Nước Đức đau đầu với tin giả về vaccine COVID-19

09:32 14/08/2021

Đại dịch COVID-19 đã đưa chủ đề vaccine trở thành một vấn đề trung tâm trong cuộc sống cộng đồng và trong các cuộc thảo luận ở Đức. Đã xuất hiện hàng loạt các thông tin sai lạc có chủ đích, các thuyết âm mưu với số lượng ngày càng tăng trên các mạng xã hội và trên một số báo chí chạy theo khuynh hướng “giật gân”.

Tác giả những tin tức sai lạc này cũng rất đa dạng, từ những người cánh hữu cực đoan, những người theo đuổi các thuyết bí truyền cho đến những tổ chức âm mưu khủng bố, chúng xem đại dịch như một mảnh đất mầu mỡ để gieo mầm bất hòa và kích động nỗi sợ hãi trong xã hội.

Ai đang tạo ra tin giả?

Viện Nghiên cứu và Đối thoại Chiến lược (Institute for Strategic Dialogue - IDS), có trụ sở chính ở London (Anh), là một tổ chức chuyên nghiên cứu về những  khuynh hướng cực đoan và ảnh hưởng của chúng trong xã hội. Chi nhánh của IDS tại Đức vào tháng 6-2021 đã công bố một bản nghiên cứu như một cái nhìn toàn diện về những hoạt động chống đối của những nhóm người hoài nghi về vaccine ở Đức trên các mạng xã hội. Từ ngày 21-12-2020 đến ngày 5-4-2021, hơn 40.000 bài đăng của 1.000 người dùng Facebook, Twitter, Instagram và Telegram đã được thu thập để phân tích. Kết quả của những phân tích này rất đáng lo ngại: những nỗ lực có chủ đích để tác động đến cuộc tranh luận công cộng về vaccine của những thế lực này đã có những thành công nhất định. Mặc dù trên thực tế những nỗ lực này chủ yếu dựa trên các thông tin sai lệch (fake new), nhưng vị thế của những kẻ chống đối vaccine ngày càng được củng cố trong dư luận xã hội tại Đức.

 Trên mạng xã hội tràn ngập tin đồn và thuyết âm mưu về các loại vaccine.

Theo con số thống kê mà phân viện IDS tại Đức đã đưa ra , từ tháng 4-2020 đến tháng 4-2021, số lượng người theo  dõi các trang Facebook có những khuynh hướng kể trên đã tăng 21%, đạt con số 4,5 triệu người. Với những nền tảng khác như  Twitter, Instagram và Telegram, tình trạng diễn ra cũng tương tự. “Đây là một rủi ro rất lớn với nền dân chủ và an ninh công cộng của Đức không chỉ trong ngắn hạn mà còn là trung hạn và dài hạn”, bản báo cáo của phân viện IDS Đức đã nhấn mạnh như vậy.

Sự phát triển này gắn liền với những nỗ lực không những của các nhân vật hàng đầu của các trào lưu này: từ những người khởi xướng phong trào “Querdenken” (một phong trào cầm đầu các cuộc biểu tình chống lại các biện pháp phong tỏa, bắt đầu từ khu vực Stuttgart và nhanh chóng lan ra cả nước Đức) cho đến những kẻ cánh hữu cực đoan. Chúng xây dựng mạng lưới bằng cách tham khảo chéo lẫn nhau nhằm tạo ra những ảo tưởng về độ tin cậy (giả) khoa học. Mặc dù có một sự đa dạng nhất định về hệ tư tưởng trong mạng lưới này nhưng sự gắn bó chặt chẽ của chúng với các thuyết âm mưu luôn là không đổi.  

Các cuộc biểu tình của phong trào “Querdenken” ở các thành phố trên khắp nước Đức đã cho thấy nỗi sợ hãi (vô căn cứ) về “chế độ độc tài”, “sự kiểm soát cưỡng chế” và “Trật tự thế giới mới” lan rộng như thế nào trong toàn xã hội.

Bản nghiên cứu của IDS cho một cái nhìn toàn diện về hoạt động chống đối của những nhóm người hoài nghi về vaccine ở Đức. 

Những loại tin giả phổ biến nhất

Việc phân tích các dữ liệu thu được thể hiện trong bản báo cáo của IDS cho thấy những câu chuyện liên quan đến COVID-19 và vaccine được các nhóm khác nhau giải thích rất khác nhau. Trong cộng đồng hướng đến những “thông tin sai lệch về y tế”, nội dung thường là những câu chuyện trong đó các chứng bệnh liên quan và khả năng tự chữa bệnh của chính cơ thể được phóng đại quá mức. Ngược lại, những người theo thuyết âm mưu  lại xây dựng những câu chuyện về giới tinh hoa bí mật và kế hoạch thống trị thế giới, trong đó đại dịch và vaccine chỉ là chương mở đầu. Các cuộc thảo luận trong các nhóm cực đoan cánh hữu thì lại tập trung chủ yếu vào việc xem đại dịch như là các cơ hội để huy động và tuyển mộ những người ủng hộ, xây dựng mạng lưới và xâm nhập vào các cộng đồng khác.

Về nội dung, những câu chuyện lưu truyền trong các nhóm có đều mục đích rõ ràng là làm suy giảm niềm tin vào vaccine và các giải pháp chính trị đang áp dụng. Đứng hàng đầu trong số những câu chuyện này là những bài tường thuật về những ca tử vong sau khi tiêm các loại vacccine COVID-19 khác nhau (16%  số bài viết). Ngoài việc siêng năng chia sẻ chuyện về các ca tử vong do vaccine, tác giả các bài viết này cũng thường xuyên đặt ra nghi vấn về những số liệu thống kê chính thức về số người chết, bày tỏ lo ngại về các tác dụng phụ. Họ liên tục đưa ra những cáo buộc (vô căn cứ) về “tác hại của vaccine”, những ảnh hưởng lâu dài và khả năng dẫn tới vô sinh (8% là các bài dạng này) nhằm tạo ấn tượng rằng các tác dụng phụ của vaccine còn nguy hiểm hơn chính virus. Một số tuyên bố trong quá khứ của các chính trị gia đôi khi cũng được các nhóm người này trích dẫn lại (nằm ngoài ngữ cảnh) nhằm khuấy động nỗi lo ngại rằng việc tiêm chủng sẽ được thực hiện bắt buộc (trực tiếp hoặc gián tiếp). Những thông tin sai lệch trên mạng xã hội dạng này đã gây tác động không nhỏ, làm sai lệch cách hiểu về mục đích của tiêm chủng đối người dân.

 Tháng 3-2020, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin về một loại vaccine có thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19 sau 3h. Thực tế đây chỉ là bộ xét nghiệm COVID-19.

Ngay cả khi việc tiêm chủng đã được xã hội chấp nhận khá rộng rãi, những người phủ nhận sự tồn tại của coronavirus và “những nhà hoạt động” chống tiêm chủng vẫn cố tình tạo ra những cuộc tranh luận khác khi tung tin rằng những người dân chưa được tiêm chủng sẽ bị tước mất những quyền cơ bản và kết quả là sẽ tạo ra một xã hội “hai tầng”.

Dựa trên các thuyết âm mưu, các phe nhóm cực đoan cũng đưa ra sự phân chia các nhà khoa học và các chuyên gia thành hai phe: “những chuyên gia không thuộc Big Pharma” và “các nhà khoa học ủng hộ chính phủ”. Nhóm đầu tiên chủ yếu là những cá nhân coi vaccine là không cần thiết và nguy hiểm còn nhóm thứ hai bao gồm các nhà khoa học ủng hộ chương trình tiêm chủng của chính phủ. Những kẻ chống phá suy tôn những cá nhân thuộc nhóm một  là “chuyên gia”, thường xuyên sử dụng các câu trích dẫn gây sợ hãi của họ để củng cố cho các lập luận của mình. Đồng thời với việc suy tôn các “cá nhân chống phá”,  theo  báo cáo của IDS thì  9% các bài đăng được họ thu thập được có nội dung thù địch và cố gắng làm mất uy tín của các nhà khoa học và các bác sĩ ủng hộ chương trình tiêm chủng và các quy định y tế của chính phủ.

Trong một số bài viết đã tung ra những tin giả đặc biệt nghiêm trọng, vaccine thậm chí còn được mô tả là một thứ vũ khí để làm giảm số dân hay một phương tiện diệt chủng.

Những hậu quả xã hội từ tin giả

Mặc dù rất khó để đưa ra kết luận mang tính “định lượng” về tác động qua lại giữa các thông tin sai lệch nhằm chống đối vaccine được phát tán trên mạng và với những hành động bạo động gây xáo trộn xã hội, nhưng những phát hiện trong bản báo cáo của IDS cho thấy rõ ràng rằng các hành động gây hấn như vụ tấn công đốt phá RKI vào tháng 10-2020 hoặc các mối đe dọa rất cụ thể đã xảy ra nhắm vào các nhà khoa học và chính trị gia ở Đức trong thời gian qua chắc chắn có nguồn gốc từ sự lan truyền của thông tin sai lệch trên truyền thông xã hội và chịu ảnh hưởng của những lời kêu gọi hành động cụ thể. Các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực, nhiều người tham gia biểu tình đã được mời gọi, dẫn dắt và điều hành thông qua các nền tảng này.

Tin giả trên mạng xã hội là nguyên nhân gây ra những cuộc biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch ở Stuttgart và nhiều thành phố khác ở Đức.  

Những tháng đầu năm 2021 được đánh dấu bằng sự mất niềm tin ngày càng thường xuyên vào các thể chế chính trị và hệ thống y tế công cộng. Điều này tô đậm hơn nữa những rủi ro nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra đối với sự gắn kết trong xã hội Đức trong dài hạn: sự phân cực xã hội gia tăng, sự chia rẽ giữa các bộ phận dân cư vốn đã (gần như) không hòa nhập vào đời sống chính trị, đánh mất niềm tin vào chính trị của một bộ phận dân cư trong xã hội Đức.

Về trung hạn, thông tin sai lệch và sự thiếu tin tưởng này sẽ làm suy yếu các quá trình hình thành ý chí chính trị và ra quyết định chính trị, còn khi trong ngắn hạn, chúng tạo ra những trở ngại đáng kể, đặc biệt đối với các nỗ lực tiêm chủng và các biện pháp giảm thiểu đại dịch khác.

Trong bối cảnh đó, Bản báo cáo của IDS tại Đức đã đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau cho các tổ chức y tế, chính trị và xã hội nói chung. Với tư cách là một xã hội, nước Đức nên đối phó với sự hiện diện của một thiểu số bị vỡ mộng bởi các quá trình ra quyết định chính trị và các tổ chức chăm sóc sức khỏe như thế nào? Làm thế nào chính trị có thể khuyến khích những người này đặt niềm tin trở lại vào hệ thống dân chủ và hiệu quả của vaccine? Loại thông điệp nào là phù hợp và thành công nhất khi giao tiếp với  những khuynh hướng ứng xử ngày càng cấp tiến này, và ai là người có tiếng nói đáng tin cậy? Bài học gì cho các giải pháp chính trị và y tế để trong tương lai vừa chống dịch hiệu quả vừa bảo đảm được sự đồng thuận trong xã hội?

Mặc dù bản báo cáo này không thể đưa ra câu trả lời chắc chắn cho tất cả những câu hỏi này, nhưng nó đã cung cấp một cái nhìn tổng quan có giá trị về tình hình liên quan đến tác động tiêu cực của tin tức sai lệch nhằm phủ nhận và bác bỏ vai trò của vaccine. Giảm thiểu được tiêu cực này sẽ tránh được những chia rẽ và phân hóa trong xã hội.

Dương Thắng

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Để chứng minh năng lực kinh nghiệm của mình, Liên danh Công ty cổ phần Xây lắp Thủy sản II và Công ty cổ phần Xây dựng vận tải đầu tư kinh doanh nhà Hải Đăng đã “phù phép” biến dự án xây dựng mà liên doanh đã thực hiện có tổng trị giá khoảng 59 tỷ đồng thành dự án 147 tỷ đồng để đủ điều kiện dự thầu và sau đó trúng thầu dự án có tổng trị giá hơn 190 tỷ đồng ở huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 21/11 đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang Florida Pam Bondi, 59 tuổi, làm Tổng chưởng lý Mỹ, nhanh chóng thay thế cựu ứng cử viên Matt Gaetz sau khi ông này rút lui.

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文