Ấn Độ: Gian nan công lý cho trẻ ngộ độc thuốc ho

12:48 03/10/2023

Vào một buổi chiều tháng 12/2009, đứa con trai Irfan 2 tuổi của Jafar Din bị ho và sốt. Jafar bèn đi bộ 10 cây số từ căn nhà trên sườn núi Himalaya đến cửa hàng thuốc gần nhất để mua syro ho cho con. Đến đêm hôm đó đứa bé bất ngờ nôn ọe liên tục. Gia đình vội vã đưa Irfan đến bệnh viện ở thành phố Jammu. Irfan mất trong viện một tuần sau.

Irfan Din là một trong số 16 nạn nhân tại khu vực Jammu và Kashmir (miền bắc Ấn Độ) sau khi uống phải siro ho nhiễm độc. 12 trẻ chết sau khi thận và các nội tạng khác ngừng hoạt động. 4 em sống sót với những thương tật suốt đời. Đây là cuộc khủng hoảng của không chỉ ngành y tế Ấn Độ mà của các quốc gia khác.

Anirudh chỉ là một trong nhiều trẻ em bị tử vong vì ngộ độc sau khi uống thuốc ho

Mất an toàn

16 nạn nhân ngộ độc thuốc ở Jammu và Kashmir có điểm chung là đều sử dụng siro ho của công ty Digital Vision Pharma (DVP) đặt tại Himachal Pradesh - trung tâm sản xuất thuốc của Ấn Độ và đầu mối cung cấp dược phẩm cho cả Châu Á. Bộ Y tế Ấn Độ đã xét nghiệm thuốc ho do DVP sản xuất và phát hiện nồng độ diethylene glycol (DEG) trong các mẫu siro cao đến 34%. DEG là chất độc gây suy thận cấp thường được dùng để làm dầu phanh và chất tẩy sơn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàm lượng DEG an toàn tối đa trong các sản phẩm chỉ có 0,1%.

Parshottam Goyal, nhà sáng lập và giám đốc DVP, phủ nhận kết quả xét nghiệm trên và công khai thách thức bất kỳ đơn kiện nào. Khi được hỏi vì sao trẻ em lại chết sau khi dùng siro ho “Coldbest” của DVP, Goyal trả lời: “Có thể ai đó muốn làm hại chúng tôi đã cho thứ gì đó vào dây chuyền sản xuất. Hoặc cũng có thể là cha mẹ cho con họ uống nhầm thuốc. Ai mà biết được họ cho con mình uống gì?”.

Các quan chức Ấn Độ và WHO cho rằng không chỉ mình DVP chịu trách nhiệm, mà có ba công ty dược phẩm khác nhau đã sản xuất thuốc ho nhiễm độc DEG và khiến cho 141 trẻ em tử vong tại Gambia, Uzbekistan, Cameroon, Indonesia, và 11 quốc gia khác. Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế Ấn Độ đã thanh tra 160 nhà máy có liên quan đến vụ án và phát hiện 10 cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn trong sản xuất.

Về phần gia đình các nạn nhân, họ đang khổ công đi tìm công lý cho con cháu. Vẫn chưa có đối tượng nào chịu trách nhiệm bị tòa án truy tố. Theo điều tra của hãng tin AP, hơn 50 đơn kiện đã được gửi đến tòa án Ấn Độ nhắm đến DVP, Maiden Pharmaceuticals (MP) và Marion Biotech (MB) - ba công ty sản xuất siro “độc” - nhưng tòa chưa giải quyết xong trường hợp nào.

Phát ngôn viên của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết ba công ty kể trên từng nhiều lần bị nhắc nhở, thậm chí là cảnh cáo vì vi phạm quy định an toàn sản phẩm. Đơn cử như DVP từng bị cảnh cáo 16 lần vì sản phẩm thuốc trị ợ nóng, kháng sinh, kháng nấm không đạt quy chuẩn chất lượng. MP thì bị phạt hành chính vì vi phạm trong việc lưu kho nguyên liệu. Cả ba doanh nghiệp liên quan đều không trình báo được giấy tờ cho thấy họ đã kiểm tra chất lượng thuốc kho theo quy định trước khi xuất hàng.

Nhà máy Goel Pharma Chem chuyên cung cấp nguyên liệu thuốc ho

Theo những người trong cuộc, các công ty dược phẩm Ấn Độ thường xuyên sử dụng nguyên liệu không đạt chất lượng để sản xuất những thứ thuốc bán không cần đơn như siro ho. Luật pháp Ấn Độ hiện nay quy định công ty thuốc nào gây thương tật cho bệnh nhân sẽ bị khép vào tội giết người không cố ý, và lãnh đạo doanh nghiệp có thể sẽ chịu án tù chung thân.

Trong trường hợp của 16 trẻ em tử vong vì thuốc ho Coldbest của DVP, mặc dù gia đình các nạn nhân và nhà chức trách đã đưa ra bằng chứng cho thấy siro ho nhiễm độc DEG, tòa án bang Himachal Pradesh vẫn cho phép DVP tiếp tục sản xuất và buôn bán thuốc. Có thông tin cho biết DVP mới đây đã nâng cấp công suất sản xuất lên gấp 3 lần và bắt đầu xuất khẩu thuốc nhỏ mắt và kháng sinh ra nước ngoài.

Nói về MB, sản phẩm  siro ho của công ty này có liên quan đến 65 cái chết của trẻ em ở Uzbekistan trong năm 2022. Kết quả xét nghiệm của nhà chức trách Ấn Độ cho thấy có đến 22 trong số 50 mẫu thử siro ho MB có hàm lượng chất độc cao quá mức cho phép. Giám đốc hoạt động Tuhin Bhattacharya của MB trả lời phóng viên Reuters: “Đã từ 10 năm nay, MB không thử nghiệm hàm lượng DEG trong sản phẩm... Chúng tôi cũng chỉ làm như các doanh nghiệp khác. Không công ty dược Ấn Độ nào xét nghiệm DEG trong sản phẩm”.

Chính quyền bang Uttar Pradesh đã rút giấy phép hoạt động của MB và bắt tạm giam Tuhin Bhattacharya cùng hai nhân viên khác. Ba nghi can sau đó được cho đóng tiền tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi địa phương cho đến khi cuộc điều tra kết thúc.

Trong vòng 80 năm qua, DEG được cho là đã gây ra cái chết của hơn 1.000 trẻ em trên toàn thế giới. Siro ho thường là “kẻ giết người” trong những vụ ngộ độc DEG do thuốc có chứa propylene glycol (PG). Hợp chất này được bán theo hai loại: một loại dùng để sản xuất thuốc không có DEG, và một loại dùng làm thành phần sơn, nước giặt, chất chống đông,... có chứa DEG. Không ít công ty dược phẩm hám lời chọn loại PG thứ hai có giá thành rẻ hơn.

Bệnh nhân nhiễm độc DEG ban đầu sẽ nôn mửa liên tục, sau đó bị trụy thận. Các cơ quan nội tạng khác sẽ phình lên đến lúc chảy máu, từ đó dẫn đến suy đa tạng. Những vụ nhiễm độc do siro ho tại các nước vùng Tây Phi đều có triệu chứng như trên, nhưng do mạng lưới tổng hợp thông tin y tế tại những quốc gia này kém phát triển mà WHO phải mất một thời gian dài mới lần dấu ngược về Ấn Độ.

Ông Rutendo Kuwana, chuyên gia WHO chỉ đạo đội điều tra thuốc giả, thuốc kém chất lượng, nhận xét: “Hoàn toàn có khả năng trong chuỗi sản xuất thuốc ho đã có ai đó đánh tráo nguyên liệu thật với nguyên liệu kém chất lượng. Điểm bắt đầu cuộc điều tra của chúng tôi là khu vực Jammu, sau đó lần đến công ty hóa chất Thakur Enterprises ở bang Haryana. Thakur thừa nhận đã cung cấp số hóa chất làm thuốc ho cho DVP, nhưng nói rằng họ bán hóa chất cho mục đích công nghiệp chứ không biết sản phẩm sẽ được dùng làm thuốc”.

Ngoài Thakur Enterprises, còn có một số công ty Uzbekistan và Hàn Quốc khác đã cung cấp hóa chất sản xuất siro ho cho MP và MB. Điểm chung của các công ty trên là đều không xuất trình được giấy phép buôn bán hóa chất làm dược phẩm hay hợp đồng đã ký với đối tác Ấn Độ. Nói cách khác, họ đều chỉ được phép kinh doanh hóa chất công nghiệp.

Cuộc chiến pháp lý

Luật pháp Ấn Độ quy định các doanh nghiệp dược đều phải kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và thành phẩm. Nếu sản phẩm thuốc bán ra thị trường gây hại đến sức khỏe bệnh nhân thì chủ doanh nghiệp sẽ phải chịu hình phạt rất nặng, có thể lên đến án tử hình. Vấn đề là Tòa án Ấn Độ vẫn còn quá nương tay với các công ty dược và chưa khép án được cá nhân, cá thể nào vì tội không kiểm tra nguyên liệu hoặc thành phẩm.

Nhiều gia đình Ấn Độ khổ công đi tìm công lý cho con cháu họ

Các tổ chức vì quyền lợi người tiêu dùng Ấn Độ đã bỏ công bỏ của ra sức vận động New Dehli khép các lỗ hổng trong luật dược phẩm nước này. Theo bà Kundal Lal, một cựu quan chức Bộ Y tế Ấn Độ và nay là nhà hoạt động vì quyền bệnh nhân, vấn đề nằm ở chỗ quyền hành của các cơ quan quản lý chồng chéo nhau trong khi không có một bộ khung hình luật rõ ràng: “Vấn nạn thuốc nhiễm độc đáng lẽ ra phải là vấn đề của tất cả mọi người, nhưng ở Ấn Độ nó lại thành vấn đề của chẳng ai cả. Ngoài Tổng cục Kiểm soát dược phẩm Ấn Độ (CDSCO), còn có 37 cơ quan quản lý thuốc men cấp địa phương trên khắp Ấn Độ. Mỗi một khâu trong dây chuyền sản xuất thuốc lại do một cơ quan địa phương khác nhau kiểm soát”.

Trong vụ án ngộ độc ở khu vực Jammu và Kashmir, chính quyền hai bang Himachal Pradesh và Haryana đang “đưa đẩy quả bóng trách nhiệm” mãi vì nạn nhân và công ty dược thì ở Himachal, nhưng nhà cung cấp hóa chất lại ở Haryana. Theo kết luận của tòa thì cơ quan quản lý thuốc ở Himachal phải chịu tội lơ là trách nhiệm kiểm tra thuốc trước khi đưa ra thị trường. Cơ quan này đang trong quá trình đệ đơn kháng án quyết định trên.

Trong khi chờ tòa án đưa ra quyết định cuối cùng, gia đình của 12 em nhỏ tử vong đang chờ đợi từng ngày khoản tiền bồi thường trị giá 300.000 Rupee (3.668 USD). Các gia đình có con bị thương tật suốt đời cũng đang ngóng chờ sự trợ giúp từ chính quyền. Ai cũng muốn những kẻ gây ra cái chết thảm thương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Jafar Din tuyên bố với báo chí trước mộ con trai mình: “Chúng tôi đã quá mệt mỏi vì chờ đợi công lý được thi hành. Nếu thẩm phán không “hạ búa” vì con tôi thì xin họ hãy làm vậy vì con người khác. Tôi không muốn thấy bậc cha mẹ nào phải chịu đựng như vợ chồng tôi”.

Jafar Din và các bậc cha mẹ có con chết khác đã nhiều lần khiếu kiện tập thể ba công ty dược, nhưng hệ thống tòa án Ấn Độ vốn “nổi tiếng” vì sự chậm chạp của mình. Mối lo lớn nhất của công chúng Ấn Độ vào lúc này là còn bao nhiêu lọ siro ho có độc đang trôi nổi trên thị trường. Bà Kundal Lal cho biết: “Theo tài liệu do DVP cung cấp, có tất cả 5.575 lọ siro ho Coldbest nhiễm độc đã được họ bán cho các nhà thuốc ở 8 bang khác nhau. Đến thời điểm này chính quyền cấp bang vẫn chưa công bố con số siro Coldbest họ đã tịch thu và tiêu hủy. Chỉ cần 5% số lọ siro vẫn còn được bán thì vẫn sẽ có cả trăm trẻ em đang bị đặt vào vòng nguy hiểm”.

Một chi tiết khác cản trở việc điều tra là độc tính của DEG phụ thuộc vào độ tuổi và cân nặng của trẻ. Trẻ càng lớn và càng nặng cân thì càng cần uống nhiều DEG mới ngộ độc, nhưng khi đã phát triệu chứng thì rất khó cứu. Trong một số trường hợp trẻ em hơn 5 tuổi tử vong, nhà chức trách cần nhiều thời gian hơn để chứng minh mối liên hệ giữa nạn nhân và siro ho chứa chất độc. Phiên tòa xét xử các công ty dược vì thế buộc phải kéo dài.

Trước những tiếng kêu cứu trong và ngoài nước, chính quyền của thủ tướng Narenda Modi hồi tháng 6 vừa rồi đã ban hành quy định buộc mọi loại siro ho trước khi đưa đi xuất khẩu phải được xét nghiệm tại các cơ quan ban ngành. Chính phủ cũng mở chiến dịch thanh tra các nhà máy sản xuất dược phẩm trên cả nước. Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya cho biết thanh tra đã phát hiện vi phạm tại 143 trên 162 nhà máy được kiểm tra, tức chiếm 88,27%. Bộ Y tế Ấn Độ cho các nhà máy vi phạm đúng một năm để sửa chữa và nâng cấp chất lượng sản xuất lên ngang bằng tiêu chuẩn của WHO. Hiện nay chưa đến ¼ số nhà máy thuốc ở Ấn Độ đạt tiêu chuẩn của WHO.

Tuy quyết định trên nhận được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận, nó cũng đang bị bàn cãi sôi nổi trên nghị trường. Tổ chức Laghu Udyog Bharati, đại diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây đã gửi thư mở yêu cầu chính phủ xem xét lại quyết định của mình. Họ viết rằng nếu các nhà máy buộc phải chạy theo hạn chót của chính phủ, hơn một nửa số doanh nghiệp dược Ấn Độ sẽ phải đóng cửa. Điều đáng nói là Laghu Udyog Bharati có quan hệ gần gũi với đảng BJP cầm quyền, và một số nghị sỹ BJP đã công khai ủng hộ bức thư của tổ chức này. Trong bối cảnh đó, thật khó để nói trước được rằng cuộc khủng hoảng siro ho Ấn Độ sẽ kết thúc như thế nào.

Lê Công Vũ

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文