Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng và chuẩn bị công phu

07:38 27/04/2025

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một dự án luật quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng thời cũng là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, có quá trình và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng dự án Luật xoay quanh những nội dung của dự án Luật.

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân  là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng và chuẩn bị công phu -0
Thượng tá Nguyễn Bá Sơn.

PV: Xin đồng chí cho biết sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân?

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn: Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật sẽ giúp thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao nhận thức, ý thức về hoạt xử lý dữ liệu cá nhân hiện nay song hành với công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân và có các quy định rõ ràng về việc bảo đảm các quyền của chủ thể dữ liệu. Đồng thời giúp nâng cao nhận thức của tất các cả đối tượng về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các chế tài được áp dụng sau khi ban hành Luật cũng mang tính răn đe, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng và tuân thủ các quy định trong hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân. Việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, có quá trình và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, bắt đầu từ khi khảo sát xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân (năm 2019) đến khi nghị định có hiệu lực và triển khai trên thực tiễn.

Về cơ sở chính trị, pháp lý, dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan tới chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân, an toàn, an ninh mạng, an ninh thông tin, an ninh dữ liệu, công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số. Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo vấn đề này theo hướng bảo đảm an ninh mạng lấy con người, trí tuệ con người làm trung tâm, là nhân tố quyết định, hoàn thiện hành lang pháp lý trong bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bảo vệ dữ liệu cá nhân được tiến hành song song, đồng thời với sự phát triển kinh tế, xã hội, đi liền với tất cả các khâu, quá trình nhưng phải đảm bảo không hạn chế sự phát triển, đổi mới và sáng tạo. Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa các quy định của các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định quyền riêng tư của cá nhân là bất khả xâm phạm, đồng thời phát triển mở rộng phạm vi quyền riêng tư không chỉ là quyền bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín mà còn bao gồm quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình (Điều 21).

Về cơ sở thực tiễn, hiện có tổng số 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân (Nghị định số 13) đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản Nghị định, chưa phải văn bản luật nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn, cần có văn bản luật làm "luật gốc", mang tính nguyên tắc, góp phần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Qua thực tiễn triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân cho thấy, hiện có nhiều tổ chức, doanh nghiệp thu thập thừa dữ liệu cá nhân so với ngành nghề, sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, thiếu cơ sở pháp lý khi thu thập dữ liệu cá nhân, không xác định được các luồng xử lý dữ liệu. Nhiều hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân mà chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, không thể lấy ý kiến về sự đồng ý đối với những dữ liệu cá nhân đã thu thập. Điều đó cho thấy, các quyền cơ bản của công dân đối với dữ liệu cá nhân chưa được bảo đảm, công dân chưa biết cách tự bảo vệ, chưa biết cách khiếu kiện, phản đối, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ là cơ sở pháp lý ghi nhận các quyền của công dân đối với dữ liệu cá nhân, góp phần nâng cao nhận thức và hoàn thiện cơ chế thực thi bảo vệ các quyền công dân.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các nghĩa vụ trong quá trình xử lý dữ liệu cá nhân trong các tổ chức chưa được tiến hành thường xuyên. Việc thay đổi quy trình làm việc, chính sách hiện hành của tổ chức, doanh nghiệp phù hợp với quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được quan tâm nhưng chưa được triển khai đúng mức; việc cung cấp các giải pháp kỹ thuật bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế, thiếu tiêu chí đánh giá các giải pháp kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân. Những hạn chế, thiếu hiệu quả khi triển khai tuân thủ Nghị định số 13 sẽ được giải quyết thông qua việc bổ sung, chỉnh sửa các quy định trong Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân theo hướng đầy đủ, rõ ràng hơn và sẽ được cụ thể hóa trong các văn bản của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật.

Công an tỉnh Hà Tĩnh thu giữ tang vật trong đường dây thu thập, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân khách hàng trái phép của các công ty tài chính.

PV: Quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan chủ trì xây dựng đã tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn: Bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề được các tổ chức và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và đi trước nước ta trong thời gian khá dài, có nhiều kinh nghiệm pháp lý và thực tiễn triển khai thi hành để tiếp thu. Hiện nay, đã có hơn 140 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhiều văn bản có quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Do hệ thống pháp luật, trình độ nhận thức, kinh tế, xã hội khác nhau nên việc tiếp thu các quy định, tiền lệ về bảo vệ dữ liệu cá nhân cần bảo đảm yếu tố hài hòa, trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của nước ta, nhưng cũng bảo đảm sự tương thích về mặt pháp lý cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thuận lợi triển khai. Một số công ước, khuyến nghị và tiêu chuẩn khu vực về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân mặc dù nước ta chưa phải thành viên nhưng có thể được nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc.

Về cơ bản, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong dự thảo Luật được tiếp cận và phát triển từ quyền riêng tư - với tư cách là quyền cơ bản của con người. Đây cũng là cách tiếp cận đã được pháp luật nhiều nước trên thế giới công nhận và có cơ chế bảo vệ trước sự xâm phạm từ phía nhà nước cũng như từ các chủ thể khác; thống nhất nguyên tắc dữ liệu cá nhân được bảo vệ và các chủ thể khác chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân khi được chủ thể dữ liệu cá nhân cho phép trừ các trường hợp luật định; các hành vi xâm phạm quyền đối với dữ liệu cá nhân bị xử lý hành chính, hình sự và chủ thể dữ liệu cá nhân bị xâm phạm có quyền yêu cầu bồi thường. Dự thảo Luật đảm bảo tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người như: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 (Điều 12), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR, Điều 17), Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (Điều 16), Công ước về quyền của người khuyết tật (Điều 22). Bên cạnh đó, dự thảo Luật quy định quy định về lưu chuyển dữ liệu qua biên giới phù hợp với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới...

Sự phát triển một số công nghệ mới đặt ra yêu cầu phải bảo vệ dữ liệu cá nhân, như: Xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, blockchain, vũ trụ ảo. Với quan điểm bảo vệ để phát triển, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ quy định cụ thể các hoạt động kinh doanh liên quan tới sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hộị.

PV: Vậy, dự thảo Luật bao gồm những nội dung chính nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn: Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật là luật chung điều chỉnh việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên tất cả các môi trường, bao gồm môi trường truyền thống và môi trường mạng để đảm bảo tính bao quát, thống nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh tạo khoảng trống pháp luật nếu chỉ điều chỉnh đối với môi trường điện tử. Đối tượng áp dụng gồm cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Dự thảo Luật gồm 7 Chương, 68 Điều, với 7 nội dung chính như sau:  Thống nhất thuật ngữ và xây dựng một số khái niệm quan trọng về bảo vệ dữ liệu cá nhân; các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu, 3 nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu; quy định về điều kiện bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân; yêu cầu đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và chuyển dữ liệu cá nhân ra nước ngoài như một bản cảm kết trước pháp luật về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân; hoàn thiện quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản, dữ liệu cá nhân nhạy cảm, điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

PV: Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là việc quy định quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu. Những quy định này là nền tảng ghi nhận quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư của con người, làm cơ sở để triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn: Trên cơ sở kế thừa Nghị định số 13 và tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu (Quyền được biết, Quyền đồng ý, Quyền truy cập, chỉnh sửa, Quyền rút lại sự đồng ý, Quyền xóa dữ liệu, Quyền hạn chế, Quyền cung cấp dữ liệu, Quyền phản đối, Quyền khiếu nại, tố cáo, Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, Quyền tự bảo vệ) và 3 nghĩa vụ (Tôn trọng, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người khác; Cung cấp đầy đủ, chính xác dữ liệu cá nhân khi đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân; Chấp hành pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và tham gia phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân).

Việc quy định quyền và nghĩa vụ của chủ thể là nền tảng ghi nhận quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư của con người, làm cơ sở để triển khai công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân toàn diện. Đặc biệt, việc quy định quyền đồng ý và rút lại sự đồng ý đảm bảo nguyên tắc quan trọng nhất là xử lý dữ liệu cá nhân theo đúng mục đích được chủ thể dữ liệu đồng ý. Thực tế, nhận thức về các quyền và nghĩa vụ này của chủ thể dữ liệu tại Việt Nam chưa đồng bộ do đây là vấn đề còn mới. Sau khi Luật được ban hành, Bộ Công an sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nâng cao nhận thức của chủ thể dữ liệu về các quyền và nghĩa vụ này, từ đó áp dụng như một công cụ hiệu quả để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

PV: Thực trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra một cách công khai, gây bức xúc trong dư luận nhưng vẫn chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý. Dự thảo Luật đã có những quy định nào để ngăn chặn cũng như xử lý tình trạng này, thưa đồng chí?

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn: Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực, dữ liệu cá nhân được chuyển lên môi trường điện tử thường xuyên, liên tục dẫn đến tình trạng lộ, mất dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai. Mặc dù Nghị định số 13 đã quy định dữ liệu cá nhân không được mua, bán dưới mọi hình thức, thực tế tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân hiện đang diễn ra phổ biến, công khai, nhiều hành vi chưa được xử lý vì thiếu quy định của pháp luật. Hoạt động mua, bán dữ liệu cá nhân diễn ra dưới nhiều hình thức. Bộ Công an phát hiện, đấu tranh, xử lý một số đường dây chiếm đoạt, mua bán dữ liệu cá nhân quy mô lớn tại Việt Nam (lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm). Trong năm 2023, phát hiện, điều tra, xác minh 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên các nền tảng, diễn đàn (BreachedForums, Telegram, Facebook); cung cấp dịch vụ tra cứu dữ liệu cá nhân công dân Việt Nam (dữ liệu thời gian thực).

Do đó, dự thảo Luật tiếp tục quy định cấm mua bán dữ liệu cá nhân như tài sản, hàng hóa thông thường nhằm bảo vệ quyền riêng tư, quyền nhân thân của chủ thể dữ liệu; bổ sung khái niệm sử dụng dữ liệu cá nhân phục vụ phát triển kinh tế, xã hội để phân định hoạt động khai thác, sử dụng dữ liệu cá nhân hợp pháp, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quá trình xử lý dữ liệu cá nhân cần tuân thủ đúng luồng xử lý theo mục đích chủ thể dữ liệu đồng ý, thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ theo vai trò của từng bên trong luồng xử lý.

Dự thảo cũng bổ sung các cơ chế quản lý, bảo vệ chặt chẽ hoạt động sử dụng dữ liệu cá nhân trong một số lĩnh vực kinh doanh có hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân quy mô lớn; bổ sung chuẩn hóa năng lực của chuyên gia bảo vệ dữ liệu cá nhân; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm, kinh doanh dịch vụ xử lý dữ liệu cá nhân, dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt dự kiến sẽ tăng lên đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng nhằm tăng cường tính răn đe, phù hợp với thông lệ quốc tế. 

PV: Xin đồng chí cho biết tiến độ xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đến thời điểm này?

Thượng tá Nguyễn Bá Sơn: Dự án Luật đã được Chính phủ trình Quốc hội, đưa vào chương trình họp Kỳ thứ 9 Quốc hội khóa XV xem xét, dự kiến thông qua tháng 5/2025.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Mai-Nguyễn Hương (thực hiện)

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước nối liền một dải, Việt Nam hiện lên trong mắt truyền thông quốc tế là một quốc gia vững vàng, độc lập, không ngừng phát triển và hội nhập, người Việt Nam tử tế và hiếu khách. Đại lễ 30/4/2025 không chỉ là dấu mốc lịch sử, mà còn lan tỏa niềm vui chiến thắng, niềm tự hào dân tộc tới bạn bè năm châu. 

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị các cấp, các ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và thân nhân các gia đình có người được đặc xá tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để những người được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Chiều 1/5, thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ, toàn quốc xảy ra 65 vụ, làm chết 28 người, bị thương 56 người. So với cùng kỳ năm 2024 giảm 10 vụ, giảm 2 người chết, tăng 6 người bị thương. Tất cả các vụ đều xảy ra trên đường bộ, đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn. 

Ngày 1/5, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị hiện đang tạm giữ đối tượng Hà Văn Thúy (SN 1985), trú tại xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Sáng 1/5, Trại giam An Điềm - Bộ Công an (đóng tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam) tổ chức Lễ công bố quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2025, Trưởng Ban chỉ đạo đặc xá Bộ Công an dự và chỉ đạo buổi lễ.

Theo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhiều người bị vết thương rất nhỏ như gai đâm, đinh đâm, xước da, dập móng... nhưng chủ quan không xử lý, dẫn tới nhiễm uốn ván nặng, khi vào viện đã nguy kịch. Tỷ lệ tử vong do uốn ván rất cao, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn. 

80 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc vượt ngục lịch sử diễn ra tại nhà tù Hỏa Lò (tháng 3/1945-3/2025). Chốn ngục tù tăm tối xưa kia nay đã trở thành Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò giữa trung tâm Thủ đô, hằng ngày đón nhiều lượt khách tham quan.

Trạm Kiểm soát Biên phòng Nhơn Hải (Đồn Biên phòng Nhơn Lý, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định) phối hợp với Đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định) và Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định điều tra, làm rõ vụ một mô tô nước mất lái lao lên bờ làm 1 người tử vong, 1 người bị thương.

Gọi các đối tượng bị bắt giữ là những “cá mập” có vẻ văn chương nhưng rất đúng trên thực tế. Bởi chúng là các đối tượng cầm đầu trong các đường dây phạm tội, là cái gốc để hình thành tội phạm và là chỉ huy của những đối tượng phạm tội trong đường dây. Có những vụ án, chúng đứng trên hàng chục đối tượng, ẩn sâu trong vỏ bọc của những doanh nhân thành đạt hay những người lãnh đạo trong tổ chức, cơ quan Nhà nước. Khi tổ chức phạm tội bị Công an tỉnh Thái Bình phá vỡ, các đối tượng lần lượt sa lưới, lúc đó mọi người mới ngỡ ngàng khi biết kẻ cầm đầu - “cá mập” này là ai? Và ngỡ ngàng trước số lượng các đối tượng bị bắt giữ trong đường dây khi cơ quan Công an truy tận cùng, bắt tận hết những kẻ vi phạm pháp luật.

Tối 30/4, hàng chục ngàn người dân và du khách đã đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để hòa mình vào không khí lễ hội rực rỡ, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong chuỗi hoạt động đặc sắc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), màn diễu hành của đoàn kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (Bộ Công an) trở thành điểm nhấn độc đáo, thu hút người dân và du khách...

Một loạt ca khúc cách mạng, thể hiện lòng biết ơn của thế hệ trẻ như “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Khát vọng tuổi trẻ”, “Viết tiếp câu chuyện hòa bình”... đang tạo “cơn sốt” trong đời sống âm nhạc. Nhiều độc giả trẻ xếp hàng hào hứng nhận những ấn phẩm đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng lịch sử 30/4... do Báo Nhân dân ấn hành.

Trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhìn đoàn quân rầm rập tiến bước dưới quân kỳ, lòng tôi vô cùng xúc động, xen lẫn tự hào. Bởi những gì có được của ngày hôm nay, là sự hy sinh, mất mát của biết bao đồng bào, đồng chí, biết bao dòng họ, làng quê trên đất nước Việt Nam. Trong đó có gia đình tôi, bố mẹ và các anh chị em chúng tôi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.