Kỳ tích cứu sống bé gái ngưng tim, ngưng thở

10:10 18/11/2019
Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP Hồ Chí Minh vừa cứu sống bệnh nhân V.N.T.O. (12 tuổi, ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) từ tỉnh Bình Thuận chuyển vào do bị viêm cơ tim tối cấp đến ngưng tim, ngưng thở. Hiện bé đã hồi phục sức khoẻ. Không ai có thể nghĩ rằng, chỉ cách đây 3 tuần, cô bé đã ở trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn.


Giành giật bé gái từ tay thần chết

Nhớ lại, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực của BV Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, cháu bé rất may mắn bởi chỉ chậm 5 phút nữa thôi là khó cứu sống. Vừa đến cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 bé đã ngưng tim, ngưng thở. 

Cùng với ê kíp các bác sĩ trong hệ thống cấp cứu Ecmo (ứng dụng hệ thống cấp cứu tuần hoàn ngoài cơ thể), bệnh viện đã bấm nút báo động đỏ, huy động các bác sĩ nhiều chuyên khoa liên quan tập trung cấp cứu, cứu chữa. Gần 3 tuần nỗ lực, cuối cùng các bác sĩ cũng đã giật lại được bé gái từ tay thần chết.

Chiều 12-11 bệnh nhân đã được cho xuất viện. Theo người thân của em O., em bất ngờ bị bệnh vào ngày 24-10-2019 nhưng không biết bệnh gì. Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (45 tuổi) kể lại, chiều ngày 24-10, con chị bị sốt nhẹ nên đã ra tiệm thuốc Tây gần nhà để mua thuốc uống. Sau đó em có mua một ổ bánh mì để ăn vì nghĩ rằng cho đỡ bị say thuốc. Ngày hôm đó và cả đêm 24-10, bé đi ngủ bình thường. 

Tuy nhiên, sáng 25-10, sau khi ngủ dậy vào buổi sáng, em ôm ngực kêu khó chịu, choáng, chóng mặt và yếu ớt kêu mẹ. Chị tưởng con trúng gió nên lấy dầu ra cạo gió. Tuy nhiên chỉ vài phút sau đó, cháu bị mệt, người lạnh ngắt, hai mắt trở nên tím tái. 

Bệnh nhi V.N.T.O. đã được cứu sống ngoạn mục và được xuất viện vào chiều 12-11.

Chị khóc kêu gọi hàng xóm bà con chạy đến nhà mỗi người tìm một cách để cấp cứu. Nhưng cháu thở mạnh rồi lên cơn co giật, người lặng dần, không thở, gia đình chở em vào bệnh viện cấp cứu.

“Chân tay tôi rụng rời khi thấy con gái đột ngột khuỵu xuống, mắt thì thấy toàn lòng trắng, chân tay tím tái và cháu không thở được nữa. Tôi vội vàng đưa con tới bệnh viện. Con tôi thật sự đã được các bác sĩ sinh ra lần thứ hai. Tôi nói thực, sau gần cả tháng được bác sĩ gọi tôi vào với con, tôi còn sợ, không dám tin, chỉ sợ rằng mình vào sẽ nhận được tin dữ. Tôi chỉ dám nói chồng vào với con trước. Khi thực sự biết con mình đã sống lại, nhận ra tôi, rồi gọi tôi, tôi mới thực sự tin rằng, con mình đã sống lại thực sự”, chị Lan kể. 

Vợ chồng chị Lan sinh được 4 người con, O. là con gái thứ 2. Cả nhà không ai bị bệnh tim mạch hay bệnh viêm cơ tim tối cấp như O..

Mong một ê-kíp “cấp cứu Ecmo lưu động”

Bác sĩ Bạch Văn Cam, cố vấn về cấp cứu - hồi sức của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, khi người thân đưa bé tới Bệnh viện huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận), nhận định tình hình bệnh nhi quá nặng, nên các bác sĩ ở đây lập tức chuyển bé đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận. Khi ấy, cô bé đã rơi vào tình trạng sốc tim, một bệnh cảnh cực kỳ nặng trong hồi sức tích cực. 

“Tim của cháu chỉ đập 26 lần/phút, một tốc độ quá chậm, có thể nói là gần như ngưng tim. Với độ tuổi 12 như bé thì nhịp tim phải đập ít nhất là 80 lần. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận lập tức hội chẩn với Bệnh viện Nhi đồng 1  TP Hồ Chí Minh để nhờ phối hợp điều trị và chuyển viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố đã nhanh chóng cùng hợp sức cứu bệnh nhi.

Ngoài quy trình báo động đỏ lập tức được kích hoạt, bé gái được hồi sức tim phổi, đưa vào cho chạy máy ECMO, chỉ sau vài phút. Các bác sĩ chuyên khoa Nhi tim mạch đã bắt đầu ngay việc quan trọng đầu tiên là kích hoạt cho tim bé hoạt động trở lại. Có như vậy mới bắt đầu cho việc “kết nối” giữa cơ thể của bệnh nhi với các thiết bị của máy ECMO. 

Ê-kíp thở phào nhẹ nhõm khi những nhịp tim đầu tiên của cháu đã đập trở lại, việc thiết lập huyết động học mới có hy vọng tốt hơn. Như vậy, bé đã qua được giai đoạn nguy hiểm nhất, cũng có nghĩa, ê-kíp chuyển viện của bệnh viện tỉnh vượt qua gần 200 km đã rất thành công trong việc phối hợp với chỉ dẫn của các Bác sĩ Nhi đồng 1 để cấp cứu trên xe cho cháu đúng cách.

Song, ngay khi họ vừa thở phào tưởng rằng bé đã bớt nguy kịch thì ngay sau đó, vì mắc bệnh viêm cơ tim tối cấp nên bệnh nhi lại bị loạn nhịp tim liên tục. Cứ vài phút cơn loạn nhịp lại diễn ra 1 lần. Trong vòng 48 giờ, suốt 2 ngày họ vô cùng vất vả. Mỗi lần bé bị loạn nhịp như vậy thì huyết động học lại bị ảnh hưởng. Song cũng rất may là bệnh viện đã có máy kỹ thuật tim phổi nhân tạo hỗ trợ (ECMO) thay thế cho trái tim và phổi đang bị bệnh của cháu bé vẫn hoạt động, vẫn chạy trong suốt 48 giờ nguy hiểm này.

Mặc dù huyết động học của bé thay đổi rất nhiều nhưng nhờ hoạt động của máy ECMO nên giúp việc tưới máu lên các cơ quan diễn ra bình thường. Đồng thời lúc này bé còn bị tổn thương gan và thận nặng nên ê-kíp cũng tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhi. 

Việc cấp cứu trên người bé O. lúc này phải cần tới 2 ê-kíp bác sĩ và 3 hệ thống cùng hoạt động: một là phải đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, thứ 2 là đặt hệ thống máy tim phổi nhân tạo - ECMO, và thứ 3 là phải lọc máu liên tục. Cùng việc được sử dụng kết hợp thuốc chống loạn nhịp tim nên tim đã tạm thời ổn định hơn. Tới ngày 31-10, tình trạng bệnh nhi đã cải thiện hoàn toàn và “cai” máy ECMO.

Bình thường các ca sử dụng ECMO tiến hành tại phòng mổ nhưng riêng với trường hợp bé O đã được tiến hành cấp cứu ECMO ngay tại phòng Hồi sức tích cực chống độc nhờ được sự hỗ trợ của khoa Ngoại, đã biến ca bệnh cấp cứu cho bé O. như đang được thực hiện ngay tại một phòng mổ thu nhỏ.

Được biết, với riêng trường hợp của bệnh nhi O. lần này đã phải mất 6 ngày chạy máy ECMO liên tục, trái tim cô bé mới có thể tự đập trở lại được, sau đó bé được cai máy ECMO. Tuy nhiên, theo PGS Phạm Văn Quang, cho dù đã khỏe lại một cách ngoạn mục, cô bé vẫn cần được theo dõi 1-2 năm nữa. 

Huyền Nga - Nguyễn Cảnh

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Một quan chức cấp cao tại bang Baja California (Mexico) hôm 4/5 thông tin, các thi thể được tìm thấy dưới một đáy giếng ở khu vực Ensenada của bang này rất có thể là của các vận động viên lướt sóng quốc tịch Mỹ và Australia, vốn được thông báo mất tích hồi tuần trước. 

Giới chức Pháp hôm 4/5 cho biết, ít nhất một người đã thiệt mạng và sáu người khác bị thương trong vụ xả súng xảy ra ở ngoại ô phía Bắc Thủ đô Paris. Vụ xả súng này được cho là liên quan tới các băng nhóm buôn bán ma túy.

Không chỉ thúc các địa phương tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu khẩn trương phân bổ vốn và giải ngân vốn cho các dự án trọng điểm quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文