Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ quyền con người

07:15 21/06/2022

Chiều 20/6, tại TP Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn”.

TS Phạm Văn Công, Trưởng phòng, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, Phó Tổ trưởng Tổ Thư ký xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn và bà Diana Torres, Trợ lý Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có trên 50 đại biểu đại diện của 11 bộ, ngành Trung ương.

Hội thảo là một hoạt động hợp tác quốc tế thực hiện Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/20219 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và là một trong các hoạt động trong khung khổ thực thi Công ước chống tra tấn tại Việt Nam mà Bộ Công an là Cơ quan thường trực thực hiện.

Việc tổ chức hội thảo nhằm thu thập, nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các thông tin, kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt của các quốc gia trong việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia triển khai các khuyến nghị về các công ước về quyền con người nói chung và chống tra tấn nói riêng; cũng như kinh nghiệm, thực tiễn của các bộ, ngành của Việt Nam trong xây dựng Kế hoạch thực hiện đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, qua đó, cung cấp nguồn thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng dự thảo Đề cương Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện các khuyến nghị phù hợp được đưa ra đối với Việt Nam theo Công ước chống tra tấn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 3 tham luận chia sẻ “Những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước chống tra tấn”, “Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế - Các cơ chế quốc gia cho hoạt động báo cáo và theo dõi” và “Thực tiễn và kinh nghiệm quốc gia trong điều phối, thực hiện và báo cáo theo các Cơ chế nhân quyền của Liên hợp quốc”. Sau khi thảo luận, các đại biểu tham dự cũng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý quý báu, bổ sung nhiều thông tin cả về lý luận và thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Đề cương Kế hoạch. 

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.

Cũng tại hội thảo, TS Phạm Văn Công cho biết, Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước chống tra tấn) là một trong chín điều ước cốt lõi của Liên hợp quốc về quyền con người, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước vào năm 2014 và chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào năm 2015.

Ngay sau khi trở thành quốc gia thành viên Công ước, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về thực thi Công ước vào năm 2017 và bảo vệ thành công Báo cáo này trước Uỷ ban chống tra trấn về việc thực hiện Công ước, trong đó đã cung cấp đầy đủ các lập luận và số liệu chứng minh, qua đó khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam về việc nghiêm cấm tất cả các hành vi liên quan đến tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và kiên quyết trừng trị nghiêm minh mọi hành vi vi phạm này…

TS  Phạm Văn Công cũng thông tin thêm, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn tại Việt Nam cũng như các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn, qua đó khẳng định cam kết của Việt Nam trong phòng, chống tra tấn, các cơ quan chức năng Việt Nam cần lưu ý tập trung vào việc tổ chức đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tập huấn về Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.

Tăng cường nghiên cứu, tham khảo, ứng dụng các mô hình hay, thực tiễn tốt của các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam và một số quốc gia khác; đồng thời xây dựng và nộp báo cáo quốc gia lần thứ 2 lên Ủy ban chống tra tấn, dự kiến vào cuối năm 2022; thực hiện nghiêm, công khai minh bạch các quy định pháp luật về tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác, đơn khiếu nại, tố cáo; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành tạm giữ, tạm giam; thi hành án hình sự…

Với cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm của Công ước chống tra tấn, vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn và các khuyến nghị phù hợp của Ủy ban chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, tính nhân văn của hệ thống pháp luật và Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.

Đặng Nhật

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文