Bảo vệ bản quyền nội dung số: Cần các giải pháp đa chiều

07:30 28/09/2023

Vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung trong bối cảnh chuyển đổi số đang gặp rất nhiều thách thức. Bên cạnh sự thuận tiện cho người dùng trong tiêu thụ nội dung giải trí, cuộc cách mạng số hóa cũng đang mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, đòi hỏi cần phải có các giải pháp mới, mang tính đa chiều để bảo vệ nội dung số khỏi hàng loạt rủi ro về xâm hại bản quyền.

80% vi phạm về bản quyền diễn ra trên nền tảng số

Tại tọa đàm về giải bài toán bảo vệ bản quyền nội dung trên môi trường số do Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức tại Hà Nội ngày 26/9, ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng Giám đốc Thủ đô Multimedia cho biết: Việt Nam hiện có khoảng 50 triệu người dùng OTT. Dù Việt Nam đã thực thi các biện pháp chặn tên miền hay triển khai giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép nhưng vẫn chưa đủ và rất cần tới giải pháp đa chiều. Đặc biệt, DRM tồn tại lỗ hổng cho phép lợi dụng giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (License Server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy.

Cần các giải pháp mạnh nhằm giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền nội dung trên môi trường số. (Ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, các nhà cung cấp truyền hình OTT và hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt với các nguy cơ khác như: Vi phạm xuyên quốc gia sử dụng VPN, vi phạm trên nhiều nền tảng (mobile, đầu thu, web), vi phạm bằng phát lại trực tuyến (re-streaming). Các đối tượng vi phạm bản quyền sẵn sàng dùng máy quay để quay lại trực tiếp rồi phát lại trên các nền tảng khác, hoặc cắm đầu HDMI để thu lại nội dung rồi phát tán trên Internet.

Tại Việt Nam, chỉ riêng năm 2022 đã thiệt hại 348 triệu USD do vi phạm bản quyền. Đáng chú ý, 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số, trong đó những nội dung bị vi phạm nhiều nhất là chương trình truyền hình (49,4%), phim ảnh (17,1%), nhạc (16%), sách (11,2%) và phần mềm (6,2%).

Còn theo số liệu thống kê của Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hiện nay vi phạm bản quyền tại Việt Nam đang diễn ra hết sức phức tạp, với hàng loạt website vi phạm bản quyền đăng phát các giải bóng đá cũng như phim. Theo số liệu từ SimilarWeb, hiện có khoảng 70 website bóng đá lậu, với hơn 1,5 tỷ lượt view trong các năm 2022, 2023. Bên cạnh đó, số liệu của SimilarWeb cũng chỉ ra rằng, có tới hơn 200 website phim lậu thu hút khoảng 120 triệu lượt xem/tháng, trong đó top 10 có hơn 66 triệu lượt xem mỗi tháng. Đặc biệt, thời gian gần đây phát hiện ra một số website lậu đã chuyển sang hình thức truyện tranh Anime của Nhật.

Luật sư Phạm Thanh Thủy, phụ trách Chống vi phạm bản quyền của truyền hình số K+ cũng khẳng định: Vi phạm bản quyền nội dung số rất tràn lan trên Internet, đơn cử như một trận đấu khi được chiếu trên K+ và các đơn vị đồng phân phối của K+, đồng thời nó còn được chiếu trên nhiều website, app lậu. Dẫn nguồn từ Media Partners Asia, luật sư Phạm Thanh Thủy cho hay, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập các website lậu; vi phạm trên các nền tảng số hiện là hình thức vi phạm chủ yếu.

Ứng dụng giải pháp công nghệ trong bảo vệ bản quyền nội dung số

Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Bản quyền nội dung số, Cục PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT, thời gian qua, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cụ thể là ngăn chặn truy cập website vi phạm bản quyền đã phát huy tác dụng nhất định, góp phần thay đổi thói quen của người dùng. Tuy vậy, biện pháp chặn truy cập kể trên vẫn đang tồn tại một số bất cập, đó là: Biện pháp chặn chưa thống nhất giữa các ISP; thời gian chặn chưa thống nhất giữa các ISP, có ISP chặn ngay lập tức, nhưng có ISP chặn sau 3 ngày làm việc hoặc lâu hơn; và chưa linh hoạt để đối phó tên miền mới.

Từ thực tế trên, ông Phạm Hồng Hải đề xuất một số giải pháp cần hướng tới để phòng, chống vi phạm bản quyền trên mạng một cách hiệu quả, đó là thiết lập đầu mối phối hợp giữa chủ sở hữu quyền, cơ quan quản lý nhà nước và các ISP; thiết lập cơ chế chặn linh hoạt - chặn đuổi các tên miền mới phát sinh sau khi chặn; áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác nhau để chặn truy cập (DNS, IP, CDN); đồng thời, cần phát triển công cụ chặn tự động để các bên sử dụng nhằm giảm thiểu thời gian và nhân lực.

Trên cơ sở phân tích những khó khăn của việc áp dụng các biện pháp pháp lý cả về hành chính, dân sự và hình sự để chống vi phạm bản quyền trên môi trường số, luật sư Phạm Thanh Thủy đề xuất Việt Nam có thể xem xét áp dụng mô hình chặn chủ động như ở Anh và một số quốc gia đang sử dụng, đó là web lậu thay đổi tên miền, địa chỉ IP khi bị chặn lần đầu thì các ISP sẽ chủ động chặn tiếp các tên miền, địa chỉ IP mới đó khi nhận được thông báo từ chủ sở hữu quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không cần thực hiện lại thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp công nghệ được giới chuyên gia đánh giá là tạo ra “lá chắn” toàn diện hơn trong việc bảo vệ bản quyền nội dung số là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là giải pháp đổi mới vượt xa các hạn chế của các giải pháp truyền thống, cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền. Giải pháp này hiện đã được các tập đoàn sáng tạo nội dung số lớn trên thế giới như YouTube đã triển khai.

Hùng Quân

Ngày 31/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và lãnh đạo TP Hải Phòng.

Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam về tội danh “Xâm phạm chỗ ở của người khác” đối với Trương Hoàng Vũ (SN 1982, trú ở khu phố Phú Thứ, thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa).

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Trước dự báo tình hình TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến, Công an tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên các tuyến giao thông.

Khoảng 14h30 ngày 31/12, tàu Cảnh sát biển 8005, Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa 5 thuyền viên tàu cá CM 46799A gặp nạn trên biển về đến cảng Hải đội 301 (TP Vũng Tàu) an toàn. Sức khỏe của các thuyền viên ổn định và được bàn giao cho cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật.

Tham gia vào đường dây ma túy của bà trùm Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”), các đối tượng đều đã lường trước, đoán định được kết cục nghiệt ngã, nhưng sức mạnh đồng tiền cùng vòng xoáy của “cái chết trắng” như ma lực cuốn hút lấy tâm trí và suy nghĩ khiến họ không buông tay, từ bỏ…

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ nghiên cứu thành công của 2 concert “Anh trai” – “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”, từ đó có những giải pháp thích hợp để phát triển công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文