Vì bình yên mùa nước nổi miền Tây
Lực lượng CSGT Công an các tỉnh miền Tây đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, chủ động ứng phó với tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa bão.
Tại huyện Hồng Ngự, khu vực đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp mùa nước nổi, các ngã ba, ngã tư nơi giao nhau giữa sông Tiền và các kênh rạch, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn đường thủy. Trung tá Lâm Văn Hiền, Phó trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Hồng Ngự thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trạm quản lý các tuyến sông từ huyện Hồng Ngự đến huyện Thanh Bình. Trên toàn tuyến có 22 bến thủy nội địa, bến khách ngang sông. Trạm đã phối hợp ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, nhắc nhở chủ các bến vận chuyển hành khách ngang sông, phương tiện vận chuyển hàng hóa và người dân mưu sinh trên sông chấp hành nghiêm Luật An toàn giao thông đường thủy nội địa. Qua công tác kiểm tra, 45 lượt chủ cơ sở, người điều khiển phương tiện cam kết chấp hành đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Văn Thi, chủ bến khách ngang sông bến đò Mương Miễu (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) - Tân Châu (tỉnh An Giang) cho biết: “Chủ bến và người điều khiển phương tiện cam kết chấp hành nghiêm Luật An toàn giao thông đường thủy nội địa. Trên phà luôn trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi. Vào mùa nước nổi, mỗi lượt phương tiện vận chuyển đều giảm 40% hành khách để đảm bảo an toàn”.
Trên tuyến sông Tiền và kênh Tháp Mười số 2 do Đội CSGT số 7 thuộc Phòng CSGT quản lý dài trên 40 km. Qua công tác tuần tra kiểm soát, người điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi phổ biến như chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, phương tiện hành trình ban đêm không bố trí đèn, tín hiệu đúng quy định, người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát. Trong đó, vi phạm chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn chiếm tỉ lệ trên 80% số vụ.
Trung tá Dương Văn Bình, Phó đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết: Ngoài việc nắm chắc tình hình trên tuyến, địa bàn quản lý, lực lượng làm nhiệm vụ làm tốt công tác tuần tra kiểm soát vào giờ cao điểm, kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng những bất cập trên tuyến, điểm tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn để phòng ngừa, chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra.
Kênh Chợ Gạo qua tỉnh Tiền Giang có chiều dài khoảng 30km, đây là tuyến giao thông đường thủy huyết mạch nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trung bình ngày/đêm, trên tuyến có hơn 1.000 lượt phương tiện tải trọng từ 200 tấn đến 1.000 tấn vận chuyển hàng hóa, lúc cao điểm lên đến 1.800 lượt. Toàn tuyến hiện có 6 bến vật liệu xây dựng, 6 bến khách ngang sông, 2 bến xăng dầu và 2 trạm điều tiết giao thông khu vực cầu Chợ Gạo vượt rạch Kỳ Hôn thuộc Dự án Đường tỉnh 864 đang xây dựng. Năm 2024,
Phòng CSGT đã triển khai xây dựng mô hình “Tuyến đường thủy văn hóa, an toàn giao thông” trên tuyến kênh Chợ Gạo, ký kết quy chế phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Long An), Công an huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, thành phố Gò Công và Mỹ Tho. Mô hình nhằm xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, xây dựng và hình thành rõ nét văn hóa giao thông đường thủy, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực địa bàn giáp ranh.
Đại tá Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang yêu cầu Phòng CSGT chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ giải pháp nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, kiềm giảm tai nạn giao thông trên tuyến kênh Chợ Gạo.
Trung tá Phan Văn Ích, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát đường thủy Vàm Kỳ Hôn thuộc Phòng CSGT cho biết: Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường thủy gắn với phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, lực lượng làm nhiệm vụ tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông đường thủy. Từ khi triển khai mô hình đã phát hiện, lập biên bản xử lý 820 vụ vi phạm, trong đó hành vi chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn là 794 trường hợp, xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng.
Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang cho biết: Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đã tuyên truyền trực tiếp cho 3.161 lượt thuyền trưởng, chủ phương tiện, người tham gia giao thông; cấp phát 3.161 tờ bướm, thông báo tuyên truyền pháp luật giao thông và phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông. Qua công tác tuyên truyền, ý thức trách nhiệm của người dân ngày càng nâng cao. Phòng CSGT phối hợp với Chi cục Đăng kiểm số 18, Cảng vụ Đường thủy nội địa Tiền Giang tổ chức kiểm tra 53 bến trên tuyến, địa bàn giáp ranh, trọng điểm. Cơ quan chức năng đã lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm, cho viết cam kết chấp hành nghiêm quy định về an toàn giao thông đường thủy nội địa.