Hướng tới Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc luyện tập diễu binh tham gia lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ

17:13 15/04/2024

Những ngày tháng 4, chúng tôi có mặt tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên - 1 trong 3 địa điểm huấn luyện diễu binh của lực lượng CAND tham gia Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) khi công tác huấn luyện đã qua 2/3 chặng đường. Hàng trăm CBCS tham gia công tác huấn luyện và trực tiếp luyện tập diễu binh hai khối đứng nam An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân đã khắc phục khó khăn, “vượt nắng thắng mưa”, đoàn kết, chấp hành nghiêm kỷ luật thao trường, hăng say luyện tập, tất cả vì ngày đại lễ của đất nước.

Truyền lửa nơi thao trường

Điện Biên Phủ thời tiết những ngày này ví như hội tụ 4 mùa trong một ngày. Sáng sương giăng mát nhẹ, trưa nắng như đổ lửa, chiều muộn đã bớt oi nồng mát mẻ tiết Thu, nhưng đến tối lại se lạnh. Trò chuyện với PV ngay trên thao trường, Đại tá Lê Anh Tuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc cho biết: “Thời tiết như vậy cũng là một khó khăn trong công tác huấn luyện bởi CBCS thuộc Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc quản lý 6 tỉnh Tây Bắc và 3 tỉnh phụ cận, được tuyển lựa từ các tỉnh về cùng một điểm luyện tập ở Điện Biên nên khi mới tập trung, có CBCS chưa quen với thời tiết, khi thì say nắng gây choáng, khi thì “đổ” bởi thời gian luyện tập ngày càng căng, thời gian đứng lâu hơn, phải đều, nghiêm ngắn, quân dung tươi tỉnh, thể hiện sự dũng mạnh của lực lượng CAND tham gia lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ… nên chúng tôi phải tính toán xây dựng, triển khai công tác huấn luyện cho phù hợp, vừa đảm bảo sức khỏe cho CBCS, vừa phải đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.”

Đại tá Lê Anh Tuấn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc thăm hỏi, động viên CBCS đang tập luyện trên thao trường.

Cẩn thận đi dọc hàng quân, nắn nót chỉnh từng động tác luyện tập chưa đạt, Trung tá Vũ Huy Bình, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc chia sẻ, đóng quân tại Sơn La nhưng ngay sau khi nhận được lệnh tham gia quản lý, huấn luyện diễu binh lần này, anh Bình lập tức cùng đồng đội hành quân từ Sơn La đến Điện Biên. Công tác ở Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, rồi có mặt ở Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc từ ngày đầu thành lập, đã từng vinh dự được tham gia diễu binh, diễu hành lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, nên anh Bình cũng có kinh nghiệm trong công tác luyện tập cũng như huấn luyện diễu binh. Sau khi được Ban chỉ huy Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc lựa chọn, anh Bình cùng những giáo viên khác đã có mặt tại Trung tâm huấn luyện Quốc gia 4 tại Miếu Môn, Hà Nội, để tham gia một lớp tập huấn đặc biệt. Cùng với những chỉ huy khác, khi về đến Điện Biên, căn cứ theo Kế hoạch được Bộ Tư lệnh CSCĐ giao cho Trung đoàn, các anh đã khẩn trương triển khai kế hoạch huấn luyện. Cho đến thời điểm chúng tôi có mặt tại Điện Biên, anh Bình cùng đồng đội đã gác lại riêng tư, nhiều tháng chưa về thăm gia đình.

Hai khối đứng của đơn vị tham gia Lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Với sự tâm huyết, trách nhiệm, truyền lửa cho thế hệ CBCS trẻ niềm vinh dự, tự hào được lựa chọn tham gia công tác quản lý, huấn luyện CBCS diễu binh cho ngày lễ kỷ niệm, cũng như các kỹ thuật cơ bản, đến giờ phút này giúp CBCS chuẩn chỉnh kỹ thuật, tỉ mỉ, chi tiết từng động tác và hoàn thành mục tiêu đề ra - Thiếu tá Hoàng Văn Xìu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 thông tin thêm.

Những ngày ba cùng với CBCS Trung đoàn, chúng tôi nhận thấy, mỗi CBCS nơi đây đều đoàn kết, “vượt  nắng thắng mưa”, nỗ lực, cố gắng để tạo nên những khối đi thống nhất, thuần thục động tác, chuẩn chỉnh, đều đẹp nhằm góp phần vào thành công của Lễ diễu binh, diều hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ... Kết quả đó có sự truyền lửa đầy tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của những quản lý, giáo viên huấn luyện CSCĐ Tây Bắc để đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như các giáo viên: Thiếu tá Nguyễn Bảo Hoàn; Đại úy Lê Văn Hiền; Thượng úy Hoàng Duy Tĩnh; Thiếu úy Cà Văn Mai và những quản lý tiêu biểu như: Trung tá Vũ Huy Bình; Đại úy Đỗ Thanh Tuấn; Đại úy Lê Thọ Tùng, Thượng úy Phùng Hồng Cẩm…

Khối nam sĩ quan Cảnh sát nhân dân.

Đại tá Phạm Hữu Thinh, Phó Tư lệnh CSCĐ, Trưởng Tiểu Ban huấn luyện cho biết, thực hiện kế hoạch của lãnh đạo Bộ Công an về việc tham gia diễu binh cấp Nhà nước kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh CSCĐ được giao huấn luyện 11 khối, gồm 2 khối đứng và 9 khối đi. Việc huấn luyện được thực hiện ở 3 địa điểm, với hơn 1.200 cán bộ, học viên tham gia; trải qua 3 giai đoạn: từ 20/1-19/2, từ 20/2-9/4, từ 20/4 đến khi kết thúc lễ kỷ niệm. Riêng địa điểm tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có hơn 260 CBCS tham gia Khối đứng nam An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân, gồm: cán bộ quản lý, huấn luyện và CBCS đều thuộc biên chế của Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc. Theo từng mốc thời gian, lãnh đạo Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc có báo báo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đại tá Phạm Hữu Thinh ghi nhận, đến nay, công tác huấn luyện, luyện tập của hai khối đứng đều đạt yêu cầu, tiến độ đề ra… Tới đây, quá trình hợp luyện các lực lượng cũng sẽ diễn ra tại Điện Biên và nhiệm vụ của Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc trong phối hợp với các đơn vị liên quan là rất nặng nề song đơn vị đã và đang khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Vượt nắng thắng mưa”, sẵn sàng cho ngày đại lễ lớn của đất nước

Hằng ngày, tại khu doanh trại của Trung đoàn, đúng 5h30 báo thức, thực hiện các chế độ trong ngày, từ thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn uống... đảm bảo nội vụ theo Điều lệnh CAND. 6h45, tất cả lực lượng đều tổ chức ra thao trường huấn luyện. Việc huấn luyện kéo dài đến 11h, sau đó ăn trưa, nghỉ ngơi, 13h45 lại tiếp tục đến 16h30 hoặc 17h tùy theo tình hình thời tiết. Sau hoạt động thể thao, vệ sinh cá nhân, giờ cơm tối, các học viên sẽ được nghe thời sự, sinh hoạt chính trị theo lịch từng ngày. Đúng 21h30 tắt điện đi ngủ để hồi phục sức khoẻ, chuẩn bị cho ngày tập luyện hôm sau."Chúng tôi xác định đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, cùng đoàn kết, thống nhất hoàn thành tốt nhiệm vụ, người có kinh nghiệm trong huấn luyện, tập luyện sẽ chia sẻ, trao đổi với người mới tham gia lần đầu”- Thiếu tá Vũ Long Trọng, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Tây Bắc chia sẻ.

Khối nam sĩ quan An ninh nhân dân.

Vóc người chắc khỏe, nụ cười tươi, Trung úy Nguyễn Thị Đức Hạnh, đảm nhận công tác y tế, ngày ngày vẫn bám thao trường để chăm sóc sức khỏe CBCS. Chồng làm cùng Trung đoàn, luôn bận bịu với công tác tham mưu đi sớm, về muộn, ông bà nội, ngoại ở xa, hai con sinh đôi nhỏ mới 5 tuổi nhưng vợ chồng chị Hạnh vẫn cố gắng thu xếp công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thượng úy Nguyễn Văn Hải, Tiểu đoàn CSCĐ số 3 đóng quân tại Yên Bái - người đã 3 lần vinh dự được tham gia phục vụ lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ và Quốc khánh 2/9 chia sẻ, với kinh nghiệm vốn có, quá trình luyện tập, anh luôn chia sẻ, hỗ trợ các bạn cùng đơn vị, đặc biệt là các kỹ thuật cũng như cách chăm sóc sức khỏe sau giờ luyện tập. Được tuyển chọn tham gia diễu binh cho lễ kỷ niệm, có mặt tại Điện Biên từ ngày 9/1/2024, Trung sĩ Nguyễn Văn Hưng, quê Hà Nam, thuộc biên chế Đội đặc nhiệm; Thượng úy Vũ Hồng Đức, sinh ra và lớn lên tại Gia Lai và Trung úy Hoàng Văn Nam thuộc Tiểu đoàn CSCĐ số 4, quê Vĩnh Phúc, đều bày tỏ niềm xúc động khi được vinh dự lựa chọn là người đứng trong hàng ngũ tham gia diễu binh, góp phần vào thành công chung của lễ kỷ niệm. 

Có mặt tại thao trường, với nụ cười tỏa nắng, phong cách dễ gần, Thượng úy Nguyễn Mạnh Cường, Tiểu đoàn CSCĐ số 1, chàng trai quê gốc Hà Nội, học chuyên ngành CSCĐ, có mặt ở Điện Biên từ tháng 10/2018 đã chia sẻ những kỷ niệm trong quá trình luyện tập. Mỗi người đến từ các vùng, miền khác nhau và ở nhiều đơn vị nhưng khi hội tụ về đây đều coi nhau như một gia đình lớn. Hạ sĩ Lò Minh Đức, dân tộc Thái, quê ở Yên Bái cho biết, anh rất xúc động khi được chọn để tham gia diễu binh. Lần đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được quản lý, giáo viên và các bạn đồng môn luôn quan tâm, tạo điều kiện nên anh đã dần quen với kỹ thuật và chuẩn bị tâm lý thoải mái khi luyện tập.

Trung úy Nguyễn Thị Đức Hạnh chăm sóc sức khỏe cho CBCS trên thao trường.

Đặc biệt, chúng tôi đã gặp chiến sĩ Quàng Mạnh Tình, Tiểu đoàn CSCĐ số 2, là người con dân tộc Thái sinh ra lớn lên trên chính quê hương Điện Biên Phủ anh hùng. Nhà ở Mường Phăng, nơi có hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, từ nhỏ anh Tình đã thấm đẫm các câu chuyện về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và vị tướng huyền thoại. Được tuyển chọn tham gia lễ diễu binh trên quê hương mình, anh Tình rất xúc động. “Ngày đầu mới tập luyện do tâm lý căng thẳng cộng với trời nắng nóng nên tôi hay đau đầu. Đứng lâu, mỏi, lại yêu cầu đứng nghiêm ngắn, quân dung tươi tỉnh…quả thực là chuyện khó khăn. Nhưng  với suy nghĩ không thể làm ảnh hưởng đến cả khối, tôi quyết tâm phải hoàn thành nhiệm vụ. Được giáo viên động viên, chia sẻ kinh nghiệm, các bạn cùng phòng hỏi han, bóp chân và vai cho tôi khi nhức mỏi, từ việc đứng được 30 phút, đến nay tôi đã đứng được 3h liền mà không cần nghỉ giải lao. Tâm lý cũng thoải mái hơn, từ việc đếm giờ cho mau chóng kết thúc buổi tập, đến nay có lúc đứng lâu đã hết giờ luyện tập mà tôi quên cả việc là đã hoàn thành xong một ca tập rồi.  Tôi rất và vui, xúc động, cảm ơn giáo viên và các bạn cùng khối và mong khi kết thúc nhiệm vụ được mời mọi người đi thăm quê hương tôi, tôi sẽ vui vẻ làm hướng dẫn viên ”- Chiến sĩ Quàng Mạnh Tình cười tươi, chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV, các CBCS trước khi tham gia sự kiện này đều đã được huấn luyện và công tác tại các đơn vị thuộc Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc nên cơ bản đã quen với kỷ luật và nếp sinh hoạt của lực lượng vũ trang. Cả tuần tập luyện mệt nhoài, không được sử dụng điện thoại nên đôi khi CBCS, nhất là CBCS trẻ, chưa gia đình cũng nhớ nhà. Ngoài các hoạt động sinh hoạt chung, giao lưu  tại Trung đoàn đã giúp CBCS phấn chấn tinh thần, quên đi nỗi nhớ nhà hay thói quen sử dụng điện thoại. Đến nay, cả hai khối đều đã đồng đều, ăn khớp với nhau và CBCS thoải mái về tâm lý cũng như hoàn thành huấn luyện đạt yêu cầu đặt ra.

“Tập luyện từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, mỗi tuần sẽ nghỉ ngày chủ nhật rồi sang tuần mới lại vào guồng, thường ngày chủ nhật chúng tôi vẫn bố trí cho các CBCS ra ngoài doanh trại trong trường hợp thật cần thiết hoặc thăm gặp người nhà cũng như tạo điều kiện cho các bạn điện thoại về thăm hỏi gia đình. Tới đây, Đoàn Thanh niên đang xin ý kiến lãnh đạo Trung đoàn để chủ trì kế hoạch tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm quan các điểm di tích lịch sử  nhằm giáo dục truyền thống, lòng tự hào dân tộc cũng như nối tiếp bước cha anh, góp phần và sự thành công của đại lễ cũng như góp phần giữ bình yên vùng Tây Bắc thân yêu của Tổ quốc…”  Trung úy Nguyễn Xuân Hai, Bí thư đoàn Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc thông tin thêm.

Thành lập ngày 16/6/2010, trải qua 14 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, trực tiếp là Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ, Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, lập được nhiều thành tích, chiến công xuất sắc, góp phần tô thắm thêm truyền thống của lực lượng CSCĐ hai lần Anh hùng. Đặc biệt, năm 2020, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập, Trung đoàn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Nhì; năm 2021, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các cấp khen thưởng...

Anh Hiếu

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文