Về nơi khởi nguồn Sáu điều Bác Hồ dạy CAND

15:43 09/03/2023

Mỗi năm, Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND ở tổ dân phố Chùa Nguộn, thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang đã đón tiếp hàng trăm đoàn khách đến dâng hương, dâng hoa, báo công với Bác. Đây cũng là nơi Công an tỉnh Bắc Giang báo công dâng Bác những kết quả, thành tích, chiến công đã đạt được và tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, kết nạp đảng viên mới.

Vinh dự và tự hào là nơi khởi nguồn, phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy CAND nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua “Học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND”, trong những năm qua, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã phát động nhiều phong trào thi đua đặc biệt như: “Nâng cao bản lĩnh, tính nhân văn, ra sức thi đua lập công dâng Bác, vì an ninh Tổ quốc”, “CBCS Công an tỉnh Bắc Giang phát huy truyền thống 75 năm vẻ vang, nâng cao bản lĩnh, tính nhân văn, lập công dâng Bác, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…

Bộ trưởng Tô Lâm, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và các đại biểu thăm phòng truyền thống Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND tại thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang (ngày 19/5/2020).

Tháng 3 ở khu di tích lịch sử

Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2018 với diện tích 3,26ha, gồm sân hành lễ, nhà truyền thống, nhà khách, ao sen, ao cá Bác Hồ và các vườn cây. Đây là “địa chỉ đỏ” không chỉ của lực lượng Công an mà còn là nơi nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương  chọn để tổ chức sinh hoạt chính trị, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt là tư tưởng của Bác về tư cách người Công an cách mệnh.

Trung tá Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm cho biết, mỗi năm, Khu lưu niệm đón hơn 400 đoàn khách đến thăm, dâng hoa, dâng hương. Hai năm 2020, 2021 do dịch COVID -19 nên có hơn 200 đoàn viếng thăm. Các đồng chí trong Ban quản lý luôn chuẩn bị chu đáo để các đoàn thực hiện việc báo công của các đơn vị có ý nghĩa nhất. Theo đó, Ban quản lý đã xây dựng mô hình với khẩu hiệu 3 tốt “Bảo quản tốt, tuyên truyền tốt và phục vụ tốt”, đảm bảo tốt ANTT, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch đẹp. Đơn vị thường xuyên tổ chức tập luyện đội hình nghi lễ phục vụ các đoàn dâng hoa, dâng hương và báo công với Bác. CBCS cũng tạo được mối quan hệ gần gũi, thân thiện với nhân dân và chính quyền địa phương.

Thiếu tướng, nhà văn Phạm Khải, Tổng Biên tập Báo CAND cùng Đoàn công tác dự lễ báo công tại Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND (ngày 23/2/2023).

Lúc chúng tôi đến thăm khu lưu niệm, các cháu học sinh, người dân đến tham quan, tập thể dục khá đông. Anh Nguyễn Hoàn Minh, người dân ở tổ dân phố Chùa Nguộn cho biết, 5 năm qua, từ khi khánh thành khu lưu niệm, hầu như ngày nào anh và gia đình cũng đến đây tập thể dục vì khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, sạch sẽ. Đây cũng là nơi tổ dân phố thường tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao. “Các cô, chú trong Ban quản lý thường kể về ý nghĩa của khu lưu niệm nên tôi cũng hiểu phần nào những lời dạy và công lao to lớn của Bác để chúng tôi có được ngày hôm nay”. Còn cháu Nguyễn Thị Phương Lan, học sinh Trường THCS Nhã Nam cho biết, hằng ngày, ngoài giờ học, cháu và các bạn thường xuyên đến đây chơi, được biết về các hoạt động của các chú Công an nên cháu ước mơ sau này sẽ được làm cán bộ Công an để giữ bình yên cho quê hương.

Tại Ban quản lý khu lưu niệm, ngoài lực lượng Cảnh sát bảo vệ còn có 3 đồng chí làm nhiệm vụ tiếp đón các đoàn dâng hoa, dâng hương, báo công dâng Bác; chăm sóc vườn hoa, vườn cây ăn quả, hồ sen, ao cá. Lúc chúng tôi đến, các anh, chị đang cắt cây, tỉa cành, dọn dẹp cảnh quan. Ngoài công tác đón tiếp, thuyết minh, giới thiệu truyền thống, hướng dẫn các đoàn tham quan khu lưu niệm thì đây là công việc thường xuyên, hằng ngày của các anh chị. Vừa cắt cây, vừa lau mồ hôi, anh Dương Văn Kiên, cán bộ Ban quản lý cho biết, anh rất vinh dự, tự hào được làm công nhân viên CAND, phục vụ tại Khu lưu niệm. Anh luôn cố gắng hết sức mình để đóng góp công sức nhỏ bé làm xanh, sạch đẹp cảnh quan môi trường.

Thế hệ trẻ tự hào khi được sinh ra và lớn lên tại nơi khởi nguồn Sáu điều Bác Hồ dạy CAND.

Trung tá Nguyễn Đức Toàn cho biết, mục tiêu cao nhất của Ban quản lý khu lưu niệm là truyền đạt được mục đích, ý nghĩa của Khu lưu niệm theo đúng mong muốn của lãnh đạo Bộ, chuyển tải được Sáu điều Bác dạy CAND tới CBCS và người dân. Theo đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp Phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang) xây dựng kịch bản, hoàn thiện hệ thống tour du lịch “Bản Ven - Di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám, một số di tích văn hoá, lịch sử, tâm linh của tỉnh Bắc Giang và Khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy CAND", xây dựng, trưng bày tủ sách trong nhà truyền thống…

Chùa Tứ Giáp - di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia – nơi Công an Khu XII đón nhận bức thư có nêu Sáu điều dạy của Người về tư cách người Công an cách mệnh, do  chiến tranh và thời gian, chùa đã bị xuống cấp nên UBND thị trấn Nhã Nam tổ chức lễ động thổ tu bổ, tôn tạo. Đến nay, dự án tu bổ, tôn tạo đã cơ bản hoàn thành. Chùa được tôn tạo khang trang với sân gạch đỏ, các công trình kiến trúc cũng ít nhiều thay đổi nhưng bên trong vẫn giữ được kiến trúc cũ, trang nghiêm, cổ kính. Để việc quản lý được quy củ hơn, UBND thị trấn Nhã Nam đã phê chuẩn Ban Hộ tự chùa do người dân bầu ra gồm 9 thành viên. Theo đó, Ban Hộ tự có trách nhiệm quét dọn bên trong chùa, lau tượng Phật, thắp hương hàng ngày. Bà Dương Thị Thanh Phú, 75 tuổi, Trưởng ban Hộ tự cho biết, “Chúng tôi gồm 9 người, trẻ nhất đã 65 tuổi, hằng ngày ra chùa làm việc chúng tôi thấy khoẻ ra. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên hiểu được ý nghĩa rất quan trọng của ngôi chùa. Bố tôi ngày xưa vẫn kể, chùa là nơi các chú Công an mật làm việc. Sau này, tôi mới biết đây là trụ sở Công an Khu XII. Chúng tôi rất tự hào được phục vụ tại nơi khởi nguồn Sáu điều Bác dạy CAND".

Bà Dương Thị Lương, 74 tuổi, Phó ban Hộ tự, từng làm Bí thư xã đoàn cho biết, “Chùa là di tích lịch sử nên mỗi khi lập được thành tích hoặc kết nạp đoàn viên mới, chúng tôi đều tổ chức tại đây. Chúng tôi may mắn được hộ tự tại chùa nên luôn dành hết tâm huyết để hoàn thành công việc. Hằng ngày, đến phiên trực, chị em chúng tôi ra chùa từ 6h sáng, dọn dẹp, thắp hương, đảm bảo di tích được giữ gìn, bảo quản tốt nhất”.

“Công an xã, phường, thị trấn thân thiện – phục vụ - kỷ cương”

Vinh dự và tự hào là nơi phát tích Sáu điều Bác Hồ dạy CAND,  Công an tỉnh Bắc Giang đã phát động nhiều phong trào thi đua “lập công dâng Bác”, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác tham mưu và cải cách hành chính; nâng tỷ lệ điều tra, khám phá án; ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật, điều lệnh CAND, trong đó, mô hình Công an xã, phường, thị trấn tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì nhân dân phục vụ”; “Chính quyền thân thiện” và “Cải cách hành chính tại Công an cấp xã” trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.  Trong đó, có lựa chọn xây dựng mô hình điểm “Công an xã, phường, thị trấn tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì nhân dân phục vụ” tại xã Hợp Đức (huyện Tân Yên), thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam), phường Trần Phú (TP Bắc Giang) từ tháng 11/2021; xây dựng thí điểm mô hình  “Cải cách hành chính” và mô hình “Công an kiểu mẫu chấp hành nghiêm điều lệnh CAND” tại 25 đơn vị Công an cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ tháng 3/2022. Sau khi xây dựng 3 mô hình điểm trên, đến hết năm 2022, Công an Bắc Giang đã triển khai tới 100% xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình “Chính quyền thân thiện” và “Công an xã, phường, thị trấn tận tụy, gắn bó, thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”.

CBCS Công an Bắc Giang đến nhà làm CCCD cho người dân.

Tại Công an thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam – nơi được giao mô hình điểm, là địa bàn rộng do trước đó sáp nhập thị trấn Đồi Ngô, thị trấn Lục Nam và xã Tiên Hưng, dân số hiện lên đến hơn 21,3 nghìn người với 24 tổ dân phố. Tình hình ANTT một số khu vực khá phức tạp, có nhiều tuyến giao thông trọng điểm, tiềm ẩn xảy ra vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ, Công an thị trấn phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí để bảo đảm thực hiện tốt yêu cầu về mô hình điểm, bố trí các phòng tiếp dân, làm việc, giải quyết công việc. Tại Công an xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, mô hình đã thay đổi lề lối làm việc, góp sức cùng chính quyền xã xây dựng phong cách "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân". Đồng chí Trần Văn Hội, Chủ tịch UBND xã Hợp Đức cho biết: Xã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, Trưởng ban là Chủ tịch UBND xã, hệ thống văn bản chỉ đạo được nhanh chóng hoàn thiện, là căn cứ để cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Mặc dù điều kiện còn hạn chế nhưng xã vẫn cố gắng sắp xếp cho Công an xã có 4 phòng phục vụ công tác, trong thời gian tới sẽ có quỹ đất để xây dựng trụ sở riêng. Mô hình đã đạt được hiệu quả rõ rệt, trong đó,  ngoài việc bảo đảm ANTT chung trên địa bàn, Công an xã còn trực tiếp giải quyết được nhiều mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, trong gia đình, phòng ngừa được các vụ vi phạm pháp luật. Công an phường Trần Phú, TP Bắc Giang được chính quyền thành phố đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc, bố trí cán bộ tiếp dân bảo đảm 24/7, tạo môi trường làm việc gần gũi, thân thiện ngay từ khi công dân đến làm việc. Ngày nghỉ, nếu công dân đến, cán bộ trực ban sẽ tiếp nhận hồ sơ để người dân không phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, Công an phường còn quan tâm đến việc tổ chức trao, gửi thư đến người dân (Thư cảm ơn, Thư chúc mừng việc hỷ, thêm thành viên mới; Thư chia buồn khi có việc hiếu...). Năm 2022, Công an phường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, cấp ủy, tổ dân phố và các nhà hảo tâm tặng hơn 200 suất quà (mỗi suất 600 nghìn đồng) cho các gia đình khó khăn và các cụ từ 90 tuổi trở lên.

Được biết, thực hiện các mô hình, Công an các xã, phường, thị trấn tại Bắc Giang đã niêm yết công khai 6 lĩnh vực  hành chính thuộc lĩnh vực giải quyết; bên cạnh bảng niêm yết văn bản, các đơn vị đã niêm yết mã QR của từng thủ tục, tạo điều kiện cho người dân kết nối đường link được nhanh chóng, đạt hiệu quả cao; công khai trên mục cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của UBND và Công an cấp xã trên mạng xã hội (zalo, facebook…). Thông báo và niêm yết công khai, rộng rãi số điện thoại trực ban (điện thoại cố định); số điện thoại của Trưởng, Phó trưởng Công an và cán bộ Công an cấp xã, số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an, Công an tỉnh, Công an huyện, thành phố tại trụ sở cơ quan và trên các trang mạng xã hội (zalo, facebook…). Qua đó, Công an cấp xã của Bắc Giang đã tiếp 6.248 lượt công dân đến giải quyết TTHC, trong đó 688 lượt liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; 865 lượt cấp căn cước công dân (CCCD); 816 lượt tiếp nhận lưu trú của các cơ sở kinh doanh lưu trú được thực hiện trên cổng dịch vụ công; đã tiếp 518 lượt công dân, qua đó tiếp nhận hơn 200 ý kiến phản ánh, kiến nghị của công dân liên quan đến giải đáp các thắc mắc của người dân về tình hình ANTT…

Giữ vững an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội

Một trong những công tác nổi bật của Công an tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua, đó là đã chủ động, kịp thời trong công tác đảm bảo ANTT,  không để bị động, bất ngờ, không để xảy ra điểm nóng về ANTT. Công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội đã đạt được nhiều kết quả tốt, tội phạm giảm; tỉ lệ điều tra khám phá án vượt so với chỉ tiêu của Bộ, trong đó tỷ lệ khám phá án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Công an các huyện, thành phố duy trì mô hình làm CCCD lưu động tại địa bàn cơ sở; đã thực hiện nhiều đợt cao điểm thu nhận dữ liệu CCCD, đến tận nhà làm CCCD cho người già, người bệnh. Bộ phận giải quyết thủ tục hành chính của Công an các đơn vị, địa phương làm việc thêm ngày thứ bảy hằng tuần với khẩu hiệu “Ngày thứ bảy vì nhân dân phục vụ”.

Đặc biệt, Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nhiều biện pháp, mô hình hay tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Trong đó, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã có nhiều hoạt động ý nghĩa trong học và làm theo Bác như triển khai mô hình “Anh nuôi cán bộ đoàn”, “Hỗ trợ sinh kế”; chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ 13 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập, mỗi năm 3,6 triệu đồng/người đến khi các em học hết bậc THPT; trao tặng lợn giống cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. 

Bên cạnh đó, Công an tỉnh Bắc Giang đã đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm trên các lĩnh vực: hình sự, kinh tế, ma tuý, môi trường, trong đó nhiều vụ án, vụ việc được người dân hoan nghênh, ủng hộ. Chỉ trong năm 2022, Công an tỉnh đã mở 6 đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm... trong đó tập trung đấu tranh với băng nhóm tội phạm hình sự, hoạt động “núp bóng” doanh nghiệp, “tín dụng đen” trá hình; tổ chức 11 cuộc diễn tập xử lý, giải quyết tình huống khi xảy ra cướp tài sản ngân hàng; đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp để làm giảm nguồn cung, nguồn cầu về ma túy, nhất là đấu tranh mạnh với các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, các đối tượng ma túy, đẩy mạnh việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…

CBCS Công an Bắc Giang giúp người dân khắc phục hậu quả sau lũ.

Đại tá Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, vinh dự và tự hào là nơi khởi nguồn Sáu điều Bác Hồ dạy CAND, CBCS Công an tỉnh Bắc Giang càng nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết về tầm quan trọng của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND trong công tác xây dựng lực lượng và thực hiện mọi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm TTATXH. Chính vì lẽ đó, việc triển khai thực hiện phong trào thi đua: “Học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy CAND” ở Công an tỉnh Bắc Giang đã luôn được quan tâm đẩy mạnh gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”; phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” và thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng. Phong trào thi đua đã được cụ thể hoá thành những tiêu chí, nội dung thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị; trong đó ban hành quy định chấm điểm người đứng đầu để gắn trách nhiệm của người đứng đầu; nhân rộng điển hình tiên tiến về trách nhiệm nêu gương; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý cán bộ; thực hiện “An ninh chủ động”, lựa chọn những khâu đột phá để thi đua, phấn đấu… Nhờ đó, từ phong trào thi đua này đã tạo nên những động lực thi đua, phấn đấu mạnh mẽ trong từng CBCS, tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị, địa phương, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được giao.

Năm 2022, thực hiện Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị về xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Công an tỉnh Bắc Giang đã triển khai theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Công an và là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Đề án được Tỉnh uỷ phê duyệt thông qua; đồng thời cũng là tỉnh đầu tiên tranh thủ được nguồn lực kinh phí của địa phương với 3 Dự án thành phần để phục vụ hiện đại hoá cơ sở vật chất, hiện đại hoá lực lượng CAND. Song song với đó, đang thực hiện 5 Đề án của tỉnh. Công an tỉnh Bắc Giang cũng là đơn vị được Bộ trưởng biểu dương trong hội nghị đánh giá bước đầu kết quả triển khai Nghị quyết 12 trong toàn lực lượng.

Phương Thủy

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文