Không tặc đã thay đổi an ninh hàng không ra sao?
An ninh hàng không đã có nhiều sự thay đổi trong hai thập kỷ qua. Vụ không tặc chuyến bay IC-814 của Indian Airlines năm 1999 và sự kiện bi thảm ngày 11/9/2001 ở Mỹ là những thời điểm then chốt buộc thế giới phải thay đổi các giao thức an toàn trong hàng không.
Sau những sự kiện này, Cục An ninh hàng không dân dụng (BCAS) tại Ấn Độ và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã thực hiện những thay đổi sâu rộng khiến việc cướp máy bay trở nên không thể hoặc ít nhất là cực kỳ khó khăn.
Vụ không tặc IC 814
Ngày 24/12/1999, chuyến bay IC 814 của hãng hàng không Ấn Độ (Indian Airlines) đã bị không tặc khi bay từ Kathmandu, Nepal đến Delhi, Ấn Độ. Máy bay buộc phải hạ cánh tại Kandahar, Afghanistan, nơi những kẻ không tặc yêu cầu thả ba tù nhân đang bị giam giữ ở Ấn Độ.
Khi đang trên hành trình, chiếc Airbus A300 với 176 người trên khoang đã bị 5 tên không tặc khống chế. Bọn không tặc là những thành viên nhóm khủng bố Harkat-ul-Mujahideen, có liên hệ với các nhóm cực đoan ở Pakistan. Chúng cướp máy bay khi nó đang bay vào không phận Ấn Độ và ép buộc phi hành đoàn chuyển hướng đến một số sân bay, bao gồm Lahore (Pakistan), Amritsar (Ấn Độ) và Dubai (UAE).
Sau một số lần đáp xuống, cuối cùng chiếc máy bay hạ cánh tại Kandahar, Afghanistan, khi đó dưới sự kiểm soát của chính quyền Taliban. Bọn không tặc yêu cầu chính phủ Ấn Độ thả 3 kẻ khủng bố đang bị giam giữ, trong đó có Maulana Masood Azhar, kẻ sáng lập tổ chức khủng bố Jaish-e-Mohammed.
Sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng, chính phủ Ấn Độ cuối cùng đã nhượng bộ và thả 3 tên khủng bố để đổi lấy việc các con tin được phóng thích. Vụ trao đổi diễn ra vào ngày 31/12/1999.
Đa số hành khách được thả và trở về an toàn, nhưng một hành khách tên là Rupin Katyal bị sát hại bằng dao trong quá trình diễn ra vụ không tặc. Vụ việc đã gây ra căng thẳng nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, và cũng làm nổi bật sự phức tạp trong chính sách đối phó với khủng bố của cả hai quốc gia. Vụ không tặc IC 814 đã khiến chính phủ Ấn Độ tăng cường an ninh hàng không và thay đổi cách tiếp cận trong việc xử lý các cuộc tấn công khủng bố.
Cải cách
Sau vụ không tặc IC 814, BCAS đã đưa ra các quy trình kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với cả hành khách và hành lý. Việc ra vào sân bay thắt chặt hơn, ứng dụng thẻ nhận dạng và hệ thống sinh trắc học giúp ngăn chặn xâm nhập trái phép các khu vực an ninh.
Ấn Độ đã triển khai chương trình cảnh sát trên không mang tên Sky Marshal, với nhân viên an ninh mặc thường phục được bố trí trên các chuyến bay để ứng phó với các mối đe dọa không tặc. Những nhân viên này được đào tạo và trang bị để vô hiệu hóa bọn không tặc với rủi ro tối thiểu đối với hành khách.
Ngoài các cuộc kiểm tra an ninh thông thường, hành khách được xem xét kỹ lưỡng hơn dựa trên hành vi, lịch sử đi lại và các yếu tố rủi ro. Máy chụp X-quang và máy dò kim loại trở thành công cụ tiêu chuẩn của khâu kiểm tra an ninh.
Thực tế vụ khủng bố kiểu IC 814 cho thấy an ninh buồng lái máy bay cần được củng cố. Tại Ấn Độ, máy bay thương mại nhanh chóng được gia cố khu vực cửa buồng lái để ngăn chặn việc tiếp cận trái phép.
Tuy nhiên, những nỗi lo lắng về an ninh của các chuyến bay sau sự kiện năm 1999 ở Ấn Độ còn chưa lắng xuống thì lại xảy đến vụ không tặc kinh hoàng ngày 11/9/2001 ở Mỹ, với một loạt máy bay chở khách thương mại bị cướp và chiếm quyền điều khiển.
Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, trong đó 4 máy bay của các hãng hàng không Mỹ đã bị không tặc và sử dụng làm vũ khí giết chết gần 3.000 người, dẫn đến việc toàn cầu phải xem xét lại an ninh hàng không. Các tổ chức như ICAO và Cục An ninh giao thông Mỹ (TSA) đã vạch ra những cải cách toàn diện, nhiều lớp nhằm ngăn chặn các vụ cướp máy bay trong tương lai. Vụ khủng bố 11/9 cũng làm bộc lộ nhiều lỗ hổng an ninh hàng không ở Mỹ và nhiều nơi khác.
"Bọn chúng đã thực hiện không tặc quá dễ dàng! Nhiều người trong chúng tôi ngạc nhiên vì vụ 11/9 không xảy ra sớm hơn", Jeff Price, trợ lý giám đốc an ninh tại Sân bay quốc tế Denver ở thời điểm ngày 11/9/2001 và hiện là chuyên gia an ninh hàng không tại Đại học Metropolitan State University of Denver, nói với đài NPR. Theo ông Price, an ninh sân bay vào thời điểm đó tại Mỹ do các nhà thầu tư nhân thực hiện, thường được các hãng hàng không thuê. Các hợp đồng an ninh thường được trao cho bên bỏ thầu thấp nhất.
"Trước ngày 11/9, an ninh gần như vô hình và thực sự được thiết kế như thế", ông Price cho biết. "Hoạt động này được thiết kế như thứ gì đó chạy ở “chế độ nền”, thực sự không dễ nhận thấy và chắc chắn không ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay hoặc sân bay. "Bạn có thể đi bộ đến cửa ra máy bay vào phút cuối. Bạn không cần phải có thẻ lên máy bay", ông Price nói. "Tất cả những gì bạn phải làm là đi qua trạm kiểm soát an ninh và không cần trả lời bất kỳ câu hỏi nào, không cần giấy tờ tùy thân. Điều đó đã thay đổi mãi mãi sau thứ Ba, ngày 11/9/2001”.
Hiện nay, hành khách thường phải xếp hàng dài tại các trạm kiểm soát an ninh với thời gian chờ đợi có thể lên đến hơn một giờ. “Chúng ta cởi giày, lấy máy tính cùng các thiết bị khác ra khỏi hành lý xách tay trước khi bước qua máy quét toàn thân có độ phân giải cao còn hành lý của chúng ta phải đi qua máy chụp X-quang hình ảnh 3D. Và đừng quên loại bỏ chất lỏng có trọng lượng 100g trở xuống khỏi hành lý xách tay”, ông Price nói.
Một trong những thay đổi ngay lập tức sau ngày 11/9 là yêu cầu gia cố cánh cửa buồng lái trên máy bay thương mại. Ngày nay, những cánh cửa này có khả năng chống đạn, được khóa trong suốt chuyến bay và chỉ có thể mở khi phi công chấp thuận, giúp giảm đáng kể khả năng không tặc kiểm soát máy bay.
Sau vụ 11/9, ICAO đưa ra khuyến nghị, đề xuất quy trình thống nhất cho an ninh sân bay trên toàn thế giới, bao gồm việc kiểm tra bắt buộc đối với hành khách và hành lý. Để tăng cường an ninh, các công nghệ tiên tiến như máy quét toàn thân và hệ thống phát hiện chất nổ đã được đưa vào sử dụng, theo EA Times.
Để ngăn chặn những kẻ tình nghi khủng bố lên máy bay, một danh sách cấm bay toàn diện đã được đưa ra trên toàn cầu. Hệ thống này, được các sân bay và hãng hàng không trên toàn thế giới áp dụng, giúp đảm bảo những cá nhân bị gắn mác “rủi ro an ninh” sẽ không được phép bay.
Các quốc gia chia sẻ Hồ sơ Tên hành khách (PNR) để theo dõi những cá nhân có thể gây ra mối đe dọa an ninh. Điều này cho phép các cơ quan chức năng giám sát những hoạt động đáng ngờ, chẳng hạn các chuyến bay quốc tế thường xuyên của những kẻ có liên kết với khủng bố đã được xác định.
Ở Mỹ, Cục Cảnh sát hàng không liên bang (FAMS) được mở rộng, giới chức bố trí các sĩ quan vũ trang bí mật trên một số chuyến bay để vô hiệu hóa những kẻ không tặc tiềm năng. Các thành viên phi hành đoàn cũng được đào tạo về chiến lược ứng phó với không tặc, phối hợp hành động cùng các kiểm soát viên không lưu trong các tình huống khủng hoảng. Tại các sân bay, các chương trình tập huấn kỹ năng phát hiện hành vi để xác định hành khách đáng ngờ được tổ chức. Nhân viên an ninh được đào tạo kỹ năng quan sát, nhận diện các tín hiệu phi ngôn ngữ như ngôn ngữ cơ thể và biểu cảm khuôn mặt để phát hiện các mối đe dọa tiềm ẩn.
Những tiến bộ công nghệ
“Sau ngày 11/9, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và ngăn chặn các mối đe dọa an ninh. Các hệ thống hình ảnh tiên tiến, thuật toán do AI điều khiển và giám sát từ xa đã cải thiện đáng kể an ninh hàng không”, theo Augustine Vinod, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ an ninh hàng không AutoMicroUAS.
“Máy quét toàn thân sử dụng công nghệ tia X sóng milimet hoặc tán xạ ngược có thể phát hiện các vật dụng ẩn dưới quần áo mà máy dò kim loại thông thường có thể bỏ sót, tăng thêm một lớp bảo mật quan trọng”, ông Vinod nói với EA Times.
Hiện nay, công nghệ nhận dạng khuôn mặt và quét vân tay đã được áp dụng tại các sân bay để đảm bảo chỉ có nhân viên và hành khách được ủy quyền mới được phép vào các khu vực an toàn. Các hệ thống AI phân tích lượng lớn dữ liệu hành khách, bao gồm lịch sử di chuyển và phương thức thanh toán, “lọc ra” những đối tượng có nguy cơ cao để xem xét kỹ hơn.
Một số hãng hàng không còn áp dụng hệ thống phát hiện không tặc từ xa. Một hệ thống mang tên Liên lạc vào báo cáo (ACARS) cho phép những người điều khiển ở mặt đất theo dõi hành trình và hoạt động của máy bay. Trong trường hợp bị không tặc, hệ thống điều khiển trên máy bay có thể bị vô hiệu hóa từ xa.
Chỉ riêng công nghệ thôi là không đủ để đảm bảo an toàn. Nhận thức và sự chuẩn bị của con người là những thành phần thiết yếu của an ninh hàng không. Sau các vụ không tặc chấn động, nhiều hãng hàng không đã mở các khóa đào tạo chuyên sâu về phòng ngừa không tặc và quản lý khủng hoảng. Phi công và tiếp viên, nhân viên hàng không được huấn luyện xử lý tình trạng hành khách hỗn loạn, phối hợp với cơ quan thực thi pháp luật và giao tiếp hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp. Có một thuận lợi mang tính toàn cầu: Sau ngày 11/9, hành khách khắp nơi cảnh giác hơn và sẵn sàng can thiệp vào các tình huống cướp máy bay tiềm ẩn.
Xu hướng tương lai
Công nghệ sinh trắc học dự kiến sẽ đóng vai trò lớn hơn, cho phép ứng dựng tại sân bay hoàn toàn tự động, không tiếp xúc, giúp tăng cường cả tính bảo mật và sự tiện lợi. Tuy nhiên, công nghệ mới đi kèm với những nguy cơ mới. Khi ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng hàng không chuyển sang giao dịch trực tuyến, họ phải đối mặt với rủi ro ngày càng tăng từ các cuộc tấn công mạng. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy bay không người lái ngày càng phổ biến đặt ra những thách thức mới cho an ninh hàng không. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra thách thức cho các nhà quản lý trong việc phát hiện mối đe dọa do AI điều khiển. Điều đó khiến việc phân tích hành vi và sàng lọc tự động để ngăn chặn không tặc và các mối đe dọa khác trở nên rất quan trọng.
Mặc dù xuất hiện những nguy cơ mới, ông Augustine Vinod cho rằng sau các sự kiện IC 814 và 11/9, hàng không đã trở thành một trong những ngành an toàn nhất trên thế giới. Cửa buồng lái được gia cố, sàng lọc sinh trắc học và các giao thức bảo mật tiên tiến đã khiến việc cướp máy bay gần như không thể xảy ra.
Các tổ chức như FAMS, BCAS và ICAO tiếp tục dẫn đầu các nỗ lực trong việc phát triển và duy trì khuôn khổ bảo mật nhiều lớp đảm bảo an toàn cho cả hành khách và phi hành đoàn. Trong khi các mối đe dọa mới như tấn công mạng và các sự cố liên quan đến máy bay không người lái xuất hiện, sự đổi mới liên tục và hợp tác quốc tế vẫn là chìa khóa cho an ninh hàng không trong tương lai.
“Những bài học đau đớn từ IC 814 và 11/9 đóng vai trò như lời nhắc nhở sâu sắc về những lỗ hổng trong hệ thống hàng không. Tuy nhiên, những tiến bộ đạt được sau đó đã biến đổi ngành công nghiệp này, đưa chúng ta đến gần hơn với mục tiêu đạt được một môi trường hàng không thực sự không thể có không tặc”, chuyên gia Vinod nói.