Khẩn cấp bảo vệ bản quyền nội dung số
Theo số liệu từ Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA), tính đến tháng 1/2023, cả nước có 77,93 triệu người dùng Internet, tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu so với năm 2022. Sự phát triển của các nền tảng xuyên biên giới đã mở ra một thế giới phẳng, cho phép các nhà sáng tạo nội dung số tiếp cận với công chúng một cách dễ dàng hơn. Tuy vậy, trong bối cảnh sáng tạo nội dung số trở thành một sân chơi giàu tiềm năng, đa sắc cũng là lúc các cá nhân, tổ chức phải đối mặt với những rào cản, đặc biệt là vấn đề bản quyền nội dung số với những tranh chấp ngày càng phức tạp.
Nhiều thách thức
Là đơn vị đã có gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực nội dung số, ông Tạ Mạnh Hoàng, Tổng Giám đốc Sconnect Việt Nam, Chủ tịch Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam nhận định, một trong những khó khăn của doanh nghiệp Việt là sức cạnh tranh yếu, mô hình kiếm tiền nhanh phổ biến ở Việt Nam hiện nay chủ yếu mang tính tự phát và rủi ro cao. Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp start-up nhiều nhưng quy mô nhỏ và thời gian tồn tại ngắn.
Minh chứng cho điều này, ông Hoàng chỉ ra, đến hết 2022, Việt Nam có khoảng 3.800 start-up, đứng thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu nhưng chỉ 50% start-up tồn tại sau 5 năm hoạt động. Cùng với đó, Việt Nam thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vai trò là tổng công trình sư, đủ tầm nhìn thiết kế sản phẩm một cách toàn diện - đa dòng, đa mảng như mô hình sản phẩm 360 của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam sức cạnh tranh yếu, dễ bị tổn thương khi gia nhập thị trường quốc tế.
Nhắc đến thách thức này, ông Tạ Mạnh Hoàng chỉ ra trường hợp một doanh nghiệp lớn ở Anh đã lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ để tranh chấp bản quyền số bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo của Sconnect Việt Nam. Cùng với đó, một số doanh nghiệp game Việt Nam bị vướng vào kiện tụng sở hữu trí tuệ từ các công ty Trung Quốc, Nhật Bản, từ đó, Việt Nam bị "gán nhãn" là nước có vi phạm bản quyền phổ biến.
Không những thế, nhận thức của người dùng sản phẩm nội dung số chưa cao. Đây là đặc điểm của thị trường, khi người dùng dễ bị lôi kéo vào các sản phẩm tiêu cực không mang nhiều giá trị, chưa tôn trọng bản quyền. Do vậy, việc bảo vệ bản quyền số cũng như hiểu biết về các quyền sở hữu trí tuệ là những bài toán đặt ra cho mỗi doanh nghiệp nội dung số. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trên môi trường số cần phải nắm vững các vấn đề này.
Luật sư Phạm Văn Anh, Trưởng ban Kiểm tra-Pháp chế của DCCA cũng cho biết: Trong quá trình tham gia bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, có 3 vấn đề chính mà các đơn vị bảo vệ bản quyền gặp nhiều vướng mắc và khó khăn. Đầu tiên, đó là việc phải xác định được nền tảng tồn tại vi phạm, bao gồm cả nền tảng trực tuyến và trực tiếp. Vấn đề khó khăn thứ hai trong việc bảo vệ bản quyền số là xác định hành vi vi phạm. Bên cạnh sự phát triển của các nền tảng trực tuyến thì nó cũng kéo theo sự hình thành của các hành vi vi phạm đa dạng hơn, vượt qua giới hạn của các hành vi truyền thống dẫn đến khó phân tích, đánh giá và kết luận về tính chất vi phạm. Khả năng gây thiệt hại của các hành vi vi phạm cũng ngày càng lớn hơn, đặc biệt là trên các nền tảng online rất khó đo đếm. Vấn đề khó khăn cuối cùng chính là xác định chủ thể vi phạm. Trên nền tảng trực tuyến là môi trường mà các đối tượng dễ dàng mạo danh hoặc ẩn danh nên việc xác định chính xác chủ thể vi phạm và giải quyết triệt để nguồn vi phạm là rất khó khăn. Đặc biệt, hầu hết các nền tảng trực tuyến hiện nay chỉ có thể xử lý vi phạm bản quyền khi trực tiếp phát hiện, gây ra hạn chế trong khả năng xử lý vi phạm trên diện rộng.
"Internet mở ra một không gian phi biên giới nên hành vi vi phạm có thể được thực hiện ở bất cứ đâu mà không bị giới hạn về mặt địa lý. Tuy nhiên, pháp luật ở mỗi quốc gia lại có những điểm khác nhau khiến cho căn cứ để xử lý cũng không giống nhau", luật sư Phạm Văn Anh cho hay.
Đồng bộ các giải pháp từ công nghệ đến pháp lý
Ông Hoàng Đình Chung, Giám đốc Trung tâm Bản quyền số, Hội Truyền thông số Việt Nam cho rằng, trên môi trường số, do các đối tượng dùng công nghệ để xâm phạm bản quyền, điều này đòi hỏi chúng ta cần có công cụ công nghệ hỗ trợ để ngăn chặn vi phạm bản quyền.
Về yếu tố pháp lý, hiện nay với sự hỗ trợ của các công cụ công nghệ, một cá nhân, tổ chức có thể cho ra đời hàng chục, thậm chí hàng trăm nội dung số mỗi tháng. Thực tế này dẫn đến việc phải làm thế nào để chứng minh nội dung của mình không vi phạm của người khác, hay rà quét ra sao để xem có ai vi phạm. Đây là thách thức không chỉ cho các chủ sở hữu nội dung mà còn của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền lẫn các nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian.
Một khó khăn nữa, theo đại diện Trung tâm Bản quyền số, là việc chứng minh hành vi và xử lý vi phạm. Bởi lẽ, pháp luật hiện nay chưa công nhận bằng chứng điện tử, trong khi việc lập vi bằng là biện pháp được công nhận lại gây tốn kém cả thời gian và tiền bạc, là cản trở lớn tới việc tự bảo vệ nội dung của các chủ sở hữu khi biết nội dung của mình bị xâm phạm. Điều này còn khiến các cơ quan chức năng khó đưa ra quyết định và hỗ trợ cho chủ sở hữu.
Để tăng cường công tác bảo vệ bản quyền số, ông Hoàng Đình Chung khuyến nghị, chủ sở hữu phải xem việc bảo vệ bản quyền số giống như bảo vệ tài sản vật lý hằng ngày. Do đó, chủ sở hữu cần phải trang bị đủ công cụ, kiến thức để bảo vệ tài sản của mình.
"Đó không chỉ là công cụ về công nghệ hỗ trợ, mà chủ sở hữu nội dung còn cần tự trang bị kiến thức pháp lý nhằm tự bảo vệ mình hoặc tìm đến những đơn vị chuyên sâu uy tín về bảo vệ bản quyền số để được hỗ trợ ngay từ lúc có ý tưởng sáng tạo. Tránh rơi vào trường hợp mà dân gian gọi là "mất bò mới lo làm chuồng". Trục bản quyền số quốc gia là một địa chỉ mà chủ sở hữu nội dung có thể tham gia để được hỗ trợ", ông Hoàng Đình Chung cho hay.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam tham khảo cách làm của Hàn Quốc, một trong những quốc gia đi đầu về công nghiệp nội dung số. Hiện ở Hàn Quốc có một hệ thống đánh mã sản phẩm nội dung số tự động đã được xây dựng, và khi tác giả tải một sản phẩm lên, hệ thống sẽ phân tích nội dung và cấp cho sản phẩm một mã đánh dấu, giúp bảo vệ bản quyền cho chủ sở hữu nội dung.