Vì sao tuyến cáp quang quốc tế AAG liên tục gặp sự cố?

11:24 25/04/2015
Ngày 23/4, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia-America Gateway (AAG) lại tiếp tục gặp sự cố ở phân đoạn gần bờ biển Vũng Tàu, khiến cho hơn 40% lưu lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng. Điều đáng nói là chỉ trong vòng hơn 2 năm, tuyến cáp này đã có tới 5 lần bị đứt và 1 lần tạm dừng để bảo dưỡng.

Trong khi đó, trung bình mỗi lần bị đứt thì việc hàn nối, khắc phục sẽ phải kéo dài trong khoảng 2 tuần khiến cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và cá nhân ít nhiều đều bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Hầu hết các dịch vụ quốc tế sẽ bị ảnh hưởng

Mặc dù ngay sau khi sự cố đứt cáp xảy ra, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam trực tiếp khai thác tuyến cáp này, gồm VNPT, FPT, Viettel và SPT đều đã đưa ra các phương án dự phòng, như mở tối đa băng thông để giảm tối đa bất lợi cho khách hàng, đảm bảo các hướng liên lạc trong nước và quốc tế đều được thông suốt.

Một phân đoạn của tuyến cáp quang biển quốc tế AAG.

Tuy nhiên, do đây là một tuyến cáp quan trọng, chiếm 40% dung lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế, nên  khi xảy ra sự cố, việc liên lạc, trao đổi thông tin đi nước ngoài của khách hàng theo hướng Việt Nam đi quốc tế, như dịch vụ web, e-mail, thoại, video… sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Trong đó, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là tốc độ truy cập mạng đến các dịch vụ này sẽ chậm rất nhiều so với bình thường.

Phân tích kỹ hơn về những thiệt hại do việc đứt cáp mang lại, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT Telecom, một trong 4 nhà mạng của Việt Nam khai thác tuyến cáp này cho rằng: Việt Nam hiện có tổng cộng bốn tuyến cáp quang biển, trong đó tuyến AAG có dung lượng lớn nhất và được đầu tư gần đây nhất, còn các tuyến khác (SE-ME-WE-3, TVH) đều đã có tuổi đời từ 10-15 năm và dung lượng thấp. Tuyến cáp IA tuy mới được xây dựng, nhưng dung lượng cũng không bằng AAG.

Bên cạnh đó, AAG chịu trách nhiệm 1 phần lớn băng thông của Việt Nam tới Mỹ, nơi nhiều máy chủ của các dịch vụ phổ biến nhiều người dùng như Google, Facebook, Gmail, Youtube... nên khi có sự cố, người sử dùng Internet của Việt Nam nói chung sẽ có thể bị ảnh hưởng khi kết nối với các máy chủ này. Nói cách khác, có thể ví AAG giống như quốc lộ 1 của chúng ta hiện nay, chỉ cần một sự cố cũng có thể khiến giao thông Bắc - Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. “Tuy nhiên, việc đầu tư cáp quang biển là cực kỳ tốn kém và phức tạp, không có chuyện giá rẻ. Hơn nữa, mỗi tuyến cáp còn là kết quả của liên minh nhiều nhà mạng của của nhiều quốc gia nên không phải cứ có tiền, cứ muốn là đầu tư được”, ông Khoa khẳng định.

Phải chăng vì chất lượng có vấn đề?

Trước việc tuyến cáp quang quốc tế AAG liên tục xảy ra sự cố trong vài năm trở lại đây, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu khách hàng từ tổ chức, DN cho đến cá nhân người dùng, dư luận đã dấy lên nhiều nghi vấn: Phải chăng do chất lượng có vấn đề nên tuyến cáp mới gặp sự cố liên tục như vậy? Đã đến lúc các nhà khai thác dịch vụ viễn thông trong nước cũng cần tính tới việc lựa chọn các hướng nội địa hóa các tài nguyên Internet, tạo nên hệ sinh thái mới trong nước để không bị phụ thuộc quá nhiều vào các dịch vụ quốc tế? Và cuối cùng là cũng cần tính tới việc đầu tư xây dựng tuyến cáp mới để giảm tải cho tuyến cáp này và hạn chế dần sự phụ thuộc...?

Trả lời những băn khoăn, thắc mắc này, ông Bùi Quốc Việt, phát ngôn viên của Tập đoàn VNPT đã khẳng định: Đúng là việc đứt cáp liên tục trong thời gian qua khiến khách hàng có thể đặt ra những nghi vấn với các nhà khai thác dịch vụ viễn thông về chất lượng của tuyến cáp. Tuy nhiên, chúng ta đều biết các sự cố xảy ra đối với tuyến cáp quang biển đều là bất khả kháng. Nhiều lý do tác động đến các tuyến cáp quang biển như thiên tai, hoạt động địa chấn; lý do khó kiểm soát, như tuyến cáp nằm trên rìa đường hàng hải của khu vực, chịu sự tác động thường xuyên của các hoạt động hàng hải… Thống kê thực tế cho thấy, 70% các vụ đứt cáp trong thời gian qua là do neo của tàu thuyền và 30% còn lại là do con người và thiên tai như sự tàn phá từ  núi lửa, động đất, trượt bùn và giông bão.

Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng một tuyến cáp mới là vấn đề vô cùng phức tạp, vì nó liên quan trực tiếp đến chủ quyền của nhiều quốc gia khác nhau. “Với việc thi công vô cùng phức tạp như vậy, nên tuyệt nhiên không có chuyện các nhà mạng đưa một sợi cáp chất lượng kém xuống đáy biển, để rồi phải tốn thêm rất nhiều tiền cho việc khắc phục sự cố”, đại diện VNPT cho biết.

Cũng theo chia sẻ của ông Bùi Quốc Việt, hiện VNPT đang tham gia dự án tuyến cáp APG (Asia Pacific Gateway) cùng với hai nhà mạng khác của Việt Nam là Viettel và FPT cùng một số đối tác quốc tế khác. Theo lịch trình, dự kiến tuyến cáp này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2016. Đến lúc đó, kể cả khi có sự cố đứt cáp AAG xảy ra, VNPT vẫn đảm bảo chất lượng kết nối mạng cho khách hàng của mình, và hỗ trợ cho các nhà khai thác khác đảm bảo chất lượng như thời gian qua.    

Do thời gian khắc phục sự cố đứt cáp quang quốc tế AAG sẽ phải kéo dài từ 2 đến 3 tuần nên nhà mạng cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng Internet vào giờ thấp điểm để tránh tắc nghẽn; chỉ nên sử dụng Internet quốc tế cho các dịch vụ quan trọng, các dịch vụ khác nên chuyển sang các hướng trong nước để tránh tối ưu hóa dung lượng truyền tải. Ngoài ra, do nguyên nhân gây sự cố phần lớn là bất khả kháng nên nhà mạng cũng mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm và hợp tác của khách hàng. (PV)
Huyền Thanh

Ngày 15/7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử 87 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Công ty CP đầu tư kinh doanh Lộc Phúc có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo đã lập dự án bất động sản (BĐS) “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày…

Chiều 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHS. Trong số đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 4 bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Chiều 15/7, Ban tổ chức Giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025 đã tổ chức buổi họp báo dành cho các đội tuyển bảng B. Phát biểu tại buổi họp báo, HLV Kim Sang Sik đã chia sẻ về mục tiêu cũng như đánh giá các đối thủ tại giải đấu năm nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.