Bảo vệ nội dung số, tài nguyên của cơ quan báo chí trên không gian số

12:08 11/06/2022

Ngày 11/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam-những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ TT&TT; PGS,TS  Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV), Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện các đơn vị nghiên cứu, đào tạo…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&VN  cho biết: “Diễn đàn Báo chí tháng 6” năm 2022 lựa chọn một chủ đề đang tác động mạnh mẽ tới toàn bộ hệ thống báo chí hiện nay: “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo đó, việc thảo luận, phân tích về những quan điểm, góc nhìn từ lý luận và thực tiễn đối với vấn đề chuyển đổi số báo chí sẽ góp phần hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phù hợp cho cả hệ thống cũng như từng cơ quan, tổ chức.

"Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng, với sứ mệnh tuyên truyền đúng đắn, đầy đủ, kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận, niềm tin của xã hội, tạo động lực thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, báo chí cũng là một lĩnh vực trong xã hội phải tiến hành chuyển đổi số theo xu hướng phát triển chung, thậm chí phát triển trưởng thành thành một ngành kinh tế truyền thông số"- PGS.TS Đặng Thu Hương nhấn mạnh.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã tái khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu không thể đảo ngược của báo chí. Đồng thời chia sẻ những giải pháp để đổi mới tất cả các ấn phẩm của Báo Nhân Dân trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc đưa nội dung lên các nền tảng số. Đơn cử như việc Báo Nhân dân đã xây dựng kênh giải trí bằng Radio để kể các câu chuyện, ra mắt bản tin thời sự hàng ngày 2 buổi sáng và chiều, đưa các nội dung lên TikTok, tập trung vào báo chí dữ liệu với nhiều hình ảnh, sơ đồ giàu tính tương tác.

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Cũng theo ông Lê Quốc Minh, trong thời gian tới, Báo Nhân Dân sẽ tập trung đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí công nghệ”; sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện; quy trình sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp; sử dụng tối đa các công cụ đo lường và phân tích; đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi; tăng cường nghiên cứu và phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism); hợp tác phát hành nội dung trên nhiều nền tảng phi báo chí…

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục báo chí, Bộ TT&TT nhấn mạnh, trong xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí buộc phải lên không gian số. Tuy nhiên, cách thức triển khai như thế nào, có lẽ phải trả lời 3 câu hỏi: cơ quan báo chí làm gì, phóng viên và cơ quan quản lý nhà nước làm gì?

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, so với câu chuyện tự đầu tư hạ tầng thì việc sử dụng hạ tầng bên thứ ba là phù hợp với các cơ quan báo chí Việt Nam hiện nay, nhưng phải kiểm soát các vấn đề như dòng tiền chia sẻ từ nền tảng, bảo vệ tài nguyên của các cơ quan báo chí trên không gian số. “Nhiều người nói rằng để lên không gian số thì cơ quan báo chí phải đầu tư, sử dụng nền tảng riêng, cũng có ý kiến cho rằng phải sử dụng nền tảng của bên thứ ba. Ở đây, sẽ có câu chuyện đầu tư của Nhà nước nhưng không phải theo cách dùng ngân sách mà là kéo các chủ thể tham gia hệ sinh thái số vào cuộc chơi chung, cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí. Cả cơ quan báo chí và cơ quan nhà nước sẽ cùng bảo vệ nội dung số, cùng bảo vệ tài nguyên báo chí trên internet” -ông Lâm chia sẻ.

Với 2 phiên chính, Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí - những vấn đề lý luận và thực tiễn” đã tập trung đi sâu vào các vấn đề đặt ra trong việc triển khai xây dựng nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số, truyền thông thế giới; Những khuyến nghị để các cơ quan báo chí, truyền thông Việt Nam xây dựng được nền tảng riêng, hình thành các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, kiểm soát và chi phối việc sản xuất, phân phối nội dung, giữ vững chủ quyền trên không gian mạng. Đồng thời đưa ra những đề xuất tới cơ quan quản lý nhà nước trong việc định hướng, dẫn dắt chuyển đổi số báo chí, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong quá trình thử nghiệm công nghệ hiện đại để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, quy trình sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và mô hình kinh doanh nhằm tối ưu hoạt động, tạo ra sản phẩm chất lượng, cơ hội, doanh thu và các giá trị gia tăng.

Tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý báo chí, nhà báo tại hội thảo tập trung vào một số chủ đề như: Báo chí số - Nhìn lại 30 năm nghiên cứu và triển vọng phía trước; Quản trị tại các cơ quan báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình toà soạn hội tụ trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; Phát triển chiến lược kinh doanh nội dung số: kinh nghiệm từ báo chí thế giới; Những đặc điểm của xã hội số và cơ hội, thách thức đối với chiến lược chuyển đổi số báo chí Việt Nam từ góc nhìn độc giả; Định hướng công nghệ trong đào tạo báo chí; Sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động báo chí: Thực tiễn và các vấn đề pháp lý; Chuyển đổi số báo chí – Chuyển đổi từ nhận thức; Đào tạo nhân lực cho chuyển đổi số báo chí; Phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới…

Huyền Thanh

Chiều tối 1/5, sau kỳ nghỉ lễ 30/4 kéo dài, dòng người từ các tỉnh miền Đông, miền Tây sử dụng phương tiện cá nhân, đi xe khách… bắt đầu trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Không như những ngày đầu nghỉ lễ, ghi nhận trong chiều tối 1/5, dòng người di chuyển trên đường khá lớn nhưng không gây ùn ứ nghiêm trọng…

Việc phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đáp ứng nhu cầu phát triển điện sạch, sử dụng được nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời) mà Việt Nam có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để việc cung cấp điện cho các hộ sử dụng điện có đầu tư ĐMTMN ổn định, thì phải tính đến hoạt động của ĐMTMN trong hoạt động chung của toàn hệ thống điện.

Ngày 1/5, ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, trái với dự đoán về tình hình ùn tắc có thể xảy ra thì giao thông tại khu vực cửa ngõ phía Nam Thủ đô lại rất thông thoáng. Người dân trở về Hà Nội di chuyển một cách thuận lợi qua các "điểm nóng".

Quá trình ông N.V.C. đốt lửa lấy mật ong rừng, ngọn lửa nhanh chóng cháy lan sang các bụi cây rậm dẫn đến cháy rừng. Vụ cháy rừng khiến ông C. bị bỏng nặng và người này được lực lượng chữa cháy cõng ra khỏi rừng để đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội cho biết, qua xác minh, chưa có cơ sở xác định người phụ nữ bán hàng rong trên phố cổ “chặt chém” du khách nước ngoài với việc bán 3 quả dứa giá 500.000 đồng (như mạng xã hội và báo chí phản ánh mấy ngày qua), tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 150 nghìn đồng đối với người này về hành vi bán hàng rong không đúng quy định. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文