UAV – từ công nghệ giám sát đến công cụ định hình lại chiến tranh hiện đại

08:35 21/06/2025

Từ những khinh khí cầu thô sơ trong thế kỷ XIX tới các drone cảm tử tầm xa thế kỷ XXI, công nghệ máy bay không người lái (UAV) đang tái định hình toàn bộ nghệ thuật chiến tranh hiện đại.

Không chỉ giúp các cường quốc gia tăng sức mạnh tấn công chính xác, UAV còn mở ra cơ hội cho các quốc gia nhỏ hơn và cả lực lượng phi nhà nước tham gia vào cuộc chơi quyền lực toàn cầu theo cách chưa từng có tiền lệ. Những chiến dịch tại Nagorno-Karabakh, Ấn Độ - Pakistan và Ukraine mới đây đang phác họa rõ nét chân dung của kỷ nguyên chiến tranh bằng drone – nơi ranh giới lãnh thổ, ưu thế quân sự và khả năng phòng thủ truyền thống đều bị đặt lại dấu hỏi.

Bản chất chiến tranh trong thế kỷ XXI đang trải qua những biến động chưa từng có, khi công nghệ UAV, hay thường được gọi là drone, nổi lên như một trong những yếu tố chiến lược có sức tác động sâu rộng nhất. Từ chỗ chỉ đóng vai trò hỗ trợ giám sát và trinh sát, drone ngày nay đã trở thành lực lượng trung tâm trong các chiến dịch tấn công chính xác, chiến tranh tâm lý, thậm chí làm thay đổi hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật quân sự hiện đại. Sự phổ biến nhanh chóng, chi phí hợp lý và tính linh hoạt cao của drone không chỉ giúp các cường quốc tăng cường ưu thế quân sự mà còn trao cho các quốc gia nhỏ hơn và thậm chí là các lực lượng phi nhà nước khả năng thách thức trật tự quân sự truyền thống, làm sâu sắc thêm hình thái chiến tranh phi đối xứng vốn đã rất phức tạp.

UAV – từ công nghệ giám sát đến công cụ định hình lại chiến tranh hiện đại -0
Shahed-136, UAV tấn công tự sát do Iran phát triển, với sải cánh 2,1m và tốc độ bay 185km/h. Ảnh: MD

Tuy nhiên, ý tưởng về thiết bị bay không người lái thực tế đã manh nha từ gần hai thế kỷ trước. Tháng 7/1849, trong cuộc vây hãm Venice, quân đội Austria-Hungary lần đầu tiên sử dụng những khinh khí cầu chứa thuốc nổ thả trôi vào thành phố. Đây có thể coi là tiền thân sơ khai của các loại vũ khí không người lái hiện đại. Đến năm 1917, mẫu Ruston Proctor Aerial Target ra đời, trở thành chiếc phi cơ không người lái cánh cố định đầu tiên trong lịch sử hàng không quân sự. 

Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, cả Mỹ và Đức đều tập trung nghiên cứu công nghệ điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến, chuẩn bị nền tảng cho các ứng dụng chiến tranh sau này. Thuật ngữ “drone” chính thức xuất hiện trong những năm 1930, xuất phát từ loại mục tiêu bay Queen Bee mà Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng để huấn luyện pháo thủ phòng không. Trong Thế chiến II, drone lần đầu tiên bước vào chiến trường dưới dạng bom bay V-1 của Đức, tấn công nước Anh năm 1944.

Mặc dù còn thô sơ, V-1 đã hé lộ tiềm năng khủng khiếp của các vũ khí tự hành trong việc thay đổi bản chất chiến tranh. Sang thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các chương trình UAV tiếp tục được phát triển mạnh, đặc biệt cho nhiệm vụ do thám chiến lược. Điển hình là, trong chiến tranh Việt Nam, từ năm 1964, không quân Mỹ đã triển khai các UAV trinh sát Ryan Model 147 Lightning Bug, thực hiện hàng nghìn chuyến bay thu thập thông tin trên không phận miền Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên UAV được sử dụng quy mô lớn trong tác chiến thực địa.

Sau chiến thắng của Israel trước lực lượng không quân Syria năm 1982, UAV thực sự bước ra khỏi cái bóng của những thử nghiệm đắt đỏ, trở thành công cụ tác chiến hiệu quả. Cuộc Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 đánh dấu bước nhảy vọt kế tiếp, khi UAV được các lực lượng liên quân sử dụng rộng rãi để dẫn đường, chỉ thị mục tiêu và giám sát chiến trường theo thời gian thực. Từ đó, drone dần trở thành lực lượng không thể thiếu trong mọi kịch bản xung đột hiện đại. 
Điểm ngoặt mang tính biểu tượng của kỷ nguyên drone xuất hiện trong cuộc chiến Nagorno-Karabakh năm 2020 giữa Azerbaijan và Armenia.

Tận dụng triệt để công nghệ UAV, Azerbaijan đã phối hợp thành công giữa các drone cảm tử Harop của Israel và Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ để giành ưu thế áp đảo ngay từ những giờ đầu. Hơn 40% lực lượng pháo binh và gần một nửa hệ thống phòng không của Armenia bị vô hiệu hóa nhanh chóng, mở đường cho bộ binh Azerbaijan tiến sâu mà gần như không vấp phải kháng cự đáng kể. Bayraktar TB2 - mẫu UAV tầm trung, tầm bay dài - đồng thời thực hiện các nhiệm vụ tấn công chính xác và trinh sát chiến thuật. Các hệ thống phòng không cổ lỗ từ thời Liên Xô như S-300 của Armenia hoàn toàn bất lực trước những UAV nhỏ bé nhưng linh hoạt này. Trong khi đó, các drone cảm tử Harop tiếp tục khai thác điểm yếu còn lại của hệ thống phòng không đối phương.

Chiến lược phối hợp tác chiến giữa UAV, pháo binh và chiến tranh điện tử đã thể hiện sự tiến hóa vượt bậc của mô hình tác chiến mạng lưới. Azerbaijan cũng tận dụng khéo léo sức mạnh tuyên truyền khi công bố các đoạn video ghi lại cảnh tiêu diệt lực lượng đối phương, tạo ra hiệu ứng tâm lý lan tỏa trong và ngoài nước. Cuộc chiến này buộc nhiều lực lượng quân sự trên thế giới phải nhìn lại toàn bộ học thuyết phòng thủ, đặc biệt là phòng không tầm thấp.

Chỉ năm năm sau, trong cuộc leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan vào tháng 5/2025, thế giới tiếp tục chứng kiến một chương trình tác chiến bằng drone ở mức độ cao hơn. Sau vụ thảm sát tại Pahalgam, Ấn Độ phát động Chiến dịch Sindoor nhằm triệt phá cơ sở khủng bố trên lãnh thổ Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát. Đáp lại, Pakistan triển khai Chiến dịch Bunyan Al Marsoos, mở màn cho một cuộc đối đầu mà UAV trở thành lực lượng chi phối tuyệt đối trên chiến trường.

Ấn Độ sử dụng kết hợp các drone cảm tử Harop và Harpy của Israel nhằm triệt hạ hệ thống phòng không Pakistan theo chiến thuật SEAD. Đồng thời, các UAV nội địa như Nagastra-1 cũng được huy động với cả hai chế độ trinh sát và cảm tử. Pakistan, trong khi đó, chủ yếu dựa vào Bayraktar TB2 cho các cuộc tấn công ngắn, song kết hợp thêm UAV CH-4 do Trung Quốc sản xuất và các drone FPV (UAV điều khiển theo góc nhìn thứ nhất) giá rẻ hoạt động theo đội hình bảo vệ UAV mang đầu đạn, tạo thành mạng lưới vây hãm phòng không Ấn Độ.

Ước tính tổng số UAV được Pakistan huy động trong chiến dịch lên tới gần 900 chiếc, chưa kể hàng trăm UAV hỗ trợ khác. Đáng chú ý, Pakistan cũng thể hiện khả năng thích ứng khi triển khai hệ thống radar mồi nhử nhằm dụ UAV đối phương hạ thấp độ cao trước khi tiêu diệt. Cả hai bên đều tận dụng tối đa các đoạn phim chiến sự để phục vụ mục tiêu tuyên truyền khiến chiến tranh tâm lý trở thành mặt trận song song không kém phần khốc liệt so với các mũi tiến công trên thực địa.

Bước ngoặt mới nhất, táo bạo và tinh vi hơn, được ghi dấu bằng chiến dịch tấn công bằng drone của Ukraine nhằm vào các căn cứ không quân Nga ngày 1/6 vừa qua. Chiến dịch mang mật danh “Pavutyna” (Mạng nhện) được tổ chức bài bản, cho thấy tiềm năng cực lớn của UAV trong chiến tranh phi đối xứng. Sử dụng hàng loạt drone FPV gắn trên xe tải, được ngụy trang và bí mật vận chuyển sâu vào lãnh thổ Nga, Ukraine đã đồng loạt phóng các UAV mang thuốc nổ nhắm vào những căn cứ chiến lược, phá hủy nhiều máy bay ném bom Tu-95 và Tu-22 có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Khoảng cách tiến công sâu tới hơn 4.000km phơi bày những khoảng trống đáng báo động trong hệ thống phòng không Nga vốn vẫn phụ thuộc vào nhiều thành phần công nghệ từ thời Liên Xô cũ.

Với chi phí chế tạo chỉ vài nghìn USD cho mỗi drone FPV, đổi lại là những thiệt hại chiến lược cực lớn về máy bay và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga, chiến dịch này minh chứng sức mạnh cân bằng của UAV trong tay những quốc gia nhỏ hơn nhưng linh hoạt hơn về chiến thuật. Trong bối cảnh các hệ thống phòng thủ mặt đất truyền thống dần trở nên lỗi thời, các cuộc tấn công bằng drone khiến khái niệm về “chiều sâu chiến lược” và “hậu phương an toàn” trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Sự phát triển thần tốc của công nghệ drone đã mở ra nhiều vấn đề an ninh mới, đặc biệt trước nguy cơ rơi vào tay các tổ chức phi nhà nước, trong đó có khủng bố. Với chi phí chế tạo thấp, công nghệ điều khiển đơn giản, cộng thêm thị trường chợ đen dễ dàng tiếp cận, nguy cơ UAV tấn công các mục tiêu dân sự, cơ quan công quyền ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý mà drone tạo ra vượt xa tác động của các hình thái tác chiến truyền thống: hình ảnh ghi hình thực địa theo thời gian thực lan truyền mạnh trên không gian mạng, gieo rắc tâm lý bất an sâu rộng cho công chúng, vượt ra ngoài biên giới của các bên tham chiến.

Ngày nay, các UAV không chỉ đơn thuần là công cụ phụ trợ cho các lực lượng tác chiến mặt đất mà đang dần trở thành nhân tố định hình chiến tranh thế hệ mới. Từ Nagorno-Karabakh, Ấn Độ - Pakistan cho tới Ukraine, mỗi chiến dịch đều là bài học cảnh báo giới quân sự toàn cầu về sự dịch chuyển căn bản trong học thuyết chiến tranh.

Khi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và điều khiển mạng lưới tiếp tục được tích hợp sâu rộng vào hệ sinh thái UAV, vai trò của drone trong chiến tranh hiện đại chỉ có xu hướng ngày càng gia tăng. Song song với đó, các quốc gia buộc phải phát triển nhanh chóng năng lực phòng thủ linh hoạt, bảo vệ chuỗi cung ứng công nghệ, đồng thời xây dựng hành lang pháp lý và đạo đức phù hợp để kiểm soát rủi ro từ loại vũ khí đầy sức mạnh nhưng cũng đầy nguy cơ này.

Chiến tranh hiện đại đang đứng trước một kỷ nguyên nơi UAV không chỉ đơn thuần là vũ khí, mà trở thành trung tâm của toàn bộ cục diện tác chiến. Những bài học từ Nagorno-Karabakh, từ dãy Himalaya cho tới vùng trời Đông Âu hôm nay, sẽ còn định hình sâu sắc học thuyết quân sự toàn cầu trong nhiều thập niên tới.

Đặng Hà

Ngày 24/7, đội tàu Hải quân Ấn Độ do Chuẩn Đô đốc Susheel Menon – Chỉ huy Hạm đội miền Đông Hải quân Ấn Độ dẫn đầu đã cập Cảng Tiên Sa, bắt đầu chuyến thăm xã giao thành phố Đà Nẵng trong 3 ngày.

Vào khoảng 0h ngày 24/7, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận thông tin khẩn cấp về nguy cơ vỡ đê tại xã Dân Quyền (cũ), nay là xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá…

Từ thông tin được người dân phản ánh, Thiếu tướng Đỗ Thanh Bình, Cục trưởng Cục CSGT đã chỉ đạo các tổ công tác của Cục CSGT truy tìm, xử lý nghiêm tài xế Audi có hành vi chạy xe lạng lách, chèn ép các phương tiện khác trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Đầu năm học mới là thời điểm nhu cầu mua sắm xe máy điện, xe đạp điện tăng mạnh, đặc biệt từ phụ huynh và học sinh cấp 2, cấp 3. Nắm bắt xu hướng đó, hàng loạt dòng xe máy điện “nhái” các thương hiệu nổi tiếng đang được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, thậm chí cả các cửa hàng nhỏ lẻ.

Giữa lòng Hà Nội, trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghệ sôi động của cả nước, lực lượng Công an Thủ đô đang ngày đêm mở những trận đánh quyết liệt, không khoan nhượng vào các ổ nhóm tội phạm kinh tế. Trên trận tuyến này, lực lượng Cảnh sát Kinh tế đã thể hiện sự tinh nhuệ, trí tuệ sắc bén để bảo vệ thị trường, sức khỏe của người dân trước những hiểm họa từ các đường dây buôn bán hàng cấm.

Cả chục năm qua, “cuộc chiến” giành lại vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội dường như vẫn chưa có bài giải khi Thủ đô đã tổ chức nhiều đợt ra quân để lập lại trật tự đô thị, có những cao điểm làm mạnh tay, nhưng một thời gian sau lại đâu vào đấy.

Nga và Ukraine đã tiến hành một phiên họp kéo dài chỉ 40 phút tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để thảo luận về hòa bình, trong đó đạt được một số đồng thuận nhân đạo nhưng vẫn bất đồng sâu sắc về ngừng bắn và cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc THCS ở mức độ 3, song những năm gần đây, chỉ riêng việc tuyển sinh vào khối lớp 10 hàng năm đã có hơn chục nghìn học sinh lớp 9 không có cơ hội vào trường THPT công lập. Do chưa đến tuổi lao động nên hầu hết số học sinh này đều phải tiếp tục theo học các trường tư thục, trường cao đẳng, trung cấp nghề hoặc theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, việc cấp phép, quản lý đối với hoạt động của khối trường tư thục bậc THPT đang có nhiều vấn đề đáng quan ngại…

Hôm nay, dự báo tình hình thời tiết mưa to vẫn tiếp tục diễn ra khắp miền Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hứa sẽ ban hành luật mới trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp diễn cũng như làn sóng phản đối một đạo luật được thông qua đầu tuần này mà các nhà phê bình cho rằng làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine. 

Trước tình hình mưa lũ phức tạp do ảnh hưởng của bão số 3 (bão Wipha), chiều 23/7, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc khẩn cấp với Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ nhằm rà soát công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy điện và ứng phó thiên tai trên lưu vực sông Cả.

Chiều 23/7, đối tượng sát hại người đàn ông lái xe ôm tại địa bàn xã Tuấn Sơn (tỉnh Lạng Sơn) đã bị lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp Công an tỉnh Bắc Ninh bắt giữ khi đang lẩn trốn ở tỉnh Bắc Ninh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.