Kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao
Với lợi thế về thị trường tiềm năng, nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách hỗ trợ hấp dẫn, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn công nghệ lớn mở rộng sản xuất và đầu tư. Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, hứa hẹn mang lại những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo ông Lee Dong-Chul, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hana Micron, Việt Nam đang là một môi trường đầu tư năng động với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính phủ, hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí hợp lý, khiến nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ cao.

Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Tài chính và Công ty FPT Semiconductor, Tập đoàn FPT, cùng các đối tác công nghệ đã khai trương Trung tâm Ươm tạo và phát triển bán dẫn (VSIC) và Không gian ươm tạo startup về bán dẫn FPT-ALCHIP. Sự ra đời của Trung tâm Ươm tạo và phát triển bán dẫn VSIC thể hiện cam kết mạnh mẽ của Tập đoàn FPT, NIC và các đối tác trong việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bền vững, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong ngành công nghiệp chiến lược này.
Đây là không gian tập hợp các nguồn lực, tạo ra môi trường lý tưởng để đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn; đồng thời cũng là một bước tiến quan trọng trong lộ trình đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực.
Đồng thời, trung tâm không chỉ đáp ứng yêu cầu là không gian hỗ trợ, kết nối các startup Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, mà còn là địa điểm để các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác để phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam năm 2030 và có 100 doanh nghiệp thiết kế chip.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vừa ký Quyết định số 1399/QĐ-ĐHQGHN về việc thành lập Viện Bán dẫn và Vật liệu tiên tiến trực thuộc Công viên Công nghệ cao và Đổi mới sáng tạo. Viện sẽ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ bán dẫn, vật liệu mới phục vụ công nghiệp điện tử, công nghệ cao và các lĩnh vực liên quan. Viện sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng thực tiễn.
Các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) toàn diện sẽ được triển khai để kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ cao và tập trung vào các hướng nghiên cứu có tính ứng dụng cao, giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu như công nghệ bán dẫn và vi mạch, phát triển các công nghệ lõi trong sản xuất chip bán dẫn, vật liệu nano tiên tiến, pin thế hệ mới, cảm biến thông minh.
Ở góc độ địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Đơn cử như tỉnh Bắc Giang đặt mục tiêu hỗ trợ đào tạo cho 3.000 nhà giáo, sinh viên tham gia học trình độ đại học, sau đại học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn, AI ở trong nước và nước ngoài. Đào tạo cho 3.500 lao động trình độ cao đẳng, trong đó có khoảng 2.500 lao động học các ngành, nghề phục vụ công nghiệp bán dẫn và 1.000 lao động học các ngành, nghề lĩnh vực công nghệ thông tin, AI…
Hiện, Bắc Giang đã thu hút được 3 nhà đầu tư FDI sản xuất chất bán dẫn bao gồm: Công ty TNHH Hana Micron Vina đầu tư 643 triệu USD; Công ty TNHH Si Flex Việt Nam đầu tư 299 triệu USD; Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam đầu tư 21,2 triệu USD. Năm 2023 tổng doanh thu về sản xuất chất bán dẫn của cả 3 công ty đạt gần 18 nghìn tỷ đồng.
Hay như tại Đồng Nai cũng phấn đấu đến năm 2050, tỉnh có hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tự chủ với Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành trở thành một trung tâm đào tạo, có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam. Năm 2024, Đồng Nai đã thu hút được một số dự án FDI như Công ty TNHH Coherent Việt Nam, thuộc Tập đoàn Coherent (Hoa Kỳ) đầu tư vào KCN Nhơn Trạch 1 về sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị quang học có sử dụng linh kiện bán dẫn với số vốn 83 triệu USD.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh chưa hình thành rõ nét, chưa có công nghiệp bán dẫn thuần túy mà chủ yếu là công nghiệp điện tử, cơ khí điện tử, hỗ trợ cho công nghiệp bán dẫn; hàm lượng công nghiệp bán dẫn trong công nghiệp điện tử, cơ khí điện tử và các lĩnh vực khác rất thấp.
Do đó, thời gian tới, Đồng Nai quyết tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với phát triển công nghiệp bán dẫn của tỉnh; thu hút đầu tư có chọn lọc vào Khu Công nghệ thông tin tập trung Long Thành, khu công nghệ cao, khu đổi mới sáng tạo và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh đối với ngành công nghiệp bán dẫn, ưu tiên các lĩnh vực như thiết kế, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; cảm biến, thiết bị IoT với công nghệ MEMS (Micro-Electro-Mechanical Systems); ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp thiết kế bán dẫn fabless, doanh nghiệp sản xuất chip chuyên dụng MEMS, chip IoT; hình thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh; hình thành vườn ươm doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh Đồng Nai.
Về phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, hiện Việt Nam đang hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp quốc gia dùng chung và các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 20 cơ sở giáo dục đại học và đặt mục tiêu đào tạo 1.300 giảng viên chuyên ngành.
Đến năm 2050, phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị. Các cơ sở đào tạo, đặc biệt các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.