Ứng dụng hiệu quả VNeID phục vụ người dân, doanh nghiệp

07:46 27/11/2023

Trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội đang triển khai giai đoạn đầu tiên trong 3 giai đoạn của Kế hoạch xây dựng sổ sức khỏe điện tử phục vụ nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Không chỉ tích hợp sổ sức khỏe trên VNeID, dữ liệu được tạo lập còn phục vụ cho hàng loạt nhiệm vụ, lĩnh vực của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng nền tảng sức khỏe điện tử

Trao đổi với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật trự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của Đề án 06 đang ngày càng đạt được những kết quả cao, được nhân dân và doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Để phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chíp, đồng thời đã thu nhận trên 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 48,66 triệu tài khoản (tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 69,25%). Có 42 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước.

Nhiều địa phương dù còn có những khó khăn về kinh tế - xã hội, song với quyết tâm chính trị, cách nghĩ mới, biện pháp làm hiệu quả đã triển khai nhiều mô hình hay. Đơn cử như Công an tỉnh Bắc Kạn trang bị 7 mắt camera an ninh và điện thoại thông minh cho các hộ gia đình chính sách tại phường Sông Cầu, phục vụ thực hiện thí điểm chuyển đổi số năm 2023. UBND tỉnh Bắc Kạn cấp phát 176 điện thoại thông minh cho những người dân trưởng thành tại 8 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số 2023; đồng thời, hỗ trợ người dân cài đặt, sử dụng các ứng dụng số...

Thẻ CCCD và tài khoản VNeID ngày càng được người dân sử dụng, ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt của đời sống.

Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, một trong những điểm nhấn việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong tháng 11 chính là UBND TP Hà Nội triển khai sổ sức khỏe điện tử. Hiện, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế có văn bản chính thức về việc giao TP Hà Nội triển khai xây dựng phần mềm và thí điểm lập sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn. Đến nay, Bộ Y tế đã có văn bản trao đổi lại với UBND TP Hà Nội về nội dung này, đồng thời lên danh sách các thành viên tham gia tổ công tác triển khai kế hoạch giúp Hà Nội xây dựng sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử.

Hiện, Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội đã thống nhất việc cung cấp thông tin yêu cầu hạ tầng, máy chủ, tài nguyễn lưu trữ đảm bảo cài đặt, lưu trữ dữ liệu, triển khai nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội. TP Hà Nội sẽ giao đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm về dữ liệu và hạ tầng số để triển khai thử nghiệm phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử dùng chung theo phương án miễn phí phần mềm và hỗ trợ toàn bộ hệ thống hạ tầng, kho dữ liệu, cam kết đảm bảo an ninh an toàn thông tin và bảo vệ tuyệt đối dữ liệu cá nhân của công dân.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về quy định các trường thông tin sức khỏe cá nhân hiển thị trên ứng dụng VNeID thí điểm trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố năm 2023 – 2024 và Quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn thành phố do đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội làm Tổ trưởng. “Giá trị mang lại từ sổ và hồ sơ sức khỏe điện tử là rất lớn. Người dân có sổ sức khỏe điện tử có thể theo dõi tình trạng sức khoẻ, lịch sử khám chữa bệnh của bản thân. Các cơ sở y tế, bác sĩ trong quá trình thăm khám, điều trị sử dụng dữ liệu liền mạch của bệnh nhân trong khám và điều trị, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí và nâng cao tối ưu hóa kết quả điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân”- Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết.

Đăng ký, nộp thuế qua VNeID

Không chỉ ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID, hiện giấy phép lái xe đang được tích hợp mạnh mẽ vào tài khoản định danh điện tử để phục vụ nhân dân. Thống kê của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho thấy, tính đến ngày 24/10/2023, đã tích hợp thành công 9.986.321 hồ sơ giấy phép lái xe lên VNeID (tăng 333.922 hồ sơ so với tháng 10/2023), góp phần giảm thiểu việc lái xe phải mang quá nhiều giấy tờ, tăng cường liên thông, xử lý, giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, rà soát, xem xét nâng cấp Hệ thống thông tin Cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra giao thông đường bộ để cập nhật dữ liệu, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu liên quan của ngành giao thông vận tải.

Với chức năng kiến nghị, phản ánh về ANTT thông qua VNeID, từ ngày 25/7/2022 đến nay, có 7.289 tin báo kiến nghị phản ánh từ người dân. Công an tỉnh Hà Nam là một trong những đơn vị phát huy hiệu quả tính năng này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cũng như đảm bảo bình yên, ANTT trên địa bàn. Đánh giá về giá trị mang lại từ ứng dụng trên, Đại tá Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết: Tạo thuận tiện cho người dân trong việc phản ánh về tình hình ANTT, góp phần giúp ngăn ngừa tội phạm từ sớm, từ xa. Đồng thời, tăng sự tiện ích đối với người dân, doanh nghiệp khi không cần phải ra trực tiếp cơ quan chức năng để phản ánh về ANTT…

Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an thông tin, để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả hơn, trung tâm đã phát triển tích hợp ví điện tử. Các cán bộ của trung tâm và Cục Cảnh sát QLCH về TTXH, Bộ Công an đã tiến hành tích hợp xong với nhiều đơn vị dịch vụ ví điện tử và đang thí điểm trước khi triển khai trên toàn quốc. Người dân có thể thanh toán trên ví điện tử (không dùng tiền mặt) cho các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán các dịch vụ thiết yếu và các dịch vụ khác qua VNeID.

Đáng chú ý, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18 và Công điện 1123 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu… trong phòng, chống gian lận, trốn thuế, tăng cường quản lý hóa đơn điện tử, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành chức năng thực hiện kê khai, đăng ký, nộp thuế trên ứng dụng VNeID, sử dụng tài khoản - định danh điện tử để đăng nhập, xác thực thông tin người nộp thuế trên các nền tảng của ngành thuế, hải quan. Bộ Công an đã phối hợp Bộ Tài chính kết nối, triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng eTax Mobile để sử dụng các dịch vụ về thuế điện tử dành cho cá nhân từ ngày 5/8/2023. Đến nay, đã có 243.980 lượt truy cập vào hệ thống thuế điện tử bằng tài khoản định danh điện tử (tăng 87.551 lượt so với tháng 10/2023).

Nhằm thực hiện và đảm bảo hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, Bộ Công an còn tích hợp thông tin sổ bảo hiểm xã hội lên ứng dụng VNeID. Hiện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đang phối hợp Bộ Công an hoàn thiện về pháp lý theo quy định của Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật CCCD năm 2014 và Nghị định số 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; đã triển khai chính thức việc đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VNeID từ ngày 19/10/2023, đến nay đã có 1.759.402 lượt đăng nhập.

Đến nay, đã có 52 địa phương ban hành Kế hoạch triển khai 44 mô hình, giải pháp ứng dụng những tiện ích được phát triển từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số. Nhiều địa phương như Hà Nam đã triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại 218 cơ sở lưu trú với 21 cơ sở lưu trú trang bị thêm máy quét QRCode và tại 100% khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại 4 đơn vị cấp huyện; 13 cơ sở cầm đồ và dịch vụ bảo vệ mua sắm thiết bị xác thực thông tin trên thẻ CCCD với 70 lượt xác thực. Tỉnh Đồng Nai hoàn thiện ứng dụng “Đồng Nai Smart trên nền tảng ứng dụng Zalo, cung cấp các tiện ích giúp người dẫn truy cập, tương tác, tiếp cận nhanh nhất với các nền tảng dịch vụ công, nền tảng số của tỉnh. Hay như tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai mô hình xác thực thẻ CCCD tại cơ sở thi sát hạch lái xe tại trường Cao đẳng nghề Việt Đức với hơn 200 lượt xác thực; 100% cơ sở lưu trú, khám chữa bệnh và nhà ở trong khu công nghiệp sử dụng phần mềm lưu trú với hơn 35.000 lượt thông báo…

Hoàng Phong

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文