Lai tạo giống cây thích ứng với hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long
- Giống lúa ngon nhất thế giới được cấp bằng bảo hộ
- Triển khai sản xuất hàng hóa đối với giống lúa ngon nhất thế giới ST25
- Tìm tương lai trong giống lúa cổ
Việc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chịu mặn có ý nghĩa rất lớn đối với ĐBSCL - vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, nơi cung ứng hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước nhưng lại là một trong 3 vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH. Trong suốt nhiều năm qua, GS-TS Nguyễn Thị Lang (Nghiên cứu viên cao cấp Viện lúa ĐBSCL) đã quyết tâm tạo ra các giống lúa chất lượng, giữ vai trò chủ lực trong vụ mùa tại Nam Bộ. Công cuộc đi tìm những giống lúa thích nghi với BĐKH là một nhiệm vụ cấp bách, đầy khó khăn và thử thách.
Trong hơn 25 năm làm nghiên cứu, GS-TS Nguyễn Thị Lang đã lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng, đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.
Một cánh đồng lúa giống chất lượng cao ở huyện Thoại Sơn (An Giang). |
Một trong những đóng góp nổi bật của GS-TS Nguyễn Thị Lang là việc chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống “lúa ma”. “Lúa ma” là giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt ở vùng Đồng Tháp Mười. GS-TS Nguyễn Thị Lang đã lặn lội về nơi này tìm cách nghiên cứu kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của “lúa ma” với giống lúa cao sản để tạo nên giống lúa mới.
Hơn 10 năm ròng rã, giống lúa mới mang tên AS996 (hay còn gọi là OM2424) đã ra đời với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu.
Đặc biệt, có khả năng phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao… trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt. AS996 không chỉ được trồng rộng rãi ở các vùng ngập mặn nước ta mà còn được chuyển giao sang nhiều nước trên thế giới. Tiếp sau đó, hàng chục giống lúa chịu mặn tiếp tục ra đời như: OM4498, OM5930, OM4900, OM6073…
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, dự kiến, năm 2020 diện tích lúa đặc sản của tỉnh sẽ đạt 178.000ha, sản lượng trên 1,08 triệu tấn. Tới đây, ngoài việc tăng diện tích sản xuất lúa đặc sản, ngành nông nghiệp còn triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị hạt gạo thơm Sóc Trăng cũng như xây dựng các vùng sản xuất lúa đặc sản, bằng cách mở rộng mạng lưới sản xuất lúa giống xác nhận, hỗ trợ tập huấn sản xuất giống, triển khai các mô hình trình diễn giống, hội thảo đánh giá giống.
Vào mùa khô năm 2010, khi tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra, lãnh đạo UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã đến Trường Đại học Cần Thơ nhờ nghiên cứu, tìm giống lúa mới chịu mặn cao cho nông dân.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, dựa trên giống lúa Một bụi đỏ đã có từ lâu tại huyện này, PGS-TS Võ Công Thành (Trường ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu nhân giống lúa Một bụi đỏ mới có khả năng chịu mặn từ 6‰-8‰. Từ năm 2011, giống lúa này được trồng tại huyện Hồng Dân với gần 15.000ha. Đặc biệt, giống lúa Một bụi đỏ cho cơm dẻo, mềm và nhất là không sử dụng phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật nên cho nguồn gạo sạch, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ngoài ra, PGS-TS Võ Công Thành đã cùng các cộng sự lai tạo, cho ra đời bộ giống CTUS1 (lúa Sỏi) có khả năng chịu mặn từ 9‰-10‰. Năm 2011, lúa Sỏi cũng được trồng thử nghiệm tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), cho năng suất trung bình 6 tấn/ha trên diện tích vài trăm ha. Lúa Sỏi là giống lúa dài ngày, có thể sống trong môi trường nước mặn dùng để nuôi tôm, kháng bệnh đạo ôn, rầy nâu và quan trọng là gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…