Dự án năng lượng tái tạo “2 trong 1” đầu tiên của cả nước chuẩn bị phát điện
- Xây dựng trung tâm năng lượng tái tạo cả nước
- Xác định cơ cấu nguồn năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng
Điểm đặc biệt của dự án là kết hợp cả phát điện gió - điện mặt trời, trên điện gió, dưới điện mặt trời duy nhất và lớn nhất của cả nước đến thời điểm này.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group, công suất phát điện của dự án đạt 151 MW, tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Dự án lắp đặt 45 trụ điện gió, được Trungnam Group chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 hiện đã lắp đặt được 17 trụ; giai đoạn 2 và 3 sẽ được chủ đầu tư bắt tay triển khai ngay trong tháng 6 sắp tới. Lý do phải chia giai đoạn lắp đặt các trụ gió phát điện, theo ông Tiến, các trụ và cánh quạt gió là thiết bị siêu trường, siêu trọng nên còn phải chờ tàu biển vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam.
Để tận dụng năng lượng gió tại đây và đảm bảo cho hệ thống cánh quạt gió với đường kính thấp nhất 103m hoạt động, giai đoạn 1 các trụ điện gió của Trungnam Group sẽ có chiều cao 76m; giai đoạn 2 đường kính của cánh quạt gió tăng lên 126m với chiều cao trụ điện được nâng lên 116m và giai đoạn 3 chiều cao của trụ điện gió tiếp tục được nâng lên 135m. Với tổng mức đầu tư lên đến 5.000 tỉ đồng, dự án điện mặt trời do Trungnam Group đầu tư tại đây cũng đạt công suất 204 MW.
Theo tính toán, mỗi năm hệ thống điện mặt trời của dự án sẽ nhận được 2.900 giờ nắng, thời gian nắng trong ngày tại Ninh Thuận có độ bức xạ kéo dài từ 8h sáng đến 3h chiều. Đồng thời nguồn năng lượng gió ở Ninh Thuận qua đo đạc cũng được đánh giá là khu vực có tốc độ gió tốt nhất nước, cho thời gian phát điện kéo dài nhiều giờ trong ngày.
Lắp đặt hệ thống pin mặt trời dưới các trụ điện gió. |
Theo đại diện nhà đầu tư, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, thiết bị của dự án điện gió được Trungnam Group nhập về từ Đức, các trụ phát điện gió được thiết kế theo công nghệ không hộp số cho hiệu năng phát điện cao và chi phí bảo trì thấp.
Với dự án điện mặt trời, toàn bộ các thiết bị phục vụ chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện và vận hành hệ thống là của hãng Siemens.
Các tấm pin được lắp đặt tại dự án có công nghệ đặc biệt cho phép bắt ánh nắng tốt hơn. Pin được nhà cung cấp bảo hành 20 năm và tuổi thọ của tấm pin đạt 30 năm. Các tấm pin được sản xuất từ cát silic thân thiện với môi trường, nên khi hết hạn sử dụng chỉ cần nghiền nát, thu hồi phần kim loại.
“Với gần 705,7 ngàn tấm pin mặt trời trải rộng trên diện tích hàng trăm ha ở khu vực gió cát, khi đi vào hoạt động dự án sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hằng ngày một lực lượng lớn lao động sẽ thực hiện vệ sinh các tấm pin, bảo trì bảo dưỡng phần khung thép giá đỡ pin… Hiện Trungnam Group đã tuyển dụng, đào tạo cho lực lượng lao động tại chỗ để chuẩn bị vận hành”, ông Tiến chia sẻ.
Ngoài dự án điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận, năm 2018, Trungnam Group cũng đã đầu tư dự án năng lượng sạch tại Trà Vinh với công suất 165 MW. Với kinh nghiệm đầu tư các dự án thủy điện và năng lượng sạch những năm qua, hiện Trungnam Group đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án năng lượng ở các địa phương khác và nhận được sự ủng hộ nhất định.
Hiện thủy điện chiếm khoảng 25% tổng công suất phát điện của cả nước trong khi năng lượng tái tạo còn chiếm tỉ lệ rất thấp, công suất phát điện lại còn phải phụ thuộc vào yếu tố thời tiết. Do vậy, để đảm bảo nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ cũng đã có quy hoạch phát triển các nhà máy thủy điện tích năng, tức sử dụng điện để bơm nước trở lại hồ chứa trong giờ thấp điểm để có nước phục vụ phát điện những giờ cao điểm. Đây sẽ là những nhà máy chạy nền, đảm nhiệm việc cung ứng điện chủ lực cho hệ thống truyền tải và trên cả nước sẽ có 3 nơi được quy hoạch xây dựng thủy điện tích năng công suất lớn, gồm 1 nhà máy ở khu vực phía Bắc; 1 nhà máy ở khu vực Ninh Thuận và 1 nhà máy ở khu vực Lâm Đồng. Với năng lượng sạch, Chính phủ luôn tạo điều kiện khuyến khích phát triển những năm gần đây nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. |