Chuyện về những chiếc giếng cổ ở xã đảo Nghi Sơn, Thanh Hóa

11:55 27/10/2016
Xã đảo Nghi Sơn, nằm về phía đông nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, trong sử sách còn được gọi là vùng Biện Sơn. Hòn đảo này như một cánh tay khổng lồ vươn ra biển, ôm gọn trong lòng nó một vụng nước lớn, kín đáo với độ sâu thích hợp làm nơi cho tàu thuyền ẩn náu mỗi khi bão gió.

Các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã tìm thấy nơi đây những bằng chứng sinh động về sự có mặt của con người thời Đông Sơn qua những di vật đồ đồng như rìu, mũi giáo, hòn chì lưới mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn cách nay hơn 2.000 năm. Đó là tiếng sóng rì rầm của biển cả, kể mãi cho chúng ta nghe câu chuyện hơn 2.000 năm trước trên đảo Nghi Sơn. Chuyện về những người Việt cổ sinh sống, lao động sản xuất trên đảo. Với môi trường biển cả, hẳn đã có một làng biển cổ với những chiếc thuyền rẽ sóng ra khơi đánh cá.

Nhưng điều lý thú nhất có lẽ là việc phát hiện ra một hệ thống giếng nước cổ ở Nghi Sơn trong thời gian gần đây. Theo chân anh Lê Văn Cường, cán bộ văn hóa xã Nghi Sơn, chúng tôi lần lượt tới thăm và khảo sát những chiếc giếng cổ ở các thôn Nam Sơn, Trung Sơn và Bắc Sơn.

Tại thôn Nam Sơn, đã phát hiện được 2 giếng cổ ở xóm Chùa và xóm Giếng. Chú ý hơn cả là giếng cổ ở xóm Giếng. Đây là chiếc giếng còn tương đối nguyên vẹn và là giếng có kích thước lớn nhất, cấu trúc miệng giếng hình vuông, chiều dài mỗi cạnh gần 3m, giếng sâu hơn 5m.

Giếng cổ ở xóm Giếng.

Thành giếng từ trên xuống dưới được xếp ghép bằng các phiến đá dầy, ghè đẽo công phu, xen kẽ là một vài phiến đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng, không có chất kết dính. Từ trên miệng giếng xuống dưới đáy, lòng giếng hơi thu nhỏ lại. Đáng chú ý là phần đáy giếng được thu nhỏ lại đột ngột bằng 3 lớp đá xếp giật cấp theo hình vuông từ trên xuống.

Đặc biệt, theo những người dân địa phương cho biết, khi họ nạo vét, vệ sinh giếng, ở tận cùng đáy giếng có hai tấm gỗ lim dầy được ghìm giữ bởi trọng lượng của các hàng đá bên trên. Tuy mực nước đáy giếng không sâu nhưng nguồn nước dưới giếng luôn dồi dào. Cũng theo bà con địa phương cho biết, trải qua thời gian, có nhiều năm hạn hán, không chỉ người dân xóm Giếng mà cả dân cư các vùng khác vẫn sang lấy nước từ giếng cổ về sinh hoạt, nước trong giếng chưa bao giờ cạn.

Những chiếc giếng ở xóm Lầu, thuộc thôn Trung Sơn, có cấu trúc và kỹ thuật tạo giếng cũng tương tự những chiếc giếng ở thôn Nam Sơn, nhưng có kích thước nhỏ hơn đôi chút.

Trong lòng giếng cổ xóm Giếng.

Tại xóm Đồn, thôn Bắc Sơn, nơi có di tích đồn trú của quân Tây Sơn và nhà Nguyễn cũng phát hiện được được một giếng có hình dáng, kích thước, cấu trúc giống với giếng ở xóm Lầu. Đáng tiếc là thời gian gần đây, người dân sở tại đã lấp giếng để xây dựng nhà ở, hiện chỉ còn dấu vết một góc miệng giếng.

Theo người dân cho biết, trước đây ở khu vực gần cảng nước sâu Nghi Sơn nằm về  phía tây nam đảo cũng có dấu tích một số giếng cổ. Đáng tiếc là quá trình xây dựng tổ hợp khu công nghiệp cảng ở đây đã vô tình san lấp các dấu tích đó.

Ngoài những đặc trưng giống nhau về cấu trúc cũng như kỹ thuật tạo dựng giếng, một đặc điểm chung nổi bật là các giếng cổ nơi đây đều phân bố gần sát đường bờ biển cổ. Giếng xóm Chùa và giếng xóm Lầu cách mép biển lúc triều dâng hơn 20m, rất tiện cho thuyền bè lấy nước ngọt trước lúc xa khơi.

Các giếng xóm Đồn, xóm Giếng nằm cách mép biển khoảng trên dưới 100m. Điều này cho thấy kỹ thuật chọn mạch nước ngọt của cư dân cổ ở đây rất cao, dù nằm sát biển, nhưng giếng không bị nhiễm mặn. Nước giếng trong lành, chưa bao giờ cạn, cư dân hiện nay vẫn sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Mới đây, các công trình xây kè chắn sóng, đường xá, nhà ở dân sinh đã đẩy mép nước biển ra xa so với trước đây. 

Khi nghiên cứu các đặc trưng nổi bật của các giếng cổ Nghi Sơn, chúng tôi cho rằng đó là những di tích này mang đậm dấu ấn của văn hóa vật chất Chămpa, từ kỹ thuật khai thác mạch nước ngầm, đến cấu trúc và kỹ thuật tạo dựng giếng.       

Khi hỏi về niên đại tạo dựng, cũng như chủ nhân tạo giếng cổ, người dân trên đảo Nghi Sơn không nắm rõ nguồn gốc cũng như thời gian xuất hiện của chúng.

Ngoài những di tích giếng cổ trên, trên đảo Nghi Sơn còn có nhiều di tích kiến trúc cổ khác như thành Đồn ở phía đông bắc, thành Hươu ở phía đông nam, thành Ngọc ở nam tây đảo. Một đợt khảo sát khảo cổ học đã được chúng tôi tiến hành trên khắp các di tích trên. Kết quả cho thấy, một số thành trên đã có từ thời quân Tây Sơn sử dụng trong thời gian đóng quân ở đây. Sau đó, nhà Nguyễn sửa chữa lại, lập thành đồn Biện Sơn (thành Đồn) và pháo đài Tĩnh Hải (thành Hươu).

Từ những khảo sát trên cùng với những tài liệu thư tịch cổ, bước đầu chúng tôi cho rằng có nhiều khả năng các giếng cổ được hình thành vào thời gian nhà Tây Sơn xây dựng phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn.

Năm 1789, Nguyễn Huệ lấy Biện Sơn làm căn cứ hải quân hợp cùng các đạo quân trên bộ thần tốc kéo ra Thăng Long phá tan quân Thanh. Trong đoàn quân của vua Quang Trung có những người dân Chămpa vùng miền Trung nước ta. Phải chăng họ chính là những người giúp vua Quang Trung xây dựng giếng cổ theo phong cách văn hóa Chămpa tại căn cứ hải quân Biện Sơn năm xưa.

Giếng cổ ở xóm Lầu.

Ngày nay, tại vùng Nghi Sơn (Biện Sơn xưa) còn nhiều di tích đền, miếu và lễ hội để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc - vua Quang Trung. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 5 tháng Giêng, nhân dân Nghi Sơn lại mở hội đền thờ vua Quang Trung.

Với các giếng nước mang dấu ấn văn hóa Chămpa ở Nghi Sơn đã cho thấy, mối giao lưu văn hóa của cư dân Việt cổ Thanh Hóa với cư dân Chămpa đã có từ rất lâu trong lịch sử. Đến với Nghi Sơn ngày nay, chúng ta còn nghe mãi câu chuyện của người dân nơi đây kể về những chiếc giếng cổ như những di sản văn hóa với lòng tự hào, trân trọng.

PGS.TS. Trình Năng Chung

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

Để đảm bảo TTATGT trên các tuyến đường, trong những ngày lễ 30/4 và 1/5, không quản ngại nắng nóng gay gắt, lực lượng CSGT các địa phương vẫn “đội nắng”, “bám đường”, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát xuyên đêm, xuyên lễ.

Ngày 1/5, Công an TP Cần Thơ cho biết, cơ quan điều tra đã bắt giữ đối tượng Võ Chí Cường (SN 1995, ngụ huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) để làm rõ về hành vi giết người và cố ý gây thương tích. Cường bị bắt khi đang lẩn trốn ngoài cánh đồng tại ấp Thới Trung, xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ).

Từ trưa 1/5, sau 5 ngày nghỉ lễ, người dân từ khắp các tỉnh thành đã quay trở lại Hà Nội. Theo đó, trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, hướng về trung tâm Hà Nội, lượng phương tiện cũng gia tăng nhanh chóng dẫn đến tình trạng ùn ứ, các phương tiện di chuyển chậm dần.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文