Valentina Tereshkova - Nữ phi hành gia đầu tiên bay vào vũ trụ

13:15 30/04/2007
Đã gần 44 năm trôi qua kể từ tháng 6/1963 khi người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bay vào vũ trụ. Nhưng có nhiều bí mật của chuyến bay cho đến hôm nay mới được chính Valentina Tereshkova tiết lộ vào dịp sinh nhật lần thứ 70 của bà hồi tháng Ba vừa qua.

Hạnh phúc khó khăn

Theo chính Valentina Tereshkova, bà chỉ có một niềm say mê. “Đó là Hành tinh Đỏ (sao Hỏa) bí ẩn đến ngạc nhiên mà tôi và Sergey Pavlovich Koroljov (Tổng công trình sư các tàu vũ trụ Liên Xô) đã từng mơ ước mấy chục năm trước”. “Tôi sẵn sàng bay đến đó và thậm chí không trở về” – Bà nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo trước ngày sinh lần thứ 70 vào ngày 6/3/2007.

Nhưng tên tuổi của bà lại gắn liền với Trái đất chứ không phải sao Hỏa. Tháng 6/1963, toàn thế giới sững sờ trước tin “Hải âu Nga” (người ta gọi bà như thế) bay vào vũ trụ.

Số phận đã giúp cô gái sinh trưởng trong một gia đình nông dân, sau khi tốt nghiệp trung học hệ buổi tối đi làm công nhân trong nhà máy dệt, bay lên trời sao và trở thành “câu chuyện cổ tích về một nàng Lọ Lem của vũ trụ”.

Trong thời gian làm việc trong nhà máy song song với học buổi tối ở trường kỹ thuật, Valentina đã mê bầu trời. Cô tham gia tập luyện trong Câu lạc bộ bay địa phương. Cô đã thực hiện tất cả 163 cú nhảy dù. Nhưng nhảy thôi không đủ, người con gái này mơ ước được bay. Và cô đã thi tuyển được vào Đội du hành vũ trụ nữ đầu tiên. Chính tại đây, người ta mới dạy cô lái máy bay.

“Nhóm nữ du hành vũ trụ gồm năm người tập vất vả hơn nam giới” - Valentina Tereshkova nhớ lại rằng hệ thống huấn luyện nhà du hành vũ trụ thời đó quá khắc nghiệt. Nhưng “tất cả cùng chung một ý chí: bằng mọi giá huấn luyện thành công và bay vào vũ trụ”.

Chuyến bay của nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên của Trái đất trên con tàu vũ trụ Phương Đông 6 lên quỹ đạo gần Trái đất cùng đồng thời với chuyến bay của nhà du hành Valeri Bykovski trên con tàu Phương Đông 5 đã kéo dài 2 ngày 22 giờ 50 phút.

Trong thời gian đó, con tàu đã chở nhà nữ du hành bay 48 vòng quanh hành tinh chúng ta. Nhưng khoảng thời gian trên vũ trụ lại hoàn toàn không phải là lúc mà Tereshkova cảm thấy hạnh phúc nhất.

Đó là chuyến bay cực kỳ mạo hiểm. Y học còn chưa có thông tin chắc chắn về ảnh hưởng của nó lên cơ thể phụ nữ. Khoang lái của tàu Phương Đông thì chính các nhà thiết kế cũng gọi là “hộp thịt”: Nó chật đến mức nhà du hành vũ trụ mặc bộ quần áo bảo vệ cồng kềnh phải rất khó khăn mới cử động được trong đó. Theo các chuyên gia: Sống 3 ngày trong điều kiện đó đối với một phụ nữ trẻ, tuy đã trải qua trường huấn luyện đặc biệt, là một chiến công thực thụ.

Ước mơ của Tereshkova trở thành hiện thực, nhưng chuyến bay nổi tiếng toàn thế giới của cô suýt nữa thì trở thành một bi kịch. Việc phóng con tàu diễn ra trôi chảy, nhưng quá trình bay trên quỹ đạo thì có một sự cố nguy hiểm. Con tàu này có một lỗi nghiêm trọng.

Trong chương trình tự động, nó được đặt chế độ bay lên thay vì hạ xuống nên Tereshkova có nguy cơ không trở về được Trái đất. “Cứ mỗi vòng bay quanh Trái đất, tôi lại xa nó thêm mãi. May mà tôi nhận ra điều đó kịp thời và báo cáo về các chuyên gia ở Trung tâm điều khiển chuyến bay trên Trái đất. Họ có những lệnh điều chỉnh kịp thời nên tôi mới hạ cánh được”.

Đó là bí mật mà Tereshkova giữ kín 40 năm, giờ mới tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Sự thật Thanh niên. “Sergey Pavlovich Koroljov đề nghị tôi giữ kín chuyện này, do đó mà đến bây giờ tôi mới nói ra” - Bà cho biết.

“Tôi hạnh phúc vì số phận đã trao cho tôi cái hạnh phúc khó khăn được ở trong số những người đặt nền móng cho con đường đi đến các vì sao” – Tereshkova nói tại cuộc họp báo.

Vì sao cô thợ dệt được chọn?

Lý lịch chính thức của Tereshkova như sau: Một cô gái bình thường quê ở làng Maslenikovo, tỉnh Jaroslavl. Bố mất tích ngoài mặt trận. Mẹ nuôi ba con nhỏ. Năm 17 tuổi, Tereshkova đi làm ở nhà máy dệt để kiếm tiền. Ngày nghỉ đến câu lạc bộ hàng không để nhảy dù. Năm 1962, cô thợ dệt 25 tuổi được chọn để vào đội  nữ du hành vũ trụ đầu tiên.

Sau chuyến bay của Gagarin vào vũ trụ, người ta bắt đầu tìm trong các câu lạc bộ hàng không khắp nước những cô gái nhảy dù dễ thương. Tổng Bí thư Khrutsjov muốn một nữ công dân Xô Viết trở thành nhà nữ du hành vũ trụ đầu tiên của trái đất.

Tereshkova thời gian này không còn là một nữ công nhân bình thường mà là Bí thư Đoàn chuyên trách của nhà máy dệt Jaroslavl. Thật ra thì việc cha cô bị mất tích ngoài mặt trận cũng có thể coi là một vết nhỏ trong lý lịch: Mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Jazov mới giúp Tereshkova tìm được ngôi mộ tập thể trong đó có chôn cha mình.

Đội nữ du hành vũ trụ đầu tiên có 5 người. Trong đó Valentina Ponomarjova và Irina Solovjova rõ ràng là giỏi hơn. Valentina Ponomarjova đã tốt nghiệp đại học, ngành hàng không, đã có kinh nghiệm bay (chị đã tham dự vào các cuộc thi toàn Liên bang về môn thể thao trên không). Còn Irina Solovjova thì là một kiện tướng môn nhảy dù, đã thực hiện hơn 700 cú nhảy.

Chỉ mỗi Tereshkova là không tốt nghiệp đại học và mới là vận động viên nhảy dù cấp 1. Trong quá trình huấn luyện cũng không phải là người khá nhất. Nhưng Ủy ban tuyển chọn lại quyết định cô sẽ bay đầu tiên. Ở đây có một số nguyên nhân.

Thứ nhất, sau vinh quang của Gagarin thì thấy rõ ra một điều: Người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ sẽ phải đi đây đi đó rất nhiều và phát biểu rất nhiều. Mà Tereshkova thì đã có kinh nghiệm là Bí thư Đoàn của một nhà máy lớn.

Nguyên nhân thứ hai, có lẽ quan trọng hơn: Tổng công trình sư Koroljov muốn trong chuyến bay của nữ tiếp theo, một trong các cô gái sẽ bước ra ngoài khoảng không vũ trụ. Ông dự kiến đó sẽ là đó Valentina Ponomarjova hoặc Irina Solovjova.--PageBreak--

Chuyến bay diễn ra như thế nào?

Ngày 14/6/1963, tàu vũ trụ Phương Đông 5 do Valeri Bykovski điều khiển được phóng lên. Một ngày sau đó, tàu Phương Đông 6 của Tereshkova rời bệ phóng. Hôm đó, các cô gái trong đội bay đến sân bay vũ trụ trong những bộ quân phục trung úy không quân mới toanh.

Một lệnh từ Martxcơva được gửi đến, thế là Tereshkova và người dự bị lập tức đi thay quần áo. Khởi hành thuận lợi. Về việc tàu mỗi lúc một rời xa Trái đất ngoài dự kiến thì đã nói ở trên. Dưới đây là về những gì Tereshkova phải chịu đựng trong chuyến bay gần 3 ngày.

Có nhiều lời đồn đại rằng Tereshkova không chịu được tình trạng không trọng lượng, rằng cô buồn nôn, chóng mặt và tất cả chương trình khoa học đi tiêu. Rằng Koroljov định kết thúc sớm chuyến bay. Rằng khi hạ cánh xong, nữ du hành vũ trụ đầu tiên định dọn dẹp bằng tay khoang đổ bộ…

Trên thực tế, những vấn đề trong chuyến bay hoàn toàn khác. Mặt đất không cho phép Tereshkova cởi bỏ bộ đồ du hành một phút nào. Mà bộ đồ và chiếc mũ thì nặng, khoang tàu lại quá hẹp, cử động khó khăn. Đến ngày thứ hai thì chân phải của cô bị đau nhức.

Tereshkova và Gagarin.

Đến ngày thứ ba thì cái đau đã trở nên khó chịu đựng nổi. Bộ đồ kéo trĩu hai vai, dưới chiếc mũ, đầu rất ngứa. Rất thèm đồ ăn bình thường trên mặt đất: bánh mì đen, khoai tây và hành. Nhưng trên tàu chỉ có bánh mì khô. Tereshkova thú nhận rằng có một lần cô buồn nôn nhưng không phải do vấn đề tiền đình mà là vì thức ăn.

Một thử thách nữa là khi tiếp đất. Khác với các kiểu tàu khác, tàu Phương Đông được thiết kế để khi trở về, nhà du hành sẽ nhảy dù ra khỏi tàu chứ không tiếp đất cùng khoang đổ bộ.

Tereshkova tiết lộ sau 44 năm: “Khi nhảy dù, tôi hoảng hồn khi nhìn thấy dưới mình là một cái hồ”. Lúc này cô không thể điều khiển chiếc dù đã mở ra ở độ cao 4 km. Các nhà nữ du hành vũ trụ được huấn luyện để hạ dù trên mặt nước. Nhưng liệu có đủ sức giữ trên mặt nước với bộ đồ bay nặng nề sau chuyến bay đến kiệt sức không? Nhưng thật may là gió đẩy dù bay qua hồ.

Khi chạm đất, Tereshkova bị đập mạnh vào giáp bảo vệ. Mũi bị bầm một vết to. Ngay sau đó, các bác sĩ phải xóa vết bầm này. Nhà nữ du hành đầu tiên không thể xuất hiện trước lãnh đạo và công chúng với vết bầm trên mặt được.

Vì sao Tereshkova không bao giờ bay nữa?

Sau chuyến bay đầu tiên, Tereshkova vẫn mơ ước được bay lên vũ trụ lần thứ hai. Bà cố gắng để được lọt vào danh sách luyện tập chuẩn bị cho chuyến bay. Nhưng sau cái chết của nhà du hành vũ trụ đầu tiên thế giới Gagarin vào năm 1968, người ta quyết định phải bảo vệ nữ du hành vũ trụ đầu tiên. Thế là Tereshkova vĩnh viễn chia tay với ước mơ bay thêm lần nữa lên khoảng không bao la.

Về cuộc sống riêng thì Valentina Tereshkova có hai đời chồng. Năm 1968, 5 tháng sau khi bay vào vũ trụ, bà lấy nhà du hành vũ trụ Andrijan Nikolajev. Họ sống cùng nhau 19 năm và có 1 con. Nhưng việc Tereshkova gánh nhiều trọng trách trong công tác xã hội, phải liên tục đi xa nhà, còn Nikolajev thì phải luyện tập để bay có lẽ đã đẩy họ ra xa nhau.

Từ giữa năm 1979, người ta ít thấy họ xuất hiện cùng nhau nhưng chưa ly dị ngay vì địa vị xã hội đặc biệt của mỗi người, đặc biệt là Tereshkova - Chủ tịch Hội Phụ nữ Liên Xô. Họ chỉ làm điều đó khi được sự đồng ý của lãnh đạo cấp cao. Sau đó Tereshkova đi bước nữa với Julij Shaposhnikov - bác sĩ quân y và họ sống với nhau được 20 năm cho đến khi ông từ trần vào năm 1999.

Dành cả cuộc đời còn lại cho nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội

Không được bay nữa, Tereshkova tiếp tục sự nghiệp của mình trên mặt đất một cách vẻ vang. Bà tốt nghiệp xuất sắc Học viện Kỹ thuật Không quân mang tên Djukovskij, trở thành Phó tiến sĩ khoa học, giáo sư, là tác giả của hơn 50 công trình khoa học.

Bà là người phụ nữ Liên Xô đầu tiên trở thành Thiếu tướng không quân. Là đại biểu Xô Viết Tối cao Liên Xô, Ủy viên BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô. Bà  là thành viên của Đội du hành vũ trụ từ năm 1962 cho đến năm 1997.

Tereshkova rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Trong vòng gần 20 năm, bà đứng đầu Hội Phụ nữ Liên Xô. Từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, bà lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Xô Viết. Từ năm 1994, bà là người đứng đầu Trung tâm Hợp tác văn hóa và khoa học với nước ngoài trực thuộc Chính phủ Nga…

Công lao của Tereshkova đã được ghi nhận bằng những phần thưởng cao quý không chỉ của Liên Xô và nước Nga mà cả của nhiều nước khác. Ngay sau chuyến bay, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và Huân chương Lenin.

Bà được bầu là công dân danh dự của thành phố quê hương Jaroslavl và nhiều thành phố khác trên thế giới. Tên của Tereshkova được đặt cho một miệng núi lửa trên Mặt Trăng và một tiểu hành tinh. Bà cũng được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động

Theo Thủy Vi (Tiền phong / Tổng hợp các báo Nga)

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文