Ghép tạng – Những kỷ lục mới của y học Việt Nam

12:29 16/02/2021
Năm 2020, mặc dù đối mặt dịch COVID-19 với nhiều khó khăn, thách thức và trở ngại, song đây cũng là năm mà ngành y tế đạt được nhiều thành tựu, đem lại niềm tin yêu cho người dân. Ngoài góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới khống chế thành công đại dịch COVID-19, thì ghép tạng của Việt Nam cũng nổi bật với những dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ ghép tạng thế giới.

Bệnh viện Việt Đức: 13 ngày ghép 23 tạng

Ghép đa tạng (ghép nhiều tạng cùng lúc) đã trở thành thường quy tại Bệnh viện Việt Đức, và trên thế giới có ít trung tâm ghép tạng thực hiện được điều này. Theo chia sẻ của lãnh đạo bệnh viện, cùng lúc bệnh viện huy động hơn 300 giáo sư, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế… vào một ca ghép đa tạng đã không còn là chuyện mới mẻ. Cùng một lúc, bệnh viện triển khai 6 bàn mổ để lấy và ghép nhiều tạng, các công đoạn và kỹ thuật thực hiện một cách bài bản, nhuần nhuyễn và hiệu quả, đã đem đến thành công cho nhiều ca ghép đa tạng.

Năm 2020 là năm đánh dấu kỷ lục của Bệnh viện Việt Đức trong lĩnh vực ghép tạng. Đó là sự "thần tốc" khi chỉ trong vòng 13 ngày, Bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép thành công 23 tạng, gồm 3 ca tim, 4 ca gan và 16 thận, trong đó có 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não.

Tôi có may mắn khi được PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức cho phép vào phòng chăm sóc đặc biệt để gặp 3 bệnh nhân ghép tim. Mặc dù mới ghép chưa được 1 tuần, song các bệnh nhân đã tiến triển rất tốt, nói chuyện được với phóng viên. Dù câu chuyện giữa tôi và họ không dài, song chất chứa trong ánh mắt của các bệnh nhân là sự biết ơn và xúc động sâu lắng.

"Tôi cảm ơn người đã hiến tặng trái tim để tôi được sống. Cảm ơn các bác sĩ đã ghép tim cho tôi để hôm nay tôi đã nói chuyện", anh N.Q.T (33 tuổi, ở Thanh Hóa) xúc động khi nói với tôi như vậy.

Anh T mắc bệnh suy tim giai đoạn cuối trên nền bệnh cơ tim giãn. 5 năm qua anh điều trị bệnh cơ tim giãn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, đã nhiều lần xuất hiện loạn nhịp nguy hiểm phải sốc điện, cận kề với cái chết. Hơn 1 năm nay, anh suy yếu tới mức nằm một chỗ, nói chuyện cũng rất khó khăn. Nếu không ghép tim, anh sẽ chết. Nhưng để ghép tim đâu phải chuyện dễ dàng. Thế nên anh vẫn phải đợi.

Khi hay tin có người chết não hiến tặng trái tim, các chỉ số đều phù hợp, anh T tưởng mình đang trong giấc mơ. Cả gia đình anh vui lắm, song đối mặt với họ là không có tiền, nghĩa là cơ hội sống có khả năng vuột mất. Chia sẻ về bệnh nhân này, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, lúc đứng giữa ranh giới ghép hay không ghép, các bác sĩ "cân não" nhiều lắm, bởi cơ hội tìm được trái tim cho bệnh nhân là "ngàn năm có một".

Chỉ vì gia đình không đủ kinh phí mà không ghép được thì quả thật vô cùng đáng tiếc, và để tìm được quả tim phù hợp thứ hai có lẽ bệnh nhân không còn cơ hội chờ đợi nữa. Sau khi "cân não", các bác sĩ đưa ra quyết định, cùng phối hợp với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện để kêu gọi một số cơ quan truyền thông, nhà tài trợ vận động quyên góp kinh phí phẫu thuật cho anh T. Một sự nỗ lực của biết bao con người, của bao tấm lòng nhân văn đã đem đến sự sống cho người bệnh.

Tương tự anh T, nam bệnh nhân được ghép tim N.Đ.D, 52 tuổi, cũng ở Thanh Hóa xúc động nói: "Tỉnh lại sau ca ghép, thấy trái tim đập trong lồng ngực, tôi sung sướng vì mình đã sống". Theo chia sẻ của anh, trước ghép, anh rất khó thở, suy yếu đến mức gần như nằm một chỗ. Bị giãn cơ tim từ năm 2006, sau đó chuyển sang suy tim giai đoạn cuối, suốt 7 năm qua anh T nằm chờ ghép tạng và đã gần hết hy vọng khi chưa tìm được trái tim phù hợp.

Thời gian chờ đợi ngày một dài ra, trong khi sức khỏe suy yếu từng ngày, có những lúc tuyệt vọng anh thầm nghĩ "chắc mình không chờ đợi được". Song, may mắn đã mỉm cười với người đàn ông này khi vào tháng 9-2020, một nam thanh niên bị tai nạn giao thông chết não đã hiến đa tạng (tim, gan, 2 thận) cho y học.

Trái tim của nam thanh niên phù hợp với chỉ số của anh D, thế là anh đã được cứu sống nhờ lòng nhân ái của người hiến tặng và tập thể giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Việt Đức. Ca phẫu thuật cho anh D kéo dài suốt 15 giờ, các bác sĩ mỏi mệt sau một chặng đường vất vả, song họ lại thấy rất vui khi một sinh mệnh đã được cứu sống.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế nỗ lực trong ca ghép đa tạng ở Bệnh viện Việt Đức.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, trong 16 ngày trung tuần giữa tháng 9-2020, ông cùng các cộng sự của Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, các bác sĩ, kỹ thuật viên của Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công 4 ca ghép tim, đặc biệt có 2 ca ghép trong hai ngày liên tiếp. Đây là một kỷ lục chưa từng có. Ông chia sẻ, hai ca ghép chỉ cách nhau có vài giờ, mỗi ca ghép đều hơn 10 tiếng, cả ê-kip vừa thực hiện ca trước xong, chỉ kịp nghỉ ngơi, ăn uống ngay tại chỗ rồi lại bắt tay vào ca sau. Vất vả là điều đương nhiên, song ai nấy đều hân hoan vì các ca ghép rất thành công.

"Chúng tôi vui không phải vì ghép được bao nhiêu mà các kỹ thuật ghép đã đi vào thường quy, việc ghép tạng có thể diễn ra bất kỳ lúc nào, 24 giờ hàng ngày đều có thể triển khai. Điều này chứng tỏ sức mạnh của bệnh viện đạt ngưỡng thực hiện kỹ thuật khó, việc mà 10-15 năm trước chưa dám nghĩ đến", Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực chia sẻ. Đây là minh chứng cho những nỗ lực, sự cống hiến của các bác sĩ Việt Nam trên con đường chinh phục đỉnh cao của y học ghép tạng, ghi dấu ấn vào bản đồ y khoa trong khu vực và thế giới.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện một ca ghép tim.

Ca ghép cẳng tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới

Vào đầu năm 2020, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) công bố ca ghép  tay từ người cho sống đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại bệnh viện. Gần 1 năm trôi qua, anh Phạm Văn Vương, 31 tuổi, ở Vĩnh Quỳnh, Hà Nội - người được ghép cẳng tay giờ đây đã làm được một số việc nhẹ nhàng. Với anh, đây là hạnh phúc quá đỗi lớn lao, mà người đem đến cho anh niềm vui này là các bác sĩ và người hiến cho anh cánh tay.

Ca ghép tay trái cho anh Vương không chỉ lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam mà còn là lần đầu tiên thực hiện trên thế giới. Ngày 21-1-2020, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện 108 và đồng nghiệp cùng lúc thực hiện 2 ca phẫu thuật, ca thứ nhất cắt bỏ cánh tay trái cho một người bị tai nạn lao động dập nát từ sát nách đến quá cẳng tay. Anh đã đồng ý hiến phần tay đứt rời này cho anh Phạm Văn Vương, cũng bị tai nạn lao động khiến bàn tay trái bị dập nát hoàn toàn, phải cắt cụt vào 4 năm trước. Ca ghép kéo dài 8 tiếng, phần chi thể ghép ít nhất có 36 cơ, 2 xương, cấu trúc xương, màng xương, tủy xương...

Điều kỳ diệu đầu tiên mà anh Vương mở mắt sau ca ghép, đó là nhìn thấy bàn tay mình đã lành lặn. Sau ghép, tất cả cấu trúc giải phẫu đã phục hồi, cánh tay mới của anh Vương đã cầm nắm được một số vật dụng và anh rất tích cực tập luyện phục hồi chức năng. Giờ đây, anh Vương đã ôm được hai đứa con bé bỏng. Không thể kể hết niềm hạnh phúc của người thân trong gia đình anh Vương, nhất là bố anh, ông đã rơi nước mắt khi thấy con mất tay đã 4 năm mà giờ lành lặn trở lại. Còn vợ anh thì nói "đây là điều kỳ diệu" mà y học đã mang đến cho chồng chị. 

Bệnh nhân ghép tim thành công đã có thể trò chuyện tại Bệnh viện Việt Đức.

Chỉ vài tháng sau, Bệnh viện 108 lại tiếp tục thực hiện thành công ca ghép 2 cẳng tay từ người cho chết não đầu tiên tại Đông Nam Á. Người được ghép là nam thanh niên 18 tuổi, bị mất cả 2 tay do tai nạn thuốc nổ cách đây 3 năm. Những tưởng rằng mọi ước mơ đều khép lại, thì giờ đây em tràn đầy hy vọng vào tương lai, sau khi hồi phục em sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Theo chia sẻ của GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện 108, đây là thành công xuất sắc tiếp sau thành công của ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống mà bệnh viện thực hiện. Từ năm 1998 đến nay, trong y văn thế giới chỉ có khoảng 89 ca ghép chi thể được thông báo, trong đó ghép cẳng tay báo cáo nhiều nhất là ở Mỹ, Trung Quốc, Pháp và tất cả các trường hợp này đều lấy chi thể từ người cho chết não.

Ca ghép ruột đầu tiên

Năm 2020 tiếp tục ghi dấu ấn cho nền y học ghép tạng của Việt Nam, đó là thành công của 2 ca ghép ruột đầu tiên từ người cho sống cùng huyết thống được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103. Từ ca ghép thận đầu tiên vào năm 1992, ghép gan vào năm 2004, ghép tim năm 2010, ghép đa tạng (tụy-thận) năm 2014, ghép phổi năm 2017 và ghép ruột - kỹ thuật ghép tạng khó nhất vào năm 2020, Bệnh viện Quân y 103 là cánh chim đầu đàn của Việt Nam về ghép tạng. Bệnh viện đã từng bước chinh phục đỉnh cao của các kỹ thuật ghép tạng và là bệnh viện đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công 6 tạng ghép không thể thay thế. 

Hai bệnh nhân được ghép ruột tại Bệnh viện Quân y 103 đều là những trường hợp ruột đã mất hoàn toàn chức năng năng tiêu hóa và phải nuôi sống bằng cách truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch. Nếu không được ghép ruột, các bệnh nhân sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị biến chứng liên quan đến nuôi dưỡng tĩnh mạch và có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Bệnh nhân N.V. D (42 tuổi) vào viện với chẩn đoán suy ruột không hồi phục do hội chứng ruột ngắn type 1, rò đại tràng. Người đàn ông có tiền sử phẫu thuật ổ bụng 5 lần vì viêm phúc mạc do thủng đại tràng, tắc ruột tại nhiều bệnh viện. Bệnh nhân đã phẫu thuật cắt khối lượng lớn ruột (chiều dài ruột non còn lại khoảng 80cm) vào tháng 5/2007. Còn bệnh nhân L.V.T (26 tuổi) bị suy mòn suy kiệt do hội chứng ruột cực ngắn type 3.

Trước đó, anh bị viêm phúc mạc do hoại tử gần như toàn bộ ruột non nên được Bệnh viện huyện Than Uyên (Lai Châu) phẫu thuật cấp cứu cắt bộ phận này. Anh D được anh trai hiến ruột, còn bệnh nhân T được ghép ruột từ mẹ đẻ. Theo Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, tham gia vào hai ca ghép tạng có gần 100 bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Quân y 103. Bên cạnh đó, ca phẫu thuật còn có sự phối hợp của chuyên gia ghép tạng người Nhật Bản - GS Motoshi Wada, Bệnh viện Đại học Tohoku.

Năm 2020, tại 19 bệnh viện trên cả nước thực hiện thành công 786 ca ghép tạng, trong đó có 690 ca ghép thận từ nguồn hiến sống và 23 ca từ nguồn chết não; 49 ca ghép gan từ nguồn hiến sống và 12 ca từ nguồn chết não… Danh sách chờ được ghép tạng hiện có trên 5 nghìn người, đó là chưa kể người bệnh có chỉ định ghép tạng chưa được thống kê. Cả nước có trên 20 cơ sở y tế có thể thực hiện ghép tạng. Trong 3 năm gần đây số gia đình đồng ý hiến tạng sau chết não tăng rõ rệt, chủ yếu đều từ Bệnh viện Việt Đức.

Ghép tạng đã cứu sống được hàng nghìn người bệnh mỗi năm nếu như có đủ nguồn tạng hiến từ người cho chết não. Đây không chỉ là khao khát của người bệnh, mà cũng là mong mỏi của các nhà khoa học, để ngày càng có nhiều cơ hội cứu sống người bệnh nặng.

Trần Hằng

Phát huy truyền thống 59 năm xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I, Bộ Công an là cơ sở đào tạo có bề dày thành tích, một trong những trung tâm huấn luyện lực lượng “lá chắn thép” và sử dụng biện pháp vũ trang hàng đầu của Bộ Công an.

Kyiv Independent ngày 21/11 (giờ Việt Nam) đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey từ chối xác nhận các báo cáo về việc Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, nhưng ông John Healey đồng thời nêu rõ các hành động của Ukraine trên chiến trường nói lên tất cả.

Sau khi đạt được thỏa thuận, Vũ cung cấp địa chỉ nhận vợt từ nạn nhân nhưng không gửi lại vợt như đã cam kết. Để tạo lòng tin, Vũ còn tạo các hóa đơn vận chuyển giả nhằm đánh lừa nạn nhân rằng mình đã gửi hàng. Sau khi chiếm đoạt được tài sản, Vũ nhanh chóng bán lại trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) khác để thu lợi bất chính.

Ông Lê Đình Thuần (SN 1972), Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Minh Rồng và Nguyễn Hữu Giảng (SN 1962), Phó Giám đốc công ty này đã bị cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam để làm rõ hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Bộ Quốc phòng Syria xác nhận 36 người thiệt mạng và nhiều hạ tầng bị hư hại sau đòn tập kích quy mô lớn nhất nhiều tháng của Israel nhắm vào thành phố cổ Palmyra.

Trong khi nhiều quan chức xác nhận Ukraine lần đầu tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất, thì Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky bất ngờ đề cập một kịch bản không tươi sáng, vào thời điểm cuộc xung đột giữa hai nước đã chạm mốc 1.000 ngày, và phía Nga cảnh báo chiến sự sẽ còn kéo dài.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực xóa khoản nợ lên đến hơn 9 tỷ USD cho Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết ngày 20/11 (giờ địa phương).

Theo thống kê của Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá, trên địa bàn hiện có 286 người chấp hành xong án phạt tù đang sinh sống, làm việc và cư trú tại địa phương, tham gia nhiều ngành nghề khác nhau, như: sản xuất nông, lâm ngư nghiệp, công nhân…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文