Việt Nam sắp được "thưởng ngoạn" nguyệt thực dài nhất thế kỷ
Thông tin từ Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA), rạng sáng ngày 28-7 tới đây, người dân nhiều nơi trên thế giới từ châu Phi, châu Âu... tới châu Á sẽ được chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn nguyệt thực toàn phần lần thứ 2 trong năm 2018 và đây cũng là nguyệt thực toàn phần dài nhất thế kỷ 21.
Ảnh nguyệt thực toàn phần xảy ra vào ngày 8-10-2014 tại Hà Nội. |
Trong khi người dân tại châu Âu, Nam Mỹ và Úc chỉ được xem một phần của hiện trường nguyệt thực thì tại châu Á và đặc biệt là Việt Nam sẽ được thưởng thức trọn vẹn toàn bộ quá trình này.
Nguyệt thực lần này sẽ bắt đầu lúc 0h14 ngày 28-7 và kết thúc lúc 6h28 cùng ngày theo giờ Việt Nam. Nguyệt thực đạt cực đại lúc 3h21 với độ sáng biểu kiến là 1.61. Tổng thời gian quan sát đươc nguyệt thực tại Việt Nam là 5 giờ 22 phút.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (Umbra) của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, ánh sáng đỏ từ Mặt Trời đi xuyên qua bầu khí quyển ở vùng rìa Trái Đất đến Mặt Trăng. Mặt Trăng phản xạ lại ánh sáng đỏ này nên từ Trái Đất, người quan sát sẽ nhìn thấy một Mặt Trăng có màu đỏ tối, nhiều người hay gọi một cách kỳ bí là “trăng máu”.