G. Ilizarov – Nhà khoa học hàng đầu thế giới về chấn thương chỉnh hình

08:25 18/05/2016
Một cặp chân khấp khểnh chênh nhau tới cả 10cm. Sau 2 tháng rưỡi chữa trị, phần chi ngắn đã được kéo dài ra tương đương phần chân còn lại. Lần đầu tiên trên hành tinh, xương chi dưới của con người được kéo dài thêm.

Tác giả của ca phẫu thuật độc nhất vô nhị này cách đây 63 năm, vào năm 1953 là viên bác sĩ trẻ tuổi Gavril Ilizarov (1921-1992). Nhiều thập niên sau ông là Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học Chấn thương chỉnh hình Liên bang, với trụ sở đóng tại thành phố Kurgan thủ phủ của tỉnh cùng tên tọa lạc giữa vùng Ural của nước Nga, mà các phương tiện truyền thông đại chúng quen gọi tắt là Viện Kurgan.

Giáo sư Viện trưởng G. Ilizarov lúc sinh thời.

G. Ilizarov là vị Giáo sư Tiến sĩ Y học, Anh hùng lao động XHCN của Liên Xô cũ và 2 lần Anh hùng lao động Liên bang Nga, từng đoạt Giải thưởng cao quý mang tên Lenin về những đóng góp lớn lao cho khoa học. Một phẫu thuật gia lỗi lạc được cả hành tinh biết tiếng và ngưỡng mộ.

Thành công không đến một cách ngẫu nhiên. G. Ilizarov trong một thời gian dài từng minh chứng phương pháp chữa trị chấn thương chỉnh hình (CTCH) mới của mình ưu việt hơn các cách cũ. Ngay cả những bệnh nhân tưởng chừng như vô vọng, đã được hồi phục nhờ “liệu pháp Ilizarov”, khiến giới bác học y khoa khắp 5 châu phải thừa nhận khám phá mới của bác sĩ trẻ tuổi chốn tỉnh lẻ, vượt cả các nhà khoa học nổi tiếng với học hàm học vị và uy danh trong nghề…

Niềm mơ ước của G. Ilizarov đã toại nguyện, sau khi giới hữu trách cho phép thành lập cơ sở khoa học đặc biệt nhằm phổ biến những kinh nghiệm của ông. Hiện trong Viện CTCH ở Kurgan có 116 cộng sự viên khoa học, quy tụ trong 16 nhóm hoạt động sáng tạo, hơn 700 đề tài của họ đã được ứng dụng vào thực tiễn.

Đầu năm 1985, Tổng thống Italia đương nhiệm Alessandro Pertini (1896-1990) khi đến thăm Viện Kurgan, từng hỏi Giám đốc G. Ilizarov rằng sao ông không chuyển công tác về thủ đô Moscow?

Bác sĩ G. Ilizarov (trái) hướng dẫn bệnh nhân nhí A. Mehias tập đi khi đeo “máy Ilizarov”.

G. Ilizarov liền đáp: “Tại Kurgan là những đồng nghiệp từng gắn bó lâu nay trong cuộc cách mạng về CTCH của tôi. Thành phố này cũng là một trung tâm khoa học lớn theo quy hoạch. Y học là của mọi người - phân bố khắp nơi, không nên tập trung ưu tiên quá mức cho một tụ điểm nào đó…”. Câu chuyện cởi mở nêu trên diễn ra sau khi bác sĩ G. Ilizarov được tặng một trong những giải thưởng quốc tế có uy tín nhất là giải Buccheri La Ferla, cứ 2 năm một được Nhà nước Italia trao cho những thành tựu mới nhất của ngành CTCH học trên thế giới. Giáo sư G. Ilizarov là người thầy thuốc Liên Xô đầu tiên được nhận giải này.

Người ta viết về G. Ilizarov rất nhiều. Ông sinh ngày 15-6-1921 trong một gia đình nông dân ở làng Bialowieza cực đông Ba Lan, rồi hoàn thành chương trình Trung học phổ thông bằng cách tự học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Quốc gia Crimea (CSMU) trong năm 1944, Gavril được phân bổ về Ural - miền đất núi non heo hút phân cách giữa châu  Âu và châu Á. Một bác sĩ cho nhiều ngôi làng, đi lại bằng xe ngựa với đủ chuyên khoa: đỡ đẻ, tai mũi họng, răng hàm mặt, tim mạch, hô hấp, phẫu thuật cắt ruột thừa…

Hình dáng và thiết bị CTCH khiến ông nổi danh sau này, từng nảy ra trong đầu chàng thầy thuốc trẻ theo những bước chân… ngựa. Bản thân ông cũng viết rất nhiều cuốn sách phổ biến y học có giá trị. Giới phóng viên thì hỏi ông đủ điều… Nhưng cứ mỗi năm qua đi, nhân vật huyền thoại G. Ilizarov lại càng thêm hấp dẫn chính bởi nhiều ca phẫu thuật được tiến hành “êm đẹp” tại Kurgan, mà ở các nơi khác trên thế giới không làm được.

Ví như thân nhân của nguyên Thủ tướng Vương quốc Jordan Ahmad Obeidat đã đi vòng quanh trái đất, tới đâu cũng được giới bác sĩ sừng sỏ thăm bệnh cho cô con gái độc nhất của ông. “Không thể chữa được!” - đó là câu trả lời phổ biến. Do một bên chân bị chứng xơ cứng, cô bé tưởng phải đi cà nhắc suốt đời.

Đến cuối năm 1986 tại bệnh viện chuyên khoa trực thuộc Viện Kurgan, nhân lần sinh nhật thứ 13, cô gái đã được tháo “máy Ilizarov” ra và đi lại khỏe mạnh bình thường; hay trường hợp của anh Mikhail Saposnikov người Saint Petersburg bị tai nạn lao động trầm trọng, sau thời gian dài điều trị tưởng vô phương cứu chữa, chỉ còn cách… cưa chân. Nhưng nhờ đeo “máy Ilizarov” mà cặp chân anh đã bình phục lại; còn cháu Aleksic Mehias 7 tuổi ở Havana (Cuba) từng qua một lần mổ nhằm chữa trị dị tật bẩm sinh ở chi dưới, tới lượt điều trị ở Viện Kurgan mới khỏi hẳn…

Ít người biết rằng, nhà leo núi kiêm thám hiểm hang động Italia lừng danh Carlo Mauri (1930-1982) nhiều năm phải mang đôi giày đặc biệt do lệch xương chân. Sau thời gian điều trị ở Kurgan, ông đã trở lại phong độ cũ… Hàng chục công dân Italia khác cũng đã được chữa khỏi tại đây.

Hiện trong 417 cơ sở y tế rải khắp châu Âu đều đang áp dụng phương pháp Ilizarov về CTCH cho người bệnh. Còn giữa năm 1982 tại Italia, Hiệp hội Quốc tế nghiên cứu và áp dụng các phương pháp cùng thiết bị của Ilizarov (ASAMI) đã được thành lập, với trụ sở bề thế ngay giữa thủ đô Rome. Ngoài chuyên khoa CTCH ra, Viện Kurgan cũng nghiên cứu các bộ môn khác của y học. Đề tài khoa học mới nhất vừa được phổ biến rộng rãi, là phương cách chữa một căn bệnh nan giải bị biến dạng đốt sống.

 “Liệu pháp Ilizarov” có thể so sánh với một hiện tượng vốn có trong tự nhiên: sự mọc lại đuôi của giống thằn lằn. Nhấn mạnh khả năng tiềm ẩn của con người, khơi dậy những nguồn dự trữ tiềm tàng sẵn có trong mỗi cá nhân. Khi bạn tới Viện Kurgan sẽ thấy cả nghìn bệnh nhân gắn “máy Ilizarov” ở chỗ đau: tay, chân, dọc cơ thể… Một trong những thành tựu mang đậm nét “phản biện” của phương pháp Ilizarov là con người ta - cũng như tứ chi của họ, luôn sống động; hà cớ gì lại bó bột chặt cứng chúng lại?!.

“Điều ưu tiên hàng đầu mà chúng tôi coi trọng sau mỗi ca mổ - Tiến sĩ G. Ilizarov cho biết - là thể dục chữa bệnh, tăng dần theo khối lượng và thời gian liên tục. Xương mới mọc cần phải được chu dưỡng đầy đủ, điều đó cũng có nghĩa là sự cung cấp máu sẽ tốt hơn vì sự vận động đương nhiên làm tăng hệ tuần hoàn. Chắc rằng chưa có một cơ sở nghiên cứu khoa học nào có lượng chuyên gia đông đảo trong biên chế về thể dục trị liệu sau phẫu thuật như Viện Kurgan của chúng tôi. Ở đây, mỗi bệnh nhân tập độ 3 - 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Rất nhiều người bệnh từng bất động lâu năm, khi phục hồi khả năng đi lại, họ cảm thấy như được tái sinh, bởi ý nghĩa đích thực của cuộc sống chính là sự vận động!”.

Phẫu thuật gia kỳ cựu đã hơn 70 tuổi lúc sinh thời vẫn mổ trung bình 8 ca/ngày! Hơn 12 giờ khuya ông vẫn còn nhận bệnh nhân, hội ý với các bác sĩ… Giáo sư Viện trưởng G. Ilizarov chỉ ngủ chừng 6 tiếng đồng hồ trong một ngày đêm, dốc toàn bộ tinh thần và nghị lực cho công tác CTCH và phục hồi chức năng của hệ vận động cơ thể con người. Ông không ưa mỹ từ “thần kỳ” mà công chúng ngưỡng mộ phong tặng cho mình.

Gavril Ilizarov từng nói: “Thần kỳ giống như một ngoại lệ, một trò ảo thuật. Thật vô lý! Trong phương pháp của chúng tôi không mảy may có “sự thần kỳ” nào hết, mà là sự quyết tâm tấn tới thì đúng hơn. Chúng tôi mở đường cho quan niệm y học mới về xương, với nguyên tắc đó cũng là một cơ quan riêng biệt trong cơ thể, tế bào xương cũng như mọi tế bào khác đều có khả năng phát triển!”.

Quang Phú (theo báo Nhân chứng & Sự kiện)

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文