đơn vị chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 35 vụ, 57 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường chuyển phát quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam, thu giữ hơn 931,53 kg MTTH các loại (so với 3 năm liền kề trước thời điểm thực hiện Kế hoạch 422 (2018 - 2020); tăng 11 vụ, tăng 28 đối tượng).
Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các đơn vị đã đấu tranh, bắt giữ 15 vụ, 29 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy bằng đường chuyển phát Quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam, thu giữ hơn 658,7 kg MTTH các loại (chiếm 34,1% vụ, 51,8% đối tượng bắt giữ trong 05 năm liền kề trước đó nhưng vượt 327 kg ma túy thu giữ).
Kết quả trên đã góp phần ngăn chặn nguồn cung ma tuý rất lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao nhưng cũng đồng thời đưa ra những cảnh báo về tình hình tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính để hoạt động phạm tội.
Tại Hội nghị, Đại tá Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội đã trình bày báo cáo, đánh giá kết quả công tác đấu tranh tội phạm ma tuý liên quan hình thức chuyển phát, bưu chính từ năm 2018 đến năm 2022 và sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch số 422/KH-CAHN -PC04 ngày 2/11/2020 của Công an TP, nêu rõ: Từ đánh gía tình hình tội phạm ma tuý nói chung và những nguy cơ diễn biến phức tạp của tội phạm ma tuý lợi dụng dịch vụ hàng không, chuyển phát, bưu chính nói riêng, ngày 2/11/2020, Công an TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 422/KH- CAHN -PC04 phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm ma tuý lợi dụng dịch vụ chuyển phát và bưu chính để hoạt động phạm tội (gọi tắt là Kế hoạch 422) để tập trung lực lượng, biện pháp, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Các đơn vị, Công an quận, huyện, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 422, phát huy vai trò tham mưu, giúp việc của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 138 trong việc xây dựng, triển khai các kế hoạch, giải pháp thực hiện hiệu quả trong công tác phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn. Đồng thời, chủ động rà soát, phát hiện thông tin, tập trung đấu tranh có hiệu quả tội phạm ma tuý lợi dụng dịch vụ chuyển phát và bưu chính để hoạt động phạm tội. Trong đó, đã đấu tranh, triệt phá, bắt giữ nhiều vụ án, thu giữ vật chứng ma tuý số lượng lớn.
Kết quả điều tra các vụ án cho thấy các đối tượng đã có sự cấu kết chặt chẽ, hình thành băng nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Để điều tra, khám phá băng nhóm tội phạm nêu trên, lực lượng CSĐT Công an TP đã khéo léo, linh hoạt sử dụng đồng bộ cá biện pháp nghiệp vụ, kế hợp chặt chẽ giữa trinh sát với các biện pháp kỹ thuật; có sự hiệp đồng hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài lực lượng gồm Hải quan, công ty bưu chính, công ty dịch vụ chuyển phát. Đồng thời, quá trình đấu tranh chuyên án đã đảm bảo tuyệt đối bí mật, chặt chẽ.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phát luật về phòng ngừa tội phạm ma tuý nói chung và tội phạm ma tuý lợi dụng dịch vụ chuyển phát và bưu chính để hoạt động phạm tội nói riêng đã được triển khai thực hiện hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú.
Tại Hội nghị, ông Dương Phú Đông, Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết: Các đối tượng sử dụng các phương pháp che giấu rất tinh vi như trộn lẫn ma túy với hàng hóa thông thường có dạng viên như thuốc, thực phẩm chức năng; hàng hóa dạng bột như sữa, bột giặt hoặc dầu gội đầu, sữa tắm, cà phê, kẹo sô cô la, ép mỏng vào quần áo, trong các thiết bị điện tử loa, đài, trong vật dụng gia đình... Ma tuý còn được bọc trong các lớp giấy bạc nhằm đối phó với sự kiểm tra của máy soi và chó nghiệp vụ hải quan hoặc kiểm tra thủ công gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện.
Nói về thủ đoạn của các đối tượng, ông Dương Phú Đông đặc biệt nhấn mạnh thủ đoạn thuê đối tượng là người nước ngoài, có lịch bay vòng qua nhiều nước thường sử dụng đối tượng là người của các nước trong khối ASEAN để được hưởng ưu đãi miễn visa, lợi dụng tuyến đường từ Việt Nam đi các nước không phải là tuyến đường trọng điểm buôn bán ma túy. Các đối tượng mua lại tiêu chuẩn hành lý của các khách và nhờ khách đứng tên, vận chuyển hộ, sau đó nhận lại trong nội địa, gây khó khăn trong việc xác minh đối tượng chủ mưu.
Để đảm bảo công tác đấu tranh quyết liệt, hiệu quả, Cục Hải quan TP Hà Nội kiến nghị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, đặc biệt là với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan... trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy. Tăng cường phân tích thông tin, đánh giá rủi ro từ các nguồn trong và ngoài nước; xác định tuyến đường, địa bàn, đối tượng, trọng điểm qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh.
Trên cơ sở đó, tập trung soi chiếu trước và áp dụng kiểm hóa bí mật lô hàng nghi vấn; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ công chức chuyên sâu, có trình độ và kỹ năng phát hiện, đấu tranh chuyên án và phòng chống ma túy hiệu quả. Tăng cường trang bị các thiết bị chuyên dùng như máy soi hàng hóa tại sân bay Nội Bài, các điểm thông quan, kho hàng không kéo dài, kho chuyển phát nhanh, máy soi container, các thiết bị phát hiện và thử ma túy. Đồng thời, làm việc với các doanh nghiệp logistics đưa ra giải pháp thực hiện kiểm tra, phân loại soi chiếu hàng hóa từ nước ngoài nhằm kịp thời phát hiện ma túy cất giấu trong hàng hóa.
Phát biểu tại Hội nghị Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy đánh giá cao kết quả của lực lượng chức năng TP Hà Nội, đặc biệt là Công an TP và Cục Hải quan Hà Nội về công tác đấu tranh, phòng chống ma túy, trong đó điển hình Kế hoạch số 422 để chỉ đạo các phòng nghiệp vụ.
Dự báo các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng tuyến đường từ hàng không, chuyển phát nhanh, bưu chính để vận chuyển trái phép chất ma tuý với số lượng lớn, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma tuý Công an TP Hà Nội đề nghị Công an TP Hà Nội cần bám sát những chỉ đạo của Bộ Công an, đặc biệt là Điện số 102 của Cục CSĐT tội phạm về triển khai có hiệu quả các mở chương trình, kế hoạch đấu tranh với tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu chính.
Tăng cường tốt công tác tuyên truyền đến các công ty vận chuyển hàng hóa, Logistic, người làm nhiệm vụ giao nhận hàng hóa, kiểm soát hàng hóa nắm vững các quy định của pháp luật về trách nhiệm trong việc giao nhận hàng có chứa chất ma túy (tổ chức tuyên truyền pháp luật, ký cam kết...).
Tiếp tục chủ động phối hợp với lực lượng Hải quan, An ninh hàng không, Xuất nhập cảnh, Interpol, Cảnh sát quản lý hành chính cũng như các hãng hàng không, công ty bưu chính... trong triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy qua đường hàng không.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, để thực hiện tốt việc trao đổi thông tin giữa các nước trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy lợi dụng tuyến đường hàng không, bưu điện, để có thể mở rộng điều tra, truy nguyên nguồn gốc, bắt giữ đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây ở nước ngoài.