Cuộc chiến mã hóa dữ liệu

10:00 12/03/2016
Giới chính khách Mỹ, các phương tiện truyền thông và công chúng đang tập trung chú ý vào cuộc chiến đang diễn ra gay gắt giữa Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Công ty công nghệ Apple về vấn đề mở khóa mật mã chiếc điện thoại iPhone. Thế nhưng, cuộc chiến mã hóa như thế đã không còn là vấn đề của một quốc gia nữa mà đã lan ra toàn cầu.

Sự phát triển nhanh của công nghệ mã hóa dữ liệu – cũng như mọi nỗ lực của chính quyền nhằm vô hiệu hóa nó – đang là hiện tượng trên toàn thế giới và dẫn đến nhiều hệ quả. Trên hết, phản ứng của các chính quyền ngày càng mạnh mẽ và quyết liệt để đối phó với việc sử dụng công nghệ mã hóa ngày càng tăng mà lý do vẫn luôn là nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.

Diego Dzodan.

Ngày 1-3-2016, Phó chủ tịch Facebook phụ trách khu vực Mỹ Latinh Diego Dzodan đã bị cảnh sát Brazil bắt giữ với lý do người này từ chối yêu cầu của toà án Brazil về việc giải mã tin nhắn của một tài khoản trên dịch vụ WhatsApp trong một vụ điều tra tội phạm liên quan đến ma túy.

Chỉ một ngày sau đó Dego Dzodan được thả ra, song vụ việc đã gây tranh cãi dữ dội tại Brazil về cuộc chiến mã hóa dữ liệu giữa giới công nghệ và chính quyền. Vụ việc này không là trường hợp cá biệt mà thật sự rất phổ biến hiện nay tại nhiều nước trên thế giới. Câu hỏi được đặt ra là liệu hành động áp đặt kiểm soát chặt chẽ công nghệ mã hóa dữ liệu từ chính quyền theo cách của họ có ảnh hưởng gì đến quyền riêng tư của người dùng?

Amie Stepanovich.

Amie Stepanovich, nữ Giám đốc chính sách của Tổ chức bảo vệ quyền kỹ thuật số Access Now, nhận định: đối với một số người dùng thì “mã hóa bảo vệ dữ liệu thực sự là vấn đề Sống hay là Chết” Nữ giám đốc muốn nói đến những người dùng trong cộng đồng đồng tính và chuyển giới LGBT ở khu vực Trung Đông hay Bắc Phi, những nơi mà sự khác biệt giới tính bị coi là bất hợp pháp.

Hiện nay, chính quyền nhiều quốc gia khác đã đề ra những biện pháp cứng rắn để chống lại chính sách mã hóa của giới công nghệ. Vào cuối năm 2015, chính quyền Kazakhstan thông báo kế hoạch bắt buộc mọi người dùng Internet phải tải xuống một chứng thực số (digital certificate) cho phép các cơ quan hành pháp theo dõi luồng dữ liệu lưu thông được mã hóa.

Những người ủng hộ mã hóa dữ liệu bên ngoài một cửa hàng của Apple ở Boston, ngày 23-2-2016.

Trước đó vào năm 2014, chính quyền Nga cũng kêu gọi các nhà nghiên cứu tìm cách phá mật mã mạng ẩn danh TOR. Tuy nhiên, cả hai nỗ lực này không đem lại thành công nào. Mặc dù vậy, các chính quyền vẫn không ngừng tìm kiếm phát triển những công cụ hiệu quả để tấn công kiểm soát thiết bị số cá nhân.

Richard Tynan, chuyên gia công nghệ nhóm hoạt động nhân quyền P rivacy International (PI), nhận định: “Tương lai là cuộc chiến tấn công xâm nhập thiết bị số, thiết bị đầu cuối”. Công ty công nghệ Italia chuyên cung cấp phần mềm gián điệp Hacking Team đặt trụ sở tại thành phố Milan, có ít nhất 70 khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Tháng 12-2015, Trung Quốc thông qua một luật đòi hỏi các công ty công nghệ có nhiệm vụ hỗ trợ chính quyền giải mã thông tin mã hóa. Trong vụ tranh cãi giữa Apple và FBI, các chuyên gia cho rằng, nếu FBI giành chiến thắng thì các quốc gia khác – nhất là những nơi mà luật bảo vệ quyền riêng tư còn yếu kém – có thể sẽ đòi hỏi các công ty công nghệ tạo ra một lỗ hổng an ninh trong các sản phẩm của họ. Theo Stepanovich, nếu Apple nhượng bộ FBI thì Apple cũng sẽ phải tiếp tục nhượng bộ ở các quốc gia khác.

J. Carlos Lara, giám đốc nghiên cứu và chính sách công ty Derechos Digitales ở Chile, phát biểu: “Có nhiều lý do để theo dõi cuộc chiến giữa Apple và FBI, dù nó không liên quan trực tiếp đến chúng tôi hay đất nước chúng tôi. Bởi vì, nó cũng sẽ là một trong những vấn đề trong nước chúng tôi ở vào một thời điểm nào đó trong tương lai”.

Pranesh Prakash, Giám đốc chính sách Trung tâm Internet và Xã hội của Ấn Độ, cũng tuyên bố chính quyền nước này đã gây sức ép buộc Công ty BlackBerry thiết lập một máy chủ tại Ấn Độ, giúp cho các cơ quan hành pháp dễ giám sát dữ liệu người dùng.

Mặc dù chính quyền Mỹ chưa áp đặt những giới hạn về mã hoá dữ liệu được triển khai bởi các nhà mạng di động và nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), song  Ấn Độ đã làm điều đó. Rõ ràng, cuộc chiến về mã hóa dữ liệu không chỉ giới hạn ở Mỹ hay thậm chí châu  Âu bởi vì theo như Stephanovich nhận định thì “mối đe dọa an ninh toàn cầu cực kỳ nghiêm trọng”.

Trang Thuần (tổng hợp)

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc ngày 3/5 với Công an tỉnh Điện Biên và các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, rút kinh nghiệm chương trình sơ duyệt khối diễu binh, diễu hành của lực lượng CAND tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sáng 3/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Danh Út Hiểu (SN 1985, ngụ phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá) và Đặng Hoàng Lâm (SN 1987, ngụ phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá) cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, Hằng đã đưa hối lộ hơn 1,1 tỷ đồng và chi hơn 12 tỷ đồng để nhờ người xin cấp phép “Chuyến bay giải cứu” và bị tuyên phạt 20 tháng tù về tội "Đưa hối lộ". Trong vụ án mới đây, Hằng đã lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản là 4 xe ô tô trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, dự kiến sẽ đồng loạt triển khai thu phí không dừng từ ngày 5/5 tại 5 sân bay lớn gồm Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

Ngày 3/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đại Lộc (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phú (SN 1996, trú xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) để tiếp tục điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文