Công nghệ khắc chế chiến cơ tàng hình

20:48 23/06/2024

Cho đến nay, trên thế giới mới chỉ có một máy bay tàng hình thuộc thế hệ đầu, loại F-117 của Mỹ, bị bắn hạ. Nhưng mới đây, một công ty Trung Quốc tiết lộ thông tin cho thấy có thể người ta đã có cách khắc chế những chiến đấu cơ gần như không hiển thị trên màn hình radar này.

Công ty hàng không vũ trụ thương mại Chang Guang của Trung Quốc vừa chia sẻ một đoạn video ngắn được cho là hình ảnh vệ tinh theo dõi hoạt động của tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Theo tài khoản chuyên về tin tức quân sự Clash Report trên mạng X, đoạn phim này có từ năm 2020. Việc theo dõi chiếc máy bay tàng hình được thực hiện bằng hệ thống vệ tinh thương mại điều khiển từ xa Jilin-1.

Một loạt câu hỏi

Tuy nhiên, đoạn video chỉ dài 6 giây. Công ty Chang Guang xác định chiếc máy bay trong video là tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ, đang bay qua vùng trời nhiều mây. Bulgarian Military dẫn lời một số nhà quan sát bày tỏ những băn khoăn: Đó có thực sự là một chiếc F-22 không? Video đã được chỉnh sửa chưa? Hệ thống vệ tinh Jilin-1 có thực sự được sử dụng cho việc theo dõi này không? Và tại sao video chỉ có 6 giây?

Hình ảnh chiếc F-22 Raptor của Không quân Mỹ trong video thu từ vệ tinh Jilin-1.

Việc quay phim được tiêm kích  F-22 không phải là điều bất thường. Công nghệ tàng hình khiến F-22 gần như vô hình trước radar, nhưng mắt thường thì không. Tuy nhiên nếu vệ tinh có thể liên tục theo dõi chiếc máy bay hơn 6 giây, điều đó cho thấy chúng có thể được ứng dụng trong quân sự và khả năng theo dõi các vật thể bay là rất đáng gờm. Mặc dù các radar trên mặt đất có thể không phát hiện ra tiêm kích tàng hình nhưng F-22 không thể vô hình trước các vệ tinh, như video ngắn nói trên đã chứng minh.

Một số nhà quan sát quân sự đặt ra câu hỏi: Nếu muốn phát hiện hay bắn hạ tiêm kích tàng hình nói riêng và các máy bay quân sự tàng hình nói chung sử dụng kết hợp radar và vệ tinh thì sẽ thế nào, liệu đó có phải là dấu chấm hết cho chiến đấu cơ tàng hình? Nếu thông tin vệ tinh Trung Quốc theo dõi được chiếc F-22 thì điều này sẽ mở ra một cuộc thảo luận quan trọng về tác chiến.

Từ trước đến nay tồn tại một quan niệm sai lầm phổ biến: máy bay tàng hình hoàn toàn vô hình trước radar. Thuật ngữ chính xác ở đây là “khả năng hiển thị thấp”, có nghĩa là máy bay tàng hình khó bị phát hiện hơn nhưng không phải là không thể. Ví dụ, tiêm kích F-22 có tín hiệu radar tương đương với một viên sỏi kim loại nhỏ, nhỏ hơn khoảng 100.000 lần so với tín hiệu radar của máy bay chiến đấu thông thường, khiến F-22 chỉ có thể bị phát hiện ở khoảng cách bằng 1/17,5 khoảng cách mà một máy bay chiến đấu tiêu chuẩn có thể bị phát hiện. Tuy nhiên, khả năng radar phát hiện ra chiến đấu cơ tàng hình thay đổi đáng kể tùy thuộc vào hướng và góc quan sát của radar đối với chiếc máy bay.

Vì vậy, mặc dù tín hiệu của máy bay tàng hình rất nhỏ nhưng nó vẫn hiện diện trên màn hình radar. Điều này có nghĩa là khi người ta biết chắc có máy bay tàng hình hoạt động trong khu vực, việc theo dõi nó là hoàn toàn khả thi. Do đó, tin tức về vệ tinh theo dõi chiếc tiêm kích tàng hình cho thấy công nghệ quỹ đạo có thể được liên kết trực tiếp với các trạm radar mặt đất. Cách tiếp cận này cho phép radar tập trung vào một khu vực, phạm vi hoặc góc cụ thể để xác định dấu hiệu chính xác của máy bay tàng hình.

Đại tá Zoltan.

Kịch bản này được xây dựng dựa trên giả định các điều kiện tối ưu, tức là bầu trời quang đãng, radar và vệ tinh săn lùng một mục tiêu cụ thể mà không bị gây nhiễu. Tuy nhiên, trong một vùng chiến sự tràn ngập tên lửa, máy bay có và không người lái, mọi thứ trở nên phức tạp hơn nhiều, đặc biệt là ở khu vực trung tâm của trận chiến.

Jilin-1 (Cát Lâm-1) là một chùm vệ tinh viễn thám thương mại được phát triển bởi Công ty TNHH Công nghệ vệ tinh Chang Guang (Trường Quang). Vệ tinh được đặt theo tên tỉnh Cát Lâm, nơi công ty đặt trụ sở, là hệ thống vệ tinh viễn thám thương mại tự phát triển đầu tiên của Trung Quốc.

Mục đích chính của hệ thống vệ tinh Jilin-1 là cung cấp hình ảnh và video có độ phân giải cao cho nhiều ứng dụng, bao gồm giám sát môi trường, quy hoạch đô thị, nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và ứng phó thiên tai. Hệ thống này nhằm mục đích cung cấp dữ liệu kịp thời và chính xác để hỗ trợ cả nhu cầu của chính phủ và phi chính phủ.

Ở khía cạnh quân sự, đoạn phim 6 giây từ năm 2020 đã tiết lộ những hiểu biết và trình độ của các kỹ sư Trung Quốc. Nước này được cho là đang nghiên cứu một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến có thể biến các vệ tinh thương mại giá rẻ quay quanh Trái đất thành các công cụ do thám.

Theo truyền thông Trung Quốc, hệ thống tiên tiến này đang được phát triển bởi các nhà nghiên cứu trong quân đội Trung Quốc. Họ khẳng định rằng nó có thể theo dõi các vật thể chuyển động nhỏ như một chiếc ô tô với độ chính xác vượt trội. Nhóm nghiên cứu tuyên bố công nghệ AI mới của họ đã đạt được độ chính xác 95% trong việc xác định các vật thể nhỏ trong video do vệ tinh Jilin-1 quay, vượt trội các phương pháp hiện có.

Các chuyên gia và tướng lĩnh không quân Mỹ chưa lên tiếng trước thông tin và video của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, đi tiên phong và vượt trội trong công nghệ chiến đấu cơ tàng hình, người Mỹ hoàn toàn có lý do để lo lắng.

Hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva.

Cho đến nay, trên thế giới đã có ba quốc gia tuyên bố chế tạo thành công chiến đấu cơ tàng hình mà đi đầu là Mỹ, mở màn với chiếc F-117, tiếp sau đó là oanh tạc cơ B-2, tiêm kích F-22, F-35 và sắp tới là oanh tạc cơ thế hệ mới B-21. Nga đã cho ra mắt mẫu tiêm kích tàng hình Su-57 tuy số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trung Quốc đến nay đã có hai mẫu J-20 và J-31, cho dù khả năng tàng hình của chúng cho đến nay vẫn bị đặt dấu hỏi.

Mặc dù chiến đấu cơ tàng hình sở hữu công nghệ tối tân và về mặt lý thuyết là khó bị phát hiện hơn rất nhiều lần chiến đấu cơ thông thường, tuy nhiên tất cả các năng lực của chúng cần được kiểm chứng trên chiến trường, điều thế giới quân sự chưa có nhiều cơ hội. F-22, F-35 của Mỹ, J-20, J-31 của Trung Quốc hay Su-57 của Nga đều chưa thực sự tham chiến nên khả năng chúng bị bắn hạ bằng các hệ thống phòng không thông thường vẫn là ẩn số. Mới đây, có thông tin nói một chiếc Su-57 bị lực lượng Ukraine làm hư hại bằng máy bay không người lái cảm tử, nhưng đó là lúc chiếc tiêm kích tối tân đang đỗ trên sân bay và khả năng tàng hình lúc này không có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên, máy bay tàng hình dù có mức phản xạ tín hiệu radar rất thấp vẫn có thể bị bắn hạ và video của vệ tinh Jilin-1 có thể hé lộ kết cục của những chiến đấu cơ tối tân.

Vỏ quýt dày và móng tay nhọn

Câu chuyện tiêu diệt máy bay tàng hình F-117 trên bầu trời Cộng hòa liên bang Nam Tư (bao gồm Cộng hòa Serbia và Cộng hòa Montenegro) năm 1999 một lần nữa chứng minh nguyên lý trên các chiến trường là vũ khí dù tinh vi đến mấy thì đến một ngày, đối phương vẫn tìm ra cách khắc chế.

Ngày 27/3/1999, đêm thứ tư Mỹ và các đồng minh NATO không kích Serbia, chiếc F-117 Nighthawk  mang số hiệu 82-0806 của Không quân Mỹ do Trung tá Darrell P. Zelko điều khiển đã bị bắn hạ trong khi đang trên đường quay trở lại căn cứ không quân Aviano ở miền bắc nước Ý, sau nhiệm vụ tấn công một mục tiêu gần thủ đô Belgrade của Nam Tư.

Xác chiếc F-117 bị bắn rơi ở Serbia.

Chiếc F-117 có biệt danh “Vega 31” bị trúng một quả trong loạt tên lửa được bắn từ hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva, thuộc Tiểu đoàn 3 Lữ đoàn tên lửa phòng không số 250 của quân đội Nam Tư, ở khoảng cách gần 13 km, theo tạp chí The Aviationist. S-125 Neva do Liên Xô chế tạo, được đưa vào hoạt động từ năm 1961 và đến thời điểm 1999 đã lạc hậu.

Theo Trung sĩ Dragan Matic, người điều khiển tên lửa, máy bay tàng hình bị phát hiện ở cự ly 50 - 60 km và radar tên lửa đất đối không được bật không quá 17 giây (phía Nam Tư thường không bật radar tên lửa thường xuyên vì sợ bị phát hiện).

Phi công chiếc F-117 nhảy dù và được giải cứu trong khoảng từ 5 đến 8 giờ sau đó, tùy theo công bố của các bên. Bộ chỉ huy tác chiến đặc biệt của Không quân Mỹ đã cử các trực thăng hạng nặng MH-53M, MH-53J và MH-60 cùng lực lượng không quân chiến thuật đặc biệt ứng phó với tình huống khẩn cấp thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Đội giải cứu còn có một máy bay trinh sát- tác chiến điện tử E-3 AWACS đóng vai trò điều phối, một máy bay tác chiến điện tử EC-130E và một cường kích A-10 với vai trò hỗ trợ tấn công mặt đất.

Mặc dù các bên công nhận đây là vụ bắn rơi máy bay tàng hình đầu tiên trên thế giới, câu hỏi người Serbia đã làm gì để “vít cổ” F-117 vẫn còn là vấn đề gây tranh luận đến tận ngày nay.

Phía Serbia tuyên bố họ đã tìm ra cách phát hiện máy bay tàng hình bằng cách sử dụng radar được sửa đổi liên quan đến việc sử dụng bước sóng dài để cố gắng “phác họa” mục tiêu ở tầm ngắn, khai thác thời điểm khả năng tàng hình của F-117 giảm đi khi cửa khoang chứa bom đang ở chế độ mở.

Tuy nhiên, The Aviationist cho rằng điều này không đúng: theo một số nguồn tin từ Serbia, câu chuyện về việc chỉnh sửa radar đã được chỉ huy tiểu đoàn cố tình vẽ ra với mục đích tuyên truyền. Các radar P-18 hay SNR-125 hầu như không được chỉnh sửa gì.

Theo tờ tạp chí Mỹ, người Serbia rất thận trọng trong việc vận hành các khẩu đội tên lửa đất đối không, họ không sử dụng điện thoại di động hoặc radio truyền tin để tránh nguy cơ bị chặn sóng và để lộ vị trí. Ngoài ra, quân đội Nam Tư  luôn thay đổi vị trí các khẩu đội tên lửa phòng không nhằm hạn chế khả năng bị không kích.

Phía Mỹ công nhận rằng ngoài chiến thuật hợp lý của phía Serbia, việc F-117 bị bắn hạ còn là kết quả của hàng loạt yếu tố khác. Chiếc F-117 bay cùng một lộ trình trong ngày thứ ba liên tiếp giúp người Serbia dự đoán được đường bay trong khi không được hỗ trợ chế áp phòng không. Trên thực tế, chiếc F-117 đã tiếp cận khu vực Belgrade ở tầm thấp nên có thể bị phát hiện bằng mắt thường.

Người Serbia biết rằng những chiếc F-117 sẽ đến, bởi vì họ theo dõi các liên lạc vô tuyến của Mỹ và đồng minh trên tần số UHF và VHF. Các tần số này vào thời điểm đó hầu hết không được mã hóa. Phía Serbia cũng có thể chặn bắt các lệnh tác chiến của máy bay NATO, cho phép họ bố trí các khẩu đội phòng không tại các vị trí gần các mục tiêu mặt đất. Ngoài ra, họ còn có thể cài một mạng lưới điệp viên hoạt động bên ngoài các căn cứ không quân của Ý để phát hiện máy bay NATO cất cánh. Một số điệp viên được bố trí gần biên giới, cung cấp thông tin nhanh về các cuộc không kích sắp diễn ra.

Phía Mỹ cũng công nhận rằng thành tích của Đại tá Dani Zoltan, chỉ huy khẩu đội tên lửa SAM là rất ấn tượng, đặc biệt sau khi bắn hạ chiếc F-117 “Vega 31”, lực lượng của Đại tá Zoltan hạ tiếp một tiêm kích F-16C do Trung tá Dave Goldfein (người sau này trở thành Tham mưu trưởng Không quân Mỹ) điều khiển vào ngày 2/5/1999.

Cũng có thông tin cho rằng một chiếc F-117 khác đã bị lực lượng phòng không của Serbia làm hư hại nhưng vẫn bay được về căn cứ. 25 năm sau, chiếc F-117 mang tính biểu tượng này vẫn tiếp tục bay trong các dịp trình diễn dù đã chính thức “nghỉ hưu” từ năm 2008.

Máy bay tàng hình đến nay đã khác những chiếc F-117 buổi sơ khai của công nghệ tránh radar rất nhiều và khả năng tàng hình của các máy bay hiện đại chắc chắn đã cao hơn. Tuy nhiên, vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn và máy bay tàng hình xuất hiện thì rất có thể lại xuất hiện thêm những “đại tá Zoltan” khác.

Nguyễn Xuân Thủy

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文