Kỳ tích mới trong y học Việt Nam
Phẫu thuật dị tật hi hữu
Khi chúng tôi có mặt ở Khoa Hồi sức cấp cứu của trung tâm, cô bé Hoàng Thị Xuyến (16 tuổi, ở Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã hoàn toàn tỉnh táo, da dẻ hồng hào dù mới sang ngày thứ 2 sau phẫu thuật. Thấy chúng tôi đến thăm, cô bé chào với nụ cười tươi. Xuyến và người thân của em đều không thể ngờ nổi sự hồi sinh kỳ diệu này, khi em đã được sống những ngày đầu tiên trong đời không bị khó thở và không bị tím tái.
PGS. TS Lê Ngọc Thành thăm bệnh nhân Hoàng Thị Xuyến sau 2 ngày phẫu thuật. |
PGS. TS Lê Ngọc Thành - PGĐ Bệnh viện E, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (cũng là PCT kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Phẫu thuật viên tim mạch-lồng ngực châu Á), cho biết: Từ khi sinh ra, Xuyến đã bị dị dạng tim cực kỳ hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam, mà cả ở thế giới: máu ở toàn bộ hệ thống tĩnh mạch chủ đổ về tim trái, thay vì đổ về bên phải rồi lên phổi trao đổi oxy và tuần hoàn trở lại tim trái như mọi người. Lượng máu lên phổi rất nhỏ. Người bình thường tỉ lệ bão hòa oxy là 98-100%, nhưng của Xuyến chỉ có 49-50%. Vì thế, từ bé em thở rất khó khăn, môi và các ngón chân, ngón tay luôn tím đen. Do gần như không sử dụng nên nhĩ phải, thất phải của em đều bị teo nhỏ. Gia đình đã đưa Xuyến đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng đều bị từ chối, vì dị tật của em quá phức tạp và chưa từng gặp ở Việt Nam.
Mới đây, trong lần đi khám sàng lọc ở Bắc Kạn, PGS. TS Lê Ngọc Thành phát hiện ra trường hợp dị tật đặc biệt này nên quyết định đưa em về Hà Nội. Thế là chiều 30-3-2012, ca phẫu thuật đã được tiến hành, kéo dài từ 14h đến 17h, do đích thân PGS.TS Lê Ngọc Thành thực hiện và đã thành công như mong đợi. PGS. TS Lê Ngọc Thành cười rất tươi, chia sẻ: Trước khi mổ, bệnh nhân thở máy qua nội khí quản mà tỉ lệ bão hòa ôxy của em cũng chỉ đạt 69%, thế mà ngay sau mổ đã đạt 100%. Chúng tôi rất đỗi vui mừng trước kết quả này.
Kết quả này không chỉ có ý nghĩa với sự phát triển của y học Việt Nam, mà còn vô cùng quan trọng với tương lai của bệnh nhân - một cô gái còn rất trẻ, khi giúp em thực sự làm một cuộc đổi đời, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Đặt stent không cần mổ cho bệnh nhân chấn thương ngực
Trước đó 1 tuần, ngày 23/3/2012, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Hà Nội cũng đã cùng các bác sĩ của Nhật Bản đặt stent cho một bệnh nhân bị chấn thương ngực nặng. Ở Việt Nam, đã có nhiều ca đặt stent, nhưng đều do bệnh lý, còn với chấn thương thì chưa, vì việc phát hiện và chẩn đoán rất khó khăn.
Bệnh nhân Vũ Văn Lừng, 22 tuổi, người Nghệ An bị tai nạn lao động ở nước ngoài. Sau khi đi khám ở một số nơi, anh được kết luận là có khối u. Nhưng khi xem kết quả kiểm tra, PGS. TS Lê Ngọc Thành khẳng định là phồng động mạch chủ sau chấn thương. Trường hợp này rất khó nên nếu phẫu thuật mở thì tỉ lệ thành công thấp, có nguy cơ gây thiếu máu các cơ quan phía dưới, dẫn đến bị liệt 2 chi dưới, bệnh nhân hồi phục cũng lâu hơn nhiều. Vậy là PGS. TS Lê Ngọc Thành quyết định “mời” các chuyên gia Nhật sang phối hợp, vừa để đảm bảo thành công 100%, vừa để chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ ở trung tâm, hơn nữa, bệnh nhân còn được miễn phí toàn bộ.
Bệnh nhân Vũ Văn Lừng chuẩn bị ra viện sau 1 tuần mổ. |
Ca đặt stent không cần phẫu thuật cho nạn nhân bị chấn thương vùng ngực đầu tiên tại Việt Nam đã thành công mỹ mãn. Sau 1 tuần, khi chúng tôi đến thì bệnh nhân Vũ Văn Lừng đang chuẩn bị ra viện. PGS. TS Lê Ngọc Thành cho biết: Lẽ ra, bệnh nhân có thể ra viện sớm hơn, nhưng vì là ca đầu tiên nên trung tâm muốn theo dõi kỹ càng để bệnh nhân thật sự ổn định mới cho xuất viện.
Những thành công trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật hiện đại vào phẫu thuật tim mạch của Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E Hà Nội có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự sống của biết bao bệnh nhân tim mạch, bởi đã tạo cho họ cơ hội được đổi đời