Triển khai công tác năm 2023 gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị

13:27 20/12/2022

Theo ý kiến của lãnh đạo các đơn vị, địa phương tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 78, trong năm 2023, bên cạnh các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, một nhiệm vụ quan trọng được đặt ra, đó là thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị...

Trung tướng Hoàng Đức Lừng, Cục trưởng Cục Tổ chức cán bộ: Tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh

Năm 2022, Cục Tổ chức cán bộ đã tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương ban hành Kế hoạch số 118 triển khai Nghị quyết số 12, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, hoàn thiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành 4 Đề án: Xây dựng đội ngũ cán bộ Công an các cấp, nhất là người đứng đầu đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Cục và tương đương trở lên đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Khung danh mục vị trí việc làm trong CAND; Quy hoạch phát triển nhân lực CAND đến năm 2030; Quy hoạch đào tạo cán bộ CAND đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để Công an đơn vị, địa phương xây dựng các đề án đồng bộ, thống nhất.

Trung tướng Hoàng Đức Lừng.

Kịp thời triển khai, thể chế hóa quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gắn với tăng cường cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, cơ bản hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức cán bộ đảm bảo đồng bộ, liên thông, chặt chẽ, công khai, dân chủ, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác của Công an đơn vị, địa phương.

Tiếp tục tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của Công an đơn vị, địa phương tinh, gọn, mạnh, gắn với điều chỉnh phân công, phân cấp nghiệp vụ, cơ cấu cán bộ theo tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí ở 4 cấp Công an và quyết liệt thực hiện giải pháp trọng tâm đột phá xây dựng Công an cấp xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chủ động, kịp thời giải quyết hiệu quả tình hình ANTT ngay từ cơ sở.

Chế độ, chính sách thực hiện đầy đủ, đúng quy định; kịp thời ban hành chính sách mới giải quyết khó khăn phát sinh để thực hiện giải pháp xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chính sách người có công, gắn với hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, tạo sức lan tỏa sâu rộng. Kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ siết chặt, cải cách hành chính đứng đầu khối cơ quan Bộ...

Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân (ANND): Xây dựng Học viện thông minh, hiện đại, theo tinh thần Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị

Là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của lực lượng CAND và của hệ thống giáo dục quốc gia, trải qua 76 năm hình thành và phát triển, Học viện ANND luôn duy trì truyền thống và danh tiếng, giữ vững chất lượng công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần đào tạo hàng chục nghìn cán bộ sỹ quan an ninh vừa "hồng" vừa "chuyên", phục vụ hiệu quả công tác xây dựng lực lượng CAND nói riêng, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung.

Trung tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng.

Nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của Học viện trong năm học 2022 - 2023 là triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị. Để thực hiện tốt, Học viện sẽ tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có trình độ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, có khả năng và kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý. Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo các ngành, chuyên ngành theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ Công an trong tình hình mới.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác biên soạn giáo trình, tài liệu dạy học và nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đăng ký, triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tỉnh, chuyên đề lý luận cấp Hội đồng nhằm bổ sung, phát triển lý luận nghiệp vụ an ninh cũng như góp phần giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đổi mới phương thức đào tạo đảm bảo đồng bộ, thống nhất, phù hợp. Coi trọng công tác quản lý, giáo dục học viên cả về bản lĩnh chính trị, ý thức kỷ luật, thể lực và tính chuyên nghiệp, đảm bảo học viên sau khi ra trường là sản phẩm đào tạo có chất lượng cao, đáp ứng hiệu quả nhất từng vị trí công tác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số và xây dựng Học viện thông minh, hiện đại.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh: Chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản, sớm phát hiện, đấu tranh kéo giảm tội phạm

Năm 2022, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm, trong đó giải pháp cơ bản, nổi bật nhất là Công an TP đã quán triệt đến từng cán bộ chỉ huy các cấp và từng CBCS ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của công tác nghiệp vụ cơ bản, đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả công tác này. Từ làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, Công an TP Hồ Chí Minh đã nắm, dự báo tình hình sát với thực tế để kịp thời tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm, trong đó có tội phạm xâm phạm TTXH. Cũng từ việc chú trọng công tác nghiệp vụ cơ bản, chúng tôi đã nhận diện kịp thời, đúng lúc, đánh giá được loại tội phạm nào đang nổi lên và cần phải tập trung xử lý. Nhờ đó, năm 2022, Công an TP Hồ Chí Minh đã kéo giảm hơn 7,3% tội phạm so với năm 2019, trong đó, đã điều tra, khám phá 2774 vụ phạm tội về TTXH.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam.

Bên cạnh đó, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đồng thời áp dụng một số mô hình đấu tranh phòng, chống tội phạm. Chúng tôi đánh giá rằng, tội phạm xâm phạm sở hữu nơi công cộng là một trong những vấn đề nhức nhối của người dân thành phố và các du khách đến đây nên tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, nhiều biện pháp nghiệp vụ kéo giảm sâu loại tội phạm này. Năm 2022 giảm 306 vụ so với năm 2019 là năm chưa có dịch. Hoặc như tội phạm ma tuý, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Cục CSĐT tội phạm về ma tuý triệt phá nhiều đường dây ma tuý từ nước ngoài về Việt Nam, bóc gỡ toàn bộ đường dây từ kẻ chủ mưu, cầm đầu đến các chân rết.

Từ công tác nghiệp vụ cơ bản, chúng tôi đã phát hiện và chỉ trong vòng 1 tháng triệt phá 2 công ty tài chính lớn lợi dụng việc cho vay ngang hàng đã tổ chức đòi nợ thuê bằng cách cắt ghép các hình ảnh, nhắn tin khủng bố người thân của những người vay nợ; khởi tố nhiều đối tượng với nhiều tội danh như: vu khống, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, làm nhục người khác. Hoạt động của các đối tượng trong 2 công ty trên thực ra là một trong những nhánh của tội phạm "tín dụng đen". Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an đã đặt ra quyết tâm tiếp tục xác lập chuyên án để triệt phá các đường dây đòi nợ và "tín dụng đen" khác.

Thiếu tướng Dương Văn Tính, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong CAND

Năm 2023 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết, Chỉ thị về nhiệm vụ công tác Công an năm 2023, đáp ứng yêu cầu “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị, công tác công nghệ thông tin (CNTT) CAND cần tập trung bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này.

Thiếu tướng Dương Văn Tính.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT trong lực lượng CAND đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tập trung xây dựng, phát triển các hệ thống thông tin hiện đại, đồng bộ, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và bảo mật.

Bên cạnh đó, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật CNTT, hạ tầng mạng máy tính diện rộng ngành Công an hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin phục vụ triển khai, ứng dụng các hệ thống thông tin và chuyển đổi số trong CAND; đặc biệt, đáp ứng yêu cầu Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào toàn diện các mặt công tác Công an. Nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu, phần mềm lớn toàn ngành, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để hình thành Dữ liệu lớn Bộ Công an phục vụ công tác, chiến đấu, cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của CBCS về an toàn thông tin, bảo vệ bí mật Nhà nước. Nghiên cứu, triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin số; xây dựng lực lượng CNTT trong CAND đến năm 2030 thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy: Phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy trong thời gian gần đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, với quan điểm là phòng ngừa và ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm, từ nơi xuất phát, năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy đã chủ động nắm chắc tình hình, thu thập tài liệu, xác lập chuyên án, tập trung lực lượng, phương tiện, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh thành công gần 24.000 vụ, bắt giữ hơn 36.000 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ lượng lớn các chất ma túy, cùng nhiều vũ khí và tài sản do phạm tội về ma túy mà có. Truy bắt hơn 100 đối tượng truy nã về ma túy, trong đó có đối tượng chủ mưu, cầm đầu ở nước ngoài có lệnh truy nã quốc tế, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của đất nước.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện.

Trong năm 2022, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.

Thời gian tới, Cục CSĐT tội phạm về ma túy tiếp tục tham mưu thực hiện Chỉ thị số 36 ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành; chương trình phòng, chống ma túy của Chính phủ giai đoạn 2021-2025; phương án nghiệp vụ số 2 và Kế hoạch 376 của Bộ Công an… Thực hiện chuyên sâu công tác điều tra cơ bản theo 5 lĩnh vực xuyên suốt của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy và công tác phòng, chống tội phạm ma túy theo 3 lớp bảo đảm phòng ngừa tội phạm ma túy từ sớm, từ xa, từ nơi xuất phát; tuyên truyền sâu rộng nhằm huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống ma túy. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn hệ lực lượng tại Công an các địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; không để tội phạm ma túy lợi dụng các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT và dịch vụ “nhạy cảm” để hoạt động phạm tội về ma túy.

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các địa phương, lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, các tổ chức quốc tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm phòng ngừa ma túy từ sớm, từ xa, kiên quyết không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy quốc tế.

Đại tá Thái Hồng Công, Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn: Quyết liệt, sáng tạo trong thực hiện Đề án 06 ở địa bàn biên giới

Là một trong những địa bàn có vị trí chiến lược ở biên giới phía Bắc, trong năm 2022, Công an tỉnh Lạng Sơn luôn nắm chắc diễn biến tình hình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, có đối sách phù hợp với từng loại đối tượng và tình hình thực tế tại các địa bàn, tạo thế chủ động trong công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm, xây dựng thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, đảm bảo giữ vững an ninh quốc gia và TTATXH.

Đại tá Thái Hồng Công.

Công an tỉnh Lạng Sơn đã chủ động nắm tình hình ngoại biên, khu vực biên giới để tham mưu Bộ Công an và lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, xử lý hiệu quả các vấn đề trong quản lý biên giới, cửa khẩu theo các văn bản đã ký kết, góp phần bảo đảm an ninh, lợi ích kinh tế của tỉnh, của quốc gia. Thực hiện hiệu quả cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống mua bán người liên quan đến địa bàn Trung Quốc và Campuchia

Thực hiện Đề án 06, Công an tỉnh đã mở cao điểm thi đua tuyên truyền, vận động người dân nộp hồ sơ cấp hộ chiếu qua Cổng dịch vụ công, thuộc “top” 10 tỉnh, thành có tỷ lệ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến cao nhất. Đã huy động hiệu quả sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong thực hiện Đề án 06. Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các mốc thời gian hoàn thành tính theo từng ngày; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, động viên CBCS thực hiện tốt cao điểm “90 ngày đêm triển khai Luật cư trú năm 2020 và thực hiện Đề án 06”. Hiện nay, Công an Lạng Sơn đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD đạt tỷ lệ 98,9%, được Bộ Công an ghi nhận, biểu dương là một trong 3 đơn vị đứng đầu trong cả nước.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả nổi bật; triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị và ấn định thời gian thực hiện. Đặc biệt, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thí điểm Mô hình “CCHC tại Công an 22 xã, phường, thị trấn” được UBND tỉnh công nhận là sáng kiến cấp tỉnh trong công tác CCHC. Chỉ số CCHC lĩnh vực công tác Công an năm 2022 được Bộ Công an xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố.

Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh: Kiên quyết đấu tranh với tội phạm tham nhũng

Năm 2022, Công an tỉnh Quảng Ninh đã tập trung một số giải pháp đảm bảo ANTT. Trong đó, đã làm tốt công tác nắm tình tội phạm trên các tuyến biên giới, cửa khẩu trên bộ, dưới biển, kể cả trong đất liền, có dự báo kịp thời về các loại tội phạm, nhất là tội phạm buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, làm tốt công tác phòng, chống COVID -19, xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới; đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kéo giảm 16,3% tội phạm về TTXH.

Đại tá Đinh Văn Nơi.

Đặc biệt, Công an Quảng Ninh đã làm tốt công tác phòng, chống tội phạm tham nhũng, Công an tỉnh đã tham mưu cho tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo tập trung đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tinh thần chỉ đạo Trung ương và Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an.Trong đó, rà soát và đấu tranh các vụ án, vụ việc liên quan đến phòng, chống tham nhũng theo Chỉ thị 26 của Bộ Chính trị. Trong đó, Quảng Ninh đã xác định có 12 vụ được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Trong quá trình đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chúng tôi luôn nêu cao ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, đảm bảo yêu cầu về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật, xử lý nghiêm túc, đúng chỉ đạo “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Ví dụ vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ xảy ra ở  Công ty Cổ phần Quản lý đường sông số 3, cơ quan điều tra đã tổ chức điều tra công tâm, khách quan nên các hành vi của các đối tượng trong vụ án đều được điều tra, làm rõ, xử lý triệt để, tận gốc. Ban đầu, đối tượng khai báo chưa thành khẩn nhưng khi cơ quan điều tra đưa các tài liệu chứng minh vi phạm, các đối tượng đều nhận tội. Hiện nay, cơ quan Công an đã kết thúc điều tra, chuyển Viện KSND cùng cấp truy tố, cơ bản đã khởi tố được các đối tượng có liên quan theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an và cấp uỷ, chính quyền địa phương. Tới đây, chúng tôi tiếp tục điều tra quyết liệt các vụ án liên quan đến Y tế, Giáo dục, trong đó có vụ Việt Á và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến Công ty AIC và các dự án khác. 

Công an Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số và triển khai dịch vụ công trực tuyến, là một trong các địa phương đầu tiên hoàn thành việc kết nối hệ thống thông tin của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời được xếp hạng xuất sắc trong cải cách hành chính, tăng 2 bậc so với năm 2021.

Đại tá Nguyễn Văn Hiểu, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp: Kéo giảm tội phạm, không để hình thành băng nhóm "xã hội đen"

Năm 2022, Công an tỉnh thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm; mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để hình thành băng nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen"; góp phần kiềm chế, kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội (so với cùng kỳ năm 2019 giảm 17,5%, vượt chỉ tiêu 5%; so với cùng kỳ năm 2021 giảm 3,2%); tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt tỷ lệ cao (98,5%), án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 94,3%. Tai nạn giao thông được kiềm chế, kéo giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2019. Đặc biệt, chúng tôi mở nhiều kế hoạch chuyên đề để tập trung trấn áp mạnh tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" và tệ nạn cờ bạc, đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi, giữ được bình yên cho Nhân dân.

Đại tá Nguyễn Văn Hiểu.

Thời gian tới, Công an tỉnh Đồng Tháp sẽ đẩy mạnh xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 07 ngày 23/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị và các Đề án, Dự án của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an. Trong đó, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, pháp luật, khoa học kỹ thuật cho đội ngũ CBCS đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm ANTT trong tình hình mới. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phát huy vai trò nêu gương, gắn trách nhiệm người đứng đầu, lãnh đạo chỉ huy trong công tác phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội… nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, ngành Công an và Nhân dân giao phó, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong thời gian tới.

Nhóm PV

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文