Sinh viên Việt Nam chế tạo được robot giúp do thám, tháo gỡ bom mìn

09:54 16/09/2015
Sau 8 tháng nghiên cứu, nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng, gồm: Ngô Diên Bảo Triết, Lê Tự Duy Hoàng và Trần Văn Chính, đã sáng tạo ra robot có khả năng giúp con người tăng năng suất công việc; đặc biệt là giảm thiểu rủi ro trong việc do thám quân sự, tháo gỡ bom mìn, hay thám hiểm địa chất.

Triết, đại diện nhóm cho biết, ngày nay robot đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất, cứu hộ và thám hiểm ở những nơi con người không thể đặt chân tới. Robot có thể di chuyển tự động; hoặc có thể được điều khiển bởi con người từ xa. Nhờ tính bền vững và linh hoạt cao hơn các robot khác, Hexapod robot – robot 6 chân thường được sử dụng để làm những công việc như trên. “Xuất phát từ thực tế đó, chúng em chọn đề tài nghiên cứu và phát triển robot 6 chân có thể hỗ trợ thám hiểm, đo đạc và tháo gỡ bom mìn”, Triết nói.

Sau khi đề tài được duyệt, Triết cùng Hoàng và Chính đã tranh thủ sắp xếp việc học để họp nhóm nhiều lần lên ý tưởng sáng tạo, mua linh kiện và các thiết bị phù hợp về lắp ráp. Cả nhóm được sự hướng dẫn tận tình của giảng viên Trần Văn Líc nên đã hoàn thành mô hình robot như họ mong đợi. 

Vào tháng 6/2015, khi đưa mô hình robot đi tham dự Ngày hội sáng tạo khoa học Trường ĐH Bách khoa, các bạn đã xuất sắc mang về giải nhất toàn trường trong niềm tự hào. Triết nói: “Theo tìm hiểu của chúng em, thiết kế robot 6 chân đã được nhiều nước nghiên cứu chế tạo. Thế nhưng, sản phẩm của chúng em sử dụng các linh kiện và thiết bị vi điều khiển hoàn toàn khác biệt, nhưng chi phí chỉ khoảng 4 triệu đồng”. 

Theo Triết, bộ phận quan trọng nhất của robot là vi điều khiển trung tâm và các động cơ. Về nguyên lý, sự chuyển động làm việc của robot và các chân nhờ vào hoạt động của động cơ Servo, cảm biến, Tiva-C và các thuật toán. Robot có thể được lắp camera để dễ dàng tránh vật cản, di chuyển dễ dàng theo hình tròn, địa hình bằng phẳng hay gồ ghề để thực hiện nhiệm vụ thăm dò, thám hiểm với việc gửi hình ảnh trực tiếp đến máy tính. 

“Hiện robot 6 chân đang được chúng em tiếp tục hoàn thiện hơn nữa; không chỉ hỗ trợ thám hiểm, đo đạc, tháo gỡ bom mìn, mà còn có thể làm đồ chơi trẻ em, thay thế sức lao động con người...”, Triết bày tỏ. 

Giảng viên Trần Văn Líc – Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhận xét: Nhóm em Triết đã tạo ra được mô hình hoàn chỉnh robot 6 chân, có khả năng di chuyển, nhảy, múa theo điệu nhạc. Robot này có thể thay con người trong việc tiếp cận các môi trường nguy hiểm. 

“Tôi nghĩ rất thích hợp ứng dụng trong quân sự để tiếp cận và phát hiện bom mìn khi gắn thêm máy rà bom vào. Còn hiện tại robot chưa có thể tự tháo gỡ bom mìn, phụ thuộc chủ yếu vào phần lập trình, phần chất xám các em bỏ ra, nếu được quan tâm đầu tư từ các cá nhân, tổ chức trong thời gian tới”, thầy Líc khẳng định.

Văn Luận

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文