Rào cản nào khiến Khoa học công nghệ Việt chưa thể "cất cánh"?

07:47 06/10/2023

Với nguồn kinh phí không nhỏ được dành cho khoa học công nghệ thông qua ngân sách phân bổ, song hiệu quả của các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tế không cao và tiềm ẩn nguy cơ thất thoát, lãng phí lớn. Điều này thể hiện rõ qua kết quả kiểm toán, kết quả giám sát vừa qua cần được chấn chỉnh kịp thời, qua đó có cảnh báo từ sớm đối với một lĩnh vực được coi là quốc sách.

Hàng loạt tồn tại và hạn chế

Vào cuối tháng 9/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tại báo cáo này, hàng loạt bất cập, tồn tại đã được chỉ rõ.

Theo lãnh đạo Bộ KH&CN, bất cập đầu tiên được nhắc tới là vấn đề chính sách, pháp luật. Cụ thể, một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng còn chậm được sửa đổi; quy định về thực hiện khoán chi trong thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) đã được ban hành nhưng không được triển khai trong thực tế; chưa có quy định cụ thể phù hợp cho việc mua sắm trong nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là mua sắm cho các khoản kinh phí khoán chi.

Hàng năm doanh nghiệp nhà nước bắt buộc trích lập từ 3% - 10% thu nhập trước thuế để hình thành "Quỹ phát triển khoa học và công nghệ".

Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN có rất nhiều vướng mắc (tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ KH&CN và tài sản hình thành là kết quả của nhiệm vụ KH&CN): Khó khăn trong xác định phạm vi tài sản trang bị cần xử lý, cơ chế tính hao mòn /khấu hao của tài sản trang bị, quy trình và thủ tục giao tài sản trang bị không bồi hoàn, trình tự và thủ tục thành lập Hội đồng thẩm định bán tài sản trang bị…

Đặc biệt, trong bối cảnh việc "định giá tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ " và việc thương mại hoá kết quả này hiện nay còn nhiều vướng mắc và nội dung không rõ ràng có thể dẫn đến những tiềm ẩn "rủi ro" khi thương mại hoá sẽ dẫn đến "nghịch cảnh" là sản phẩm thương mại hoá thành công thì có thể có quy kết trách nhiệm trong công tác định giá. Đây sẽ là rào cản lớn để đưa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN vào thị trường và giảm khả năng phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu KH&CN.

Liên quan đến vấn đề thương mại hoá các kết quả nghiên cứu, Bộ KH&CN cũng thừa nhận có vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN; vướng mắc về phần chia lợi nhuận thu được từ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; vướng mắc trong cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp đang khởi nguồn công nghệ từ viện nghiên cứu, trường đại học.

Chính sách ưu đãi về thuế đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao còn chưa thực sự hiệu quả, chưa được sửa đổi bổ sung để đồng bộ với quy định của Luật chuyển giao công nghệ về đối tượng được ưu đãi thuế…

Bất cập trong quản lý sử dụng kinh phí đầu tư cho KH&CN

Vào tháng 11/2022, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, các đại biểu cũng đã thảo luận về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (Long An) bày tỏ, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ. Tuy nhiên, cử tri phản ánh là có dấu hiệu thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Cụ thể là việc sử dụng Quỹ phát triển khoa học công nghệ tại doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc dẫn đến tiền trong Quỹ còn nghẽn, là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Vấn đề đặt ra tại sao những vướng mắc trong quản lý sử dụng Quỹ tồn tại suốt trong 5 đến 6 năm qua mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đã kiến nghị cần rà soát tổng thể để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng Quỹ khoa học công nghệ tại doanh nghiệp. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học công nghệ. Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học công nghệ bị dừng thực hiện và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có.

Sau gần 1 năm, vào tháng 9/2023, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo công tác năm 2023. Với chuyên đề quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2020-2022, KTNN đã thẳng thắn "chỉ mặt, điểm tên" một số địa phương bố trí chưa đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách hằng năm theo quy định như tỉnh Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hoá; hai tỉnh có tỷ lệ thực hiện dự toán thấp là Bình Dương và Đồng Nai; giao dự toán khi chưa phê duyệt nhiệm vụ KHCN là tỉnh Hưng Yên, Quảng Ngãi, Thanh Hoá; sử dụng kinh phí bố trí cho dự án đầu tư không đúng quy định là tỉnh Đồng Nai.

Nhắc đến tiến độ thực hiện một số đề tài chậm, chưa kịp thời xử lý tài sản hình thành trong quá trình thực hiện dự án KHCN, KTNN lại điểm tên tỉnh Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Nghệ An. Chưa dừng lại, tỉnh Thanh Hoá tiếp tục được nhắc đến do chưa kịp thời có báo cáo về ứng dụng kết quả nghiên cứu, trong đó có 49 nhiệm vụ đã quá 12 tháng từ ngày nghiệm thu...

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: "Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại…".

Điều này cho thấy tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của KH &CN trong tiến trình phát triển đất nước. Theo số liệu của Bộ Tài chính, chi sự nghiệp KHCN giai đoạn 2016-2020 đều có xu hướng tăng so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tổng chi của ngân sách Trung ương trung bình chiếm 76,9%; ngân sách địa phương chiếm 23,1%. Tỷ lệ chi sự nghiệp KHCN/tổng dự toán chi NSNN trung bình đạt 0,79%...

Năm 2024, Bộ KH&CN cũng dự kiến đề xuất tăng kinh phí cho sự nghiệp KH&CN từ 12.091 tỷ (năm 2023) lên 12.253 tỷ. Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 cũng đặt mục tiêu: Đến năm 2025, đầu tư cho KHCN đạt 1,2-1,5% GDP; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu không ngừng đươc cải thiện, thuộc nhóm 40 quốc gia hàng đầu thế giới; nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người/10.000 dân; có 25-30 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới. Để KH&CN Việt Nam sớm "cất cánh" vươn xa, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, địa phương cần sớm có những đổi mới nhằm khắc phục các bất cập, vướng mắc nói trên.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, đến nay, cả nước hiện có khoảng 184.430 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển, số lượng cán bộ nghiên cứu toàn thời gian/1 vạn dân là 7,6. "Bộ cũng đang xây dựng đề án nhằm thu hút được nhà khoa học trong và ngoài nước về làm việc, cống hiến hiệu quả nhất cho KH&CN nước nhà", Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết.

Đặng Nhật

Sáng nay 4/12, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Phú Yên về công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng và bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) năm 2024. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo các Cục nghiệp vụ, Thanh tra, Văn phòng Bộ Công an.

Chiều 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đã chuyển hồ sơ vụ việc và đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình thụ lý theo thẩm quyền.

Sáng 26/11/2024, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về các báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, khi có đại biểu Quốc hội nêu vấn đề xử lý những đối tượng đang lẩn trốn ra nước ngoài, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết:  

Sáng 4/12, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội TTGT quận Cầu Giấy; Đội CSGT-TT Công an quận Cầu Giấy cùng Công an phường Trung Hòa triển khai lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao thông Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh, trong đó tập trung công tác chỉ huy, điều tiết phân luồng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Ngày 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Trần Quốc Hưng (SN 1965, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi “Vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Nói về sự cần thiết, bắt buộc phải sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính trị trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, nhiều đảng viên, cán bộ, nhân dân đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chủ trương này, coi đây là một “cuộc cách mạng” quan trọng và cấp thiết, không thể trì hoãn…

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng, vay vốn làm ăn của người dân tăng cao. Đây cũng là thời cơ mà tội phạm “tín dụng đen” triệt để lợi dụng, tung các chiêu trò dụ dỗ người dân vay tiền. Đáng chú ý, loại tội phạm này có sự biến tướng trong phạm vi, phương thức hoạt động từ môi trường thực tế lên không gian ảo, khiến không ít người rơi vào ma trận trực chờ sập bẫy.

Lầu Năm Góc xác nhận rằng Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công vào các tài sản quân sự ở miền Đông Syria sau một cuộc tấn công bằng tên lửa gần một trong các căn cứ của họ.

Vào ngày 31/12/2024, sau hơn 3 năm áp dụng, Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ chính thức dừng lại. Thay vào đó, từ 1/1/2025, Thông tư số 34/2024/TT-BGTVT quy định về hoạt động trạm thu phí đường bộ sẽ bắt đầu có hiệu lực với hàng loạt các điểm mới phù hợp hơn với thực tế.

Yonhap đưa tin, rạng sáng 4/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật. Trước đó, 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp khẩn quốc hội Hàn Quốc lúc 0h47 (giờ địa phương), đều nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật mà tổng thống ban bố. 

Sáng 4/12, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết, đang tạm giữ hình sự đối tượng Đặng Thanh Tùng (SN 1982), trú tại tổ 5, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình về hành vi "Giết người".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文