Cô dâu Việt “cuống quýt” về nhà chồng Hàn Quốc

16:30 20/03/2014

“Trong những năm vừa qua, với nhiều báo động của hiện tượng cô dâu Việt Nam lâm vào những hoàn cảnh ngược đãi, bạo hành, những bi kịch của cả gia đình – hệ lụy của việc kết hôn với người nước ngoài như một cách để thay đổi cuộc đời đã khiến cho cả hai quốc gia Hàn Quốc và Việt Nam tìm nhiều cách trong việc quản lý thủ tục nhằm hạn chế nhất có thể những rủi ro và bi kịch có thể xảy ra...”.

Đơn giản hóa thủ tục kết hôn, thắt chặt thủ tục xác nhận để đăng ký kết hôn

Công bằng mà nói, thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam không hề đơn giản với rất nhiều loại giấy tờ và yêu cầu cụ thể.

Một trong những lý do dẫn tới điều này là nhằm đảm bảo quyền lợi và hợp pháp của các cặp vợ chồng có một trong hai là người nước ngoài. Nhưng cũng chính vì vậy, những cô gái lấy chồng Hàn Quốc theo phong trào, mong được đổi đời mà không biết chính xác thân phận người mình sẽ lấy làm chồng như thế nào lại chọn cách đơn giản hơn: gửi hồ sơ sang đăng ký tại Hàn Quốc, nơi luật pháp không quy định phải có mặt của cả 2 người khi đăng ký trước và làm thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam. Báo cáo của các Sở Tư pháp cho biết từ năm 2005 – 2010, cả nước có gần 38 ngàn trường hợp cô dâu Việt kết hôn với nam giới Hàn Quốc theo quy trình trên, chiếm đến 95% trong tổng số các cô dâu Việt lấy chồng Hàn Quốc.

Cũng chính vì những thực tế này, thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài đã có những thay đổi đơn giản hơn. Theo Nghị định 24, trước đây khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn thì bắt buộc cả hai vợ chồng cùng có mặt để nộp hồ sơ. Trường hợp một người vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền. Trong giấy ủy quyền (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) cũng phải nêu rõ lý do vì sao không thể có mặt để nộp hồ sơ. Theo quy định mới, sắp tới chỉ cần vợ hoặc chồng đến nộp hồ sơ. Đến giai đoạn phỏng vấn thì cả hai người mới cần phải có mặt. Theo đó, sẽ bỏ thủ tục niêm yết sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn tại trụ sở của Sở Tư pháp và UBND phường, xã nơi đương sự thường trú. Thời gian giải quyết hồ sơ cũng giảm xuống từ 30 ngày xuống 25 ngày.

Thực tế là việc thay đổi trong thủ tục đăng ký kết hôn khiến cho rất nhiều người cảm thấy thuận tiện hơn. Trước đây khi nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp cả hai vợ chồng đều cùng phải có mặt gây nhiều bất tiện cho người nước ngoài đang sống và làm việc tại nước khác. Nhưng bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục kết hôn, Nghị định 24 lại thắt chặt thủ tục xác nhận.

Hiện nay, UBND phường, xã có thể trực tiếp cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có nhu cầu làm thủ tục kết hôn ở nước ngoài. Theo Nghị định 24, sau khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân, UBND phường, xã phải gửi hồ sơ cho Sở Tư pháp để Sở thẩm tra, xác minh. Sau khi xác minh, nếu từ chối giải quyết, Sở Tư pháp sẽ có văn bản giải thích rõ lý do từ chối để phường, xã thông báo cho người yêu cầu. Trường hợp Sở Tư pháp đồng ý, Chủ tịch UBND phường, xã mới cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi thủ tục quản lý có thể hạn chế nhưng không giải quyết được phần gốc của vấn đề đó là cần nâng cao nhận thức và chú trọng phát triển kinh tế, đời sống để các cô gái xứ nghèo không phải tìm đến ước mơ đổi đời bằng việc đánh đổi bản thân với nhiều may rủi.

Gấp rút làm thủ tục xuất cảnh trước những thay đổi tại Hàn Quốc

Bộ Tư pháp Hàn Quốc ngày 5/2 đã đăng công báo về phương hướng sửa đổi tiêu chí xét duyệt cấp thị thực cho người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc và định cư tại nước này. Do nhiều vấn đề xã hội như nạn bạo hành gia đình, việc bổ sung và siết chặt các quy định về cấp thị thực nhập cư kết hôn ngày càng trở nên cần thiết. Một thực tế cho thấy rất nhiều mâu thuẫn gia đình xảy ra bởi kiến thức về văn hóa, ngôn ngữ.

Trước đây, tại Hàn Quốc đã có những quy định về việc người chồng phải tham gia một lớp học văn hóa về đất nước và con người của vợ, cũng giống như các cô dâu Việt phải tham gia lớp học về văn hóa Hàn Quốc bắt buộc là điều kiện cần và đủ để xin thị thực sang định cư tại Hàn Quốc. Nhưng vừa qua vụ tử vong của vợ chồng gia đình cô dâu trẻ Ngô Thị Nga, Hàn Quốc nhận thấy việc thắt chặt các quy định về điều kiện kết hôn là điều cần thiết.

Theo quy định mới, người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc muốn xin cấp thị thực nhập cư phải đạt trình độ trên cấp I trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) do Bộ Giáo dục Hàn Quốc, Viện Giáo dục quốc tế quốc gia (NIIED) tổ chức, hoặc phải hoàn thành khóa học tiếng Hàn trình độ trên sơ cấp tại cơ sở giáo dục được Bộ Tư pháp công nhận.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn về kinh tế cũng được thắt chặt hơn. Cụ thể, chồng hoặc vợ là người Hàn Quốc phải có thu nhập trên 14.790.000 won (khoảng gần 14.000 USD)/năm), tương đương tiêu chuẩn của hai người, tức 120% mức sinh hoạt tối thiểu tại Hàn Quốc, thì mới được phép mời vợ hoặc chồng người nước ngoài đến Hàn Quốc sinh sống.

Những quy định này bắt đầu được áp dụng từ ngày 1/4/2014. Tại Việt Nam, rất nhiều cô dâu đã và đang chuẩn bị thủ tục kết hôn hoặc chuẩn bị xuất cảnh biết tới quy định này. Rõ ràng những quy định cụ thể về điều kiện cấp thị thực nhập cư của Hàn Quốc đã tác động tới rất nhiều cô dâu Việt bởi nếu xét theo tiêu chuẩn này, hầu hết các cô dâu Việt đang chuẩn bị về nhà chồng đều không đủ điều kiện, chưa kể xét tới phần chú rể. Các cô dâu Việt nhắn nhau cùng hoàn thiện hồ sơ gấp trước ngày 1/4. Tại các cơ quan có liên quan, lượng hồ sơ dồn vào khá đông so với bình thường.

Với những chính sách mới của cả hai bên, hi vọng rằng các cô gái trẻ sẽ gặp ít rủi ro hơn trong việc đi tìm hạnh phúc ở xứ người và những bi kịch đau lòng trong gia đình sẽ không còn tiếp diễn trong tương lai

Thu Cúc

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp Công an tỉnh Nam Định triệt xóa thành công nhóm đối tượng sản xuất, phát tán mã độc trên không gian mạng nhằm mục đích chiếm đoạt tài khoản cá nhân, dữ liệu người dùng trên địa bàn toàn quốc và các quốc gia trên thế giới, bắt giữ 22 đối tượng.

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Trong lúc đang đánh cá trên biển, do lốc xoáy, sóng to đã làm 4 tàu cá ở Quảng Bình gặp tai nạn, trong đó có 3 tàu bị chìm, 1 tàu mất liên lạc. Hiện 11 ngư dân vẫn còn mất tích. Công tác tìm kiếm, cứu nạn các ngư dân mất tích đang được triển khai rất khẩn trương

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文