Cuộc chiến sinh tử đầu đời

11:05 29/08/2021

Một bé gái chỉ mới 11 tháng đã bị số phận giáng một đòn chí mạng khi bị ung thư gan giai đoạn cuối, sự sống ngàn cân treo sợi tóc. Một sinh linh vừa đến với cuộc đời này 3 giờ đồng hồ từ một cơ thể người mẹ mắc COVID-19 đã phải một mình đối mặt với tình trạng suy hô hấp nặng kèm rối loạn đông máu. Sự sống ngay những ngày tháng đầu tiên khi được làm người với các bé đã trở nên ngặt nghèo, tưởng đã là dấu chấm hết giữa những ngày dịch bệnh căng thẳng. Nhưng, điều kì diệu vẫn xảy ra…

11 tháng tuổi đã bị ung thư gan giai đoạn cuối

11 tháng tuổi, còn chưa kịp mỉm cười mừng sinh nhật đầu tiên, cuộc sống non nớt của một bé gái đã như khép lại khi bác sĩ phát hiện bé có u nguyên bào gan ác tính ở giai đoạn muộn, khối u đã lớn lan rộng, chiếm phần lớn thể tích gan, không có khả năng cắt bỏ vì còn quá ít thể tích gan lành.

TS, BS Nguyễn Phạm Anh Hoa - Trưởng khoa Gan mật và TS, BS Bùi Ngọc Lan – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương, không thể nào quên được thời khắc phải cân nhắc, bàn bạc, dự liệu để đưa ra phác đồ điều trị cho bé gái. Với tinh thần còn nước còn tát, các y bác sĩ đã áp dụng phương pháp điều trị hóa chất và nút mạch hóa chất với hi vọng khống chế được sự phát triển khối u và tăng thể tích phần gan còn lại để có thể phẫu thuật loại bỏ khối u.

Bé gái đã kiên cường trải qua 6 đợt điều trị hóa chất và nút mạch hoá chất. Song, trớ trêu thay, cả hai phương án này không đạt hiệu quả tối ưu khi thể tích khối u gan vẫn không thuyên giảm sau điều trị, tình trạng ác tính của khối u tăng lên theo từng ngày, không có khả năng cắt bỏ, nguy cơ di căn đến các cơ quan khác là rất lớn.

Ngày 24-5-2021, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã huy động các y bác sĩ của Bệnh viện và sự phối hợp tham gia của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau hội chẩn, quyết định lựa chọn phương án ghép gan để cứu sống bệnh nhi được đưa ra.

Ca ghép gan đầu tiên cho trẻ bị ung thư gan được tiến hành tại Việt Nam.

Ca ghép gan đầy dấu ấn

Người hiến tặng gan cho bé gái chính là mẹ của bé, năm nay 41 tuổi. Tìm được người hiến tặng gan mới chỉ là bước đầu tiên, còn vô vàn những khó khăn trước mắt. Bởi theo PGS.TS Phạm Duy Hiền, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương, trở ngại lớn nhất mà các bác sĩ phải vượt qua trong ca ghép này là trường hợp ghép gan cho trẻ em đầu tiên trên nền một bệnh lý ác tính, nhiều nguy cơ biến chứng và rủi ro rất cao. Chính vì thế, việc tầm soát các tổn thương xâm lấn sang các cơ quan khác là vô cùng quan trọng trước khi tiến hành thay thế gan bằng mảnh ghép gan mới. Các xét nghiệm tầm soát di căn trước phẫu thuật đã được tiến hành một cách thận trọng và tỉ mỉ nhằm đưa ra các phương án phẫu thuật tối ưu. Thêm vào đó, bé gái có nhóm máu O trong khi người mẹ có nhóm máu B - tình trạng bất đồng nhóm máu hệ ABO giữa người cho và người nhận cũng là một khó khăn rất lớn về chuyên môn trong ca ghép.

Để hạn chế tối đa các phản ứng bất lợi về miễn dịch do bất đồng nhóm máu, các bác sĩ chuyên khoa gan mật đã phải sử dụng các liệu pháp điều trị nội khoa trước ghép để bé có thể sẵn sàng nhận mảnh ghép từ người mẹ.

Công tác chuẩn bị cho ca ghép gan đều được thực hiện kĩ lưỡng.

Ngày 29-5, ca phẫu thuật ghép gan cho bé gái đã được tiến hành và thành công ngoài mong đợi. Đại tá TS. Lê Văn Thành – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 như trút được nỗi lo lắng đè nặng bởi trước khi phẫu thuật, các bác sĩ đánh giá bệnh nhi có khối u quá lớn, chiếm toàn bộ thể tích gan, có khả năng xâm lấn và chèn ép vào tĩnh mạch chủ, vì vậy việc phẫu thuật sẽ gặp khó khăn. Phương án có thể phải thay cả đoạn tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhi đã được tính đến. Nhưng trong cuộc mổ, nhờ việc phẫu tích chính xác và xử lý tốt các mạch máu, ê-kíp mổ đã không phải sử dụng phương án thay thế đoạn tĩnh mạch chủ dưới.

Mẹ bé gái - người hiến tặng gan tự nguyện được ra viện sau một tuần phẫu thuật. Hai tuần sau đó, gia đình được đón bé trở về trong vòng tay yêu thương. Giờ đây, bé gái đã được 18 tháng tuổi, khoẻ mạnh, đang hồi sinh từng ngày. Cuộc sống của bé giờ đây mang dấu ấn thành công của ca ghép gan đầu tiên cho trẻ bị ung thư gan giai đoạn cuối được tiến hành tại Việt Nam.

Xa vòng tay mẹ lúc… ba giờ tuổi

Ba giờ tuổi, em – một bé gái vừa chào đời đã buộc phải tự trở nên mạnh mẽ để chiến đấu với số phận.

Mẹ của em là N.T.N, 33 tuổi ở Bắc Ninh, có tiền sử gù cột sống bẩm sinh. Lần này, mang thai em là lần thứ 2, đúng vào những tháng ngày dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, mẹ canh cánh nỗi lo mình nhiễm bệnh và em sẽ gặp nguy hiểm. Và điều không mong muốn ấy đã xảy ra. Khi thai nhi mới được 32 tuần thai, cân nặng chỉ được 1.900g thì mẹ em có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 7-6-2021. Hai mẹ con em được đưa đi điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, nhưng tình trạng hô hấp của mẹ em nặng dần, khó thở tăng lên, được chuyển đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 11-6. Trước tính trạng nguy kịch, các bác sĩ quyết định can thiệp đặt nội khí quản, thở máy thông số kĩ thuật cao để bảo tồn tính mạng cho cả mẹ và con.

Bệnh nhi con của sản phụ mắc COVID-19 được chăm sóc đặc biệt tại phòng cách ly của Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sau can thiệp, mẹ con em được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực ngày 13-6, mẹ em được an thần thở hoàn toàn theo máy, nồng độ oxy tối đa 100%, chế độ với thông số kĩ thuật cao dành cho bệnh nhân ARDS. Qua phân tích cho thấy chỉ số chức năng phổi rất xấu, thai phụ có trụy tim mạch và phải hồi sức nâng huyết áp bằng việc bù dịch và duy trì thuốc vận mạch. Với tình trạng nặng, sốc do độc tố virus, tụt huyết áp, phù ngoại vi và mí mắt, các bác sĩ ngay lập tức can thiệp đặt catherer động mạch theo dõi huyết động và lọc máu hấp phụ Cytokines, duy trì cân bằng dịch, cân bằng nội môi.

Song song việc hồi sức cấp cứu cho mẹ, tình trạng sức khỏe của em được đánh giá sát sao, theo dõi tim thai, cơn co tử cung 2 lần/ngày, đồng thời các bác sĩ chuyên khoa sản cũng giải thích, tiên lượng, trao đổi hướng xử trí để bảo đảm an toàn nhất cho em. Đến ngày 22-6, sau 12 ngày thở máy và điều trị tích cực, sử dụng an thần vận mạch, bù hồng cầu, albumin và điện giải, kết hợp nuôi dưỡng tĩnh mạch và lọc máu 3 lần liên tiếp, mẹ em đã được đánh giá có tiến triển tốt, nhưng còn tiên lượng thở máy kéo dài, các bác sĩ chỉ định mở khí quản chăm sóc hô hấp tích cực. Ngày 26-6, sau 16 ngày nhập viện, các bác sĩ sản khoa thấy mẹ em bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ, tuổi thai được 35 tuần. 14 giờ cùng ngày, các bác sĩ tổ chức hội chẩn các chuyên khoa, thống nhất chỉ định phẫu thuật lấy thai cấp cứu vì mẹ em có dấu hiệu suy thai.

14 giờ 27 phút ngày 26-6, em chào đời, nặng 2,3kg. Nhưng thay vì được mẹ ủ ấm, cho bú thì em phải lập tức rời xa vòng tay mẹ. Bởi lúc này, cả mẹ cả em đều trong tình trạng rất nguy kịch. Mẹ em được chuyển lại Khoa Hồi sức tích cực tiếp tục thở máy, điều trị bệnh COVID-19 giai đoạn tiến triển nặng. Còn em bị suy hô hấp nặng kèm rối loạn đông máu, được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương theo dõi điều trị ngay trong ngày hôm đó khi mới được 3 giờ tuổi. Khi em có kết quả sàng lọc SARS-CoV-2 âm tính, các bác sĩ chuyển em đến Trung tâm Sơ sinh.

Bác sĩ CKII Lê Thị Hà – Giám đốc Trung tâm Sơ sinh cho biết, ngay khi nhập viện, em được chuyển đến phòng cách ly để chăm sóc đặc biệt. Trong quá trình điều trị, em bị xuất huyết phổi 2 lần, nguy cơ tử vong rất cao. “Chúng tôi đã sử dụng tất cả các biện pháp điều trị tích cực như cho trẻ thở máy tần số cao, sử dụng surfactant, khí NO và nhiều thuốc vận mạch trong quá trình điều trị. Rất may mắn, sau 12 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, đã tự thở, tình trạng sức khỏe ổn định, ăn uống tốt”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Bé gái con của sản phụ mắc COVID-19 được các bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương đưa về với gia đình tại Bắc Ninh. 

12 ngày ấy, em không có người thân bên cạnh. Mẹ đang điều trị COVID-19, bố và bà của em cũng phải đi cách ly tập trung. Trung tâm Sơ sinh của Bệnh viện Nhi Trung ương dồn sức lo mọi thủ tục và chăm sóc em. 12 ngày ấy, những giọt sữa từ Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện đã nuôi em, giúp em chống chọi với bệnh tật. Không phụ công các y bác sĩ, em hồi phục dần. Sau ba lần xét nghiệm SARS-CoV-2 đều âm tính, ngày 9-7, em được xuất viện.

Thật mừng là mẹ em sau khi mổ lấy thai đã được điều trị tích cực. Tình trạng phổi của mẹ em tốt lên, đến ngày 28-6 được bỏ máy thở thành công. Ngày 1-7, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần thứ nhất. Đến ngày 4-7, mẹ em sức khỏe rất tốt, tự đi lại bình thường, tinh thần ổn định, được chuyển lên Khoa Nội Tổng hợp tiếp tục theo dõi đến khi đủ điều kiện xuất viện.

 Cuộc đoàn viên của mẹ con em là một kết thúc đẹp làm ấm lòng bao người giữa những ngày dịch giã căng thẳng. Có lẽ sau này em lớn, mẹ sẽ nói cho em biết rằng em là đứa trẻ thứ 5 chào đời từ người mẹ nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, được cứu sống nhờ vòng tay của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương. Em đã đến với cuộc đời này một cách đầy dấu ấn.

Huyền Châm

Mưa dông diện rộng được dự báo diễn ra khắp miền Bắc và tại cá tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với lượng mưa có nơi trên 80mm. Thủ đô Hà Nội trời mát mẻ, nhiệt độ trong ngày từ 23-29 độ C.

Từ kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều năm học tập, làm việc ở Pháp, Malaysia và từ những chuyến chu du tiếp cận các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, anh Đặng Dương Minh Hoàng đã mang kiến thức đó trở về mảnh đất mình sinh ra ở tỉnh Bình Phước bắt tay vào làm nông nghiệp thông minh (hay còn gọi là nông nghiệp số) và đã gặt hái nhiều thành quả.

Trong những ngày qua, bên cạnh việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong những tình huống khẩn trương, nguy cấp, hành động tặng khăn lạnh và nước mát cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường càng nhân lên những hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CSGT.

Từ 15h ngày 2/5, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giảm không đáng kể, theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 8 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 40 đồng/lít; giá dầu giảm 110 đồng- 142 đồng/lít.

Liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai xảy ra trên địa bàn TP Phú Quốc, Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, ngày 2/5, Đoàn Thanh Tuấn (SN 1985, thường trú khu phố 4, phường An Thới, TP Phú Quốc), Công chức địa chính xã Cửa Dương (TP Phú Quốc) đã đến đầu thú, khai nhận hành vi vi phạm của mình.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục B03 - Bộ Công an và gia đình thương tiếc báo tin: Đồng chí Đại tá Trần Quang Minh, SN 1938, nguyên Phó Cục trưởng thuộc Cục B53, Tổng cục V - Bộ Công an (nay là Cục B03, Bộ Công an); đã từ trần vào hồi 00h52 ngày 1/5/2024 (tức ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thìn), hưởng thọ 87 tuổi.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng tàu, đoạn thuộc địa bàn Đồng Nai, ngày 2/5, Thành ủy TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã làm việc cấp ủy, chính quyền phường Phước Tân. Đây là địa phương có nhiều vướng mắc và được đánh giá phức tạp nhất trong số các xã, phường, thị trấn có dự án trọng điểm quốc gia là tuyến cao tốc đi qua...

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, ngày 2/5, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung điều tra, thu thập chứng cứ về vụ tai nạn lao động khiến 6 người tử vong và 5 người bị thương nặng xảy Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu…

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên đã triển khai kế hoạch cao điểm cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đến ngày 27/5/2023 đã hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho những người đủ điều kiện (sớm hơn 65 ngày so với chỉ đạo của Bộ). Qua "mục sở thị" những mô hình điểm về chuyển đổi số tại Thái Nguyên, tôi nhận thấy CCCD gắn chip đã trở thành một phần tất yếu, thiết thực phục vụ người dân, doanh nghiệp, mà hai mô hình điểm thể hiện rõ nhất là: "Khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD và VNeID" và "Triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文