Fred Demara – Kẻ mạo danh “vĩ đại”
Không hề trải qua một trường lớp y khoa nào nhưng trong chiến tranh Triều Tiên, Fred Demara đã mạo nhận là bác sĩ phẫu thuật, làm việc trên chiến hạm HMCS Cayuga thuộc Hải quân Canada. Khi sự thật về Fred Demara bị phanh phui, hầu hết thương binh đã được Fred Demara cứu chữa vẫn xem ông ta là một bác sĩ phẫu thuật có tài…
Thiên tài không đúng chỗ
Sinh năm 1921 ở Lawrence,bang Massachusetts, Mỹ, Fred Demara lớn lên trong giai đoạn nước Mỹ lâm vào cảnh đại suy thoái, cha Demara - một nhà phát hành phim bị vỡ nợ nên cả gia đình phải chuyển nhà từ đại lộ Texas, Lawrence về khu phố nghèo Tower Hill.
16 tuổi, để cha mẹ bớt một miệng ăn, Demara xin vào tu viện Cristo ở Rhode Island. Tại đây, Demara đã bộc lộ năng khiếu thiên bẩm. Chỉ cần lướt qua bộ kinh Cựu ước, kinh Tân ước vài lần, Demara có thể đọc lại không sai một chữ nào.
20 tuổi, Demara ra khỏi tu viện rồi tình nguyện gia nhập quân đội Mỹ với cái tên Anthony Dublia - là tên của một người bạn cùng tu với ông ta. Lúc này, nước Mỹ đã tham chiến sau khi bị phát xít Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Sau 6 tháng huấn luyện, Demara được bố trí làm việc tại một bệnh viện của Hải quân Mỹ. Nhắc lại giai đoạn ấy, Derama cho biết: “Công việc rất nhàm chán, từ ngày này qua ngày khác tôi chỉ có nhiệm vụ ghi họ tên bệnh nhân, ở đơn vị nào chuyển đến, điều trị tại khoa nào, phòng nào, giường số mấy…”.
Bác sĩ Joshep Cumberland kể về Demara như sau: “Anh ta có trí nhớ đáng kinh ngạc. Lập xong danh sách, 1 tháng sau nếu hỏi tên bất kỳ của một bệnh nhân, anh ta vẫn nhớ người ấy là ai cùng ngày tháng năm sinh, quê quán, cấp bậc, chức vụ, vào viện ngày nào, bệnh lý ra sao, bác sĩ nào trực tiếp điều trị…”.
Giữa năm 1942, Demara đào ngũ vì không được cấp trên tạo điều kiện để thăng tiến. Bằng cách đánh cắp hồ sơ của bệnh nhân Robert Linton French, vốn là nhà tâm lý học, Demara dưới cái tên Robert Linton French gửi đơn xin việc tại Trường cao đẳng Gannon, bang Pennsylvania với tư cách giáo viên tâm lý. Do có trí nhớ siêu đẳng nên chỉ cần đọc qua những giáo trình về tâm lý học, Demara đã có thể lên lớp giảng bài với cách diễn đạt rất lưu loát nên không chỉ Cao đẳng Gannon, Demara còn được Trường cao đẳng St. Martin ở Washington mời giảng.
Đầu năm 1944, Demara bị bắt vì tội đào ngũ bởi một sĩ quan ở bệnh viện hải quân tình cờ gặp ông ta trong một cửa hàng. Lúc bị thẩm vấn, Demara giấu nhẹm chuyện mình giả làm giáo viên nên sau khi ngồi tù 18 tháng tại Trại kỷ luật của Hải quân Mỹ ở San Pedro, bang California, Demara được tha và bị buộc phải quay về đơn vị cũ. Tuy nhiên ông ta lại bỏ trốn rồi bằng cái tên giả John Payne, Demara ghi danh học luật tại Đại học Northeastern.
Tốt nghiệp trường Luật, nhằm che giấu tung tích, đầu năm 1950, Demara chuyển đến thành phố St. John, bang New Brunswick, Canada rồi gia nhập tổ chức xã hội từ thiện Brothers of Christian Instruction với vai trò luật sư, chuyên tư vấn miễn phí cho người nghèo, người vô gia cư chẳng may vướng vòng lao lý.
Cũng trong tổ chức này, Demara quen biết rồi trở nên thân tình với Joseph C. Cyr, bác sĩ phẫu thuật người Canada cùng độ tuổi. Bác sĩ Joseph C. Cyr kể: “Anh ta mượn tôi các bộ sách giải phẫu cơ thể người, bệnh lý học, điều trị ngoại khoa, sinh hóa…, với lý do muốn trở thành luật sư chuyên về những vụ án có liên quan đến lĩnh vực pháp y. Trong quá trình đọc sách, chỗ nào chưa hiểu, anh ta hỏi lại tôi. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ anh ta là người cầu tiến nên tôi đã tận tình hướng dẫn vì tôi tin rằng những kiến thức anh ta có được thuần túy chỉ là lý thuyết. Còn nếu muốn thực hành thì phải qua trường lớp đàng hoàng…”.
Bác sĩ quân y trên chiến hạm Cayuga
Tháng 6-1950, chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Bằng một số giấy tờ lấy cắp của bác sĩ Joseph C. Cyr, Demara tình nguyện gia nhập Hải quân Canada, lúc ấy là đồng minh với Mỹ tham chiến tại Triều Tiên. Trong quá trình phỏng vấn, trước những kiến thức về y học ngoại khoa, Hội đồng tuyển quân thuộc Bộ Quốc phòng Canada thống nhất bố trí Demara nhận nhiệm vụ trên chiến hạm HMCS Cayuga với cấp hàm trung úy.
Tuy nhiên, trước khi lên tàu HMCS Cayuga, Demara - lúc này là bác sĩ Joseph C. Cyr - phải trải qua 6 tháng làm việc tại một bệnh viện hải quân trên bờ. Với những kinh nghiệm có được hồi đi lính, cộng với kiến thức đọc từ sách vở và những hướng dẫn của bác sĩ Joseph C. Cyr nên Demara nhanh chóng chiếm được cảm tình của các “đồng nghiệp”. Vì là bác sĩ ngoại khoa nên công việc của Demara chủ yếu ở trong phòng mổ, cơ hội để Demara học thêm kỹ năng mổ xẻ của các bác sĩ đàn anh.
Kết thúc giai đoạn ở bệnh viện trên bờ, Demana xuống chiến hạm HMCS Cayuga với cương vị bác sĩ trưởng. Cùng với 12 y sĩ, y tá, trách nhiệm của Demara là điều trị cho 219 thành viên thủy thủ đoàn nếu có người đau ốm hoặc bị thương trong những cuộc giao tranh với quân đội CHDCND Triều Tiên.
Thật kinh ngạc khi suốt 2 năm sau đó, Demara luôn làm tốt công việc của mình. Ông ta điều trị cho những thủy thủ bị đau dạ dày, tiêu chảy mất nước, cảm cúm, ho, sốt, khâu những vết thương và thậm chí còn nhổ răng cho thuyền trưởng Plomer! Mặc dù không nắm vững về lượng thuốc tê cần thiết khi tiêm vào vùng lợi răng của Plomer nhưng Demara vẫn thực hiện thành công đến nỗi trong bữa ăn sáng hôm sau, thuyền trưởng Plomer đã hết lời ca ngợi “bác sĩ Joseph C. Cyr”: “Đây là chiếc răng mà tôi được nhổ một cách tuyệt vời nhất”.
Tuy nhiên, vẫn có những y sĩ, y tá nghi ngờ khả năng chuyên môn của “trung úy bác sĩ Joseph C. Cyr”. Thiếu úy George Tumboll, sĩ quan trợ y của Demara cho biết: “Có những trường hợp khi bệnh nhân khai bệnh, bác sĩ Cyr thay vì chẩn đoán ngay, ông ta lại quay về phòng rồi một lát sau mới trở ra nói cho bệnh nhân biết họ bị bệnh gì. Tôi nghi ngờ ông ấy đọc lại tài liệu…”.
Hạ sĩ y tá Osborn nói thêm: “Kháng sinh Penicilline là thuốc ông ấy hay dùng nhất. Hầu như bệnh gì ông cũng chích cho một mũi”. Thủy thủ Cadwell, người đã được “bác sĩ Cyr” khâu cho một vết rách ở cánh tay nói: “Trước khi vào lính, tôi đã từng bị khâu 12 mũi do vết thương lúc chơi bóng chày nhưng cách bác sĩ Cyr khâu không giống như bác sĩ đã khâu cho tôi. Ông ấy có vẻ lúng túng lúc cầm cây kim và thay vì móc kim xuyên qua cả hai vạt da để khép miệng vết rách lại, ông ta móc kim qua từng bên một. Đến lúc thắt chỉ khâu, bác sĩ khâu cho tôi thắt bằng cái “panh” trong lúc bác sĩ Cyr dùng tay buộc từng mối chỉ…”.
Nhưng những nghi ngờ đó chỉ có vài y sĩ, y tá trao đổi riêng với nhau bởi lẽ một mặt “bác sĩ Cyr” vẫn là trưởng y tế trên chiến hạm, mặt khác chỉ huy Plomer luôn dành mọi ưu ái cho “bác sĩ Cyr”, nhất là khi 19 binh sĩ Hàn Quốc bị thương rồi được đưa lên chiến hạm Cayuga. 4 trong số 19 người này cần được mổ ngay tức thì nên “bác sĩ Cyr” ra lệnh cho các trợ thủ của mình chuẩn bị phòng mổ. Vẫn thiếu úy George Tumboll, sĩ quan trợ y của Demara kể tiếp: “Trước khi mổ, ông ấy quay về phòng riêng rồi gần 10 phút mới quay lại. Tôi vẫn tin rằng ông ấy đọc tài liệu nhưng kỳ lạ thay, cả 4 ca mổ do “bác sĩ Cyr” thực hiện đều thành công…”. Thuyền trưởng Plomer nói: “Thật là ấn tượng, nhất là khi anh ấy lấy ra từ ngực thương binh một cái đầu đạn. Joseph C. Cyr xứng đáng được gọi là anh hùng”.
Trong hơn 1 năm sau đó, Demara còn thực hiện nhiều cuộc phẫu thuật cho cả lính Canada, lính Mỹ và lính Hàn Quốc. Tiếng tăm của ông ta được giới truyền thông chú ý và trên tờ Ottawa Daily cũng như trên tờ báo nội bộ của Hải quân Canada, có nhiều bài nói về “bác sĩ Joseph C. Cyr” với những lời tán dương nồng nhiệt, đến nỗi thuyền trưởng Plomer cũng phải hãnh diện: “Tư lệnh Hải quân Canada điện thoại cho tôi, hỏi về bác sĩ Cyr, đồng thời gửi lời chúc mừng đến anh ấy”.
Cây kim trong đống rơm
Đầu năm 1953, bác sĩ Joseph C. Cyr (thật), lúc này đã là tiến sĩ, đang làm việc tại Bệnh viện Grand Falls, bang New Brunswick, Canada, tình cờ đọc được bài báo nói về “bác sĩ Joseph C. Cyr”. Thoạt đầu ông không để ý nhưng khi đọc đến phần sơ lược tiểu sử, bác sĩ Joseph C. Cyr nhận thấy ngoài tên họ, ngày tháng năm sinh, quê quán giống y hệt thì “bác sĩ Joseph C. Cyr” cũng tốt nghiệp Đại học Y khoa Montreal như mình. Sợ trí nhớ của mình suy giảm, bác sĩ Joseph C. Cyr điện thoại cho một số bạn học cùng khóa. Tất cả đều khẳng định rằng không hề có một “bác sĩ Joseph C. Cyr” thứ hai nào trong lớp họ.
Và thế là bác sĩ Joseph C. Cyr tìm đến Bộ Tư lệnh Hải quân Canada. Tuy đã nêu ra tất cả những chứng cứ nhưng một số người trong Bộ Tư lệnh vẫn không tin “bác sĩ Joseph C. Cyr” là… hàng giả! Với họ, “bác sĩ Cyr” là hình mẫu của sự ân cần, tận tụy, là tấm gương điển hình của lòng ái quốc. Thậm chí một phó đô đốc còn nói với bác sĩ Joseph C. Cyr: “Coi chừng! Anh có thể sẽ bị kiện về tội mạ lỵ và vu khống”.
Quyết tìm ra sự thật, Joseph C. Cyr sang Bộ Quốc phòng. Cũng như bên Hải quân, một số quan chức Bộ Quốc phòng không tin những lời tố cáo của bác sĩ Joseph C. Cyr. Chỉ đến khi Joseph C. Cyr dọa đưa vụ việc ra trước công luận thì cơ quan an ninh quân đội của bộ này mới tiến hành điều tra. Kết quả cho thấy “bác sĩ Joseph C. Cyr”, trưởng y tế trên tàu Cayuga là giả mạo!
Để tránh tiếng cho Hải quân nói riêng và quân đội Canada nói chung vì dẫu sao, “bác sĩ Joseph C. Cyr” đã từng được tung hô như một anh hùng, Bộ Quốc phòng Canada chỉ thông báo vụ việc cho một số quan chức, đồng thời lặng lẽ ban hành quyết định, sa thải “bác sĩ Joseph C. Cyr” ra khỏi hải quân, buộc phải trở về Mỹ.
Tại Mỹ, do không ai biết gì về quá khứ của Demara nên từ năm 1960 đến 1965, ông ta là cố vấn y học cho Đoàn Cứu hộ liên minh ở Los Angeles. Năm 1967 Demara nhận bằng tốt nghiệp Trường Kinh thánh Multnomah ở Portland, bang Oregon với chức danh mục sư. Trải qua 6 năm làm việc tại 2 nhà thờ Baptist Cherry Grove ở Gaston, bang Oregon và nhà thờ Kinh thánh cộng đồng Toutle Lake ở Toutle, bang Washington, Demara lặng lẽ chuyển đến Bệnh viện Good Samaritan ở Anaheim, bang California vẫn với vai trò mục sư, cố vấn tinh thần cho người bệnh.
Năm 1975, việc mạo danh của Demara trong chiến tranh Triều Tiên bị một số người ở bệnh viện phát hiện. Tuy nhiên giám đốc bệnh viện là Philip S. Cifarelli vẫn cho phép ông ta ở lại làm việc bởi sự năng động và tận tâm. Không những thế, năm 1979, khi Demara đến dự buổi họp mặt các cựu binh đã từng phục vụ trên chiến hạm HMCS Cayuga, ông ta vẫn được các thủy thủ đón tiếp rất nồng nhiệt ngoại trừ thuyền trưởng Plomer, chỉ bắt tay Demara một cách hững hờ.
Demara qua đời ngày 7-6-1982 ở tuổi 60 trong cảnh nghèo đói do suy tim và các biến chứng của bệnh tiểu đường khiến ông ta phải cắt cụt cả hai chân. Không vợ con, tài sản riêng tư cũng chẳng có gì vì sau khi bị hải quân Canada sa thải, ông ta không được nhận lương hưu. Kỷ vật duy nhất mà Demara để lại là một cuốn sổ tay, trong đó ghi chép tất cả những việc đã xảy ra trong cuộc đời mình…