Đột phá công nghệ pháp y trong phá án

16:03 12/08/2019
Công nghệ pháp y đột phá mới đã giúp cảnh sát nhiều nơi giải quyết được những vụ án bế tắc. Những công nghệ này có thể là cú hích lớn giúp các thám tử đang đau đầu vì những vụ án giết người, mất tích chưa có lời giải, hoặc giúp trả lại tên cho những người đã khuất mà danh tính chưa được xác định suốt nhiều năm.

Tháng 6, một bồi thẩm đoàn ở bang Washington, Mỹ đã kết án William Talbott II vì sát hại hai người năm 1987. Vụ án này bế tắc hàng chục năm qua. Vụ án là thử nghiệm đầu tiên tại tòa án một công nghệ pháp y đột phá. Công nghệ này cũng giúp bắt giữ cựu cảnh sát Joseph DeAngelo năm 2018 vì dính líu đến các vụ án chưa được giải quyết trong loạt vụ giết người "Golden State".

Talbott bị kết án tháng 6 vì đã sát hại cô gái 18 tuổi Tanya Van Cuylenborg và bạn trai Jay Cook 20 tuổi. Còn DeAngelo đang chờ xét xử với 13 điểm buộc tội liên quan tới giết người và tấn công tình dục trong giai đoạn 1975-1986.

Lần tìm thủ phạm qua phả hệ

Giới chức Mỹ đã sử dụng công nghệ gen pháp y đột phá để bắt giữ cả hai tên tội phạm trên. Công nghệ giúp cảnh sát Mỹ trong hai vụ trên cũng đang được áp dụng trong vụ án đang được xét xử ở Australia. Công nghệ này có thể giúp các thám tử rất nhiều trong các vụ án treo thường chỉ sử dụng công nghệ pháp y truyền thống trong điều tra.

William Talbott II.

Viện Y học Pháp y Victoria ở Australia đã áp dụng công nghệ của Mỹ để xác định 40 người chưa tìm được danh tính. Giai đoạn đầu tiên là lấy mẫu ADN. Các mẫu ADN này (kể cả mẫu bị hỏng) sau đó được phân tích để cho ra kết quả là khoảng 600.000 dấu hiệu. Bước cuối cùng là tải kết quả lên một cơ sở dữ liệu phả hệ để xem có trường hợp nào trùng khớp không.

Nếu gần trùng khớp, đó có thể là họ hàng gần. Nếu là họ hàng xa, các nhà nghiên cứu sẽ nhờ các nhà phả hệ học nghiên cứu phả hệ gia đình và tìm tổ tiên chung. Khi tìm được một cặp trùng khớp ADN, họ sẽ hỏi xin gia đình đó mẫu tham khảo.

Công nghệ nói trên do công ty Parabon-Nanolabs ở Mỹ tiên phong sử dụng. Công ty này thường dùng ADN được lấy mẫu trước đó, nhưng trong một số trường hợp họ phải trở lại lấy mẫu ở vật liệu ban đầu. Vật liệu này có thể nằm trong bằng chứng hiện trường tội ác được lưu hàng chục năm, ví dụ như trong vụ Golden Gates.

Trong vụ của William Talbott II, công nghệ này đã được áp dụng. Tanya đã bị thủ phạm cưỡng hiếp. Các thám tử đã lấy được mẫu tinh dịch của thủ phạm. Năm 1987, sử dụng ADN trong điều tra hiện trường tội ác vẫn còn mới mẻ và để dùng mẫu, họ cần một nghi phạm. Điều tra sâu rộng trên toàn nước Mỹ và Canada đã không thể tìm được tên sát nhân. Vụ án trở thành vụ án treo, nhưng mẫu ADN của tên sát nhân vẫn được bảo quản.

Năm 2018, các thám tử nghe tin rằng có công nghệ ADN mới để thu thập thêm thông tin từ các mẫu và sau đó họ đã tìm trong cơ sở dữ liệu. Họ đã thuê công ty Parabon-Nanolab phân tích ADN tìm được trong mẫu tinh dịch, xác định được anh họ thứ hai của nghi phạm trong cơ sở dữ liệu ADN.

Các nhà phả hệ học sau đó dựng phả hệ và chỉ ra rằng mẫu ADN của thủ phạm xuất phát từ con trai của ông bà William và Patricia Talbott. Lúc này, các thám tử vào cuộc và tìm ra William Talbott II. Anh ta 24 tuổi lúc giết người và sống gần nơi phát hiện ra xác Jay. Hắn bị bắt năm 2018 và ra tòa tháng 6-2019. Đây là phiên tòa hình sự đầu tiên có sử dụng bảng phả hệ gen. Bên bào chữa không tranh cãi gì về bằng chứng. Talbott bị kết án.

Một số công tố viên và cảnh sát thường e ngại dùng công nghệ chưa được kiểm nghiệm trên tòa án. Dù đã mang lại kết quả ngoạn mục trong phá các vụ án không mấy hy vọng giải quyết được nhưng bảng phả hệ gen không phải là phép màu. Đây chỉ là một công cụ nữa dành cho các thám tử.

Ông Steve Armentrout, sáng lập viên công ty Parabon-Nanolabs nói: "Công nghệ có thể mang lại đầu mối và các đầu mối được xử lý như thường lệ. Các thám tử phải tự nghiên cứu vụ án như cách làm truyền thống".

Công nghệ giúp phát hiện vết máu siêu nhỏ

Các nhà nghiên cứu Israel đã phát triển một thiết bị chip giúp xác định "siêu việt" các vết máu siêu nhỏ để dùng trong các trường hợp pháp y. Thiết bị này kết hợp sử dụng chất hóa học luminol có thể phát sáng và hạt nano vàng hoặc bạc.

Khi kết hợp hai thứ trên, ta sẽ nhìn rõ ánh sáng phát ra hơn và nhìn rõ hình ảnh hơn. Công nghệ để làm ra thiết bị này do Giáo sư Alina Karrabchevsky tại Đại học Ben-Gurion (Israel) phát triển. Thiết bị này do công ty BGN Technologies thuộc trường đại học giới thiệu.

Giáo sư Alina Karabchevsky.

Các nhà tội phạm học sử dụng luminol để xác định các giọt máu siêu nhỏ, hydrogen peroxide (oxy già), ADN và protein có nồng độ cực thấp mà mắt thường không thể nhìn thấy. Khi sử dụng luminol để phát hiện các chất sinh học còn sót lại tại hiện trường, các điều tra viên không phải tùy thuộc vào nguồn ánh sáng bên ngoài mà lại tiết kiệm chi phí.

Con chip mà Giáo sư Karabchevsky và đồng nghiệp phát minh ra không chỉ tăng cường đáng kể nguồn sáng đó mà còn kéo dài thời gian phát sáng của luminol, giúp phát hiện các mẫu máu rất nhỏ tại hiện trường.

Tổng giám đốc điều hành công ty BGN Technologies, ông Netta Cohen nói: "Xác định một lượng máu rất nhỏ có thể tăng độ chính xác và hiệu quả điều tra pháp y tại hiện trường tội ác, nhưng đòi hỏi các máy phát hiện nhạy cảm hơn nhiều so với các máy hiện có. Phương pháp mà các nhà nghiên cứu BGU xây dựng sẽ cho phép phát triển các máy phát hiện tương lai với độ nhạy cảm cao hơn. Chúng tôi đang tìm đối tác để phát triển sáng chế hứa hẹn này".

Công nghệ giúp đọc dấu vân tay ẩn nhanh chóng

Tội phạm thường vô tình để lại các dấu vân tay không thể nhìn thấy. Giải mã dấu vân tay là việc thường rất khó khăn vì các kỹ thuật hiện có không thể giúp lấy mọi kiểu dấu vân tay. Ví dụ có những lúc, dấu vân tay không rõ do ngón tay bị thương. Để giải quyết điều này, một nhóm nhà khoa học Ấn Độ đã phát triển một vật liệu nano mới, hứa hẹn giúp các điều tra viên khắc phục khó khăn trên và đẩy nhanh quá trình đọc dấu vân tay ẩn.

Vật liệu nano này gồm các hạt bán dẫn nhỏ hơn hàng triệu lần 1mm và có thể phát sáng. Các điều tra viên chỉ cần rắc vật liệu nano lên bề mặt có dấu vân tay bị lưu lại, chụp hình ảnh bằng đèn cực tím và xử lý để tái tạo dấu vân tay. Các nhà nghiên cứu cho biết có thể chụp dấu vân tay như vậy bằng điện thoại di động và gửi từ hiện trường về phòng thí nghiệm pháp y.

Vật liệu mới được phát triển bằng cách phủ nguyên tử mangan và đồng lên hệ thống nano kẽm sunfua. Khi thay nguyên tử kẽm bằng nguyên tử đồng và mangan, các nhà nghiên cứu có thể thay đổi đặc tính quang học của hệ thống nano kẽm sunfua. Khi vật liệu này được rắc lên dấu vân tay ẩn, đặc tính phát quang mạnh của nó giúp giải mã dấu vân tay.

Trong các thí nghiệm, phân tử nano có thể giúp xác định mọi kiểu dấu vân tay, dù nhỏ hay có từ 2 tháng trước. Dưới ánh đèn cực tím, các nhà nghiên cứu đã dùng điện thoại di động để chụp ảnh dấu vân tay trên các bề mặt khác nhau như băng dính trong, giấy, chuột quang máy tính, nhựa, phim nhựa.

Các nhà nghiên cứu định cải thiện hiệu quả phát ánh sáng của vật liệu nano này và phát triển một thiết bị cầm tay thông minh để ứng dụng trong ngành pháp y để lấy dữ liệu trực tuyến và xác định dấu vân tay ẩn. Họ cũng đã dùng vật liệu mới để phát triển đèn LED trắng.

Cũng liên quan tới dấu vân tay, hạt Cumberland ở Pennsylvania, Mỹ đã có một công nghệ mới để các điều tra viên có thể kiểm tra dấu vân tay từng bị coi là quá cũ hoặc không còn nguyên vẹn tới mức không thể phân tích được.

Công nghệ đó là một công cụ kết tủa kim loại chân không. Thiết bị này mới là cái thứ hai cùng loại ở Pennsylvania và là một trong 14 thiết bị trên toàn nước Mỹ. Bà Carol McCandless, nhà điều tra pháp y trưởng tại hạt Cumberland, giải thích: "Vàng sẽ lắng xuống đáy và sau đó tôi sẽ cho kẽm vào. Kẽm không dính vào đâu mà chỉ dính vào một kim loại khác. Khi đó, kẽm sẽ dính với vàng mà tôi cho vào".

Máy hút chân không sẽ hút toàn bộ không khí và nước ra, sau đó một lớp film kim loại rất mỏng sẽ bao quanh bằng chứng trong môi trường chân không. Tất cả được thực hiện trong chưa đầy 5 phút. Các chất kim loại không đè lên các đường vân tay mà nằm ở giữa các đường. Công cụ này xác định vị trí dấu vân tay in trên các vật mà trước đây rất khó hoặc không thể lấy được, ví dự như giấy, bề mặt sáp, vải.

Ông Skip Ebert, công tố viên hạt Cumberland cho biết họ đã dùng công cụ này để tìm thủ phạm trong một vụ án mà mặt nạn nhân bị thủ phạm úp gối lên mặt. Trên mặt gối kia là bàn tay thủ phạm ấn gối xuống. Theo ông Ebert, công nghệ này không chỉ giải quyết các vụ án hiện tại và trong tương lai, mà còn giải quyết cả những vụ án treo xảy ra từ năm 1983 đến 1995.

Kỹ thuật phân tích đặc điểm vết máu

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã phát triển một phương pháp mới để đọc thông tin từ các vết máu bắn tung tóe, giúp cảnh sát phục dựng hiện trường vụ án chính xác hơn. Điều đặc biệt là phương pháp mới này không dùng ánh sáng cực tím, kính hiển vi, ống nghiệm hay bất kỳ kỹ thuật thông thường nào. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu dùng toán học.

Phân tích đặc điểm vết máu rất cần thiết để giải quyết vụ án.

Nhóm nghiên cứu Đại học Illinois tại Chicago và Đại học bang Iowa đã dùng thí nghiệm vật lý và mô hình toán học để đưa ra cách tiếp cận trên nhằm khắc phục điểm yếu trong pháp y hiện trường tội ác hiện nay. Mục đích của phương pháp phục dựng hiện trường là để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra trong một hành vi tội ác. Việc này được thực hiện thông qua một bộ kỹ thuật gọi là phân tích đặc điểm vết máu (BPA).

Các chuyên gia BPA phân tích đặc điểm vết máu bị bắn khắp nơi để tìm ra xem vết thương do hành động nào, vũ khí nào gây ra, thời gian xảy ra là khi nào và thủ phạm cũng như nạn nhân ở đâu tại thời điểm đó.

"Phương pháp dây" - kỹ thuật phục dựng hiện trường tội ác phổ biến - thường được sử dụng khi máu bị bắn khắp nơi. Cứ mỗi vết máu sẽ có một sợi dây thẳng được kéo từ đó đi xa hết mức. Khi các sợi dây gặp nhau, đó chính là điểm xuất phát ban đầu của vết máu và do đó chính là vị trí của nạn nhân.

Tuy nhiên, cách này có một số hạn chế vì giả định giọt máu rơi thẳng mà không tính tới các hiện tượng vật lý như trọng lực, tác động không khí, tương tác giữa các giọt máu. Do đó, phương pháp này không chính xác, thậm chí không thể nói vết máu bắn ra là do bị bắn hay bị đánh.

Nhận ra rằng hiểu hơn về động lực học của máu khi bắn tung khắp nơi có thể giúp điều tra hiện trường tội ác, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu bằng cách bắn hai loại đạn vào một bảng gắn túi máu người và để máu bắn lên giấy gói thịt.

Sau đó, họ phân tích đặc điểm vết máu. Thông tin này được nhập vào một mô hình toán học phức tạp dựa trên lý thuyết thấm - lý thuyết nghiên cứu quá trình lọc chất lỏng qua một phương tiện xốp.

Mô hình này tính đến bản chất nhớt, đàn hồi của máu, có nghĩa là máu không bắn ra như nước và viên đạn xuyên vào cơ thể có thể khiến máu bắn cả về trước và về sau. Kết quả là nhóm nghiên cứu đã tìm ra một mô hình chung để dự đoán máu sẽ bắn ra thế nào sau khi ai đó bị bắn.

Tác giả nghiên cứu chính Alexander Yarin cho biết công cụ này có thể giúp các nhà pháp y trả lời những câu hỏi khó về hiện trường vụ án như nguồn gốc máu, loại vũ khí…

Nhật Minh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文