Nhiều hạn chế “kìm chân” khoa học, công nghệ

06:36 14/11/2024

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mới đây đã có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện chính sách, biện pháp để phát triển khoa học và công nghệ; việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN); kết quả hoạt động KH&CN năm 2024. Qua tổng hợp của Bộ KH&CN, mặc dù đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra, song lãnh đạo Bộ KH&CN vẫn nhìn nhận cần nhiều giải pháp hơn nữa để sớm đạt mục tiêu: Đến năm 2025, đầu tư cho KH&CN đạt 1,2% - 1,5% GDP, trong đó tổng chi quốc gia cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 0,8% - 1% GDP.

Ngân sách chi cho khoa học và công nghệ chiếm 0,65% tổng chi ngân sách nhà nước

Năm 2024, ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho hoạt động KH&CN (chưa tính kinh phí dành cho an ninh -quốc phòng, chi dự phòng, chi đầu tư phát triển dành cho KH&CN từ nguồn ngân sách địa phương) là 13.676,8 tỷ, chiếm khoảng 0,65% tổng chi NSNN.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quá trình nghiên cứu về khoa học vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Ảnh minh họa

Tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN năm 2024 là 10.912 tỷ đồng, trong đó: Kinh phí sự nghiệp KH&CN Trung ương là 7.480 tỷ đồng (chiếm 68,55%, thấp hơn so với năm 2023 là 1.320 tỷ đồng). Kinh phí sự nghiệp KH&CN địa phương là  3.432 tỷ đồng (chiếm 31,45%, cao hơn so với năm 2023 là 141 tỷ đồng).

Kết quả điều tra nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NC&PT) cho thấy tỷ trọng nguồn kinh phí từ Nhà nước trong tổng chi quốc gia cho NC&PT đã giảm xuống dưới 44,79%, trong khi nguồn kinh phí từ khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh, từ gần 12% năm 2015 lên 43,84% năm 2021.

Một điểm đáng lưu ý khác là sự tham gia tích cực của khu vực doanh nghiệp trong đầu tư vào NC&PT, thường xuyên chiếm trên 60% tổng kinh phí NC&PT quốc gia. Tuy nhiên, cũng có thể thấy rằng nếu không có các giải pháp có hiệu quả để khuyến khích khu vực ngoài nhà nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho NC&PT thì sẽ khó đạt được mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) đến năm 2030.

Năm  2023 và 6 tháng đầu năm 2024, từ kết quả nghiên cứu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công nhận được 42 giống mới, 14 tiến bộ kỹ thuật, 12 Bằng độc quyền sáng chế, 13 quy trình công nghệ, giải pháp hữu ích, 470 bài báo quốc  tế và 633 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong nước có uy tín.

Cùng đó, các nghiên cứu khoa học cũng đã chọn lọc và đánh giá trên 9.000 dòng/giống phục vụ cho công tác chọn tạo giống lúa mới theo các mục tiêu: năng suất, chất lượng cao, ngắn ngày, kháng sâu bệnh và các giống lúa phục vụ công tác chế biến.

Cũng trong năm 2024, cũng lần đầu tiên tại Việt Nam quy trình và mô hình ứng dụng nghệ nuôi ốc hương thương phẩm sử dụng thức ăn công nghiệp trong hệ thống tuần hoàn năng suất 12 kg/m2/1 vụ được nghiên cứu và hoàn thiện, sản phẩm ốc thương phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Cần cơ chế để thu hút và giữ chân các nhà khoa học giỏi

Mặc dù nhiều kết quả khả quan, song theo đánh giá của Bộ KH&CN, trong quá trình nghiên cứu về khoa học vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Cụ thể, hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST còn chưa đồng bộ với pháp luật về tài chính, ngân sách, đầu tư, đấu thầu,…; chưa phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế; chưa có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu và phát triển.

Đầu tư và cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN vẫn còn nhiều vướng mắc trong khoán chi, đấu thầu, thanh quyết toán, khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển KH&CN để khơi thông nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động KH&CN.

Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập còn gặp khó khăn. Còn thiếu nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học tài năng, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế đủ năng lực giải quyết các vấn đề KH&CN lớn, các dự án cấp quốc gia quan trọng; thiếu tổng công trình sư có khả năng chủ trì các dự án KH&CN quy mô lớn.

Thị trường KH&CN còn chậm phát triển; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu.

Trước hàng loạt tồn tại, Bộ KH&CN cũng đề ra hàng loạt giải pháp. Trong đó bảo đảm tỷ lệ chi cho KHCN&ĐMST trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN.

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ để tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KHCN&ĐMST, nhất là từ doanh nghiệp. Triển khai các giải pháp để tiếp thu và làm chủ các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm dữ liệu lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các kho dữ liệu khoa học dùng chung. Tiếp tục phát triển hệ thống đổi sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và trường đại học, viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh.

Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng nhanh. Thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh; tăng cường liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong và ngoài nước.

Triển khai cơ chế thí điểm chính sách về KHCN&ĐMST tại thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển nhân lực KH&CN, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ, sử dụng, trọng dụng, tôn vinh cán bộ khoa học để khuyến khích hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học, đóng góp hiệu quả cho phát triển đất nước.

Tiếp tục tạo lập môi trường, điều kiện làm việc chuyên nghiệp, theo thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của hoạt động sáng tạo KH&CN để thu hút và giữ chân được các nhà khoa học giỏi ở trong nước và nước ngoài đến làm việc. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

Đồng thời, Bộ KH&CN cũng kiến nghị,  đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KHCN&ĐMST theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường, thông lệ quốc tế, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động KHCN&ĐMST để KHCN&ĐMST thực sự là một trong các đột phá chiến lược để phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững.

Phạm Huyền

Sau gần 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc”, con đường cao tốc nối Khánh Hòa và Buôn Ma Thuột đã dần thành hình. Trên công trường những ngày này, không khí thi công diễn ra hối hả, khẩn trương suốt ngày đêm…

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong những ngày qua đang nỗ lực lấp đầy nội các tương lai, đề cử một số nhân vật nổi tiếng với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc vào chính quyền, những người có khả năng sẽ tiếp tục làm mối quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong thời gian tới.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện vẫn còn hiện tượng chặt chém, lôi kéo khách du lịch - một hành vi mà theo lời Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Du lịch và Công an thành phố, là “nhìn thì hết sức lịch sự nhưng lại đầy sức tàn nhẫn”…

Từng là những người mang trên mình án tích nên sau khi hoàn thành chấp hành án, trở lại địa phương, những người này rất cần sự động viên, hỗ trợ để vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không hề dễ dàng, không ít đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Hôm nay, các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm. Trên biển Đông, bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文