Dùng sim “rác” khủng bố: Nhà mạng không thể chối trách nhiệm

08:45 10/05/2010
Không cần CMND cũng chẳng cần phải khai báo thông tin cá nhân, khách hàng hoàn toàn có thể sở hữu số lượng sim tuỳ thích của bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ nào. Đây chính là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng, dùng "sim rác" để quấy rối, khủng bố người khác. Và điều đáng nói là có đến 99% kẻ khủng bố hiện nay là "thủ phạm giấu mặt" nên khi bị khủng bố, "nạn nhân" không biết tìm đến ai để nhờ can thiệp và bảo vệ.

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết tâm xóa "sim rác", thế nhưng trên thực tế loại sim "vô chủ" này vẫn đang tồn tại tràn lan. Lý do chính dẫn đến tình trạng này là do các nhà mạng quá chú trọng vào lợi nhuận, nên đã "khoán trắng" cho các đại lý tự do "tác oai tác quái" bằng cách "lách" các quy định của Chính phủ về quản lý thuê bao trả trước.

Nghịch lý là khách hàng vẫn mua sim điện thoại di động mà không cần CMND. (Ảnh minh họa)

Bất lực và bế tắc vì… bị bỏ rơi

Có một thực tế là khi bị khủng bố điện thoại, nạn nhân không thể tự mình tìm ra thủ phạm. Mọi hy vọng đều được dồn vào nhà mạng và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp bị quấy nhiễu và khủng bố điện thoại "khiếu nại" đến các nhà mạng đều nhận được những câu trả lời chung chung, không thỏa đáng.

Chị Lê Thu Trang (Giáp Bát, Hà Nội), chủ nhân số điện thoại 0904273*** bức xúc: "Khi bị quấy rối điện thoại, gọi đến Tổng đài 18001090 của MobiFone thì không thấy ai trả lời máy. Chị tiếp tục gọi điện đến Phòng Chăm sóc khách hàng của MobiFone thì nhận được câu trả lời đại ý rằng: Khi khách hàng bị quấy rối hoặc khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại, khách hàng phải thông báo với cơ quan Công an, chứ công ty không có trách nhiệm can thiệp vào đời sống cá nhân của khách hàng. Công ty chỉ có quyền được cắt việc sử dụng dịch vụ của khách hàng trong các trường hợp là nộp chậm cước, khách hàng yêu cầu cắt, hoặc khách hàng có các hoạt động vi phạm đến an ninh quốc gia.

Còn anh Trần Khánh Nam (Bạch Mai, Hà Nội), chủ thuê bao 098723**** của Viettel cũng phàn nàn về việc khi gọi đến Tổng đài 19008198 của Viettel thì chỉ được nghe những "lời khuyên" mà dường như ai cũng biết. Thay vì tư vấn giúp khách hàng về thủ tục, chứng cứ để khiếu nại, tố cáo hành vi quấy rối qua điện thoại lên các cơ quan chức năng thì nhân viên trực tổng đài ở đây khuyên rằng: Trong thời gian chờ các biện pháp kỹ thuật, khách hàng không nghe nội dung các cuộc gọi mà cứ bấm OK để cho kẻ quấy rối tốn tiền, bởi thực tế kẻ quấy rối thường tắt máy khi người nghe bấm OK.

Sự bàng quan của các nhà mạng đã khiến "nạn nhân" bị khủng bố rơi vào tình trạng bị bỏ rơi vì không có cơ quan nào đứng ra bảo vệ, khiếu nại thì không được hướng dẫn đến nơi đến chốn, hoặc nhà mạng nhận đơn khiếu nại rồi "ngâm" quá lâu với lý do khách hàng chưa cung cấp đủ chứng cứ để có thể giải quyết. Thế nên, thay vì trông chờ vào các nhà mạng, nhiều người đã "tự bảo vệ mình" bằng cách liên tục phải thay đổi số điện thoại di động dù mỗi lần thay đổi số kéo theo rất nhiều sự bất tiện và phức tạp.

Một số khác gọi điện đến Cảnh sát 113 để yêu cầu giúp đỡ thì được cán bộ trực tổng đài ở đây cho biết: Có thể làm đơn nhờ Công an phường, nơi mình đang sinh sống can thiệp.

Kẻ xấu thường sử dụng “sim rác” để quấy nhiễu và khủng bố.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tiểu Bình, Trưởng Công an phường Vĩnh Tuy (Hà Nội) cho biết: Về mặt nguyên tắc, nếu nhận được đơn của công dân về việc bị khủng bố tống tiền, đe dọa tính mạng, Công an phường có thể vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ. Tuy nhiên, trên thực tế việc tìm ra thủ phạm rất khó (vì kẻ xấu thường sử dụng sim rác, không đăng ký hoặc đăng ký sai thông tin cá nhân để khủng bố nên hầu như không có manh mối). Điều này thường vượt quá khả năng của Công an phường, thậm chí là Công an quận.

Trách nhiệm trước hết thuộc về nhà mạng

Việc chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận, cũng như cuộc đua giành giật số thuê bao của 7 nhà cung cấp dịch vụ trên thị trường viễn thông thông qua các chương trình khuyến mại "nhân đôi, nhân ba" tài khoản sim đã làm cho số lượng "sim rác", chỉ dùng một lần rồi vứt đi ngày càng nhiều. Đáng nói hơn, việc quản lý thuê bao trả trước (TBTT) dường như đang được các nhà mạng thả lỏng cho các đại lý. Bằng chứng là, ở bất kỳ đâu, với bất kỳ mạng di động nào, khách hàng cũng có thể sở hữu số lượng sim tuỳ thích mà không cần xuất trình CMND hoặc đăng ký thông tin bởi việc này đã có các đại lý kích hoạt sẵn và đăng ký hộ.

Tính đến ngày 31/1, cả nước vẫn còn gần 1,5 triệu TBTT chưa đăng ký, bị trùng dữ liệu và vượt quá 3 sim/1 mạng. Nhưng cho đến nay, TBTT vi phạm bị các nhà mạng cắt theo đúng quy định vẫn chưa có con số chính xác (bởi mỗi mạng công bố 1 kiểu và không có ai giám sát việc xử lý này), cũng không có đại lý hay nhà mạng nào bị phạt vì vi phạm quy định.

Nhà mạng tiếp tục sản xuất "sim rác" bán kiếm lời, lại tăng được cả lượng thuê bao; đại lý bán sim càng được nhiều, chiết khấu phần trăm càng lớn. Vì lợi nhuận, cả doanh nghiệp lẫn đại lý đều tìm cách "lách luật". Và mặt trái của sự phát triển thiếu bền vững này (sim rác tăng chóng mặt) là nạn quấy nhiễu, khủng bố qua điện thoại ngày càng nhức nhối. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có đến 99% số điện thoại dùng để quấy rối, khủng bố người khác hiện nay là TBTT. 

Việc truy tìm thủ phạm khủng bố qua điện thoại bằng TBTT trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do việc quản lý cơ sở dữ liệu về TBTT của các nhà mạng hiện nay đều đang bất ổn về mặt quản lý. Quy định khách hàng khi mua sim phải xuất trình CMND đã không được các đại lý bán sim, thẻ thực hiện nghiêm túc, triệt để. Mặt khác, hệ thống phần mềm quản lý thông tin TBTT của các nhà cung cấp dịch vụ hiện nay còn thiếu sót, chưa hoàn chỉnh đã dẫn đến việc thông tin mà khách hàng đăng ký thiếu chính xác (đăng ký sai số CMND và họ tên vẫn được hệ thống chấp nhận). Vì thế, cơ quan Công an rất khó xác định danh tính của kẻ khủng bố.

Thiết nghĩ, để hạn chế tối đa nạn khủng bố qua điện thoại, điều cốt yếu vẫn là việc nhà mạng phải quản lý chặt thuê bao, đặc biệt là TBTT bằng nhiều biện pháp đồng bộ cả về mặt hành chính, kỹ thuật cũng như cơ chế xử phạt. Ngoài ra, các mạng di động cũng nên thành lập một bộ phận phụ trách an ninh, trong đó có tổ công tác phòng chống và xử lý khủng bố qua điện thoại, bảo vệ khách hàng.

Đồng thời, có thể thành lập một tổ chức hay hiệp hội làm trung gian, có chức năng đứng ra bảo vệ các nạn nhân bị khủng bố như Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng… Về mặt quản lý Nhà nước,  Bộ TT&TT cũng cần phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an để xây dựng một hành lang pháp lý trong việc xử phạt các đối tượng vi phạm quy định của Chính phủ về quản lý TBTT, không bỏ sót đối tượng nào, từ nhà cung cấp dịch vụ, đại lý đến người tiêu dùng.

Sau hơn một tuần chúng tôi gửi câu hỏi tới 3 "đại gia" di động là Viettel, VinaPhone và MobiFone về việc "trong năm 2009, có bao nhiêu trường hợp nạn nhân bị "khủng bố điện thoại gửi đơn khiếu nại yêu cầu nhà mạng can thiệp? Và nhà mạng đã cắt bao nhiêu thuê bao vi phạm quy định khi có đủ bằng chứng?" thì đại diện truyền thông của cả 3 nhà mạng đều né tránh câu hỏi bằng cách "khất", xin thêm thời gian vì phòng chăm sóc khách hàng của công ty chưa có bản tổng hợp và thống kê số liệu đầy đủ, cụ thể.

Điều này chứng tỏ mặc dù nạn quấy rối và khủng bố điện thoại di động đang trở thành một vấn đề nhức nhối xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng vạn người dân, xâm phạm cuộc sống riêng tư, thậm chí cả tính mạng của họ, song dường như các nhà mạng vẫn chẳng mấy quan tâm. Đó là chưa muốn nói, khi đề cập đến trách nhiệm quản lý, họ còn "đá bóng" trách nhiệm sang cho đại lý.

Ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học Nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Bộ Công an: Có thể tìm được kẻ khủng bố điện thoại

Dù tội phạm có tinh vi đến đâu thì trong quá trình hành động chúng vẫn để lại dấu vết. Trong môi trường mạng, những dấu vết mà tội phạm để lại được gọi là "chứng cứ điện tử". Thông thường thì theo quy định, cuộc gọi, tin nhắn điện thoại của khách hàng được lưu giữ trên tổng đài trong thời gian nhất định. Vì thế, trong trường hợp xác định đối tượng khủng bố có dấu hiệu hình sự, cơ quan chức năng có thể phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ xác định ngày, giờ của các cuộc gọi, tin nhắn mà chúng thực hiện qua tổng đài. Trong trường hợp nếu thời gian lưu trữ đã hết hạn, có thể khôi phục được tin nhắn, cuộc gọi mà đối tượng đã thực hiện bằng thiết bị đọc sim. Tuy nhiên, việc này rất kỳ công, phức tạp và vô cùng tốn kém. Vì thế, nó chỉ được áp dụng trong các trường hợp đặc biệt như tội phạm có dấu hiệu hình sự (khủng bố điện thoại tống tiền, đe dọa giết người) hoặc ảnh hưởng nguy hại đến an ninh quốc gia.

Bà Nguyễn Thu Hồng, đại diện truyền thông của VinaPhone: Sẽ cắt thuê bao vi phạm nếu có đủ bằng chứng

Khi bị quấy rối bằng tin nhắn hay cuộc gọi, khách hàng cần làm đơn khiếu nại gửi tới Bưu điện nơi khách hàng đăng ký thuê bao. Trên cơ sở đó, VinaPhone sẽ xem xét và xử lý. Việc xử lý khiếu nại cần phải căn cứ vào các chứng cứ cụ thể. Nếu bị quấy rối bằng tin nhắn thì khách hàng phải lưu lại tin nhắn, nếu bị quấy rối bằng cuộc gọi thì khách hàng phải ghi âm lại cuộc gọi. Trong trường hợp khách hàng đưa ra được chứng cứ đầy đủ, thuê bao khủng bố thuộc VinaPhone thì trước tiên bộ phận dịch vụ khách hàng sẽ yêu cầu thuê bao đó không được tiếp tục hành động khủng bố, quấy rối. Đối với các thuê bao trả sau, có đăng ký, VinaPhone sẽ gửi thông báo bằng văn bản. Đối với thuê bao trả trước không có địa chỉ đăng ký, VinaPhone sẽ gửi tin nhắn yêu cầu gọi trực tiếp. Nếu như đã cảnh báo rồi mà vẫn tiếp diễn thì VinaPhone sẽ cắt dịch vụ của thuê bao đó. Trong trường hợp phức tạp thì VinaPhone sẽ nhờ Công an can thiệp.

Ông Trần Ngọc Tiếp, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông: Nhà mạng không thể chối bỏ trách nhiệm

Khi họp bàn với cơ quan chủ quản, một số doanh nghiệp lớn đã hàm ý cho rằng, sim rác phát triển tran lan và không kiểm soát được là do các đại lý và điểm giao dịch, và họ "hứa" trước Bộ là sẽ thắt chặt các qui chế, tăng cường kiểm tra, xử phạt các điểm đại lý nếu vi phạm. Nhưng xét cho cùng, đại lý chỉ là "đồng phạm", còn trên thực tế, chuyện quản lý hoàn toàn nằm trong tay nhà mạng. Vì thế, bất luận trong trường hợp nào, nhà mạng cũng không thể chối bỏ trách nhiệm của mình. Với việc gián tiếp thông qua các đại lý, các nhà mạng đã vô tư để khách hàng sử dụng dịch vụ một cách nhanh nhất mà không cần bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào. Đó là chưa nói đến chuyện nhà mạng còn gian lận trong việc báo cáo số lượng thuê bao, thông đồng với các đại lý uỷ quyền tự "bịa" ra số CMND, thông tin về thuê bao để đăng ký, lấy thành tích, gây thất thoát của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Sắp tới, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với lực lượng Công an để "phanh phui" và xử lý nghiêm các hành vi gian lận này.

Hoàng Mai

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文