Nóng bỏng cuộc chạy đua về Nam Cực

14:33 07/11/2019
Bất chấp sự khắc nghiệt của khí hậu lạnh giá nhất thế giới, Nam Cực từ lâu đã được chú ý nhờ vị trí địa lý đặc biệt, cùng những nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản khổng lồ. Giới quan sát nhận định, "cuộc đua" tranh giành ưu thế tại vùng đất lạnh giá này đang dần nóng lên, có nguy cơ dẫn tới căng thẳng giữa một số cường quốc.


"Miếng bánh” hấp dẫn

Nam Cực được miêu tả là khu vực cực kỳ quan trọng với khoa học, ẩn giấu nhiều thông số liên quan đến khí hậu của Trái Đất trong các lớp băng dày. Nam Cực cũng là lục địa cao nhất thế giới (có độ cao trung bình 2.800m so với mực nước biển), trong đó vùng Dome A (ở độ cao gần 4.100m) được giới khoa học lưu tâm vì cực kỳ lý tưởng cho hoạt động quan sát không gian và giám sát vệ tinh. 

Quan trọng hơn, khu vực này còn được cho là nơi có trữ lượng dầu mỏ lên tới 200 tỉ thùng, cùng vô số các khoáng sản, kim loại quý hiếm, hải sản giàu protein và nguồn nước sạch dồi dào.

Quan ngại gia tăng trong bối cảnh các quốc gia đều muốn tuyên bố chủ quyền ở Nam Cực.

Trong bối cảnh sự phát triển của khoa học công nghệ giúp vượt qua rào cản thời tiết, con đường tiếp cận Nam Cực ngày càng thuận lợi hơn. Chẳng thế mà các quốc gia liên tiếp "nhảy" vào tranh giành "miếng bánh" Nam Cực. 

Một số quốc gia như Anh, Argentina hay Chile bộc lộ mưu cầu chủ quyền Nam Cực từ rất sớm, trong khi Mỹ và Liên Xô (cũ) lại tỏ ra đủng đỉnh hơn nhưng cũng không kém phần quyết liệt khi thiết lập các trạm khảo sát khoa học phân bố đồng đều ở Nam Cực. Các trạm nghiên cứu sau đó được hai cường quốc biến thành những căn nhà chiếm đóng lãnh thổ.

Nhằm tránh chiến tranh bùng nổ, Hiệp ước Nam Cực ra đời năm 1959 do 12 quốc gia ký kết, với mục đích bảo vệ lãnh thổ Nam Cực và khẳng định các hoạt động của con người ở đây chỉ nhằm mục đích hòa bình (đặc biệt là nghiên cứu khoa học). 

Hiệp ước tuyên bố lục địa băng giá này là tài sản chung của loài người, không thuộc về bất kỳ ai và không quốc gia nào được khẳng định chủ quyền. Tuy nhiên cho đến nay, ngày càng có nhiều bên tham gia Hiệp ước khiến việc đàm phán đưa ra các quy định về Nam Cực ngày càng khó khăn khi gần như không thể tìm được tiếng nói chung.

Ai cũng muốn chủ quyền

Quan ngại gia tăng trong bối cảnh các quốc gia đẩy nhanh quá trình "thâu tóm" Nam Cực. Gần đây, Anh tuyên bố sẽ khẳng định chủ quyền tại vùng đáy biển rộng 1 triệu km² thuộc Nam Cực, còn Mỹ úp mở chuyện kinh doanh và khai khoáng ở vùng đất lạnh giá này.

Trong khi đó, Argentina hay Chile còn thiết lập các hoạt động bưu điện hay ngân hàng tại Nam Cực, thách thức bất kỳ sự khẳng định chủ quyền nào ở vùng đáy biển Nam Cực. Đặc biệt, Nhật Bản tuyên bố là quốc gia duy nhất sở hữu công nghệ phát triển mỏ khí ga tự nhiên ở Nam Cực, tin rằng Tokyo hoàn toàn có quyền sở hữu một phần tài nguyên Nam Cực.

"Tay chơi" mới nổi đáng gờm chính là Trung Quốc - quốc gia đặc biệt năng nổ xây trạm nghiên cứu mới và đưa ra yêu sách về môi trường khiến nhiều thành viên Hiệp ước chia rẽ. Bắc Kinh còn đầu tư đóng tàu phá băng và mua trực thăng hoạt động trong môi trường băng giá. 

Không những thế, một công ty Trung Quốc hồi tháng 9 tuyên bố mở rộng phạm vi đánh cá đến Nam Cực. Động thái phản ánh rõ nhất nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở Nam Cực của Bắc Kinh là thỏa thuận 5 năm với Australia, cho phép tàu và máy bay của Bắc Kinh được tiếp nhiên liệu và thực phẩm ở Hobart (thuộc bang Tasmania, Australia) trước khi đến Nam Cực.

Nhận ra mưu đồ của Bắc Kinh, Australia đã ngay lập tức lên tiếng cân nhắc lại thỏa thuận đã ký. Australia hiện dẫn đầu các quốc gia phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Dome A, cùng việc Bắc Kinh tự ý soạn thảo bộ quy tắc ứng xử Nam Cực. 

Tiếp đó, Australia cáo buộc Trung Quốc đang âm thầm xây dựng căn cứ quân sự hoặc đưa các thiết bị phục vụ mục đích quân sự tới Nam Cực. Đáp lại, Trung Quốc chỉ trích ý định thành lập công viên hải dương tại Nam Cực của Australia, vốn được Liên minh châu Âu hậu thuẫn. Theo đó, đây chỉ là cái cớ để Australia chiếm đất Nam Cực chứ không thể giúp bảo vệ san hô hay hạn chế đánh sắt hải sản xung quanh Nam Cực như hứa hẹn.

Đi tìm tiếng nói chung

Có thể nói, những lĩnh vực căng thẳng lớn nhất hiện nay ở Nam Cực liên quan đến các lợi ích kinh tế và chính trị. Khu vực bao quanh Nam Cực (Nam Băng Dương) bị biến thành ngư trường của nhiều quốc gia, hàng ngày chứng kiến việc đánh bắt hải sản gia tăng. 

Bên cạnh đó, Nam Cực đứng trước nguy cơ bùng nổ du lịch không kiểm soát khi các quốc gia có thể đưa du thuyền hay máy bay đến đây dễ dàng hơn rất nhiều. Ngay cả vấn đề nghiên cứu khoa học cũng làm dấy lên nhiều quan ngại: trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền, ai sẽ sở hữu quyền tài sản trí tuệ từ các mẫu thí nghiệm ở Nam Cực khi chúng có tiềm năng ứng dụng trong thương mại và y dược?

Việc nhiều nước tuyên bố chủ quyền Nam Cực cũng khiến các cuộc đàm phán và thảo luận để thành lập các quy định mới phải liên tục hoãn lại. Giới quan sát cho rằng, các quốc gia hiện chưa có ý định rời Hiệp ước 1959, nhưng cũng chẳng có động thái tích cực để cải cách mà cứ thờ ơ cho đến khi Hiệp ước hết hiệu lực vào năm 2048. 

Do Hiệp ước 1959 vẫn đang hoạt động bên ngoài khuôn khổ Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi đưa Hiệp ước vào phạm vi được điều chỉnh bởi nguyên tắc Di sản chung của nhân loại. Một số tổ chức môi trường yêu cầu Liên Hợp Quốc đưa Nam Cực thành khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã cần bảo vệ của nhân loại. 

Họ tin rằng, đây là cách duy nhất để củng cố Hiệp ước 1959, đồng thời giúp các quốc gia ngoài Hiệp ước có thể lên tiếng hay tham gia vào quá trình xử lý tranh chấp, từ đó bình ổn cục diện Nam Cực.

Nguyễn Tuyết

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文