“Vụ án vườn điều” và những bài học đắt giá
Với hai lần xét xử sơ thẩm và hai lần xét xử phúc thẩm, vụ án giết người tại khu vực vườn điều nhà ông Hai Hoàng, thuộc thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (hay còn gọi là "Vụ án vườn điều") đã trở thành "điểm nóng" trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam suốt 7 năm qua.
Ngày 21/5/1993, nhân dân thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận phát hiện thấy một xác phụ nữ, chết tại khu vực vườn điều nhà ông Hai Hoàng. Vụ việc được báo lên Công an tỉnh. Cơ quan CSĐT đã xác định được nạn nhân là chị Dương Thị Mỹ, sinh năm 1957, người địa phương. Tuy nhiên, do không làm rõ được thủ phạm nên đến tháng 9/1993, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án.
Ngày 23/4/1998, cũng tại thôn 2 đã xảy ra vụ án giết người và cướp tài sản công dân. Nạn nhân là bà Lê Thị Bông. CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã điều tra và làm rõ được thủ phạm là tên Huỳnh Văn Nén (sau này, Nén đã bị xét xử ngày 31/8/2000 với mức án chung thân).
Sau một thời gian đấu tranh, Nén đã khai nhận với CQĐT là vụ giết chị Dương Thị Mỹ do chị vợ Nén tên là Nguyễn Thị Nhung cầm đầu. Rồi tiếp theo Nén đã khai ra nơi cất giấu con dao phay là vũ khí gây án nên ngày 19/11/1998, Cơ quan CSĐT đã đưa Nén đi chỉ nơi chôn giấu tang vật, tổ chức đào và thu được mảnh kim loại đã gỉ sét, hình giống con dao phay.
Đánh giá lời khai của Huỳnh Văn Nén là tương đối phù hợp với hiện trường, kết quả giám định pháp y và các tài liệu chứng cứ mới thu thập, cho nên tháng 12/1998 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã quyết định phục hồi điều tra vụ án và lần lượt ra các quyết định khởi tố 10 bị can, bắt giam 8 bị can trong gia đình Nguyễn Thị Nhung về các tội danh “giết người; cướp tài sản công dân; không tố giác tội phạm...”.
CQĐT đã kết luận điều tra vụ án với nội dung cơ bản là: Do ghen tuông với chị Dương Thị Mỹ có quan hệ tình ái bất chính với chồng mình là Trần Văn Sáng, nên Nguyễn Thị Nhung đã tổ chức những người trong gia đình gồm mẹ, các em ruột, em rể... giết chết chị Mỹ và cướp một số đồ nữ trang.
Vụ án được đưa ra xét xử hai lần sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận và tuyên các bị cáo có tội. Nhưng tại hai lần phiên tòa xử phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Tp. HCM đều tuyên hủy án để điều tra lại vì chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo. Tại bản án số 302/HSPT, từ ngày 9 đến 11/3/2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao đề nghị Cơ quan CSĐT điều tra lại vụ án.
Bà Lâm nghe công bố quyết định của Viện KSND tối cao huỷ bỏ biện pháp tạm giam. |
Có thể nói mỗi phiên tòa là một cuộc tranh cãi gay gắt giữa luật sư của các bị cáo với cơ quan công tố. Bên cạnh đó, không ít những tờ báo cũng đã triệt để khai thác những thiếu sót của các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, đưa vụ án ra xét xử, vì thế “Vụ án vườn điều” đã nhanh chóng trở thành nỗi bức xúc trong dư luận.
Sau khi có yêu cầu của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Tp. HCM, Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cho Tổng cục Cảnh sát thành lập Ban chỉ đạo điều tra lại vụ án do Thiếu tướng Phạm Nam Tào, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát làm Trưởng ban; giao cho Cục CSĐT tội phạm về TTXH chủ trì phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bình Thuận điều tra lại toàn diện vụ án.
Ban chỉ đạo điều tra vụ án đã cử những điều tra viên có kinh nghiệm nhất vào cuộc với yêu cầu phải hết sức khách quan, thận trọng. Viện KSND tối cao cũng đã cử 2 kiểm sát viên cao cấp và là những người chưa hề biết đến “Vụ án vườn điều” xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án trước đây theo như kiểu “thầy giáo chấm thi”, các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại nhất có được của ngày hôm nay cũng được sử dụng cho công tác giám định pháp y.
Việc điều tra lại vụ án quả thực là cực kỳ khó khăn. Thời gian của vụ án diễn ra đã quá lâu; nhân chứng, vật chứng cũng bị thay đổi nhiều. Trong số nhân chứng và cán bộ công an tham gia điều tra vụ án trước đây thì 10 người đã mất. Vụ án đã được xét xử qua 4 lần, cho nên công tác trinh sát thu thập tài liệu cũng như đấu tranh với các bị cáo là điều không thể. Tuy vậy, qua gần một năm điều tra lại nghiêm túc, cẩn trọng, Cơ quan CSĐT của Bộ Công an đã làm rõ được 5 yêu cầu mà Tòa phúc thẩm đặt ra.
5 yêu cầu đó là: Giám định con dao gây án; thời gian chết của nạn nhân và nguyên nhân gây ra cái chết; tại sao trên hiện trường lại có nhiều mẩu thuốc lá Everet; lá thư của Trần Thị Kim Yến viết hộ Dương Thị Mỹ hẹn hò với Trần Văn Sáng; thời gian ngoại phạm của bị cáo Huỳnh Văn Nén...--PageBreak--
Về con dao, sau 5 năm chôn dưới đất (từ năm 1993 - 1998), Cơ quan CSĐT đã trưng cầu Viện Khoa học hình sự phối hợp với Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia, Viện Công nghệ và Trung tâm tiêu chuẩn đo lường I... nhưng các cơ quan này từ chối giám định, bởi vì những mảnh kim loại đã gỉ sét “được coi là con dao” bị gãy vỡ không đủ điều kiện để xác định chủng loại gang hay thép. Nhưng thực tế thì đây khó có thể là con dao gây án.
Về việc thời gian nạn nhân bị chết và nguyên nhân gây ra cái chết thì CQĐT đã tiến hành khai quật, giám định hài cốt của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an kết hợp với kết quả giám định pháp y của Tổ chức Giám định pháp y Bình Thuận; đồng thời trưng cầu giám định ADN giữa mẫu xương của nạn nhân với mẫu máu, tóc các con ruột bà Dương Thị Mỹ.
Kết quả cho thấy, tử thi bị giết phát hiện ngày 21/5/1993 tại vườn điều nhà ông Hai Hoàng chính là bà Dương Thị Mỹ. Thời gian chết của nạn nhân cho đến lúc phát hiện được trong khoảng từ 48 - 72 giờ (3 ngày). Mức độ phát triển của giòi, bọ trên xác nạn nhân phù hợp với thời gian khoảng 60 giờ sau chết. Bà Mỹ đã bị đánh, còn nguyên nhân cái chết thì bà đã bị đánh bằng gậy và bị chém bằng 2 loại dao, các vết thương gây trên người nạn nhân là dao quắm. Còn loại dao như Huỳnh Văn Nén khai là dao phay chỉ có thể gây nên một số vết thương trên người nạn nhân.
Về lời khai của nhân chứng Trần Thị Kim Yến là người đã viết hộ chị Mỹ đơn xin ly dị chồng và viết thư cho Mỹ hẹn gặp anh Sáng thì lời khai của chị Yến đã khác nhiều so với các lần trước. Tóm lại, lời khai của nhân chứng Trần Thị Kim Yến ở các thời điểm khai báo đều không thống nhất, luôn thay đổi, mâu thuẫn về thời gian do vậy không đảm bảo yếu tố khách quan.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra còn trưng cầu Viện Khoa học hình sự tổ chức giám định pháp y sinh vật để giám định các dấu vết, thương tích và cơ chế hình thành thương tích trên người nạn nhân. Căn cứ vào biên bản khám nghiệm tử thi ngày 21/3/1993 của Công an Bình Thuận, kết hợp với dấu tích trên xương khi khai quật, giám định hài cốt ngày 22/6/2005, xác định trên cơ thể bà Mỹ có các loại tổn thương sau: tổn thương do vật tày gây ra, các tổn thương do vật sắc nhọn. Nhiều khả năng vật sắc nhọn đó chính là mũi dao quắm.
Đánh giá các vết thương trên người nạn nhân thì cho thấy, các vết thương bị đánh, chém ở vùng đầu, mặt nạn nhân đều có thể gây nên cái chết. Lực tác động rất mạnh nên đối tượng phải khỏe mạnh, sử dụng dao sắc, chắc và nặng, có khoảng không gian rộng. Bà Mỹ khi bị đánh, chém đã cố gắng che chắn vùng đầu, mặt, nhưng khi đã bị ngã vẫn tiếp tục bị chém. Điều này chứng tỏ ngay từ đầu đối tượng đã quyết giết nạn nhân. Lời khai của Huỳnh Văn Nén và bà Nguyễn Thị Lâm đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn với kết quả giám định pháp y.
Cơ quan Điều tra cũng tập trung xác minh lại mối quan hệ của nạn nhân, gia đình nạn nhân; việc sử dụng thời gian, mối quan hệ của các bị can và người có nghĩa vụ quyền lợi liên quan đến vụ án; thẩm tra lại các hoạt động điều tra của các điều tra viên trước đây; thẩm tra lại các nhân chứng xuất hiện tại hiện trường trước và sau vụ án... Tuy nhiên, việc điều tra đã gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì thời gian đã lâu các nhân chứng không nhớ, một số nhân chứng đối tượng liên quan đã mất cho nên không đủ điều kiện để điều tra, xác minh lại.
Với những tài liệu chứng cứ thu thập được trong giai đoạn điều tra của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận và tài liệu mới thu thập của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) có cơ sở để kết luận: Đây là vụ án giết người do mâu thuẫn mà nhiều khả năng là mâu thuẫn tình ái của nạn nhân nhưng chưa đủ chứng cứ để buộc tội các bị can về tội giết người.
Vụ án xảy ra đã lâu, công tác điều tra kéo dài; CQĐT đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra nhưng tài liệu, chứng cứ không còn đủ khả năng để phát hiện, thu thập nhằm kết luận hành vi phạm tội của các bị can. Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã đề nghị: Tạm đình chỉ điều tra vụ án; đình chỉ điều tra các bị can. Viện KSND tối cao ra quyết định hủy biện pháp tạm giam với bà Nguyễn Thị Lâm.--PageBreak--
Có thể nói quá trình điều tra, xét xử các đối tượng trong "Vụ án vườn điều", các cơ quan tố tụng đã mắc phải nhiều thiếu sót nghiêm trọng.
Trước hết là công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và giám định pháp y ban đầu đã có nhiều thiếu sót, sơ sài. Các điều tra viên cũng như nhân viên khám nghiệm đã bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng và đến nay không thể khắc phục được. Quá trình điều tra lại cũng cho thấy những thiếu sót này không có dấu hiệu vụ lợi, cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án của những người làm công tác điều tra giai đoạn đầu. Đây chủ yếu là trình độ nghiệp vụ non kém, tác phong làm việc cẩu thả; không chấp hành nghiêm các quy định trong công tác điều tra.
Trong hoạt động điều tra, đã có những biểu hiện không khách quan, thậm chí vi phạm nghiêm trọng các quy định điều tra như điều tra viên cho bị can xem băng ghi hình, ghi âm rồi từ đó có những lời khai “phù hợp” với những tài liệu mà CQĐT thu thập. Việc lấy lời khai của các nhân chứng cũng được làm một cách hết sức sơ sài và không phân tích tính khách quan trong lời khai của các nhân chứng. Hầu hết các nhân chứng là nhân chứng gián tiếp chỉ được nghe kể lại mà không phải là những nhân chứng ngẫu nhiên, tự giác khai báo. Vì thế, các lời khai nhân chứng này không mang tính khách quan và giá trị chứng cứ rất thấp trong việc gỡ tội cũng như buộc tội các bị can.
Công tác kiểm sát điều tra trong vụ án này cũng được tiến hành không hết trách nhiệm mà mang nặng tính một chiều; kiểm sát viên không phát hiện ra mâu thuẫn trong hồ sơ dẫn đến việc khởi tố, truy tố các bị can thiếu chứng cứ.
Vụ án đã được tạm đình chỉ điều tra. Lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát đã đề nghị Công an tỉnh Bình Thuận phải nghiêm túc kiểm điểm những tập thể và cá nhân liên quan đến việc điều tra vụ án, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho đội ngũ điều tra viên và có hình thức xử lý kỷ luật những người sai phạm.
Vụ án xảy ra đã 12 năm. Với khoa học kỹ thuật hình sự như hiện nay, với trình độ điều tra đã có tiến bộ rất nhiều so với trước đây của các điều tra viên, và với các quy định pháp luật trong nhiều bộ luật đã được sửa đổi thì có thể dễ dàng phán xét, phát hiện ra những sai sót của các cơ quan tố tụng đã tham gia điều tra, xét xử "Vụ án vườn điều" trước đây. Tuy nhiên, dù thế nào chăng nữa thì những sai sót đó cũng thuộc về yếu tố con người.
Hiện nay, các cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo địa phương làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để giải quyết hậu quả vụ án theo Nghị quyết 380 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngay sau khi ra khỏi trại giam và được đưa về nhà, bà Lâm đã rất vui mừng và chân thành cảm ơn Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã điều tra lại vụ án. Bà cũng cho biết là trong thời gian ở trại, bà được chăm sóc chu đáo và sức khỏe tốt.
Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, có một số người đang định lợi dụng việc Viện KSND tối cao quyết định trả tự do cho bà Nguyễn Thị Lâm để kích động khiếu kiện.
Trong quá trình điều tra, xét xử một vụ án có thể xảy ra oan sai do nhiều nguyên nhân. Điều quan trọng là cuối cùng, sự việc đã được làm sáng tỏ, nếu người bị oan sai sẽ được giải quyết, bồi thường theo các quy định của pháp luật. Người gây ra oan sai sẽ bị xử lý... Nhưng nếu ai đó định lợi dụng việc này để gây ra những phức tạp không đáng có thì lại là chuyện khác