CEO Facebook Zuckerberg khai gì về vụ lộ thông tin người dùng?
- Sẽ có một phiên bản trả phí của Facebook trong tương lai
- 87 triệu tài khoản bị lộ thông tin bắt đầu được Facebook thông báo
- Một số điều nên xóa khỏi Facebook cá nhân nếu có thể
Đối mặt với hàng trăm câu hỏi từ các nghị sĩ trong hai phiên điều trần tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ hôm 11-4 và 12-4 (giờ Việt Nam) về vụ bê bối nêu trên, ông chủ của Facebook Mark Zuckerberg đã cung cấp các câu trả lời về hoạt động thu thập, chia sẻ dữ liệu cá nhân người dùng trên Facebook với bên thứ ba; việc công ty này bị cáo buộc độc quyền; cũng như những quan điểm về quản lý các công ty trong ngành công nghiệp mạng xã hội.
Theo đó, trong phiên điều trần kéo dài gần năm giờ đồng hồ tại Thượng viện Mỹ hôm 11-4, trước khi chính thức bắt đầu vào vòng “cân não” với các câu hỏi chuyên môn và liên tục từ phía 44 nghị sĩ, nhà sáng lập Facebook đã lên tiếng xin lỗi tất cả những người đã và đang tin tưởng sử dụng trang mạng xã hội này.
Mark Zuckerberg phát biểu: "Rõ ràng chúng tôi đã chưa nỗ lực đủ để ngăn chặn các công cụ được sử dụng vào mục đích xấu, bao gồm hàng loạt tin giả, can thiệp nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, các phát biểu mang tính thù địch, đặc biệt là an toàn dữ liệu cá nhân và các nhà phát triển ứng dụng. Chúng tôi đã không có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình. Đó là sai lầm lớn. Tôi xin lỗi. Tôi đã lập ra Facebook, điều hành nó và tôi sẽ chịu trách nhiệm với mọi việc xảy ra”.
Sau đó, CEO 33 tuổi của trang mạng lớn nhất hành tinh cho biết, Facebook chia nội dung thông tin làm hai loại, một là do người dùng tự ý đăng tải và hai là do mạng xã hội hoàn toàn kiểm soát, liên quan tới ứng dụng và quảng cáo. Mark Zuckerberg khẳng định Facebook không bán thông tin của người dùng, nhưng việc chia sẻ thông tin là có xảy ra và điều này đã được thông báo với người đăng ký tài khoản ngay trong điều khoản dịch vụ của Facebook.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cam kết vì lợi ích của người dùng. Ảnh: Getty Images. |
Một mặt là như vậy, nhưng khi nhận được câu hỏi từ Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal liên quan tới việc Facebook chia sẻ thông tin cho giáo sư Aleksandr Kogan thuộc trường Đại học Cambridge - người đã lấy được số dữ liệu khổng lồ về người dùng Facebook thông qua một ứng dụng khảo sát và sau đó “chia sẻ lại" cho công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica, Mark Zuckerberg đã trở nên lúng túng.
Theo đó, ông Richard Blumenthal đã công bố các điều khoản dịch vụ của phía giáo sư Aleksandr Kogan, bao gồm nội dung “Facebook đã được thông báo về việc Kogan được phép bán thông tin có được" và hỏi Zuckerberg đã đọc thỏa thuận này chưa. Sau vài giây ngập ngừng, Zuckerberg thừa nhận "chưa đọc hết". Với câu trả lời “hết sức thật thà” này, không chỉ Thượng nghị sỹ Blumenthal mà giới chuyên gia cũng đánh giá rằng, khoản lợi nhuận khổng lồ như vậy thì thật khó để “không biết”.
Zuckerberg đang mâu thuẫn với "điều khoản dịch vụ" mà chính Facebook đưa ra và "cố tình làm ngơ" việc giáo sư Kogan vi phạm điều khoản để tối đa hóa lợi nhuận từ việc bảo mật.
Nguyên nhân sâu xa của vụ bê bối này không chỉ đơn thuần là vấn đề rò rỉ thông tin hay liên quan tới tiền bạc, mà cốt lõi lại nằm ở cái gọi là “trách nhiệm xã hội”. Tại phiên điều trần ở Hạ viện ngày 12-4, Mark Zuckerberg khẳng định, ưu tiên hiện nay của Facebook là bảo vệ cộng đồng, chứ không phải là tối đa hóa lợi nhuận. Và lỗi của Facebook là việc quá tập trung vào kết nối mọi người mà không đầu tư hay nghĩ đến mặt trái của việc sử dụng các công cụ sẽ dẫn tới các rủi ro.
Bàn về vấn đề này, các nhà phân tích và nghiên cứu thị trường cho biết, nếu sự việc này xảy ra khi Facebook bắt đầu nổi lên thì lý do nêu trên có thể còn được xem xét. Nhưng với tâm thế của một doanh nghiệp mạng xã hội lớn mạnh hàng đầu như hiện nay, lý lẽ mà Mark Zuckerberg đưa ra không có tính thuyết phục và sẽ chẳng thể nào cứu giúp cho hình ảnh của Facebook khỏi bị “phủ bóng đen”.
Nhiều thập kỉ trước đây, nếu các doanh nghiệp phần lớn chỉ tập trung vào việc gia tăng các giá trị cho sản phẩm của họ, thì hiện nay, trong bối cảnh đào thải khốc liệt của thị trường, họ cũng đặt trọng tâm vào việc ứng xử và quản trị các rủi ro về môi trường, đặc biệt là xã hội.
Cũng tại buổi điều trần, Zuckerberg cho hay, Facebook sẽ cần vài năm để sửa chữa và khắc phục triệt để các vấn đề bị phát hiện trong vụ rò rỉ dữ liệu người dùng và kỉ nguyên của trí tuệ nhân tạo (AI) chính là một trợ thủ đắc lực, góp phần giúp mạng xã hội lọc bỏ các thông tin xấu độc, không phù hợp. Đồng thời, CEO 33 tuổi của Facebook cũng nhấn mạnh rằng, việc thông qua một số quy định về quản trị doanh nghiệp mạng xã hội là vô cùng cấp thiết.
Tuy nhiên, những quy định này cần được xem xét thận trọng trước khi thông qua, tránh gây khó khăn với các công ty khởi nghiệp quy mô nhỏ.