“Hai lúa” Trần Quốc Hải: Chế xe bọc thép cho quân đội Hoàng gia Campuchia

17:55 24/11/2014

“Hai lúa trực thăng” là chữ mà bà con nông dân xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh dùng để gọi anh Trần Quốc Hải, một thợ cơ khí trong xã khi anh tự chế tạo ra 2 chiếc máy bay trực thăng - một chiếc đã bán cho Viện bảo tàng hàng không Mỹ, cùng những máy móc nông cụ khác như máy gieo hạt, máy quét lá cao su, máy đánh luống, máy trồng hom khoai mì, máy bón phân tự động, máy thu gom xác khoai mì sau khi đã lấy hết tinh bột…

Và mới đây, “Hai lúa” đã sang Campuchia theo lời mời của ông Mao Sophan, bí thư quân sự của Thủ tướng Hunsen, của Tổng Tư lệnh quân đội Hoàng gia Campuchia - tướng Pol Saroun để… chế tạo xe bọc thép cho quân đội nước này, và đã được Thủ tướng Hunsen trao tặng huân chương Đại tướng quân sau khi thành công.

1. …"Sáng hôm ấy, lúc tôi đang sửa chữa một bộ hộp số máy kéo thì có mấy chiếc ôtô con biển số Phnôm Pênh, Campuchia dừng lại trước sân nhà tôi - là Cơ sở Hàn tiện Quốc Hải, ở ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - rồi trên xe lần lượt bước xuống 7 người, tất cả đều là người Campuchia…", anh Hải mở đầu câu chuyện sau khi đã bỏ chiếc mỏ lết xuống và lau sạch đôi tay dính đầy dầu nhớt để rót nước mời tôi: "Qua lời người phiên dịch, ông ấy giới thiệu mình là một tướng lĩnh trong Quân đội Hoàng gia Campuchia. Và do đọc thông tin trên mạng Internet, biết tôi đã chế tạo được máy bay trực thăng nên ông ấy đặt vấn đề, mời tôi sang Campuchia để sửa chữa cho Quân đội Hoàng gia một số xe bọc thép".

Lời đề nghị đã khiến Trần Quốc Hải vừa tự hào, lại vừa phân vân. Tự hào vì anh chỉ là một "Hai lúa", chưa hề trải qua trường lớp chính quy nào về ngành cơ khí nhưng lại được lãnh đạo nước bạn nghe tên, biết tiếng. Còn phân vân là do máy bay trực thăng cấu trúc hoàn toàn khác với xe bọc thép nên anh chưa biết mình có làm được không.

Anh Hải nói: "Tôi xin phép vị tướng Campuchia cho tôi một thời gian sắp xếp việc nhà rồi tôi sẽ qua nhưng thực tế thì tôi muốn nghiên cứu trước các mẫu xe mà vị tướng người Campuchia đã cho tôi biết chủng loại".

Thời điểm ấy, Quân đội Hoàng gia Campuchia đang sở hữu một số xe tuần tra, trinh sát bọc thép, bánh hơi kiểu BRDM-2 và BTR60PB, do Liên Xô chế tạo và đưa vào hoạt động từ năm 1962. BRDM-2 có 4 bánh, trang bị 1 động cơ Gaz chạy xăng, công suất tối đa 140 mã lực. Xe không có tháp pháo và khi cần sử dụng hỏa lực, xạ thủ phải mở cửa trên nóc, thò súng cá nhân ra ngoài nên rất dễ nguy hiểm đến tính mạng nếu địch quân có sự chuẩn bị trước. Xe cũng không có hệ thống bảo vệ phóng xạ, vũ khí sinh học, hóa học và không có thiết bị nhìn đêm.

Thủ tướng Hunsen trao huân chương Đại tướng quân cho Trần Quốc Hải.

Với xe BTR60PB, đây là loại xe bọc thép chở quân, có 8 bánh hơi với 2 động cơ diesel Gaz 40P tổng công suất 240 mã lực. Nó được trang bị 1 súng máy 7,62mm. Xe không có cửa chính mà mỗi bên hông có 4 cửa sổ. Binh lính vào, ra qua các cửa này. Ngoài ra, ở tháp pháo còn có 1 cửa sổ dành cho xạ thủ súng máy. Nhược điểm lớn nhất của loại xe này là nếu muốn quay đầu, cần phải có một khoảng trống đường kính 10,5m, chưa kể khẩu súng máy 12,7mm đặt trên tháp pháo chỉ phát huy hiệu quả nếu mục tiêu ở xa hơn 150 mét so với vị trí xe vì dưới 150 mét, nòng súng không hạ thấp xuống được!

Do được thiết kế cho xứ lạnh nên đưa về Campuchia - là xứ nhiệt đới, cả hai loại xe nêu trên rất hay hỏng hóc, nhất là bơm nhiên liệu. Trần Quốc Hải nói: "Khi tôi sang Phnôm Pênh để quan sát thực tế, mỗi chiếc BRDM-2 ngốn 45 lít xăng/100km, còn BTR60PB thì 100km hết… 100 lít dầu! Nghiên cứu cấu tạo, tính năng xe qua bản vẽ và qua các tài liệu trên mạng Internet, tôi đề nghị với ông Mao Sophan thay động cơ xăng của xe BRDM-2 bằng động cơ chạy dầu diesel, công suất 190 mã lực, còn với xe BTR60PB thì thay vì sử dụng 2 động cơ diesel như nguyên mẫu, tôi đề nghị cải tiến chỉ còn 1 động cơ, nhưng công suất tăng lên thành 250 mã lực".

Khi Trần Quốc Hải nêu vần đề thay thế động cơ xăng bằng động cơ chạy dầu, đã có một số ý kiến phản đối, rằng người Nga đã tính toán rất kỹ trước khi chế tạo nên không thể làm khác hơn được. Hơn nữa, Quân đội Hoàng gia Campuchia cũng đã từng thử cải tiến nhưng không thành công.

Anh Hải kể: "Nghe xong những ý kiến phản đối, tướng Pol Saroun nói: "Sửa được thì tốt, còn không thì nó cũng đã hỏng rồi. Với lại "bon" Hải - tiếng Campuchia nghĩa là anh - đã chế ra máy bay trực thăng bán cho Mỹ nên cứ để anh ấy làm thử".

Bằng chứng nhận của Bộ Quốc phòng Campuchia.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Hunsen và của tướng Pol Saroun, "Hai lúa" Trần Quốc Hải về Việt Nam, tìm mua 1 động cơ xe tải Hino công suất 190 mã lực. Anh nói: "Sau 15 ngày lắp ráp, và mặc dù lúc ấy hệ thống phanh (thắng) chưa hoàn chỉnh nhưng tôi vẫn được yêu cầu cho chạy thử".

Sau 2 lần chạy thử, các chuyên gia quân sự Campuchia đi đến kết luận, rằng xe chạy nhanh hơn, máy mạnh hơn, chưa phát hiện hỏng hóc hoặc trục trặc kỹ thuật nhưng điều ấn tượng nhất là 100km, nó chỉ tiêu hao có 25 lít dầu! Chưa kể từ một chiếc xe không vũ trang, dưới bàn tay của anh "Hai lúa", nó biến thành một ổ hỏa lực di động với một khẩu pháo không giật 75mm trên nóc xe và một súng máy 7,62mm, đủ khả năng tiêu diệt những công sự kiên cố cũng như yểm trợ bộ binh xung phong.

Trần Quốc Hải kể: "Hôm sau, tướng Pol Saroun trực tiếp xuống kiểm tra rồi khi nghe bộ phận kỹ thuật báo cáo kết quả thử nghiệm, ông ấy đề nghị tôi làm tiếp 2 xe nữa".

2. Viết ra những điều trên đây thì thấy rất đơn giản nhưng thực tế, qua những lời "Hai lúa" Trần Quốc Hải kể với tôi, nó phức tạp vô cùng. Một kẻ "ngoại đạo" như tôi, suốt 2 tiếng ngồi ở nhà anh tại xã Suối Dây nghe anh nói, tôi ù tai chóng mặt vì những từ ngữ kỹ thuật, cách cân bằng động cơ, cách bố trí hệ thống dẫn động, hệ thống bơm nhiên liệu, hệ thống điện, phanh bình thường và phanh khẩn cấp, rồi lại còn nhiệt độ trong xe sao cho phù hợp với khí hậu nóng, ẩm để người ngồi trong xe không mất sức nếu hành quân đường dài cùng các loại vũ khí và giáp che chắn cho xạ thủ nữa chứ.

Tôi hỏi mỗi chiếc xe, anh "kiếm" được bao nhiêu tiền? "Hai lúa" cười: "Thật lòng mà nói, tôi không nghĩ đến chuyện lời lãi, chủ yếu tôi làm giúp cho bạn để thể hiện tình hữu nghị giữa hai dân tộc thôi".

Những chiếc xe bọc thép BRDM-2 sau khi được "hai lúa" thay động cơ và trang bị thêm vũ khí.

Với chiếc thứ hai - chiếc BTR60PB lại càng ấn tượng hơn. Tiến hành nghiên cứu, Trần Quốc Hải quyết định thay 2 động cơ diesel Gaz 40P bằng 1 động cơ Mack 250 mã lực. Anh Hải kể: "Thay xong, họ cho chạy thử trên thực địa, từ Phnôm Pênh đến Kong Pong Speu. Kết quả xe đạt vận tốc 70km/giờ ở những đoạn đường bằng phẳng, còn với địa hình ghồ ghề, đồi dốc, là 60km/giờ, mức tiêu hao nhiên liệu chỉ 35 lít/100km. Nếu như trước khi thay động cơ, lúc leo dốc xe phải cài số 1 thì bây giờ, nó sử dụng số 3 hoặc cùng lắm là xuống số 2. Trên tháp  pháo, ngoài khẩu 12,7mm truyền thống, "Hai lúa" thiết kế gắn thêm một khẩu súng không giật 75mm, còn hai bên hông, mỗi bên là một  khẩu súng máy 7,62mm để vừa bảo vệ xe, vừa tăng thêm uy lực.

Trước những thành công này, Quân đội Hoàng gia Campuchia quyết định nhờ Trần Quốc Hải "thay máu" cho một số xe nữa, tổng cộng là 11 chiếc, cả  BRDM-2 lẫn BTR60PB. Trần Quốc Hải nói: "Khi hoàn thành 11 chiếc xe bọc thép, một số tướng lĩnh Campuchia nêu ý kiến rằng với 2 loại xe này, khó khăn nhất là tìm kiếm phụ tùng thay thế vì hiện tại Cộng hòa Liên bang Nga không còn sản xuất chúng nữa. Vì thế, nếu xảy ra hư hỏng thì sẽ khắc phục như thế nào đây?".

Do đã có kinh nghiệm trong việc "thay máu" 11 chiếc BRDM-2 và BTR60PB, Trần Quốc Hải mạnh dạn đề nghị với tướng Pol Saroun, rằng anh sẽ… chế tạo cho Quân đội Hoàng gia một mẫu xe bọc thép mới với các tính năng không thua kém gì chiếc BTR60PB. Tôi hỏi sao anh liều mạng thế? "Hai lúa" cười: "Tôi tính toán kỹ rồi mới dám nói chứ đâu phải giỡn chơi". Và bởi vì đây là bí mật quân sự, nên anh chỉ cho tôi biết một vài thông số, chẳng hạn như xe dài 5,34 mét, cao 2,4 mét, rộng 2,08 mét, sử dụng động cơ công suất 190 mã lực, tốc độ tối đa 90km/giờ trên địa hình bằng phẳng, nhiên liệu tiêu hao 25 lít dầu diesel/100km. Xe có 6 bánh, ngoài tổ lái 5 người gồm 1 chỉ huy, 1 tài xế, 1 xạ thủ súng máy 12,7mm và 2 xạ thủ phụ trách 2 khẩu súng máy 7,62mm thì xe còn chở thêm được 8 người với đầy đủ trang bị vũ khí. Anh nói: "Một số chi tiết khác như vỏ giáp dày bao nhiêu, chịu được những loại đạn gì, ở tầm bao nhiêu mét… thì tôi xin miễn đề cập".

Nếu như hiện tại, một chiếc xe bọc thép chở quân có giá rẻ nhất cũng là 1 triệu USD - do Ukraina chế tạo, hoặc 2 triệu nếu là xe Nga còn nước Mỹ, có chiếc lên đến 8 triệu USD thì chiếc xe do "Hai lúa" Trần Quốc Hải thiết kế và thi công, chỉ tốn có… 200 nghìn USD nhưng dĩ nhiên tiền nào của nấy! Hải cho biết: "Cách đây hơn một tháng, tôi đã hoàn thành xong chiếc đầu tiên. Đưa vào chạy thử, nó hoàn toàn đáp ứng tất cả những thông số kỹ thuật".

3. Câu chuyện tạm ngừng lại khi Hải gọi cậu con trai, bảo lấy chiếc đĩa VCD chiếu cho tôi xem. Đó là ngày 13/10/2014, một đơn vị đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Hoàng gia Campuchia tổ chức diễu binh kỷ niệm 25 năm ngày thành lập. Trong buổi diễu binh này, những chiếc BRDM-2 và BTR60PB do "Hai lúa" thay thế động cơ đã nằm trong đội hình diễu hành và đặc biệt hơn cả, chiếc xe bọc thép chở quân "made in… Hai lúa" cũng lừng lững lăn bánh bên cạnh những khí tài quân sự khác.

Đưa tôi xem mấy tấm ảnh chụp Thủ tướng Hunsen trao tặng anh Huân chương Đại tướng quân - là huân chương dành tặng người nước ngoài có đóng góp lớn cho đất nước Campuchia, cùng tấm bằng chứng nhận Trần Quốc Hải là nhà khoa học quân sự do Bộ Quốc phòng Campuchia cấp và bằng khen của Quốc vương Sihamoni, anh Hải nói: "Quân đội Campuchia dự định sẽ sản xuất thêm 100 chiếc để thay thế toàn bộ các xe bọc thép chở quân hiện thời".

Thật ra, chuyện nâng cấp, cải tiến cho những thiết bị quân sự không phải là chuyện mới mẻ, và Quân đội nhân dân Việt Nam đã thực hiện thành công từ hàng chục năm qua trên nhiều chủng loại, vừa tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, vừa để sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc. Thế nên, việc "kỹ sư chân đất" Trần Quốc Hải chế xe bọc thép - dẫu vẫn còn xa mới bằng được những chiếc xe hiện đại nhưng đó cũng là một minh chứng về sự sáng tạo của người Việt

Vũ Cao

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

LTS: Từ 2019 đến nay, hàng vạn tấm bằng Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Kỹ sư… cùng nhiều văn bản, chứng từ khác của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) được ký bằng chữ ký “khô” (chữ ký khắc dấu) hay còn gọi là dấu chữ ký khiến cho nhiều người không khỏi hoài nghi về giá trị pháp lý của nó. Ngoài việc sử dụng chữ ký “khô” để cấp các loại văn bằng, chứng chỉ, HUBT còn sử dụng trong công tác văn thư, tài chính kế toán… để duy trì mọi hoạt động của trường. Trước sự việc này, phóng viên Báo CAND đã có loạt bài phản ánh các vấn đề đã và đang diễn ra tại HUBT.

Con số 70 nổi bật được đổ màu theo đa hướng, cách điệu với ngôn ngữ đảo chiều, hàng chữ “Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2024)” mang màu xanh hoà bình. Đó là những nét khắc họa nổi bật của logo Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đang được sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền trong những ngày tháng 5 lịch sử này.

Sáng 7/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết, vừa khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Pơloong Bưu (SN 1995, trú xã Axan, huyện Tây Giang) về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Mặc dù cuối tháng 6 kỳ thi tốt nghiệp THPT mới diễn ra nhưng ngay từ đầu năm 2024, nhiều trường đại học (ĐH) đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm. Với ưu thế tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh trúng tuyển đại học mà không cần lệ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sớm đang trở thành phương thức được nhiều thí sinh lựa chọn.

Những ngày tháng 5 lịch sử, khi cả nước có nhiều hoạt động hướng về Điện Biên Phủ, bộ phim tài liệu nghệ thuật "CAND trong khúc tráng ca Điện Biên Phủ" lần đầu tiên kết hợp giữa những thước phim tài liệu, đan xen thực cảnh - cách làm phim mới trong truyền thông hiện đại, với những cảnh quay ở Điện Biên Phủ, một số tỉnh, thành của Việt Nam và Pháp, đã ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngày 7/5, lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chính thức diễn ra, bắt đầu chặng đường mới với không ít thách thức nhưng cũng nhiều hy vọng, nhất là khi tỉ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông theo thời gian vẫn liên tục ở mức cao.

Theo dự báo, hôm nay thời tiết tại hầu khắp các tỉnh, thành phố ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30 mm, có nơi trên 50 mm. TP Điện Biên Phủ khả năng có mưa, nhiệt độ dao động từ 20-32 độ C.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi, Phó giám đốc - Phụ trách Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (60-01S) để phục vụ công tác mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文