Thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine có chữa được COVID-19?

09:25 01/06/2020
Những ngày vừa qua, dư luận xã hội - trong đó có cả những nhà khoa học danh tiếng - như sôi lên trước thông tin thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine có thể chữa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Nhất là sau đó Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã uống loại thuốc này để ngăn ngừa nhiễm bệnh.


Vậy Hydroxychloroquine có thật sự chữa được COVID-19 hay không?

Cơn sốt Hydroxychloroquine

Sự việc bắt đầu vào ngày 17/3/2020, Ủy ban Kỹ thuật Khoa học (AIFA) thuộc Cơ quan Dược phẩm Italy thông báo việc sử dụng Hydroxychloroquine để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 đã mang lại kết quả khả quan. Ngay hôm sau – 18/3/2020 - tạp chí Natural, Mỹ, cũng cho đăng một bài báo, nội dung các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy Hydroxychloroquine có khả năng ức chế quá trình nhân lên của  SARS-COV-2. 

Tiếp theo, ngày 19/3, Donald Trump, Tổng thống Mỹ, tuyên bố Hydroxychloroquine là một phương pháp điều trị tiềm năng cho COVID-19.

Chloroquine và Hydroxychloroquine được sử dụng để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Có lẽ vì tuyên bố ấy nên ngày 28/3, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ban hành Quyền Sử dụng Khẩn cấp (EUA). Theo đó, Kho dự trữ Chiến lược Quốc gia (SNS) được phép phân phối Hydroxychloroquine và Chloroquine cho một số người nhập viện vì COVID-19.

Ngay lập tức, nó gây ra một cơn sốt, không chỉ giới Y khoa mà ngay cả dân thường. Tại Mỹ, số lượng bác sĩ kê đơn Hydroxychloroquine, Chloroquine cho chính họ, thành viên gia đình họ và nhân viên của họ đột ngột tăng vọt. Ở các bệnh viện, nhu cầu sử dụng Hydroxychloroquine đối với những trường hợp COVID-19 đã dẫn đến tình trạng thiếu thuốc khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại rằng những bệnh như lupus ban đỏ và viêm khớp dạng thấp, từ lâu vẫn được chỉ định dùng Hydroxychloroquine thì nay sẽ khó mà mua được.

Tại một số các quốc gia châu Phi, Nam Á, người ta đổ xô đi mua Hydroxychloroquine về để... uống ngừa! Đến ngày 18/5/2020, Tổng thống Trump đẩy sự việc lên cao trào khi ông công khai tuyên bố rằng ông đang dùng Hydroxychloroquine kết hợp với kẽm để chống lại COVID-19. Lập tức, hệ thống y tế của những quốc gia đang lao đao vì dịch bệnh như Pháp, Tây Ban Nha, Brazil, Hàn Quốc, Nga, Anh, Nhật, Đức... liền bắt tay vào việc nghiên cứu tính năng, tác dụng của loại thuốc này trên SARS-COV-2!

Hydroxychloroquine là thuốc gì?

Là loại thuốc được điều chế bởi phương pháp tổng hợp hóa học, Hydroxychloroquine có nguồn gốc từ cây Cinchona (Việt Nam gọi là Canh-ki-na), mọc ở những khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ. Vỏ cây Cinchona có nhiều hóa chất khác nhau nhưng chất quan trọng nhất là Quinin, được dân Peru dùng làm thuốc trị sốt rét. Khi ấy họ tách vỏ cây, phơi khô, tán thành bột rồi nấu chung với nước để uống.

Năm 1677, những nhà khoa học Anh  chiết xuất thành công Quinin từ vỏ cây Cinchona, và cũng dùng để điều trị bệnh sốt rét. Đến cuối thế kỷ 18, do nguồn nguyên liệu khan hiếm, các nhà hóa học người Mỹ tổng hợp Quinin trong phòng thí nghiệm rồi cho ra đời thuốc Quinin (Kí ninh). Tiếp theo, cũng bằng phương pháp tổng hợp hóa học, Chloroquine và Hydroxychloroquine ra đời.

Được bán trên thị trường dưới tên Plaquenil và một số tên khác, Hydroxychloroquine được FDA Mỹ chấp thuận cho điều trị trên những bệnh nhân sốt rét từ năm 1955 và được Tổ chức Y tế thế giới WHO liệt vào danh sách các loại thuốc thiết yếu. 

Bên cạnh đó, sau một thời gian dùng để điều trị sốt rét, các nhà khoa học còn nhận thấy Hydroxychloroquine có thể chữa được bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên nó cũng có những tác dụng phụ có thể dẫn đến chết người, trong đó nguy hiểm nhất là hội chứng rối loạn nhịp thất (bao gồm nhanh thất hoặc rung thất), xảy ra ở tim, chưa kể những tác dụng phụ khác như đau bao tử, buồn nôn, chóng mặt, điếc tạm thời, ngứa, ù tai, yếu cơ, xuất huyết dưới da cùng các thay đổi về tâm lý.

Khi đại dịch COVID-19 phát xuất ban đầu tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, bùng nổ, các nhà khoa học Trung Quốc đã chọn lựa hàng nghìn phương pháp khác nhau rồi qua sàng lọc, thử nghiệm lâm sàng, họ đưa Hydroxychloroquine vào điều trị bởi lẽ kết quả trong phòng thí nghiệm cho thấy Hydroxychloroquine có thể ức chế quá trình nhân lên của SARS COV-2.

Theo báo cáo của bà Sun Yanrong, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển công nghệ sinh học thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, hơn 100 bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng Hydroxychloroquine đã cho kết quả rõ ràng: Bệnh nhân hạ sốt nhanh hơn, các tổn thương phổi cải thiện khá nhiều khi quan sát trên phim X-quang, thời gian phục hồi trung bình của nhóm bệnh nhân này cũng nhanh hơn những bệnh nhân không được điều trị bằng Hydoxychloroquine.

Và thế là từ đầu tháng 3/2020, 10 bệnh viện lớn tại Trung Quốc đã đồng loạt sử dụng Hydroxychloroquine cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19, dẫn đến việc Ủy ban Kỹ thuật Khoa học (AIFA) thuộc Cơ quan Dược phẩm Italy thông báo việc sử dụng Hydroxychloroquine để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 mang lại kết quả khả quan.

Đã nửa đêm nhưng người dân New Dehli, Ấn Độ vẫn chen chúc chờ mua Hydroxychloroquine.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, người ta ghi nhận những tai biến nghiêm trọng khi dùng Hydroxychloroquine để điều trị và phòng ngừa COVID-19. Tại bang Arizona, Mỹ, một cặp vợ chồng - cả hai đều cùng 60 tuổi, đã uống Chloroquine với mục đích "phòng ngừa lây nhiễm COVID-19". Hậu quả là người chồng chết vì ngừng tim còn người vợ được đưa vào bệnh viện Banner Health trong tình trạng nguy kịch.

Tại Việt Nam, ngày 22/3/2020, thông tin từ khoa cấp cứu của một bệnh viện ở Hà Nội cho biết một bệnh nhân nam 44 tuổi nhập viện trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều và suy hô hấp mà nguyên nhân là người này đã uống hơn 15 viên Chloroquine để ngừa COVID-19 theo hướng dẫn trên mạng xã hội. Được biết, bệnh nhân đã mua hơn 100 viên Chloroquine cho mình và tất cả người thân trong gia đình. Đây cũng là ca ngộ độc thuốc sốt rét đầu tiên ở Việt Nam.

Có lẽ vì thế nên ngày 24/4/2020, với lý do "nguy cơ gây ra các vấn đề tim mạch nghiêm trọng", FDA cảnh báo việc sử dụng Hydroxychloroquine trong điều trị COVID 19, đặc biệt là tự ý sử dụng bên ngoài bệnh viện hoặc thử nghiệm lâm sàng.

Tác dụng thực của Hydroxychloroquine

Trước những thông tin về "thần dược Hydroxychloroquine", khắc tinh của COVID-19 xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đầu tháng 5/2020, một nghiên cứu đa quốc gia bao gồm các nhà khoa học Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã khảo sát 96.032 người từ 8 đến 53 tuổi, nhập viện vì COVID-19 tại 671 bệnh viện trên 6 châu lục và được điều trị bằng Hydroxychloroquine. 

Kết quả nghiên cứu đăng tải trên tờ The Lancet - là tạp chí Y học uy tín nhất thế giới - cho thấy việc sử dụng Hydroxychloroquine hoặc Chloroquine (có hoặc không phối hợp với một loại thuốc kháng virus khác), chẳng mang lại lợi ích gì mà thay vào đó, nó làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ tử vong so với những người không dùng Hydroxychloroquine trong điều trị.

Theo The Lancet, nhóm nghiên cứu đa quốc gia chia bệnh nhân thành 4 nhóm điều trị: Nhóm thứ nhất gồm 14. 888 bệnh nhân chỉ sử dụng Chloroquine, nhóm thứ 2 gồm 3.783 bệnh nhân sử dụng Chloroquine kết hợp với một loại kháng sinh họ Macrolide - chẳng hạn như Erythromycin, Clarithromycin, hoặc Roxithromycin, nhóm thứ 3 gồm 3.016 bệnh nhân chỉ sử dụng Hydroxychloroquine, còn nhóm thứ 4 với 6.221 bệnh nhân sử dụng Hydroxychloroquine kết hợp với một kháng sinh họ Macrolide. 

Sau 48 giờ, nhiều bệnh nhân trong 4 nhóm này xuất hiện triệu chứng rối loạn nhịp thất, dẫn đến 10. 698 người tử vong. Hầu hết những trường hợp tử vong đều rơi vào nhóm điều trị đơn thuần bằng Chloroquin hoặc Hydroxychloroquin.

Trở lại với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump uống Hydroxychloroquine để phòng ngừa COVID-19, ngày 18/5/2020, trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump nói: "Một vài tuần trước tôi bắt đầu uống vì tôi nghĩ nó tốt. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện khả quan. Nếu thuốc mà không tốt thì tôi sẽ nói ngay, đúng không? Tôi không bị gì khi uống thuốc này đâu. Nó đã được dùng trong 60 hoặc 65 năm rồi".

Để khẳng định, Tổng thống Mỹ nói tiếp: "Nếu các bạn xem một số báo cáo từ Pháp, Italy hay từ những nhân viên y tế tuyến đầu thì họ đều có suy nghĩ giống tôi. Tuy nhiên bạn biết đấy, mọi người phải tự đưa ra quyết định của mình".

Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Mỹ ca ngợi Hydroxychloroquine là loại thuốc có khả năng điều trị COVID-19.

Trước đó, ngày 19/3, ông Trump đã hỏi bác sĩ Nhà Trắng liệu có thể uống Hydroxychloroquine hay không và nhận được câu trả lời rằng ông có thể uống nếu muốn. Tuy nhiên, việc ông Trump sử dụng Hydroxychloroquine để ngừa COVID-19 lập tức gây tranh cãi.

Tiến sĩ Steven E. Nissen, giám đốc Viện Tim mạch và Lồng ngực Miller, thành phố Cleveland, bang Ohio, Mỹ, nói: "Tôi lo ngại công chúng không nghe những khuyến cáo của FDA về việc sử dụng Hydroxychloroquine mà thay vào đó, họ tin rằng sẽ chẳng có gì nguy hiểm nếu uống  thuốc này để phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong lúc thực tế, nó nguy hiểm nghiêm trọng hơn chúng ta nghĩ nhiều".

Dominique Costagliola, nhà dịch tễ học người Pháp cho rằng khi ông Donald Trump tuyên bố công khai về việc sử dụng Hydroxychloroquine có thể tạo ra hiểu lầm nguy hiểm cho người khác bởi lẽ công chúng đều biết ông Trump là tổng thống nước Mỹ: "Ông ấy đã dám uống thì tại sao chúng ta lại không".

Theo Tiến sĩ Michael Head, Đại học Southampton, Anh quốc, mặc dù thử nghiệm tiền lâm sàng cho thấy tính hữu ích của Hydroxchloroquine nhưng chưa có bằng chứng cho thấy thuốc này có thể ngăn chặn COVID-19. Ông nói: "Không phải ai cũng hiểu được tác dụng phụ nguy hiểm của Hydroxchloroquine. Có rất nhiều điều chúng ta chưa biết về nó, đặc biệt là những người mắc COVID-19. Khi chưa có chứng minh khoa học, sử dụng Hydroxchloroquine vì mục đích khác là điều không nên làm".

Với bác sĩ tim mạch Eric Topol đồng thời là giám đốc Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học Scripps ở thành phố La Jolla, bang California, thì: "Tôi nghĩ dùng Hydroxychloroquine để phòng ngừa COVID-19 là một ý tưởng kỳ lạ. Hydroxychloroquine có thể gây nguy hiểm bất ngờ, không chỉ ở những người mắc bệnh tim. Trên thực tế, nó có thể xảy ra cho bất cứ ai, ngay cả những người khỏe mạnh. Chúng tôi không thể dự đoán được điều này."

Tiến sĩ Scott Solomon, Giáo sư Đại học Y khoa Harvard nói rằng quyết định uống Hydroxychloroquine là riêng của ông Trump: "Ông ấy có thể là tổng thống giỏi, nhà kinh doanh giỏi nhưng không phải là người trưởng thành trong ngành Y trong lúc phòng ngừa, điều trị là chuyên sâu của Y học".

Cuối cùng, ngày 24/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức khuyến cáo không sử dụng Chloroquine và Hydroxychloroquine trong điều trị COVID-19 vì lo ngại về sự an toàn…

Vũ Cao (theo The Health)

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文