Cách mạng công nghiệp 4.0: Thế giới sẽ được “số hóa”?
- Ngành xây dựng chuyển biến với công nghệ số hóa
- Chính thức khởi động Hệ tri thức Việt số hoá
- Số hóa não bộ chặng đường còn nhiều gian nan
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tiến triển theo một hàm số mũ, tạo nên những thay đổi theo cả chiều rộng và chiều sâu, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị hay những bước nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả. Rõ ràng, cuộc cách mạng này sẽ tác động và làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống, tạo nên nhiều xu hướng công nghệ tất yếu trong tương lai.
Chưa bao giờ thế giới đứng giữa những cơ hội và thách thức lớn đến vậy khi mà cách mạng 4.0 đang mở ra nhiều triển vọng khởi nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau.
Đầu tư vào Trí tuệ nhân tạo (AI)
Có vẻ như con người đang dần tiến tới thời điểm mà các doanh nghiệp hoàn toàn phải thông qua AI để giữ được sự tăng trưởng. Giới quan sát cho rằng, AI sẽ xóa mờ ranh giới giữa các dữ liệu cấu trúc và không cấu trúc.
Theo đó, các phương tiện được kích hoạt bằng giọng nói, điện thoại thông minh, hay thậm chí dữ liệu lớn (big data - thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được) sẽ phải mất nhiều năm mới có thể vượt qua AI.
Trí tuệ nhân tạo. |
Thế nên, AI có nhiều khả năng sẽ vượt ra ngoài phạm vi kinh doanh. Những người có tầm nhìn xa và các nhà lãnh đạo thế giới tin rằng AI có quyền thay đổi cảnh quan thế giới. Trên thực tế, các công ty lớn không tiếc đầu tư nguồn lực vào việc tích hợp trí thông minh và cải thiện năng lực dự đoán bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Hiện nay, sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng cho phép các công ty nhỏ hơn tham gia vào cuộc cách mạng AI, và các viện đại học bắt đầu mở lớp dạy về triển vọng của lĩnh vực này.
Nhờ AI mà giới kinh doanh có thể khởi nghiệp với công nghệ Chatbot - những dịch vụ tự động tương tác với con người (cụ thể là khách hàng), và cung cấp thông tin cho họ thông qua một giao diện trao đổi (chat).
Theo đánh giá, sau khi giúp Chatbot chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong năm 2017, AI tiếp tục tạo nên nhiều đột phá, đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động doanh nghiệp. Các công ty sẽ ngày càng dựa vào Chatbot để giảm chi phí dịch vụ khách hàng, cũng như dịch vụ bảo hiểm và tài chính. Dự kiến sẽ có hơn 85% số lượng các tương tác với khách hàng với máy móc vào năm 2020.
Thương mại hóa Công nghệ thực tế ảo (AR/VR)
Theo sau hiện tượng Pokemon Go, công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) đã trở thành một phần quen thuộc. Cùng lúc đó, VR (thực tế ảo) cũng cung cấp tiềm năng đầy ấn tượng cho giới doanh nghiệp từ năm 2017.
Không thể phủ nhận rằng năm 2017 là năm VR được thương mại hóa. Kính thực tế ảo Oculus Rift của Facebook và HTC Vive dẫn đầu trong các hệ thống VR đầy đủ điện năng. Các nhà phân tích ước tính có ít hơn 1 triệu đơn vị đã được bán giữa hai bên. Về ngành công nghiệp giải trí, những nhà làm phim đang tạo ra các câu chuyện tốt hơn, hấp dẫn hơn nhờ sự hỗ trợ của AR và VR.
Đối với các nhà phát triển đang mơ mộng những điều như được làm việc cùng với những nhà làm phim hàng đầu thế giới để sản xuất các siêu phẩm trên máy tính, VR cung cấp một cơ hội cực kỳ lớn để được ở “ngã tư” giải trí và công nghệ.
Theo đó, khởi nghiệp AR và VR được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2018 khi 30% số công ty thuộc nhóm Global 2000 (những công ty lớn nhất thế giới) dự kiến sẽ thử nghiệm AR và VR trong lĩnh vực tiếp thị, còn một số nhà làm phim đang âm thầm triển khai “Kế hoạch VR” để sản xuất phim ở Hollywood.
Công nghệ AR và VR. |
Bùng nổ công nghệ Chuỗi khối (Blockchain)
Sự tăng trưởng chóng mặt của đồng tiền ảo trong năm 2017 đã khiến giới kinh doanh để mắt tới một công nghệ cực “hot” - Blockchain (công nghệ cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa vào hệ thống mã hoá vô cùng phức tạp). Ngoài là nền tảng để phát triển nhiều loại tiền ảo, Blockchain còn là một công nghệ tạo ra cách mạng hóa trong tất cả ngành công nghiệp.
Ngay trong những tháng cuối năm 2017, nhiều công ty công nghệ đã giới thiệu những nền tảng Blockchain riêng của họ. IBM được coi là người đi đầu, đã và đang hợp tác với các ngân hàng, các nhà phân phối thực phẩm, và các cơ quan quản lý của chính phủ để đưa Blockchain vào sử dụng. Tuy nhiên, Microsoft, Oracle, và Amazon lại có ưu thế về độ thân thiện, và cuộc chiến giành quyền thống trị Blockchain ở cấp độ doanh nghiệp đang nóng lên từng ngày.
Giới quan sát dự báo, thế giới sẽ chứng kiến sự bùng nổ các nền tảng Blockchain về lĩnh vực kinh doanh trong năm 2018. Các doanh nghiệp sẽ bắt đầu xây dựng ứng dụng trên nền tảng Blockchain, khiến nhu cầu của các nhà phát triển Blockchain bùng nổ.
Điều này đặt ra yêu cầu gia tăng nhân lực “khủng khiếp” làm Blockchain đối với ngành công nghiệp phần mềm.
Theo số liệu năm 2017, chỉ có 5.000 nhà phát triển Blockchain trên thế giới. Chắc chắn rằng số lượng sẽ tăng lên nhanh chóng vào năm 2018. Năm mới hứa hẹn sẽ là một cơn sốt cho các nhà phát triển phần mềm, những người tận tâm với Blockchain, và họ sẽ tạo nên những cuộc cạnh tranh thú vị trong lĩnh vực Blockchain đầy tiềm năng nhưng cũng vô vàn thách thức.
Bước nhảy vọt của Vạn vật kết nối (IoT)
Một số công ty công nghệ gần đây cho thấy họ đang tập trung vào sản xuất các thiết bị thông minh trong chiến lược tiếp cận thị trường của năm 2018. Thiết bị thông minh là một lĩnh vực giao thoa của AI và IoT (Internet vạn vật, hay mạng lưới các thiết bị kết nối Internet), thu hút sự chú ý và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người.
Theo đó, cùng với sự đổ bộ của các thiết bị thông minh (như thiết bị bay không người lái, hay ô tô tự lái), giới quan sát dự đoán sẽ diễn ra sự chuyển đổi từ một đồ vật thông minh thành một mô hình các công cụ và dụng cụ kết hợp với nhau. Các công ty công nghệ đang tận dụng ưu thế này nhằm nghiên cứu các phương pháp thiết kế và chế tạo công cụ lưu trữ dữ liệu khổng lồ với giá thành rẻ và tốc độ ghi nhanh hơn. Chính ý tưởng này đã mở đường cho Điện toán ranh giới (EC) phát triển.
Internet công nghiệp là nơi thiết bị “học” từ toàn bộ mạng lưới. Điện toán ranh giới là một cấp độ cao hơn, khi thiết bị “học” từ kinh nghiệm của chính mình và tổng hợp vào những gì “học” được từ đám mây (cloud). Điều này giống như cách con người học ở trên lớp và học từ thử nghiệm và lỗi sai ngoài đời thực.
Trong đó, phần học tập thứ nhất giúp con người tiến xa đến mức nhất định, còn phần học tập thứ hai sẽ giúp họ có bước tiến “nhảy vọt” nhờ kết hợp kiến thức sách vở với trí thông minh đời thực và trải nghiệm cá nhân. Đối với người dùng cuối, các thiết bị IoT sẽ có thể thực hiện phân tích thời gian thực nhanh hơn, ngay cả khi chúng ở nơi có kết nối kém.
Khi EC dần được ưu tiên, giới công nghệ và đầu tư sẽ phải tính dần đến chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu cũng như đội ngũ kĩ sư mạng “chắc tay”, tạo nền tảng vững chắc cho cơ sở hạ tầng của IoT trong tương lai. Điện toán ranh giới cho phép công ty tối ưu hoá hiệu suất và thời gian hoạt động của thiết bị, tạo hiệu quả tối đa trong mức chi phí giới hạn, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đến môi trường. Đây thực sự là một “bước nhảy vọt” có ý nghĩa to lớn đối với thế giới.
An ninh mạng. |
Cơn sốt An ninh mạng
An ninh mạng liên tục chiếm lĩnh các dòng tin tức trên thế giới trong năm 2017 và được dự đoán sẽ tiếp tục sôi động vào năm 2018 với sự gia nhập của những công ty khởi nghiệp mới.
Trong năm 2017, an toàn thông tin cá nhân trên mạng trở thành vấn đề nóng hổi sau hàng loạt những “sự cố” như vụ tấn công hãng đánh giá tín dụng Equifax, sự xuất hiện của mã độc “hủy diệt” WannaCry, hay vụ ăn cắp thông tin cá nhân liên quan đến hãng Uber.
Vì vậy, an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu, khiến các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ trên thế giới phải tích cực đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển các giải pháp bảo vệ an toàn.
Từ nội bộ, các doanh nghiệp sẽ tập trung xây dựng phần mềm an ninh, thử nghiệm tự động bảo mật, đồng thời “vá” các lỗ hổng xuất hiện. Bên ngoài, các nhà đầu tư đang mạo hiểm bắt đầu khởi nghiệp về an ninh mạng bằng vốn riêng.
Ngoài ra, việc thiếu hụt nhân lực quản trị và đảm bảo an ninh mạng cũng rất được quan tâm khi theo thống kê có đến gần 50% các đơn vị và tổ chức đang ở vào tình trạng không có nhân tài an ninh mạng. Giống như Blockchain và EC, an ninh mạng trong năm 2018 được dự báo là mảnh đất màu mỡ để phát triển, cũng như là sân chơi để các nhân tài phô diễn khả năng, từ đó ngăn chặn nguy cơ mất an toàn mạng và xa hơn có thể là chiến tranh trên không gian mạng.