Không khoan nhượng trong xử lý vi phạm nồng độ cồn

Xử lý vi phạm nồng độ cồn - mệnh lệnh, kế hoạch chiến đấu của lực lượng CAND (bài cuối)

09:59 14/02/2023

Mặc dù gặp phải sự né tránh, thậm chí có trường hợp chống đối, gây nguy hiểm đến tính mạng khi thi hành công vụ nhưng lực lượng CSGT trên toàn quốc vẫn xác định: Xử lý vi phạm nồng độ cồn là mệnh lệnh, kế hoạch chiến đấu của lực lượng CAND.

Trong tất cả các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Bộ Công an, đặc biệt là Bộ trưởng Tô Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đều luôn nhấn mạnh rằng, việc xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý, quá tải là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của lực lượng Công an, không ngơi nghỉ, không hết cao điểm là dừng, bởi những nhiệm vụ này không chỉ góp phần đảm bảo ATGT, làm giảm tai nạn, hình thành thói quen chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông mà còn làm bớt đi nỗi đau con mất cha mẹ, vợ mất chồng, bố mẹ mất con, bớt người vào vòng lao lý vì một phút sai lầm.

Chấn chỉnh việc  chấp hành quy định  của pháp luật về ATGT Năm 2022, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng CSGT triển khai quyết liệt, có hiệu quả 5 đợt cao điểm đảm bảo TTATGT, tập trung xử lý vi phạm theo các chuyên đề như: ma tuý, nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, cơi nới thành thùng và chở hàng quá tải; Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã ban hành Điện số 76 chỉ đạo các giải pháp đảm bảo TTATGT.

Lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện của người vi phạm nồng độ cồn.

Với những cố gắng, nỗ lực suốt năm 2022 đến nay, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến, TNGT giảm cả 3 tiêu chí, góp phần mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân, tạo dựng môi trường xã hội an toàn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lãnh đạo Bộ Công an cũng chỉ đạo lực lượng CSGT bám sát mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chủ thế, làm động lực, làm nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, xử lý mạnh vi phạm nồng độ cồn đã làm thay đổi, chuyển biến nhận thức của người tham gia giao thông, bước đầu tạo được thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng nhiều lần nhấn mạnh, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn không chỉ làm giảm TNGT, bớt đi những gia đình có con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, bớt đi những gia đình có người thân vướng vào lao lý mà còn làm giảm cả những vụ tai nạn, đánh nhau gây thương tích, gây rối TTCC, bớt các bệnh tật do rượu bia gây ra; bớt gánh nặng xã hội khi phải chi tiền để chữa bệnh, để đền bù cho người bị hại.

Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với công tác đảm bảo ATGT, ngoài việc yêu cầu tiếp tục thực hiện Điện số 76/2022, mới đây nhất, ngày 3/2/2023, Bộ trưởng Bộ Công an tiếp tục có Điện số 05 chỉ đạo các giải pháp bảo đảm TTATGT, xác định 2 chuyên đề công tác trọng tâm và là mệnh lệnh chiến đấu của Bộ, thực hiện xuyên suốt trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đó là “Xử lý vi phạm về nồng độ cồn” và “Chấn chỉnh việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông”. “Trong đó, đối với chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, lãnh đạo Bộ yêu cầu các địa phương phải thực hiện thường xuyên, quyết liệt, không có ngoại lệ, kiên quyết hình thành thói quen “đã uống rượu bia không lái xe” trong nhân dân; đồng thời chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về giao thông đối với cả người dân và lực lượng thi hành công vụ” – Thượng tá Phạm Quang Huy nhấn mạnh.

Trên thực tế, từ các vụ án chống người thi hành công vụ và các vụ TNGT đã cho thấy, tình trạng sử dụng rượu bia tham gia giao thông đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, không chỉ gây ra các vụ TNGT mà còn khiến lái xe mất kiểm soát, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ dẫn đến phải trả giá đắt. Điều này đã khẳng định quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an khi yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn, ma tuý xuyên suốt là chủ trương rất đúng, rất trúng, không chỉ làm giảm TNGT mà còn làm giảm tình trạng đánh nhau, gây thương tích, gây rối TTCC, giảm chống người thi hành công vụ, bảo vệ bình yên, hạnh phúc cho người dân.

Tại các hội nghị về công tác của CSGT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long thường xuyên nhấn mạnh, đối với các đối tượng cố tình chống đối, lăng mạ, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự để răn đe người tham gia giao thông phải "thượng tôn pháp luật". Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu lực lượng CSGT phải bồi dưỡng thường xuyên kiến thức nghiệp vụ, pháp luật, chính trị, quân sự vũ thuật, văn hóa ứng xử cho cán bộ; ưu tiên trang bị cho lực lượng TTKS đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thi hành công vụ.

Người dân, cơ quan chức năng đồng tình ủng hộ Là những người thực thi công tác kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đại úy Mai Thành Huynh, tổ trưởng Tổ công tác Y6/141, Công an TP Hà Nội cho biết, sau hơn 1 tháng Công an TP Hà Nội mở cao điểm kiểm tra vi phạm về nồng độ cồn, lượng tài xế vi phạm đã giảm rõ rệt.

“Trước đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều người điều khiển ôtô, xe máy vi phạm nhưng giờ có những ca không phát hiện trường hợp nào. Mức độ vi phạm cũng giảm hẳn, hiếm thấy tài xế vi phạm ở mức kịch khung. Chúng tôi được chỉ huy Phòng CSGT quán triệt tinh thần xử lý không có ngoại lệ, không có chuyện xin bỏ qua vi phạm về nồng độ cồn nên thực hiện rất nghiêm túc” - Đại úy Mai Thành Huynh nói.

Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, việc lập chốt kiểm tra nồng độ cồn đã có tác dụng lan tỏa rất tích cực trên toàn quốc. Vào dịp lễ Tết, vấn nạn uống rượu bia lái xe khá phổ biến. Khi các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT tổ chức kiểm tra, kiểm soát xuyên suốt trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, số lượng người vi phạm bị phát hiện tăng cao. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia cũng giảm rất nhiều. Việc này cho thấy đây là giải pháp rất đúng đắn. Nhiều người sau khi thấy lực lượng chức năng xử lý nghiêm đã thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi: Không lái xe khi sử dụng rượu bia.

“Nếu các địa phương duy trì kiểm tra thường xuyên, liên tục, ngẫu nhiên kể cả thời điểm bình thường trong năm và các năm sau, chắc chắn sẽ góp phần xây dựng thành công văn hóa giao thông đã điều khiển phương tiện thì trong máu không có nồng độ cồn. Người tham gia giao thông sẽ dần thay đổi về nhận thức, thay đổi hành vi để xây dựng văn hóa giao thông an toàn, mang tính bền vững. Trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc đều mất vài thập niên để xử lý hành vi uống rượu bia vẫn lái xe. Bởi vậy đây là vấn đề đòi hỏi chúng ta phải kiên trì”, ông Trần Hữu Minh nói và cho biết thêm, một bộ phận người dân cần thay đổi nhận thức và hành vi của mình, trong đó người trưởng thành nêu gương chấp hành nghiêm quy định không sử dụng rượu bia khi lái xe sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông cho thế hệ trẻ, giao thông trên đường sẽ an toàn hơn.

Anh V.H.T, quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc chứng kiến vụ chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 5/2, tại địa bàn huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) cho hay, khi tham gia giao thông, anh phát hiện người điều khiển xe ôtô BKS 88A – 288… chạy với tốc độ nhanh, trên nắp capo có một đồng chí CSGT. Lúc này, theo đề nghị phối hợp của tổ CSGT, anh T đã điều khiển ôtô đuổi theo, liên tục bấm còi để cảnh báo nhưng người này vẫn điều khiển xe di chuyển với tốc độ cao… Khi di chuyển được khoảng 2km, anh T thấy xe ôtô đánh lái sang phải, làm đồng chí CSGT bị hất văng ra khỏi nắp ca pô của xe ôtô và ngã lăn ra đường. Sau đó, xe ôtô này tiếp tục bỏ chạy về hướng TP Việt Trì. Anh T dừng xe ở lề đường và xuống xe thì thấy đồng chí CSGT bị ngã, xây xát da, quân phục bị rách. Vì anh T nhận thấy hành vi trên của lái xe ôtô là vô cùng nguy hiểm cho xã hội nên đã trích xuất dữ liệu camera giám sát hành trình của xe ôtô cá nhân cho cơ quan Công an làm căn cứ xử lý đối với lái xe.

“Hành vi của người điều khiển xe ôtô trên là sai, vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- anh T nhấn mạnh.

Theo ông Vàng A Súa, quê ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình: “Người dân tộc Mông mỗi khi có dịp lễ rất hay uống rượu, nhất là thanh niên. Bây giờ Công an lập nhiều chốt kiểm tra nồng độ cồn nên chúng tôi khuyên con cháu, bà con trong bản phải chấp hành pháp luật, không được lái xe khi đã uống rượu”.

Còn chị N.T.N, trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với người uống rượu, bia không nên điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm hiệu lệnh của tổ công tác thực thi nhiệm vụ. Vì hành vi điều khiển phương tiện bỏ trốn có thể để lại hậu quả khôn lường, gây tai nạn cho CSGT và người dân tham gia giao thông… Từ đó có thể bị xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ, nặng hơn là phạm tội giết người.

Anh Phan Anh Tuấn, trú tại phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình kiến nghị, cần tăng mức phạt xử lý hình sự đối với trường hợp sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của cơ quan chức năng… Những hành vi thế này cần xét xử công khai, góp phần răn đe cho nhiều người khác.

Chúng tôi cũng hy vọng rằng, với sự quyết tâm cao của lực lượng Công an, sự đồng tình vào cuộc của toàn xã hội sẽ không còn có những “ma men” trên đường, không còn những vụ TNGT đau lòng do rượu bia gây ra.

Phương Thủy – Minh Hiền

Nhiều khu đất lớn đang trong giai đoạn chính quyền TP Đà Nẵng rao bán đấu giá bị doanh nghiệp ngang nhiên lấn chiếm làm công trình, bãi tập kết máy móc, vật liệu xây dựng. Thậm chí, có trường hợp chiếm đất công rồi tổ chức cho người khác đổ xà bần, rác thải để thu tiền theo đầu xe. Đã có trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự... 

Cơn bão Man-yi, hiện cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 2.000 km được đánh giá là cơn bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17, có khả năng tiến vào Biển Đông trong ngày 18/11.

Không chỉ nhiều lần phớt lờ chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đoàn về vấn đề quản lý đất công như Báo CAND đã phản ánh vào ngày 9/11, tại Phân viện Thanh Thiếu niên miền Nam (TP Thủ Đức - TP Hồ Chí Minh) thuộc Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam còn để xảy ra tình trạng công trình trị giá 34 tỷ đồng được đầu tư bằng vốn ngân sách sau 15 chưa quyết toán xong và có nguy cơ phải đập bỏ do xây dựng không phép…

"Không thể để Thủ đô cứ mưa lớn lại ngập, trong nội đô ngập, ở ngoại đô, người dân phải chèo thuyền vào tầng 2 nhà mình",  TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát biểu như vậy tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô số 39/2024/QH15: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” được tổ chức sáng 14/11 tại Hà Nội.

Ngày 14/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã có kết luận điều tra về đường dây chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng số lượng lớn do bị can Lềnh Chi Và (SN 1984) và Nguyễn Trung Hiếu (SN 1991), cùng ngụ tại huyện Định Quán (Đồng Nai) thực hiện hành vi phạm tội.

Trưa 14/11, Giải đua ghe Ngo trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng khu vực ĐBSCL lần thứ 6 và Tuần VH-TT&DL Sóc Trăng lần thứ 1 năm 2024 chính thức khai mạc tại Khán đài đua ghe Ngo (sông Maspero, TP Sóc Trăng), với sự tranh tài của 60 đội ghe Ngo (53 đội nam, 7 đội nữ) đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang và TP Cần Thơ.

Sáng 14/11, Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin xung quanh việc mở rộng đấu tranh Chuyên án VN10, xử lý triệt để các đối tượng đã từng mua ma túy từ các đối tượng bị bắt giữ trong chuyên án để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đáng chú ý, các đối tượng liên quan tới cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文