Thiết bị kích thích não dành cho bệnh nhân Parkinson

07:25 10/07/2015
Một nhóm sinh viên Đại học Johns Hopkins đã nghiên cứu phát triển thành công một thiết bị kích thích não bộ gắn vừa khít trên đầu bệnh nhân Parkinson để giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Theo số liệu thống kê, khoảng 1 triệu người Mỹ mắc phải các triệu chứng khó chịu như run rẩy, cứng khớp và nói lắp của bệnh Parkinson. Dùng thuốc là cách điều trị đầu tiên dành cho bệnh Parkinson cũng như các loại bệnh khác liên quan đến thần kinh.

Ngoài ra, phẫu thuật kích thích não sâu – bác sĩ tạo một đường rãnh trên xương sọ bệnh nhân để đặt các điện cực bé tí vào mô não – là giải pháp khả thi cuối cùng.

Nhưng Ian Graham, sinh viên công nghệ sinh học Đại học Johns Hopkins, đặt câu hỏi: “Thay vì sử dụng thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ hay chỉ định phẫu thuật xâm lấn sâu, liệu có thể điều trị Parkinson bằng công cụ kích thích não không gây đau từ bên ngoài xương sọ hay không?”.

Ian Graham đề cập đến kỹ thuật đang là đề tài nổi cộm trong lĩnh vực công nghệ sinh học hiện nay – đó là kích thích xuyên xương sọ, hay kích thích não bộ từ bên ngoài xương sọ. Kỹ thuật thường được thực hiện theo một trong 2 cách.

Thứ nhất, kỹ thuật này kích thích dòng điện trực tiếp xuyên xương sọ - tức là sử dụng các điện cực đặt trên lớp da đầu để gửi các tín hiệu điện đến não. Thứ hai là kích thích xuyên xương sọ, sử dụng một cuộn từ đặt trên lớp da đầu để tạo ra hoạt động điện bên trong não. Những vị trí khác nhau của não bộ được kích thích với cường độ và tần số khác nhau tùy theo chỉ định.

Sự kích thích tác động đến hoạt động của các tế bào thần kinh (neuro) và kiểm soát các chất trung chuyển thần kinh như là serotonin và dopamine. Tuy nhiên, cả 2 kỹ thuật kích thích kể trên đều không chắc chắn có thể cải thiện được tình trạng bệnh Parkinson hay không. Đó là lý do thúc đẩy Ian Graham và các kỹ sư công nghệ sinh học Đại học Johns Hopkins phát triển thiết bị gắn trên đầu – có tên gọi là STIMband - sử dụng mạng điện cực để kích thích não bộ bệnh nhân Parkinson từ bên ngoài.

Thiết bị STIMband – sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào cuối năm nay hay vào đầu năm 2016 – được thiết kế để sử dụng ngay tại nhà và hoàn toàn không dính líu gì đến các thiết bị kích thích xuyên xương sọ nào khác. Nhóm sinh viên Đại học Johns Hopkins hy vọng STIMband sẽ giúp giải quyết một số triệu chứng khó chịu của bệnh Parkinson, như chứng run rẩy và các vấn đề thăng bằng khác.

Nhóm phát triển STIMband Đại học Johns Hopkins – từ trái qua: Ian Graham, Melody Tan, Erin Reisfeld, Shruthi Rajan và David Blumenstyk.

Đầu tháng 6 vừa qua, STIMband giành được giải thưởng hạng nhì trị giá 5.000USD (giải nhất trị giá 10.000USD và giải 3 là 2.500 UDSD) tại cuộc thi thiết kế quốc gia BMEidea dành cho sinh viên khoa y sinh và công nghệ sinh học do tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục bậc đại học VentureWell tổ chức. Với STIMband, nhóm sinh viên đặt mạng lưới điện cực tại các vị trí được lập bởi mô hình máy tính để kích thích các phần não bị tác động bởi bệnh Parkinson.

Sau khi quan sát các bệnh nhân tham dự chương trình nghiên cứu về kích thích dòng điện trực tiếp xuyên xương sọ của Đại học Johns Hopkins, nhóm sinh viên rất ấn tượng trước các kết quả thu được. Ian Graham nói rằng: “Tôi nhận thấy sau khi được điều trị kích thích, một bệnh nhân nam có thể tự tay ký tên mình. Bệnh nhân cho biết đã nhiều năm qua ông không viết được như thế này”.

Trước đó, nhóm sinh viên đã tiếp xúc với các bệnh nhân khoa bệnh Parkinson trong nhiều tháng để thu thập dữ liệu về những gì mà họ thật sự cần với thiết bị sử dụng tại nhà. Cuối cùng, nhóm chọn thiết bị hoạt động bằng pin được thiết kế theo chiếc mũ bóng chày để dễ xoay chuyển và được kiểm soát bằng nút bấm lớn. Sau khi được chuyên gia thần kinh học hướng dẫn, bệnh nhân có thể sử dụng STIMband tại nhà với thời lượng khoảng 20 phút mỗi ngày. Ian Graham cho biết kết quả điều trị còn tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Theo Ian Graham: “Do Parkinson là bệnh do tế bào não bị suy thoái, và STIMband hoạt động khác hơn thuốc trị bệnh cho nên thiết bị sẽ có lợi khi được sử dụng trong thời gian dài”.

Mô hình STIMband vừa khít với đầu bệnh nhân.

Nếu cuộc thử nghiệm lâm sàng thành công và STIMband được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn, thiết bị sẽ có giá từ 600 - 1.000USD tùy thuộc vào chất liệu lựa chọn. Hiện nay, kỹ thuật kích thích xuyên xương sọ được lựa chọn để điều trị các bệnh liên quan đến thần kinh và thần kinh-tâm thần, bao gồm chứng động kinh, đột quị, hội chứng Tourette (tật co giật một nhóm cơ nào đó), hưng cảm và trầm uất, đau nửa đầu, tâm thần phân liệt, rối loạn ăn, rối loạn trương lực (co cơ không chủ tâm gây đau đớn) và chứng đau mạn tính.

Hiện nay, FDA chỉ phê chuẩn cho kỹ thuật kích thích từ xuyên xương sọ dành chữa trị chứng trầm uất kháng thuốc. Công ty Neuronetics cũng sản xuất thiết bị độc đáo thuộc loại kích thích này gọi là NeuroStar. Bệnh nhân sử dụng NeuroStar 5 ngày/tuần, mỗi lần 45 phút và kéo dài trong 4 - 6 tuần. Bệnh nhân có thể ngồi trên ghế thoải mái đọc sách hay nghe nhạc trong khi NeuroStar được áp vào bên trái trán kích thích vỏ não.

David Brocks, Giám đốc Neuronetics, cho biết khoảng 30 - 40% bệnh nhân trầm uất kháng thuốc cải thiện được các triệu chứng sau một thời gian sử dụng NeuroStar. Không giống như liệu pháp điều trị bằng xung điện (ECT), kỹ thuật kích thích xuyên xương sọ không gây co giật, không cần gây tê cũng như tránh được một số hiệu quả phụ đáng ngại như là mất trí nhớ và trí óc nhầm lẫn.

Di An (tổng hợp)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

17 xe chữa cháy và hơn 100 cán bộ chiến sĩ tham gia dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu King Fish (phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Trong lúc dập lửa, 2 cán bộ chiến sĩ chữa cháy bị ngạt khói, được đưa vào viện cấp cứu, hiện tình trạng đã ổn định…

Ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với ông Phạm Minh An (SN 1964, Giám đốc Sở Y tế tỉnh) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu qua nghiêm trọng". 

Vào khoảng 2h30 ngày 2/5, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hoàn toàn một kho chứa phế liệu rộng khoảng 500 m2 tại ấp An Hoà, xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) đề nghị người dùng phát hiện website bán sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân thì thông báo cho Cục TMĐT&KTS để Cục có biện pháp xử lý.

Công an các đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai phương án bảo đảm ANTT các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày Quốc tế lao động và các hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5), chấp hành nghiêm túc chế độ trực ban, trực chiến bảo đảm quân số ứng trực, nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các phương án bảo đảm ANTT, TTATGT, phòng, chống cháy, nổ...

Dưới cái nắng oi bức của mùa hè cộng thêm gió Lào khô rát khiến người ta ở trong nhà hay dưới bóng râm vẫn cảm thấy khó chịu, thế nhưng hơn 1 tháng nay, CBCS Công an Điện Biên vẫn luôn thường trực 24/24 tại các nút giao thông, các điểm di tích lịch sử và nơi diễn ra các hoạt động, sự kiện hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Những việc làm của các anh góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, an toàn cho các đồng chí lãnh đảo Đảng, Nhà nước, các sự kiện và du khách thập phương đến với Điện Biên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文