Lương y Võ Hoàng Yên: Tôi là người bình thường, không có gì huyền bí

13:30 04/09/2011
Lương y Võ Hoàng Yên chia sẻ: Những bệnh nhân tuổi cao, sức yếu, tuổi nhỏ (dưới 15 tuổi) hay nhiều trường hợp bị di chứng não, đao thì tôi bó tay. Do đó trước khi tìm đến tôi, mong các bệnh nhân tìm hiểu kỹ kẻo mất thời gian, tiền bạc đi lại, bởi tôi thường nói không phải bệnh gì tôi cũng trị được và tôi chẳng "thần thánh" như nhiều người gán ghép, đồn thổi...
>>Hơn 150 bệnh nhân được ông Võ Hoàng Yên chữa trị bệnh

Sau nhiều cuộc hẹn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hoàng Yên, người đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước với phương pháp chữa bệnh (nan y) xoa bóp day ấn huyệt của mình. Mới đây, ông được tỉnh Bình Phước cho phép chữa bệnh tại một số địa phương trong tỉnh, xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về phương pháp chữa bệnh. Gặp ông tại một quán cà phê tại thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), ông Võ Hoàng Yên đã cởi mở cho chúng tôi biết nhiều điều về con người ông vốn có nhiều sự thú vị và đượm buồn.

Ông học nghề xoa bóp day ấn huyệt từ bao giờ, ai dạy cho ông?

Thuở nhỏ nhà tôi rất nghèo, không có tiền nuôi tôi ăn học nên đã gửi tôi vào chùa Hưng Nghĩa Tự (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau). Tại đây những năm đầu tôi chỉ ở qua ngày, nhà chùa chăm lo cho tôi miếng ăn và bảo gì tôi làm nấy. Đến cuối lớp 9 tôi vào ở hẳn trong chùa và sống đến hết cấp ba. Trong những năm ở chùa, tôi thường xuyên bị đau cột sống và vai. Tình cờ gặp một người quen quê ở tỉnh An Giang, nói rằng bệnh này khỏi cần đi bệnh viện để ông trị cho và hứa sẽ khỏe mạnh. Tôi được ông ấy ấn huyệt và giúp khỏe mạnh lại không cần tốn hàng triệu đồng mỗi khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) điều trị. Từ đó, tôi suy nghĩ tại sao mình không học để cứu chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ suy nghĩ đó, tôi mất nhiều năm đi học các thầy lương y về bắt mạch. Từ sự dạy dỗ của các thầy cộng với sự dày công tự học, tôi đã tự xây dựng phương pháp chữa bệnh riêng cho mình. Đến năm 2006, từ bạn bè, người thân được tôi chữa trị khỏi bệnh, tôi cảm thấy có niềm vui và tự trau dồi thêm kinh nghiệm, kiến thức và đã chữa thành công nhiều căn bệnh được liệt vào hạng "nan y". Nói rằng tự học thì vô ơn với các người thầy nhưng thú thật tôi đã rất dày công để xây dựng phương pháp chữa trị bệnh riêng cho mình.

Ông ở chùa Hưng Nghĩa Tự trong bao lâu?

Từ năm 16 tuổi nhưng sau đó sống học tập, làm việc luôn từ năm lớp chín và đến hết cấp ba.

Sau đó ông chuyển đi đâu sinh sống?

Những ngày đi thi đại học tại TP Hồ Chí Minh, tôi có quen một người bạn ở tỉnh Bình Thuận. Thi đại học xong, tôi theo người bạn về Bình Thuận chơi. Tại đây, sau những ngày sống nhờ vả bạn bè, tôi đã đi kiếm việc bằng cách xin đi dạy kèm và trở thành gia sư. Biết tin mình đậu đại học nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi lưu lại Bình Thuận tiếp tục làm gia sư và gửi đơn lên trường xin bảo lưu kết quả. Nghề dạy kèm mang lại cho tôi cuộc sống đỡ vất vả hơn. Tôi có may mắn là được một lãnh đạo ở tỉnh Bình Thuận cưu mang, giúp đỡ. Và sau nhiều năm dành dụm từ dạy kèm và người khác giúp đỡ, tôi đã mua được đất để trồng rừng và trồng cao su tại Bình Thuận. Khi cuộc sống đã tương đối ổn định, tôi mới quay lại với sách đèn và mãi đến năm 2005, tôi mới nhận mảnh bằng cử nhân Đại học Luật tại TP Hồ Chí Minh.

Những căn bệnh gì ông thường hay chữa trị?

Câm điếc (trong khả năng điều trị được), tai biến dẫn đến bại liệt còn khả năng cứu chữa, thoái hóa cột sống... Nhưng tuổi cao, sức yếu, tuổi nhỏ (dưới 15 tuổi) hay nhiều trường hợp bị di chứng não, đao thì tôi bó tay. Do đó trước khi tìm đến tôi, mong các bệnh nhân tìm hiểu kỹ kẻo mất thời gian, tiền bạc đi lại, đừng đến gặp tôi để rồi thất vọng. Bởi tôi thường nói không phải bệnh gì tôi cũng trị được và tôi chẳng "thần thánh" gì như nhiều người cứ gán ghép, đồn thổi. Tôi xin khẳng định phương pháp chữa trị bệnh của tôi cần thực hiện nhiều lần chứ không phải một lần là xong. Để đạt hiệu quả lâu dài, người bệnh phải có ý chí vượt lên số phận, vươn lên chính bản thân mình, thường xuyên tập luyện và phải có chế độ ăn uống phù hợp.

Bệnh nhân từ khắp các tỉnh, thành trong nước chờ tại chùa Quang Minh, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước để được ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh.

Ông chữa trị bệnh miễn phí. Vậy tiền bạc đâu để ông chi phí, trang trải cho những chuyến đi dài ngày?

Tôi xin nói thêm, thuở nhỏ gia đình tôi rất nghèo và cái nghèo đã hằn sâu trong tâm trí. Nên lớn lên tôi quyết tâm làm việc thiện để chia sẻ một phần gánh nặng với những người không may gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Hiện nay tôi đã có một cuộc sống tương đối ổn định nên tôi càng có điều kiện hơn để thực hiện ước muốn giúp đỡ người nghèo. Tôi xin nói thêm, hầu hết những bệnh nhân đến nhờ tôi giúp đỡ đã "cháy túi" vì mắc bệnh hiểm nghèo, họ rất nghèo và khi đến với tôi họ chỉ có mơ ước giản dị là: tìm cơ hội sống. Tuy nhiên những nơi mời tôi đến chữa bệnh (được sự chấp thuận của cơ quan chức năng - PV) luôn đảm bảo cho tôi về nơi ăn chốn nghỉ, phương tiện di chuyển.

Nhưng ước muốn của ông bị hụt hẫng bởi ông chưa có giấy phép hành nghề, nhất là trước đây trị lén lút, thậm chí bị phạt vạ. Vậy có khi nào ông muốn bỏ nghề?

Tôi chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, chẳng tư lợi gì cả, việc này mọi người biết. Cũng vì mong muốn được giúp đỡ, phục vụ nên tôi đã bị ngành Y tế chính quê hương tôi là thị trấn Cái Nước phạt vi phạm hành chính đến ba lần với tổng số tiền 9 triệu đồng. Sau nhiều lần bị phạt, cha mẹ, bạn bè, người thân khuyên tôi nên bỏ nghề... Tôi buồn lắm, tủi thân lắm, nhục nhã lắm (nói đến đây ông Yên rưng rưng nước mắt - PV). Nhiều đêm nằm thui thủi khóc một mình, biết tỏ cùng ai. Nhưng lương tâm mách bảo tôi không được từ bỏ và gạt qua những đau khổ, cộng với sự ủng hộ của một số lãnh đạo, anh em báo chí, tôi quyết tâm đưa khả năng của mình ra phục vụ người bệnh. Trong lúc khó khăn, một số lãnh đạo tỉnh Bình Phước tạo điều kiện để tôi về chữa bệnh giúp người dân trong và ngoài tỉnh Bình Phước.

Ông Võ Hoàng Yên chữa trị cho bệnh nhân tại chùa Quang Minh, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước chiều 27/8. Ảnh: Long Điền

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã chấp thuận cho ông xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học về phương pháp chữa trị bệnh của mình. Với kiến thức hiện có, ông có dám khẳng định mình sẽ thực hiện được?

Một mình tôi thì hơi khó khăn nhưng may mắn cho tôi được nhiều cơ quan chức năng chấp thuận giúp đỡ tôi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Việc này sẽ mất rất nhiều thời gian nhưng tôi quyết tâm không bỏ cuộc vì tôi hiểu rằng sống trong một đất nước, người dân luôn phải sống đúng theo Hiến pháp và pháp luật do nhà nước quy định. Nếu thành công, đây sẽ là cơ hội để tôi hành nghề hợp pháp. Nhân đây tôi cũng xin chân thành cảm ơn quý lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Đặc biệt sự tin tưởng, ủng hộ nhiệt tình của thân nhân các bệnh nhân.

Ông có thể kể về cuộc sống hiện tại của mình?

Năm nay tôi 36 tuổi. Tôi ăn chay từ năm 16 tuổi, không uống rượu, không hút thuốc lá. Công việc ở nhà, tôi đã giao cho người thân làm giúp. Công việc trông coi vườn cao su, trồng rừng đã có người đảm đương. Vì gắn bó nhiều năm với nhau nên tôi khá yên tâm, chỉ cần trao đổi qua điện thoại là xong việc. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, hiện tôi đã có cuộc sống tương đối ổn định, không còn phải lo cơm áo gạo tiền nữa. Tuy thế "có thực mới vực được đạo", không có tiền làm sao tôi dám bỏ cả tuần đi khắp nơi chữa bệnh miễn phí.

Mỗi chuyến đi, ông đi với ai hay chỉ một mình?

Tôi đã truyền nghề cho một số người trước đây là bệnh nhân của tôi. Tuy chữa trị chưa tốt lắm nhưng cũng giúp tôi được nhiều mỗi khi tôi... đuối. Sau đó vì mến tôi nên trong các chuyến đi, họ đều xin phép theo tôi để tiếp tục học nghề.

Trung bình một ngày ông có thể chữa trị cho bao nhiêu bệnh nhân?

Từ 80 - 100 bệnh nhân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chiều 26/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành để bàn giải pháp tiếp theo nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ông Võ Hoàng Yên tiếp tục điều trị bệnh cho nhân dân. Tại cuộc họp này, UBND tỉnh Bình Phước hoan nghênh ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh có trách nhiệm và có tâm với người bệnh và cộng đồng. Ông Thiệu đề nghị các ngành chức năng tham mưu đề xuất với UBND tỉnh, đặc biệt là Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật và Hội Đông y tỉnh cần nghiên cứu chủ trương, tìm ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ông Yên sớm có giấy phép hành nghề… Trên cơ sở đề nghị của các ngành, UBND tỉnh cho phép ông Võ Hoàng Yên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Dùng phương pháp xoa bóp day ấn huyệt để phục hồi chức năng một số bệnh câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống". Thời gian thực hiện đề tài từ 6 tháng đến 1 năm.

Long Điền - Văn Út (thực hiện)

Kết quả kiểm tra hiện trường tàu trật bánh của các cơ quan chức năng tại khu gian thuộc địa phận huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), bước đầu cho thấy đoạn tuyến xảy ra nhiều vụ tai nạn đi qua khu vực có địa hình đồi núi, bình diện tuyến xấu, có nhiều đường cong bán kính nhỏ, trái chiều liên tiếp nhau. Tại ga Lăng Cô có các bộ ghi cũ, tang ghi lớn, chiều dài ghi ngắn, chưa đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tôi biết bút danh Nguyễn Khắc Trường đầu tiên gắn trên trang bìa tiểu thuyết “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Tôi mua cuốn sách này khi tác phẩm vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1991 cùng với “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thân phận tình yêu” (Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh và sức nóng của nó tràn ngập các báo, đài.

Ngày 5/10, gia đình sản phụ K'H (SN 1995, ngụ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), đã có đơn đề nghị Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng làm rõ nguyên nhân tử vong của sản phụ này sau 11 ngày mổ sinh con.

Chiều 4/10, thay mặt Đảng uỷ, lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Phạm Hoàng Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang đã đến thăm hỏi, động viên gia đình Thượng uý Ma Công Huyên, cán bộ Công an thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình bị thương khi làm nhiệm vụ.

Chị Lô Thị Thắm, trú Nghĩa Thái, Tân Kỳ, Nghệ An có biểu hiện bất thường về tâm lý bỏ nhà đi, gia đình đi nhiều nơi để tìm kiếm. Mới đây, chị Thắm đã được Công an huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình giúp đỡ về với gia đình sau nhiều ngày thất lạc.

Ngày 5/10, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự Phan Văn Tùng (SN 1998, HKTT tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; hiện trú tại: Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn giả danh shipper giao hàng, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, chiếm đoạt hơn 130 triệu đồng.

Lực lượng chức năng cần tìm chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của xe ôtô Porsche Cayenne, màu xám, BKS 30G-36733, SM DCB197178, SK WP1ZZZ9YZLDA61736.

Mặc dù hành vi phạm tội của các đối tượng khá tinh vi, lấy quỹ của chương trình “Cây chổi vàng” làm bình phong để cưỡng đoạt tài sản nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phạm tội của các đối tượng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文