Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi Data For Life 2024 lên tới 390 triệu đồng
Chiều 9/8, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, đến thời điểm hiện tại Ban tổ chức đã nhận được một số bài tham dự cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “Dữ liệu với cuộc sống - Data for life" năm 2024 (mùa 2).
Cũng theo Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “Dữ liệu với cuộc sống - Data for life năm 2024", nhằm tuyên truyền và cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan đến các bộ, ban ngành, doanh nghiệp trên toàn quốc, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai Đề án 06, Chỉ thị số 04 và các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, cổ vũ ý tưởng sáng tạo khai thác dữ liệu hiệu quả để hình thành các sản phẩm, giải pháp, và dịch vụ công nghệ thiết thực phục vụ 3 trụ cột: Chính phủ số, xã hội số, và kinh tế số; đồng thời tìm ra các ý tưởng, sản phẩm để xây dựng, phát triển thành các sản phẩm hoàn thiện, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Sáng tạo dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia”; hình thành hệ sinh thái thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, ý tưởng và giải pháp khai thác dữ liệu nhằm đẩy mạnh tiến trình Chuyển đổi số quốc gia.
Đơn vị tổ chức gồm Cục Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp với Ban Khoa giáo - Đài truyền hình Việt Nam (VTV2) và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
Ban Giám khảo là các chuyên gia uy tín tới từ Bộ Công an, Đại học Bách khoa Hà Nội, các đơn vị đào tạo nghiên cứu và các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, cùng các chuyên gia khách mời quốc tế.
Đáng chú ý, cuộc thi năm nay đối tượng tham gia được mở rộng bao gồm công dân Việt Nam và công dân đến từ các quốc gia khác.
Ban tổ chức sẽ cung cấp các bộ dữ liệu (từ các nguồn hợp pháp, công khai), chẳng hạn bộ dữ liệu giả lập về dân cư; các bộ dữ liệu về an toàn giao thông; dữ liệu hành trình và hành vi lái xe; thông tin giao dịch cho thuê nhà, mua bán căn hộ; thông tin về sinh viên...; đồng thời gợi ý các định hướng sản phẩm (không giới hạn ý tưởng sáng tạo); cung cấp một danh sách các chuyên gia (mentors) để hỗ trợ các đội thi lên ý tưởng và triển khai sản phẩm.
Các đội thi đề xuất ý tưởng sản phẩm và nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu và lần lượt vượt qua 4 vòng thi. Theo đó, thí sinh tham dự phải có hồ sơ dự thi gồm có: Đơn đăng ký dự thi; bản mô tả ý tưởng/sản phẩm thể hiện lý do ra đời, cách thức vận hành, điểm nổi bật trong ý tưởng hoặc giải pháp công nghệ, kết quả đạt được khi ứng dụng ý tưởng/sản phẩm vào thực tế; video/ảnh chụp thuyết minh giới thiệu về ý tưởng/sản phẩm (nếu có); bản cam kết quyền sở hữu trí tuệ và sản phẩm chưa từng đạt giải tại các cuộc thi khác. Hạn nhận hồ sơ vòng thi từ ngày 19/7 (lễ phát động cuộc thi) đến ngày 31/8.
Sau đó, Ban giám khảo lựa chọn 30-40 đội vào vòng sơ khảo (từ ngày 30/9 đến 11/10).
Dự kiến ngày 25/11, Ban giám khảo chấm và lựa chọn 10 đội vào vòng chung khảo; còn vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 26/11 với 5 đội xuất sắc.
Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi dự kiến với số tiền 390 triệu đồng. Trong đó, các giải sẽ nhận được giấy chứng nhận và số tiền thưởng gồm: 1 giải nhất 300 triệu đồng; 1 giải nhì 50 triệu đồng; 1 giải Ba 30 triệu đồng và 1 giải khuyến khích 10 triệu đồng.
Các sản phẩm đoạt giải nhất, nhì, ba sẽ được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm tại Trung tâm đổi mới sáng tạo, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Đại học Bách khoa Hà Nội.