Stress, trầm cảm vì áp lực thi cử

12:18 14/06/2022

Học hành căng thẳng, áp lực thi vào lớp chọn, trường chuyên khiến nhiều học sinh rơi vào căng thẳng, rối loạn lo âu, stress, trầm cảm. Có em sợ thi trượt, có em do áp lực thi vào trường chuyên… dẫn đến lo lắng, lâu dần trở thành stress, trầm cảm.

Năm nào cũng vậy, cứ đến gần mùa thi vào THPT và đại học, lại có học sinh phải nhập viện điều trị vì stress. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ trẻ ngoan, hiền, học giỏi bị stress, trầm cảm cao hơn, đặc biệt ở những trẻ chịu áp lực thi vào trường chuyên. Bác sĩ cảnh báo “trầm cảm ẩn” ở trẻ em, thường khó phát hiện và nguy hại nhất là có thể tự sát.

Trầm cảm vì thi trượt trường chuyên

Nhiều năm nay tỷ lệ chọi vào các trường THPT công lập ở Hà Nội rất cao, đã tạo áp lực lớn cho phụ huynh và học sinh. Nhiều học sinh có học lực giỏi, xuất sắc, áp lực thi vào trường chuyên cũng đặt ra nhiều lo lắng cho các em. Có học sinh đã bất thường về tâm lý từ trước đó, nhưng không phát hiện ra, gần đến kỳ thi, lo lắng thi trượt đã khiến các em căng thẳng, hay xuất hiện cơn chóng mặt.

Áp lực thi cử như “giọt nước tràn ly” làm stress mãn tính của các em bộc phát. Vài năm trở lại đây, cứ đến mùa thi, tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai và Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương lại có học sinh tới khám và điều trị vì stress, căng thẳng, rối loạn lo âu.

Áp lực học hành, thi cử như “giọt nước tràn ly” khiến trẻ trầm cảm (Ảnh minh họa).

Viện Sức Khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận điều trị cho nữ sinh lớp 10 (Hà Nội) với dấu hiệu hay đau đầu, mặc dù vẫn đi học, ăn ngủ bình thường. Theo chia sẻ của bố bệnh nhân, con gái vốn rất ngoan, hiền lành, học cấp 2 ở một trường có tiếng tại Hà Nội. Quá trình học luôn nỗ lực, học giỏi, nguyện vọng lên cấp 3 thi vào trường chuyên, nhưng kết quả thi không như mong muốn. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn đỗ vào trường cấp 3 công lập top đầu của Hà Nội.

Qua thăm khám, nữ sinh cho biết, mẹ thường hay nhắc việc em trượt trường chuyên, hay kể lại công lao mẹ đưa đón em đi học thêm… Dần dần, những lời mẹ nói khiến nữ sinh suy nghĩ, cảm thấy có lỗi, ngày một thêm áp lực. Lên cấp 3, nữ sinh vẫn luôn cố gắng học, muốn đi học thêm nhưng lại không dám nói, sợ mẹ kể lể, nhắc lại chuyện cũ.

Từ đó, nữ sinh buồn chán nhiều hơn, mệt mỏi, khó tập trung, hay xuất hiện những cơn đau đầu, chóng mặt và có dấu hiệu trầm cảm. Em thường hay cáu với mẹ. Thấy tình trạng của con, bố đã đưa đưa đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Kết quả khám chuyên khoa Thần kinh không thấy tổn thương, nên được xác định không rõ nguyên nhân. Sau đó nữ sinh được chuyển đến Viện Sức khỏe tâm thần.

Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan stress, trẻ rất buồn vì thi trượt, dù cố gắng nhiều nhưng vì mẹ hay nhắc nên khiến trẻ không thoát được nỗi buồn. Sau vấp ngã, buồn phiền là bình thường, như lẽ tự nhiên sẽ tự nguôi ngoai. Nhưng vì một lý do nào đó, như trường hợp này chính lời đay nghiến của người mẹ đã khiến bệnh nhân suy nghĩ nhiều, kéo dài và thành trầm cảm.

Tại Viện Sức khỏe Tâm thần cũng vừa điều trị cho 2 nam sinh 18 tuổi ở Hà Nội và Nam Định bị stress và rối loạn lo âu do áp lực thi cử. Theo BS Tâm, qua điều trị cho các ca stress, trầm cảm là học sinh, BS nhận thấy, stress gặp nhiều hơn ở trẻ ngoan và học khá. Phần lớn các trẻ đến khám và điều trị trầm cảm, stress là đến từ các trường chuyên, lớp chọn.

Với những trẻ ngoan, có thành tích cao trong học tập thường có những áp lực tự thân hơn là những trẻ mải chơi, áp lực vị trí trong trường lớp, hình ảnh bản thân trong mắt gia đình, thầy cô và thường sống, suy nghĩ có trách nhiệm hơn khiến trẻ phải nỗ lực không ngừng. Những trẻ này thường căng thẳng và bị stress, nhất là khi không đạt được kỳ vọng sẽ bị nặng hơn trẻ khác. Điều này cho thấy các áp lực từ việc học tập, áp lực từ gia đình, áp lực thành tích là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng stress ở lứa tuổi học đường.

TS.BS Dương Minh Tâm đang thăm khám cho nam sinh phải nhập viện do áp lực thi cử.

Cứ đến thi là đau bụng… hóa ra bị stress

Đau bụng, xuất huyết tiêu hóa, viêm dạ dày… cũng có thể là một trong những dấu hiệu trẻ bị stress, song lại ít được gia đình chú ý và bỏ qua. Một bệnh nhân nữ 15 tuổi được đưa vào Viện Sức khoẻ Tâm thần khám vì những cơn đau bụng. Theo các bác sĩ, từ năm 8 tuổi, trẻ thường kêu đau bụng vùng thượng vị, đau dữ dội từng cơn… Gia đình đã cho đi khám và chữa nhiều nơi, làm các siêu âm, xét nghiệm, chụp chiếu nhưng không phát hiện tổn thương liên quan đến bệnh đường tiêu hóa. Do đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán là “động kinh thể tạng”, lúc đầu uống thuốc thì có đỡ, sau đó các cơn đau bụng lại xuất hiện.

Qua quan sát gia đình thấy các cơn đau bụng thường xuất hiện trước các kỳ thi, khi bệnh nhân đi viện về và các bạn đã thi xong thì bệnh đỡ không đau bụng nữa hoặc chỉ đau âm ỉ. Năm nay là năm cuối cấp THCS, các bạn đang thi đua cố gắng nhiều còn bệnh nhân lại xuất hiện các cơn đau bụng nhiều hơn, người luôn kêu mệt mỏi, yếu đuối nên thường xuyên xin nghỉ học đi điều trị.

BS Dương Minh Tâm cho biết, các cơn đau này có thể là đau đầu, đau bụng đều là thật, không phải trẻ giả vờ, bởi vì stress là một trong các yếu tố gây đau dạ dày, viêm dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Do đó, tỉ lệ học sinh mắc bệnh đau dạ dày là khá nhiều, còn gọi là hiện tượng cơ thể tâm sinh (cơ thể sinh ra bệnh tâm lý). Những cơn đay này thường xuất hiện khi trẻ chuẩn bị bước vào thi học kỳ hoặc trước sự kiện quan trọng. Khi sự kiện qua đi thì các cơn đau này giảm triệu chứng.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ bị stress do áp lực học hành, thi cử.

BS Tâm cho hay, trong một nghiên cứu năm 2019 -2020 tại Bệnh viện Nhi Trung ương với đối tượng là học sinh từ 10-19 tuổi thấy: 55,6% số trẻ có sang chấn tâm lý (áp lực học tập 20%, áp lực gia đình 20,5%, quan hệ bạn trong trường 8,9%). Và kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Stress và trầm cảm gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17, là thời điểm các em học sinh thi chuyển cấp lên trung học phổ thông và đại học.

“Qua khai thác bệnh sử, phần lớn các em học sinh bị stress mãn tính, quá trình stress đã âm thầm diễn biến từ khoảng 3 - 5 năm trước và áp lực thi cử chỉ là “giọt nước tràn ly”. Diễn biến tâm lý, sự thay đổi tính cách của học sinh trùng với lứa tuổi dậy thì nên nhiều bậc cha mẹ mặc nhiên chấp nhận sự thay đổi đó. Chỉ đến khi trẻ có những hành vi làm tổn thương bản thân hoặc quá bất thường thì bố mẹ mới nhận diện và đưa trẻ đến viện thì thường trẻ đã ở giai đoạn trầm cảm, stress nặng”, BS Tâm cảnh báo.

Nguy hiểm trầm cảm ẩn ở trẻ

Bằng kinh nghiệm điều trị trầm cảm ở trẻ, Ths.BS Nguyễn Viết Chung, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện E cho biết: Trẻ em thông thường rơi vào thể trầm cảm ẩn nhiều hơn so với người trưởng thành. Người trưởng thành biểu hiện theo hướng dễ đọc được cảm xúc của mình là tôi có buồn, tôi chán, tôi mất hứng thú với mọi việc xung quanh cuộc sống… bởi có nhận thức rõ ràng về bản thân và thế giới, nên họ nhận thức vấn đề của mình một cách rõ ràng.

Còn trẻ vị thành niên khả năng nhận thức về chính bản thân, về thế giới chưa đầy đủ rõ ràng. Ví dụ, con có cảm xúc buồn nhưng chưa biết bày tỏ ra như thế nào, con có cảm xúc buồn nhưng không biết rằng cái này mình có nên buồn hay không, liệu nói ra mình buồn thì mọi người có chấp nhận cảm xúc đó của mình hay không.

Chính vì vậy trầm cảm vị thành niên thường ẩn nhiều hơn, bên ngoài các con vẫn ngoan, vẫn học hành chăm chỉ, đến lớp thường xuyên, tuy nhiên sẽ biểu hiện ra triệu chứng khác như: Mệt mỏi kéo dài từ ngày này qua ngày khác, khả năng học tập kém hơn, không tập trung nhiều hơn, không ghi nhớ được, luôn cảm thấy quá tải trong học tập, cuộc sống; hoặc có biểu hiện khác như mệt cơ thể, đau đầu, khó thở, đau bụng, đau xương khớp, đau dạ dày và biểu hiện qua triệu chứng thực thể của cơ thể nhiều hơn là nói ra cảm xúc, nói ra những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, buồn phiền của mình.

“Có cháu chọn giải quyết tâm lý căng thẳng sẽ đi tìm chất kích thích, geme, hoặc tự làm hại, làm đau bản thân, hoặc tự kết liễu cuộc sống của mình. Đây là nhóm thách thức hiện nay vì là trầm cảm ẩn. Chính vì vậy, các cháu không bộc lộ được ra cảm xúc của mình. Bố mẹ không hiểu, con không chia sẻ ra được. Ẩn và khó phát hiện, lẩn khuất dưới nhiều hình thức khác nhau. Hậu quả cuối cùng là mất khả năng học tập, tương lai khó khăn hơn, nguy hại nhất là có thể tự sát”, BS Chung chia sẻ.

Khi trẻ tự làm hại bản thân là đã có dấu hiệu bị stress, trầm cảm; cha mẹ phát hiện đưa con đến gặp ngay bác sĩ tâm lý.

Stress, trầm cảm thường diễn biến rất âm thầm, tuy nhiên khi trẻ có những hành vi sau, các bậc làm cha mẹ nên quan tâm: Đầu tiên là hành vi tự hủy hoại bản thân (các vết cứa ở cẳng tay hoặc đùi, cắn móng tay, bấm vào đầu ngón tay..). Việc tự làm đau bản thân này là cách để giải tỏa sự bấn loạn trong cảm xúc bản thân của trẻ.

Ngoài ra, trẻ có những hành vi bất thường, trái ngược với tính cách trước kia như trẻ trở nên hung hăng, chống đối hoặc tuân thủ quá mức, có sự rối loạn trong hành vi ăn uống như ăn quá ít hoặc quá nhiều, bị rối loạn giấc ngủ như ngủ quá nhiều hoặc quá ít, buồn chán, giảm kết nối với xã hội, khóc không rõ lý do, chậm chạp...

“Cha mẹ nhận thấy dấu hiệu này hãy nói chuyện với các con và đi tìm người giúp được mình trong giai đoạn đó. Dấu hiệu trầm cảm rất nhiều, song quan trọng nhất bố mẹ có quan tâm đủ đến các con hay chưa? Chỉ cần quan tâm đủ là tốt, để nhận biết có sự thay đổi bất thường và đồng hành giúp các con vượt qua”, BS Chung nói.

Thay vì né tránh các stress, trầm cảm của trẻ, thì phụ huynh cần tìm hiểu các dấu hiệu cũng như kỹ năng cần thiết để rèn luyện trẻ đối mặt với những thách thức hàng ngày trong cuộc sống. Giấc ngủ là điều cần thiết cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Các chuyên gia khuyên trẻ từ 6 đến 12 tuổi nên ngủ từ 9 đến 12 tiếng mỗi đêm, thanh thiếu niên cần 8 đến 10 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ cần được ưu tiên để kiểm soát căng thẳng. Bên cạnh đó, hoạt động thể chất là một liều thuốc giảm căng thẳng cần thiết cho mọi người ở mọi lứa tuổi.

“Stress gây bệnh và thể bệnh phụ thuộc chủ yếu vào nhân cách. Với những trẻ có nhân cách yếu, lãng mạn, văn nghệ sỹ, nhân cách khép kín hoặc thiếu ý chí, thiếu nghị lực, nhút nhát, tự ti, mặc cảm, thiếu kìm chế, dễ bùng nổ, xung đột thường dễ bị stress hơn trẻ có nhân cách mạnh. Vì vậy, gia đình nên xây dựng cho trẻ một môi trường thi đua, phấn đấu, tương trợ và cùng tiến. Điều này giúp trẻ chống đỡ với stress tốt hơn”, BS Dương Minh Tâm nhấn mạnh.

Trần Hằng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文