Ứng trực 100% quân số, Công an nhiều địa phương sẵn sàng "đón" bão số 4
Với tinh thần chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 4 (tên quốc tế là Noru), giảm thiểu hậu quả thiệt hại đến mức thấp nhất, 100% CBCS Công an các tỉnh miền Trung đang "chạy đua" với thời gian, tất bật thực thi mệnh lệnh của cấp trên và thường trực tại đơn vị từ chiều nay 26/9.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, từ 15h chiều hôm nay 26/9, 100% CBCS các Phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thường trực tại đơn vị để phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng xuất quân hỗ trợ sơ tán người dân ra khỏi tầm nguy hiểm của bão lũ, triều cường, triển khai phương án cứu nạn – cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
Tại hai địa bàn xung yếu ven biển ở cửa ngõ phía Bắc và phía Nam Phú Yên, theo ghi nhận của PV Báo CAND vào chiều tối 2/9, lực lượng Công an cũng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cơn bão số 4
Thượng tá Trần Khắc Quang – Trưởng Công an thị xã Đông Hòa cho hay, trong chiều 26/9, Công an thị xã Đông Hòa phối hợp Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Rô lên ca nô ngược xuôi trên vịnh biển Vũng Rô, ráo riết kêu gọi tất cả những người dân đang thả nuôi tôm cá trong 16.852 lồng gồm 400 bè tập trung giằng neo lồng bè, khẩn trương rời khỏi vịnh biển để vào bờ trước khi cơn bão ập vào đất liền.
Công an thị xã Đông Hòa cũng đã kiểm tra, chuẩn bị 2 xuồng máy, 9 xe ô tô, 7 máy phát điện, 20 loa điện, 14 nhà bạt - lều bạt, 257 phao cứu sinh, phao tròn cùng nhiều vật dụng khác phục vụ phòng, chống bão lũ và cứu nạn – cứu hộ.
Theo Trung tá Nguyễn Quang Luân – Phó trưởng Công an thị xã Sông Cầu, ngoài việc thường trực 100% CBCS xuyên suốt ngày đêm, đơn vị cũng đã chuẩn bị 3 ca nô, 4 xe ô tô, hơn 500 áo phao, phao tròn, phao bè sẵn sàng thực thi nhiệm vụ cứu nạn - cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
Đến chiều cùng ngày 26/9, hơn 80 CBCS được huy động từ các Đội nghiệp vụ Công an thị xã cùng Công an các xã Xuân Hải, Xuân Cảnh, Xuân Thịnh, Xuân Phương và các phường Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài vẫn tiếp tục phối hợp Đồn biên phòng Xuân Đài, Xuân Hòa kêu gọi người dân neo đậu ổn định 965 tàu cá tại cảng cá Dân Phước, giằng neo 82.696 lồng gồm 2.018 bè thả nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông.
Tại bờ biển TP Tuy Hòa chiều 26/9, CBCS Đồn biên phòng Tuy Hòa, Công an TP Tuy Hòa cùng với lực lượng dân quân, dân phòng, thanh niên xung kích phường 7, TP Tuy Hòa xúc hàng trăm bao cát tạo thành bờ chắn bảo vệ công viên ven biển Tuy Hòa trước nguy cơ sóng gió, triều cường khi bão ập đến.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành mệnh lệnh nghiêm cấm tất cả các tàu cá rời cảng cá, bến bãi để khai thác thủy sản trên biển và ven bờ từ 15h chiều 26/9. Trong khi đó ông Đinh Văn Thiệu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này cũng đã ra lệnh cấm biển từ 16h chiều 26/9. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động trên biển Khánh Hòa, bao gồm di dời lồng bè nuôi trồng thủy sản đến khu vực an toàn, người dân rời khỏi bè nuôi vào bờ tránh trú bão phải được hoàn tất trước 14h chiều 26/9.
Với tinh thần chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó cơn bão số 4, giảm thiểu hậu quả thiệt hại đến mức thấp nhất, 100% CBCS Công an hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận thực thị mệnh lệnh thường trực tại đơn vị từ 17h chiều 26/9.
Ngay trong chiều cùng ngày, Công an tỉnh Ninh Thuận không chỉ thành lập 3 tổ xung kích phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) gồm 300 CBCS, mà đã kiểm tra, rà soát toàn bộ phương tiện, thiết bị, công cụ phục vụ phòng, chống bão lũ, cứu nạn – cứu hộ gồm 21 ca nô, 6 xuồng cao su, 1.800 áo phao, 1.900 phao tròn, 30 phao bè, 20 máy phát điện, 30 máy bơm nước, 2 máy cắt - đục bê tông, 7 bộ dụng cụ cứu nạn, 300 loa cầm tay, 500 đèn pin...
Các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Khánh Hòa cùng Công an các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh cũng đã chuẩn bị 12 ca nô, xuồng cao su, hơn 2.300 áo phao, gần 1.400 phao cứu sinh…
Thiếu tá Vũ Huy Hoàng – Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Nam Trung bộ tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đến chiều 26/9, đơn vị đã hoàn thành kiểm tra, rà soát toàn bộ công cụ, phương tiện, thiết bị phục vụ phòng, chống bão lũ với hơn 360 vật dụng cuốc, xẻng, xà beng, cưa máy cầm tay, sào cứu hộ, thang… và 320 áo phao, 102 phao cứu sinh, 2 xuồng máy. Bên cạnh đó, Tiểu đoàn 2 cũng đã huy động 150 CBCS thường trực thực thi nhiệm vụ phòng, chống bão lũ và sơ tán người dân khi có tình huống cấp thiết.
Ngày 26/9, tại cuộc họp khẩn triển khai phương án phòng, chống bão số 4, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh tăng cường lực lượng về địa bàn cơ sở nắm tình hình, tham mưu, phối hợp thực hiện các công việc theo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương để chủ động ứng phó bão số 4. Lực lượng Công an cơ sở chủ động nắm chắc tình hình, xác định ngay khu vực trọng điểm ven biển, đầm phá, hồ đập, ven suối, khu vực có nguy cơ sạt lở để nắm hộ, nắm người và triển khai di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn.
Với tinh thần chủ động, lực lượng Công an các địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai phương án ứng phó bão số 4 theo phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”. Qua đó huy động lực lượng, phương tiện tham gia giúp dân phòng, tránh bão, phối hợp với các lực lượng chức năng kêu gọi tàu thuyền ngoài khơi vào nơi trú tránh an toàn, duy trì lực lượng xung kích sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Trong ngày 26/9, lực lượng Công an các huyện, thị xã, TP Huế, nhất là lực lượng Công an các xã ven biển đã triển khai công tác giúp người dân chằng, chống nhà cửa, đảm bảo ANTT nơi đi và nơi đến khi sơ tán dân. Đồng thời bố trí lực lượng ứng trực tại đơn vị để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ, lực lượng Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ động phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương tổ chức cắm biển, hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát phương tiện giao thông tại các khu vực đang thi công, khu vực xung yếu, chủ động các phương án phối hợp cứu hộ giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thuỷ nội địa… quyết tâm bảo đảm bảo toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Công an các huyện Nam Đông, A Lưới, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và TP Huế sẵn sàng phối hợp, bố trí lực lượng điều hoà, hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường bị ngập lụt, sạt lở; lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẵn sàng công tác ứng cứu; Phòng Hậu cần chủ động đảm bảo vật tư, phương tiện hỗ trợ các đơn vị trong quá trình thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn cho biết, lực lượng Công an tỉnh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 4, tập trung triển khai các phương án nhằm đảm bảo ANTT, trật tự ATGT ở mọi địa bàn, chủ động ứng phó trong mọi tình huống.
Công an tỉnh Nghệ An: huy động tối đa lực lượng ứng phó với bão
Ngày 26/9, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã trực tiếp có mặt tại các địa bàn xung yếu kiểm tra lực lượng, phương tiện và các điều kiện cần thiết.
Qua kiểm tra tại một số địa bàn xung yếu như thị xã Cửa Lò, bara Quang Thiết (xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc), khu vực đê Tả Lam (huyện Hưng Nguyên) và một số xã trên địa bàn huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, lãnh đạo Công an tỉnh nhấn mạnh, mặc dù dự kiến cơn bão có trọng tâm đi vào các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, song Công an các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, cần chủ động triển khai các phương án, kế hoạch; tập trung huy động tối đa lực lượng, phương tiện để sẵn sàng cho mọi tình huống.
Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động nắm chắc diễn biến Bão Noru và tình hình mưa lớn trên địa bàn để chủ động tham mưu và chỉ đạo có phương án toàn diện ứng phó phù hợp, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ", "3 sẵn sàng" nhằm phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, không để bị động, bất ngờ.
Nắm tình hình các hộ dân sinh sống tại cửa sông, ven biển, ven sông suối, các khu vực đồi núi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ưu tiên việc bố trí lực lượng ứng trực, sẵn sàng di dời đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Lực lượng Công an Nghệ An sẽ huy động 100% quân số ứng trực, sẵn sàng cho mọi tình huống bão có thể xảy ra.
Căn cứ vào diễn biến của bão, mưa lớn, thực hiện Công điện của Bộ Công an, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó, bảo đảm phát huy vai trò xung kích, tuyến đầu của lực lượng Công an trên mặt trận phòng, chống thiên tai; đảm bảo ANTT tại các địa phương, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra thiên tai.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổ chức tốt công tác trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm ANTT và phòng, chống thiên tai.
Chiều 26/9, Công an TP Đà Nẵng đã thành lập Tổ ứng cứu khẩn cấp và Đội Thanh niên xung kích thường trực để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền; đồng thời tổ chức ứng trực trong toàn lực lượng, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khẩn cấp khi có yêu cầu.
Bên cạnh đó, Công an Đà Nẵng cũng đã thành lập Trung tâm chỉ huy ứng phó với bão số 4 với sự tham gia của nhiều lực lượng gồm Tham mưu, Cảnh sát PCCC và CNCH, CSGT, Cảnh sát cơ động, Hậu cần); phân chia ca kíp trực đảm bảo tham mưu, chỉ huy, điều hành và cập nhật thông tin, tình hình, diễn biến bão 24/24h.
Công an Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân sắp xếp 1.269 tàu, thuyền (1.199 tàu cá, 22 tàu du lịch, 24 tàu kinh doanh xăng dầu, 24 tàu chở hàng) neo đậu an toàn; khuyến cáo cho hơn 8.100 người dân không ở lại trên các tàu, thuyền và được bố trí nơi tránh trú an toàn, chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản…
Trên cơ sở kết quả kiểm tra thực tế và báo cáo của Công an các phòng ban, quận huyện, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng yêu cầu Công an các đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, toàn diện các nhiệm vụ được phân công; thường xuyên báo cáo những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong công tác ứng phó với bão về Giám đốc để theo dõi chỉ đạo.
Giám đốc Công an TP chỉ đạo Công an huyện Hòa Vang phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan xây dựng phương án di dời cụ thể đối với các hộ dân thuộc diện cần thiết phải di chuyển đến nơi an toàn; chỉ đạo lực lượng Công an xã phân công CBCS đứng điểm tại từng thôn, xóm, khu vực, phối hợp với lực lượng nòng cốt tại địa phương để hỗ trợ giúp Nhân dân.
Riêng bà con dân tộc thiểu số hiện sinh sống tại khu vực Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khi có yêu cầu di dời, giao cho Công an huyện Hòa Vang chủ trì, Phòng Hậu cần, Phòng Cảnh sát cơ động hỗ trợ phương tiện, CBCS để giúp đỡ bà con di dời kịp thời, nhanh chóng…